Mẹ ơi! Sao Mẹ khóc? (Tĩnh tâm tháng mười)

0
63

ảnh minh họa

Trong nhà người công giáo nào, có lẽ cũng có ít nhất một tượng Đức Mẹ.

Và vì thế,  nhà nào cũng thường đọc kinh tối. không nhiều thì ít, chẳng mấy gia đình là không đọc lấy ít kinh kính mừng trước ảnh tượng  Đức Mẹ. Như thế, rõ ràng Đức Mẹ đã trở thành một điểm tựa thiết thân không thể thiếu cả trong đời sống tâm linh, lẫn trong cuộc sống đời thường của người công giáo.

 

Ngoài việc cầu nguyện to tiếng bằng đọc kinh kính mừng; hát những bài hát ca tụng Đức Mẹ, người ta còn thầm thì, còn thầm thĩ, có khi cả trong nước mắt, để kêu cầu với Mẹ.

Và nếu, có thể, khi nấp được ở đằng sau tượng Đức Mẹ, hẳn mình sẽ nghe thấy những lời cầu xin của mọi người.

Lời  mình nghe được, toàn là những lời thở than. Bởi ông chồng nhà con khô khan quá. Lạy Đức Mẹ, xin cho chồng con  bỏ được tính rượu chè be bét.

Mẹ ơi! Xin cho cái con gái của con, nó bỏ cái thằng bên lương đi. Con không bằng lòng tí nào.

Lạy Đức Mẹ, xin Mẹ, biến đổi cái thằng con trai con, nó ngang ngược quá mức, cứng đầu cứng cổ.

Xin Đức Mẹ cho con qua khỏi cơn bệnh này…. Và cũng có khi.

Lạy Đức Mẹ, con nợ nần quá, bởi thua số đề quá nhiều, xin Mẹ cho con trúng quả này để con gỡ,…dại dột chơi số đề rồi bắt mẹ gỡ nợ.

Đứng sau tượng Đức Mẹ, nghe mà không khỏi thở dài. Tội nghiệp Đức Mẹ, toàn phải nghe những lời đau khổ. Và chợt nghĩ, mình đau khổ, thì mình kêu với Đức Mẹ thật, chắc Đức Mẹ cũng thương mà nâng đỡ thôi, nhưng còn đời Đức Mẹ, Đức Mẹ đau khổ ngập đầy thì thở than với ai.

Ta đừng tưởng, là Đức Mẹ là ngon đâu! Dĩ nhiên, được Thiên Chúa chọn,để đồng công cứu chuộc với Chúa, quả thực là một hồng phúc vô cùng lớn lao.

Bà có phúc lạ hơn mọi người phụ nữ cơ mà. Nghĩa là trong tất cả các người phụ nữ trên thế giới từ xưa đến nay và mãi về sau, Đức Mẹ là người lãnh được hồng phúc lớn nhất.

Vì vậy, cái thế đứng của Đức Mẹ là một thế đứng vô cùng cao trọng với tất cả các tước vị cao sang; mà đã được Giáo Hội thâu tóm lại trong kinh cầu mà chúng ta vẫn đọc: “Đức Mẹ là cửa thiên đàng.Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa”.

Riêng với tôi, tất cả những tước vị cao trọng ấy, sẽ trở nên xa lạ, dửng dưng nếu như Đức Mẹ không có một trái tim yêu thương gần gũi vô bờ dành cho nhân loại chúng ta.

Có những lúc, tôi cố gắng sống đạo đức, hết sức làm những việc lành. Tôi nghĩ như thế, Chúa sẽ thương mình, sẽ gần gũi, để mình không bị những thất bại, những đau khổ.

Nhưng khi đọc lại cuộc đời Đức Mẹ, tôi bỗng giật nảy mình, có ai lại ngoan như Đưc Mẹ đâu cơ chứ! Cả đời Mẹ là một chữ xin vâng kéo dài “ này Tôi là tôi tớ Chúa, Tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền”.

Xin vâng cả khi mình chưa hiểu gì, lẫn khi biết đó là con đường gian nan.

Ngoan thế, dễ thương thế, mà sao đời Mẹ lại quá nhiều khổ đau?

Vừa xin vâng để ngôi lời nhập thể,  thì đau khổ đã ùa tới. Mối tình đầu rạn nứt, chuẩn bị vỡ toang. Thánh Giuse định lìa bỏ cách kín đáo.

Có người con gái nào, mà không hoảng loạn, phải nhiều đêm thức trắng, khi thấy gần tới ngày cưới mà người yêu định bỏ đi.

Rồi vết thương ấy vừa được băng bó lại, bằng lời báo mộng của Thiên Thần với Thánh Giuse trong giấc ngủ. Thì đùng một cái, đến ngày sinh con.

Thánh Giuse không nói, nhưng tôi nghĩ, trong đêm hôm sinh con ấy, Đức Mẹ đã khóc hết nước mắt. Tủi quá, cuộc đời ơi. Có ai cay đắng ê chề như mình không nhỉ? Giữa một chuồng súc vật hôi thối mà mình lại sinh con. Có bà nào, chị nào, mà nỡ phải sinh con trong chuồng heo, thì sẽ nghe xót xa thế nào?

