Đi ra để Truyền Giáo

0
44

Trong sứ điệp của Đức Thánh Cha Phaxicô cho ngày thế giới Truyền Giáo 2016 có đoạn: Trong ngày Chúa Nhật Thế giới Truyền giáo này, tất cả chúng ta được mời gọi “đi ra” như những môn đệ truyền giáo, mỗi người quảng đại cống hiến tài năng, tính sáng tạo, sự khôn ngoan và kinh nghiệm của mình để đem sứ điệp tình thương dịu hiền của Thiên Chúa đếncho toàn thể gia đình nhân loại”.

  1. “Đi ra” theo lời Đấng Phục Sinh

Đoạn Tin mừng Mc 16, 15-20 nói về việc Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với 11 tông đồ khi các ông đang dùng bữa, nghĩa là các ông đang “có vẻ bình an”, có nhà để ở, có thứ để ăn… Đức Giêsu không muốn những môn đệ của mình ở yên như thế, nên Ngài nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”. Mệnh lệnh này đòi hỏi các ông không được ở trong căn phòng ấm cúng của mình; không được ăn uống say sưa trong sự đầy đủ của mình; không được thinh lặng trước sứ điệp Phục Sinh… Vì vậy mà các ông “ra đi rao giảng khắp nơi”.

Đây cũng là đoạn kết thúc Tin Mừng của thánh Maccô với hình ảnh một Giáo hội đi ra theo mệnh lệnh của Đấng Phục Sinh. Điều đó cũng có thể là tóm tắt một cách ngắn gọn cho việc “lắng nghe và thực hành lời Chúa” của mỗi chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta chấp nhận “đi ra”, lúc đó chúng ta mới trở thành môn đệ đích thực của Đức Giêsu.

  1. Tại sao phải “đi ra” ?

Đức Thánh Cha đã viết trong sứ điệp Truyền Giáo 2016: “Hội Thánh được sai đi loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, trái tim đang đập của Tin Mừng” (Misericordiae Vultus, 12) và công bố lòng thương xót tại mọi góc cùng của thế giới, đến với hết mọi người, người già cũng như người trẻ”. Vì vậy phải “đi ra” mới đến được “mọi góc cùng của thế giới”.

Hơn thế nữa, vì “Người dịu dàng đi vào thực tại của loài người giống như người cha người mẹ đi vào đời sống của con cái họ (x. Gr 31,20)”, nên chúng ta phải “đi ra” mới có thể “đi vào” thực tại đời sống của con người”.

Và nhất là: “Đây cũng là một khía cạnh cốt yếu của tình yêu Thiên Chúa đối với các con cái của Người, những đứa con Người đã dựng nên và muốn nuôi nấng dạy dỗ; đứng trước những sự yếu đuối và bất trung của họ, trái tim Người vẫn tràn trề sự cảm thương (x. Hs 11,8). Người tỏ lòng thương xót đối với mọi người; tình thương của Người dành cho hết mọi người và lòng nhân hậu của Người mở ra cho mọi loài thụ tạo (x. Tv 144,8-9)”. Cho nên người môn đệ phải chủ động “đi ra” để ôm ấp những con người “yếu đuối và bất trung”.

Tất cả những lý do đó cho chúng ta thấy mục đích của Truyền Giáo là để cho mọi người thấy lòng thương xót của Thiên Chúa, và phương cách Truyền Giáo là phải biết “đi ra”.

  1. Những ai phải “đi ra”?

Tông Huấn Giáo hội tại Á Châu đã khẳng định: “Bản chất của Giáo Hội là Truyền Giáo”. Như vậy, tất cả mọi người đều phải có bổn phận loan báo Tin mừng Phục Sinh.Sứ mạng này được giao phó cách riêng cho các Linh mục và Tu sĩ, những người mà với ơn gọi cao cả của mình được cộng tác cách trực tiếp với Đức Giêsu, hơn thế nữa, hành động của họ chính là hành động của Đức Giêsu. Vì vậy sứ mạng của các Linh mục và Tu sĩ ngày hôm nay không thể gói gọn trong nhà xứ hay các cộng đoàn, mà phải “đi ra” để đến những “vùng ngoại biên” theo lời của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đặc biệt là những kitô hữu đang hân hoan phấn khởi trong ánh sáng của Tin mừng Phục Sinh. Tức là những người xem ra thuận lợi trong đời sống đức tin. Họ có điều kiện để thờ phượng Chúa, họ không phải bộn bề với cuộc sống, hay lo toan bởi những sự thế gian. Họ là những người có cuộc sống tạm ổn định, có lòng đạo sốt sắng, có đời sống luân lý “tương đối” ổn. Họ dễ “đi ra” để đến với mọi ngõ ngách của cuộc đời.

