CẢM HÓA BẰNG TÌNH YÊU

0
620

Tại sao tôi không thể thực thi sự công bằng trong môi trường sống của mình? Tại sao tôi cố gắng giữ sự liêm khiết trong mọi công việc, nhưng lại không thể? Tại sao tôi làm mọi cách để sống đúng với phẩm giá mà Thiên Chúa trao ban, thì lại bị cho là người đi sau thời đại? Tại sao…?

Biết bao nhiêu câu hỏi tại sao đã trở nên một sự thách đố cho mỗi người Kitô hữu chúng ta. Hành trình theo Chúa là một hành trình đầy gian nan, thử thách; nhiều khi thấm đượm cả máu và nước mắt. Cái khó khăn của hành trình này không phải từ nơi Thiên Chúa, nhưng do bởi chính con người với nhau. Cái dễ và cái khó, cái đúng và cái sai, cái thương và cái ghét… đã trở nên một sự mặc định do con người tự định nghĩa lấy để giải quyết mọi vấn đề. Thiên Chúa đã không tồn tại trong suy nghĩ, nhận thức và hành động của con người nữa. Tuy nhiên, đó là không phải là sự bế tắc của tất cả chúng ta khi phải sống làm chứng cho Chúa. Có tình yêu, chúng ta sẽ giải quyết được tất cả.

Người phụ nữ phạm tội ngoại tình đã thật sự bế tắc khi một đàng phải kiếm sống bằng cái nghề đáng bị khinh bỉ, một đàng phải chống chọi với sự lên án của cả xã hội. Chính tình yêu của Chúa Giêsu đã cảm hóa lòng chị, khiến chị biết khinh ghét tội lỗi của mình và sẵn sàng đón nhận một cuộc sống khó khăn hơn. Ngày nay, chúng ta cũng phải đối diện với biết bao con người có chức, có quyền trong xã hội; nhưng hành động của họ chẳng khác chi người phụ nữ ngoại tình, luôn bị mọi người lên án. Họ thật sự chẳng sung sướng gì khi phải làm những việc sai trái, nhưng họ lại không muốn mình bị đẩy ra khỏi một guồng máy của một tập thể đã quen sống như thế; và vô tình, thế hệ này tiếp nối thế hệ khác. Chúng ta chẳng thể nào thay đổi quan điểm của họ khi cái lợi trước mắt đã làm mờ mắt họ. Cần lắm lúc này chúng ta biết mang lấy chính hình ảnh của Chúa Giêsu khi đối diện với họ.

Đến với họ bằng một thái độ không dung túng với tội là điều rất cần thiết. Có thể, chúng ta sẽ phải chịu thua thiệt khi làm đúng; nhưng một khi chúng ta làm được, thì ảnh hưởng của chúng là không nhỏ trên những người khác. Thái độ này không phải là một sự chứng tỏ bản lĩnh cá nhân, nhưng chúng ta cần ý thức đó là lẽ phải của Tin Mừng. Chúng ta không thực hiện thái độ này với sức riêng của mình, mà bằng sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Có Ngài bên cạnh, chắc chắn chúng ta sẽ mạnh sức để lướt thắng mọi sự.

Đến với họ bằng sự cộng tác trong tình yêu là điều rất quan trọng. Dù chúng ta phải đón nhận những sự đối xử rất đáng ghét, những hành động không thể chấp nhận được…; thì chúng ta cũng hãy cố gắng nhìn họ bằng cái nhìn thông cảm và yêu thương. Đây không phải là một sự quỵ lụy để cho được việc; trái lại, khi chúng ta thể hiện tình yêu là chúng ta đã chiến thắng được chính bản thân mình khỏi sự ghen ghét và lòng thù hận. Đó là bài học mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta khi đối diện với kẻ thù. Mặt khác, khi có tình yêu, chúng ta sẽ ứng xử và hành động trong tình yêu; như thế, tấm gương của chúng ta sẽ soi rọi và phản chiếu nơi chính đối tượng mà chúng ta tiếp xúc. Chắc chắn, không ít thì nhiều, họ sẽ bị tác động bởi hình ảnh của chúng ta.

Nhìn vào tấm gương của Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận khi Ngài ở trong tù, chúng ta sẽ nhận ra được tình yêu có sức mạnh như thế nào. Khi biết đặt tình yêu trong mọi sự, chúng ta sẽ hành động trong tình yêu; khi biết dùng tình yêu để sửa lỗi, chúng ta sẽ cảm hóa được lòng người; khi biết sống bằng tình yêu, chúng ta sẽ yêu tha nhân như chính mình. Do đó, Thiên Chúa luôn mong muốn con cái của Ngài biết sống trong tình yêu. Tình yêu đó phải được xuất phát từ nơi Thiên Chúa, là tình yêu hoàn toàn tuyệt đối; tình yêu đó phải được lớn lên trong Thiên Chúa, là tình yêu không tính toán so đo; tình yêu đó phải luôn được kiên vững nơi Thiên Chúa, là tình yêu không hề đổi thay. Có được tình yêu như thế, chúng ta sẽ đến với tha nhân như là một nhân chứng sống động về tình yêu và biến đổi được lòng người.

Therese Trần Thị Kim Thoa