Mẹ ơi! Sao Mẹ khổ thế. Cho nên con bỏ qua không nói đến những đau khổ tiếp theo ấy nữa, mà chỉ nói đến một chút nữa, ở quãng đời tử nạn của Chúa thôi.

Mẹ hiểu một điều, con mình chính là Ngôi Hai Thiên Chúa, vì yêu thương, mà đã bỏ trời cao xuống làm nguời, với khát vọng duy nhất, là để chỉ cho con người  biết lối mà lên trời, để làm con Thiên Chúa.

Cho nên trong hành trình rao giảng của Chúa, Đức Mẹ luôn đồng hành nhưng giấu mặt phía sau. Chứng kiến tận mắt những mưu đồ, những cạm bẫy, những đểu cáng mà con người đối xử đối với con của mình. Nhưng rõ rệt và chua chát nhất là trong quãng đời thương khó của Chúa.

Nhìn người ta hành hạ con mình, dập vùi con mình mà trái tim vỡ tung nát vụn. Cuộc đời thì khổ vì những đứa con rắn mặt, khó dậy, hư hỏng, nhưng đàng này, thì Mẹ lại đau khổ, vì con mình quá ngoan. Giá như nó hư hỏng, cuộc đời giầy đạp, thì cũng con hiểu được. Nhưng đàng này, con mình lại quá ngoan, con mình chỉ toàn làm những điều tốt, nói những lời chân lý, mà sao người ta lại ngược đãi con tôi.

Đứng dưới chân Thánh Giá, bên xác con mình, Thiên Chúa của mình mà lòng tan nát.

Và rồi, sau khi Chúa về trời. Đức Mẹ cũng được ân thưởng trên trời bên Chúa. Ở nơi cao vĩnh phúc, mà lòng Mẹ cũng chẳng được yên. Lòng cứ quăn đau từng phút, từng giây. Bởi vì, khi nhìn xuống trần đời ô trọc, Mẹ cứ nghe như rụng rời chân tay. Quá nhiều người mù lòa, không nhận biết Hồng ân cứu độ của Chúa Giêsu con Mẹ!

Người ta chỉ biết cúi mặt,đi tìm những thứ dính trên mặt đất, như của cải, như nhục dục, như chức quyền, mà bỏ quên mất phần linh hồn cao cả của mình.

Người ta tự đưa đời mình vào những cạm bẫy của hỏa ngục.

Chứng kiến những cảnh hư mất này, Mẹ lo. Vì yêu, nên Mẹ lo. Cho nên Mẹ không thể ngồi yên. Có bà mẹ nào có thể ngồi yên được khi thấy đàn con của mình đang sắp sửa rơi xuống vực thẳm, huống chi là Đức Mẹ.

Cho nên Mẹ đã đi khắp nơi, đến khắp các miền. nào là Fatima, ở Lộ Đức, ở Mễ Du, ở La Vang, ở Trà Kiệu, … và ở vô vàn những nơi khác nữa, trên trái đất này.

Lần nào hiện ra, Mẹ cũng buồn. Hết chỉ cách này, đến cách khác, toàn là những các đơn giản: như siêng năng tôn sùng trái tim Mẹ, như việc lần hạt mân côi…..Mẹ chỉ mong, người ta biết nghĩ lại, biết trở về, biết nâng cao giá trị làm người.

Và hầu hết, lần hiện ra nào Mẹ cũng khóc, có những nơi, nước mắt Mẹ còn là những giọt máu tươi.

Mẹ thương quá, đàn con của Mẹ, những đứa con của Chúa Giêsu, con Mẹ.

Mẹ muốn đời con được bình an và hạnh phúc cho nên Mẹ phải bôn ba khắp nơi.Vì vậy, có lúc tôi nghĩ: muốn vẽ hình của Mẹ, tôi chỉ cần vẽ một trái tim. Bởi đời Mẹ chính là tình yêu nồng nàn. Và trái tim ấy, khi di chuyển lại biến thành giọt nước mắt. Bởi suốt đời, Mẹ đau khổ vì con cái.

Mẹ đau khổ trong trái tim, trong linh hồn. Mẹ đau khổ trong suốt hành trình dõi theo Chúa. Cho nên chắc chắn một điều, Mẹ hiểu và thông cản được hết những đau khổ của chúng ta, những đứa con yêu của Mẹ. Mẹ vất vả đi tìm chúng ta, chúng ta đừng chốn chạy, hãy đến để Mẹ phù giúp cho. Bởi Mẹ đã hiểu thế nào là đau, thế nào là khổ, thế nào là cay, thế nào là đắng.

Vì vậy, khi đứng trước ảnh tượng Mẹ, có một câu hỏi mà tôi thường hay hỏi Mẹ: “Mẹ ơi! Sao Mẹ khóc?” “Mẹ ơi! Sao Mẹ khóc?”

DTEHIM

t. WGPLX