Trong sứ điệp Truyền Giáo năm nay, Đức Thánh Cha ưu ái nhắc đến vai trò của người nữ trong việc “đi ra” để truyền giáo. Ngài nói: “Các phụ nữ, trong bậc sống giáo dân cũng như tu sĩ, và thậm chí nhiều gia đình, đang thể hiện ơn gọi truyền giáo của họ dưới nhiều hình thức khác nhau: từ loan báo Tin Mừng tới phục vụ bác ái….Các phụ nữ thường hiểu rõ hơn các vấn đề của dân chúng và biết cách cư xử với họ một cách thích hợp, đôi khi rất sáng tạo: trong việc chăm sóc đời sống, tập trung vào con người hơn là cơ cấu, và dành các nguồn lực nhân bản và thiêng liêng cho việc kiến tạo các mối quan hệ tốt, sự hoà hợp, hoà bình, tình liên đới, đối thoại, sự hợp tác và tình huynh đệ, cả giữa các cá nhân với nhau và trong đời sống xã hội và văn hoá, đặc biệt qua việc chăm sóc người nghèo”.

Như vậy, mọi người và cả Giáo hội đều phải “đi ra” để Truyền Giáo.

  1. Đi ra như thế nào?

Nhưng phải “đi ra” như thế nào để việc Truyền Giáo mang lại hiệu quả?

Trước hết, theo lời của Đức Giám mục Giáo phận trong dịp tĩnh tâm Linh mục Hạt Bạc Liêu Tháng 10/2016, hiệu quả của việc Truyền Giáo không hệ tại ở số lượng, không nhắm đến việc rửa tội được bao nhiêu người,nhưng quan trọng ở chỗ họ có được nghe rao giảng về Đức Giêsu chưa. Vì vậy phải làm sao để càng nhiều người được biết Đức Giêsu càng tốt. Biết đến Đức Giêsu bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng tốt nhất là bằng chính đời sống của kitô hữu.

Xin được phép dừng lại nơi sứ điệp Truyền Giáo năm 2016 của Đức Thánh Cha Phanxicô như là một gợi ý cụ thể cho việc “đi ra”. Ngài viết:

“Tại nhiều nơi, việc rao giảng Tin Mừng bắt đầu bằng việc giáo dục, được hoạt động truyền giáo dành cho rất nhiều thời gian và công sức, giống như người trồng nho nhân từ của Tin Mừng, kiên nhẫn chờ đợi cây nho sinh hoa kết quả sau nhiều năm tăng trưởng chậm chạp; bằng cách này họ làm phát sinh một dân mới có khả năng rao truyền Tin Mừng, họ sẽ đem Tin Mừng đến những nơi mà người ta nghĩ là Tin Mừng không thể được biết đến bằng cách nào khác”.

