Kitô hữu và việc truyền giáo qua mạng xã hội

0
62

Kitô hữu và việc truyền giáo qua mạng xã hội

Vừa qua, đã xảy ra một chuyện khá đặc biệt, đó là tại một giáo xứ nọ thuộc giáo phận Xuân Lộc người ta đã làm một hang đá mà phông nền được dựng có hình hai lá cờ, cờ Tòa Thánh Vatican (vàng-trắng) và cờ nước CHXHCNVN (sao vàng trên nền đỏ). Ngay sau khi hình ảnh này được một trang fanpage Công giáo đưa lên facebook (FB) thì lập tức gặp nhiều phản ứng từ phía cư dân mạng Công giáo. Phần đông đều không tán thành việc này, cho rằng khó coi, phản cảm, không thích hợp vv. Và rồi chỉ sau một thời gian ngắn, do sức ép và phản ứng của dư luận, giáo xứ này đã lập tức thay đổi một bên phông nền hang đá, cờ đỏ sao vàng được thay bằng cờ Đức Mẹ (xanh-trắng).

Như vậy, đủ thấy rằng MXH có một sức hút và sức lan tỏa rất nhanh chóng và mạnh mẽ. Giả như nếu không có thông tin trên mạng, ta sẽ không biết sự việc gì đã xảy ra tại hang đá của giáo xứ nọ ở giáo phận Xuân Lộc, đồng thời giáo xứ ấy cũng chẳng có cơ hội nhận ra sai sót mà sửa đổi. Đó là tác dụng truyền thông rất hiệu quả của MXH mà bất kỳ ai cũng phải công nhận.

Do vậy, có lẽ cho tới bây giờ, không ít người Công giáo chúng ta đã và đang sử dụng mạng xã hội (MXH) như một công cụ hữu hiệu để thực hiện công cuộc truyền giáo. Để dẫn chứng, chúng ta có thể liệt kê vài chứng từ cụ thể sau đây: [1]

Ngày nay, loan báo Tin Mừng qua mạng xã hội facebook (FB) là một cách truyền thông niềm tin hữu hiệu mà nhiều bạn trẻ hướng đến.

Việc chia sẻ niềm tin Công giáo trên mạng xã hội, trước tiên cũng là một cách để người tín hữu tuyên xưng đức tin của mình trước cộng đồng mạng, đồng thời mời gọi mọi người cùng ý thức hơn trong việc sống đạo. ‘Tôi hay chia sẻ những thông tin về việc thiện nguyện, bác ái và sống đẹp. Qua đó nhân rộng hơn cho mọi người cùng biết trong đời vẫn còn rất nhiều tấm lòng vàng đang âm thầm tỏa hương cho đời’, chị Nguyễn Thị Kim Bích (Gx Đức Hòa – GP Mỹ Tho) chia sẻ.Là người Kitô hữu, chúng ta được lớn lên với Lời Chúa, việc chia sẻ đức tin của mình trên mạng xã hội là cách nhanh nhất để mang Chúa đến gần hơn với mọi người. Chị Phạm Thị Ngân (Gx Đạo Truyền – GP Hà Nội) cho biết: ‘Việc chia sẻ đức tin của mình lên Facebook cũng là một cách tôi nhắc nhở chính bản thân mình luôn sống đúng tinh thần Kitô hữu, đồng thời truyền tải niềm hy vọng và tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa đến với anh em’.

* CÓ NÊN CỔ VŨ VIỆC TRUYỀN GIÁO QUA MẠNG XÃ HỘI?

Câu trả lời sẽ là rất nên. Bởi vì chính hai vị Cha chung, ĐTC Bê-nê-đic-tô XVI và Phan-xi-cô đều đã và đang sử dụng mạng Twitter và các ngài đã trở thành những thành viên tích cực của MXH này.

1- TRƯỜNG HỢP ĐTC BÊ-NÊ-ĐIC-TÔ XVI VÀ ĐTC PHAN-XI-CÔ [2]

Chúng ta biết rằng, kể từ thời ĐTC Bê-nê-đic-tô XVI, mạng xã hội đã trở thành một phương tiện quen thuộc để Tòa Thánh mở rộng vòng tay với cộng đồng. Các vị đứng đầu Giáo hội Công giáo đã không “làm ngơ” mạng xã hội khi nó ngày càng trở nên quen thuộc với các “công dân mạng”. Ngày 12-12-2012, ĐTC Bê-nê-đic-tô XVI đã chính thức gia nhập mạng xã hội Twitter với tên truy cập là Benedict XVI, để cập nhật tình trạng cũng như những thông điệp của mình tới giáo dân. Bất cứ ai cũng có thể đăng ký để theo dõi các thông điệp của ĐTC bằng nhiều thứ tiếng thông qua địa chỉ @Pontifex. Từ đó, Tòa Thánh đã trở thành thành viên “tích cực” của truyền thông xã hội.

Trong thông điệp đưa ra trong ngày Truyền thông Thế giới 24-1-2013, ĐTC Bê-nê-đic-tô XVI đánh giá: “Mạng xã hội chính là cánh cửa của sự thật và đức tin, không gian mới cho việc chia sẻ tin mừng và hy vọng”. Sự kiện ĐTC tham gia Twitter được xem là phương thức để kết nối hiệu quả hơn với giới trẻ. Twitter của ngài lúc đó thu hút khoảng 2,5 triệu người đăng ký theo dõi.

Tiếp sau ĐTC Bê-nê-đic-tô là ĐTC Phan-xi-cô, ngài cũng quan tâm đến vai trò và hiệu quả của MXH. Ngài cũng đã thường xuyên sử dụng mạng Twitter. Báo giới nước ngoài từng ví von ĐTC Phan-xi-cô như một “siêu sao” trên mạng xã hội, nhưng người làm nên “huyền thoại” ấy lại không chú trọng đến những sự nổi danh. Cha Lombardi khẳng định: “ĐGH Phanxicô không tìm kiếm sự nổi danh cũng như thành công. Ngài chỉ thực hiện nhiệm vụ loan báo Tin mừng Phúc âm, để bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người trên Trái đất”.

Tài khoản Twitter của ĐTC @Pontifex hiện có 9 ngôn ngữ, kể cả tiếng Ả Rập. Theo một nghiên cứu năm 2015 từ Twiplomacy, tài khoản Twitter của ĐTC có trên 25 triệu người theo dõi bằng các ngôn ngữ khác nhau, bỏ xa các nhà lãnh đạo thế giới hay những ngôi sao hàng đầu có ảnh hưởng nhất trên mạng xã hội. Tài khoản @Pontifex trong phiên bản tiếng Anh của ngài đạt mức trung bình khoảng 8.200 lượt chia sẻ với mỗi câu tweet của ĐTC.

Vị chủ chăn đứng đầu Giáo hội luôn hy vọng rằng sự hiện diện của ngài trên Twitter sẽ giúp truyền bá Phúc Âm đến nhiều nơi trên địa cầu. Ngài đã lan truyền thiện ý khắp thế giới, đã viết những câu tweet đầy cảm hứng từ twitter của mình, nhận định về nhiều vấn đề của xã hội và đưa ra những nhận định thẳng thắn về bản thân Giáo hội Công giáo.

2- TRƯỜNG HỢP CỦA ĐGM ROBERT BARRON, TGP LOS ANGELES (HK) [3]

Ngày 7-10-2016, trang mạng nhà thờ Thái Hà có đăng bài “Bí quyết truyền giáo trên mạng xã hội” của vị giám mục nổi tiếng tên là Robert Barron thuộc TGP Los Angeles Hoa Kỳ. Ngài có hơn 900.000 người theo dõi trên Twitter, và gần 830.000 người theo dõi trên Facebook. Có lẽ ngài là nhân vật Công giáo đụơc nhiều người theo dõi nhẩt trên mạng xã hội, chỉ sau ĐTC Phanxicô.

Ngài chia sẻ sự bắt đầu công việc của ngài, như sau: “Hãy cứ làm và thử. Tôi đã bắt đầu với những bài viết về văn hóa, và không nói gì nhiều ‘về nhà thờ’. Chúng ta có thể bắt đầu với một bộ phim, một cuốn sách, với những gì mà mọi nguời đang bàn tán? Cái gì đang xảy ra theo dòng tin tức? Hãy bắt đầu với điều đó, và sau đó hãy đi tìm những gì mà các nghị phụ Giáo hội hay gọi là ‘hạt giống của Lời Chúa,’ những ám chỉ vang vọng lại Lời Chúa mà bạn có thể trích lọc”.

Được biết, Đức cha Barron tham gia mảng truyền thông sau khi một linh mục anh em thách thức ngài, thay vì cứ than phiền về tình trạng xã hội như nhiều nguời vẫn làm, thì hãy làm sao để tiếng nói của mình đụơc lắng nghe. Từ đó, ngài bắt đầu với mảng phát thanh, sau đó là truyền hình tiếp và cuối cùng ngài thiết lập một trang mạng với chuơng trình Công giáo mang tên Word on Fire. Với những nguồn lực sẵn có hiện nay, Đức cha Barron khẳng định không có lý do gì để không thử truyền giáo trên các mạng xã hội khác nhau.

Ngài cũng đã nói rằng: “Tất cả chúng ta tất cả đều có camera có độ nét cao trong túi mình với chiếc iPhone, cũng như chúng ta có thể tiếp cận nhiều công cụ truyền thông. Bạn có thể mở một trang web khá dễ dàng, tải video lên YouTube cũng rất dễ, vì thế tôi nghĩ mọi người đều có thể làm điều này”.