Vì vậy, phải xem giáo dục là cách thức “đi ra” để Truyền Giáo tốt nhất. Giáo dục trước hết từ gia đình. Chính cha mẹ là những người dạy cho con cái mình tiếp cận với những thực hành đức tin tiên khởi. Khi thấy con cái mình ê a gọi ba, gọi mẹ thì họ rất hạnh phúc. Nhưng hãy vươn lên một tầm cao hơn, để khi trẻ nhỏ bập bẹ đọc kinh, sấp mình lạy Chúa, múa máy để nhân danh Cha… từ sự chỉ dạy của cha mẹ thì họ chính là những cán bộ truyền giáo đầu tiên, chính là những nhà giáo dục đức tin gương mẫu. Những nhà giáo dục trong gia đình phải biết định hướng cho con cái mình đâu là giá trị thật, kẻo chúng nó chỉ được giá trị giả. Đành rằng bằng cấp, học vị là cần thiết, nhưng phải đạt được bằng chính thực lực, khả năng của mình. Vì vậy phải rèn luyện sự thành thật và phấn đấu ngay từ nhỏ, kẻo học đến lớp 6 mà chưa biết đọc như vụ việc ở Sóc Trăng, hay chỉ cần bỏ ra một số tiền là có bằng tiền sĩ… Giá trị thật này còn là một đời sống đạo đức. Siêng năng đọc kinh, dự lễ, học Giáo lý, quan tâm đến những chuyện của nhà thờ, của các hội đoàn… đó là điều mà cha mẹ cần phải mừng. Để có được điều đó cha mẹ phải dạy và tập cho con cái ngay từ nhỏ. Thực tế đau lòng là một số cha mẹ ngày hôm nay sinh con mà ít quan tâm đến việc giáo dục, nhất là việc giáo dục đức tin. Vì không quan tâm đến việc giáo dục đức tin nên các em không có đạo đức. Và đây là hậu quả rõ ràng mà cả một xã hội đang phải gánh chịu: Bạo lực học đường, vô lễ với thầy cô, bất hiếu với cha mẹ, buông thả với bản thân,… và hậu quả là trở thành tội phạm. Hơn thế nữa, tội phạm ngày càng trẻ hóa và tính chất rất tàn ác. Những điều đó khiến những nhà giáo dục trong gia đình phải suy nghĩ lại để định hướng cho con cái mình. Phải ưu tiên cho đời sống đạo, phải tập luyện những thực hành đức tin ngay từ nhỏ thì các em mới có được đạo đức tốt, mới có lương tâm ngay lành.

Kế đến việc giáo dục từ ngày xưa là phương tiện truyền giáo rất tốt cho những nhà truyền giáo. Họ dạy học với mục đích rất rõ ràng là muốn khai sáng cho các em nhỏ và giúp đỡ cho những gia đình nghèo. Nhiều người trong chúng ta không thể nào quên được hình ảnh của những nữ tu lặn lội trong mưa gió, sình lầy đi rước học sinh đến nhà thờ để dạy chữ. Dạy một buổi không thuộc, ở lại dạy thêm buổi chiều; bà cháu có gì ăn nấy, ngủ bờ, ngủ bụi mà vẫn thấy vui.

Dĩ nhiên xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng tốt hơn, hình ảnh cơ cực như ngày xưa không còn nữa. Nhưng vấn đề truyền giáo có còn được đặt vào trong công tác giáo dục của những cán bộ truyền giáo hay không, hay họ cũng trở thành một nhân viên công chức của nhà nước? Hoặc việc giáo dục đã trở thành phương tiện để kiếm sống? Chính vì vậy những nhà giáo công giáo hãy biết ý thức ơn gọi mà mình đã được trao ban để trở thành những cán bộ truyền giáo trong môi trường thuận lợi của mình. Qua đời sống tận tụy, hy sinh, bác ái… của những giáo viên có đạo, các em học sinh sẽ dễ yêu mến đạo Đức Giêsu hơn.

Trong Chúa Nhật Truyền giáo này, mọi người được nhắc lại sứ mạng Truyền giáo của mình, nhưng nhất là những người nữ, vốn có sự nhạy cảm,dịu dàng, dễ phản ánh gương mặt thương xót của Thiên Chúa; cũng như những nhà giáo dục hãy ý thức để “đi ra” khỏi bản thân mình, để cho mọi người thấy được lòng thương xót của Thiên Chúa.

Hãy noi gương Đức Mẹ là người phụ nữ được tôn vinh trong tháng 10 này để có được nét đẹp thánh thiện nhờ việc luôn lắng nghe và thực hành lời Chúa. Xin Đức Mẹ giúp chúng con biết mạnh dạn lên đường không phải để thuyết phục người khác theo đạo, nhưng để mọi người thấy được nét đẹp của Đức Giêsu trong chính đời sống chúng con.

Lm. Giuse Nguyễn