 Ban đầu, ngài xóa những bình luận tiêu cực của nguời dùng YouTube, nhưng giờ đây ngài xem đó như là cơ hội để tiếp cận một nhóm nguời đặc biệt. Đức cha Barron cũng khuyến khích: “Vì thế hãy cứ thử và sáng tạo thứ gì đó. Nếu nó không hiệu quả, hãy thử cách khác. Làm sao để việc truyền giáo được linh họat và thoải mái”. Ngài khuyến khích những người sáng dạ, với cái nhìn sáng tạo đi sâu hơn vào mảng truyền thông. Khi mới bắt đầu làm video, ngài đã rất hào hứng dù chỉ với 300 nguời xem, nhưng giờ đây trong vai trò là một giám mục, ngài có hơn 19 triệu luợt xem. Bất cứ điều gì cũng có thể trong thế giới của mạng xã hội!

* BẤT CỨ ĐIỀU GÌ CŨNG CÓ THỂ TRONG THẾ GIỚI CỦA MXH!

Xin nhắc lại câu nói của ĐGM Robert Barron “Bất cứ điều gì cũng có thể trong thế giới của mạng xã hội!”. Vậy truyền giáo qua MXH, tại sao không?

Chúng ta biết rằng hiện nay, trong phạm vi Hội thánh Công giáo VN, hầu hết các giáo phận đều có website (trang web/ trang mạng). Lướt qua các trang này, chúng ta có thể thấy hầu hết thiên về mảng thông tin, giáo huấn là chính. Đôi khi có kèm chuyên mục khác trong đó có vấn đề truyền giáo. Một số ít trang hiện thu hút lượt truy cập hằng ngày khá cao.

Chúng ta cũng ghi nhận là một số dòng tu, một vài hội-đoàn-nhóm Công giáo cũng thiết lập trang web riêng và cũng đã thu hút khá nhiều người tham gia cộng tác và tương tác thường xuyên. Cũng thấy xuất hiện nhiều nhóm lập các trang fanpage trên mạng FB, qua đó hầu hết cũng quan tâm đến vấn đề truyền giáo và tái truyền giáo.

Riêng phạm vi cá nhân, chúng ta có thể ghi nhận điều này là khá đông tín hữu Công giáo tham gia MXH, cụ thể là Facebook. Bên cạnh đó, cũng thấy xuất hiện một số ít các linh mục, tu sĩ nam nữ sử dụng FB. Theo quan sát của người viết thì dường như chưa có vị GM nào tại VN sử dụng MXH, cụ thể là FB, như trường hợp Đức cha Barron bên Hoa Kỳ.

Xét riêng về ý hướng và mục tiêu truyền giáo trên MXH của tín hữu Công giáo, chúng ta có thể ghi nhận điều này là việc truyền giáo và tái truyền giáo là khả thi. Thực tế cho thấy một vài việc điển hình sau:

– Chúng ta có thể nhắc nhở nhau đi tham dự thánh lễ các ngày CN và lễ trọng;

– Chúng ta có thể chia sẻ những câu Thánh Kinh để làm “Ý lực sống” hằng ngày;

– Chúng ta có thể chia sẻ các bài suy niệm thánh lễ CN, lễ về Chúa, về Đức Mẹ, về các thánh;

– Chúng ta có thể chia sẻ những học hỏi, suy tư về các vấn đề trong Hội thánh, về đức tin, về hoạt động truyền giáo và tông đồ vv…;

– Chúng ta có thể chia sẻ những bài thánh ca hay những chương trình hội diễn văn nghệ Công giáo thông qua kênh Youtube;

– Chúng ta có thể qua MXH gặp gỡ Chúa trong anh em, như một chứng từ sau: Anh Nguyễn Duy Khanh (Gx Khiết Tâm – GP Long Xuyên) cho rằng có thể biến tài khoản Facebook cá nhân thành một “thánh đường online” giúp mọi người dễ dàng bước vào gặp gỡ Chúa trong tình liên đới, hiệp thông và cầu nguyện cho nhau. Đó không chỉ là những thông tin về Công giáo Việt Nam mà cả Công giáo thế giới. Đó còn là những bài viết cung cấp kiến thức về đạo cho mọi người như giáo dục đức tin cho giới trẻ, đời sống hôn nhân của người Kitô hữu hay tin “người thật việc thật”, đó là  những giáo hữu làm những việc tử tế, đối xử cao đẹp với mọi người” [1] ./.

Aug. Trần Cao Khải

_____________

[1] Nguồn: cgvdt.vn 01-8-2017

[2] cgvdt.vn

[3] nhathothaiha.net