Tính Sổ Cuối Năm 2015

0
33

Thời gian trôi rất nhanh, giờ đây chúng ta đang đứng ở chẳng đường cuối của năm 2015, và chỉ còn vài ngày nữa là toàn thể nhân loại sẽ bước vào một năm sống mới, một thời kì mới với biết bao niềm hy vọng, dự phóng, ước mơ, và cả những tối tăm chưa tìm ra lối thoát. Theo thói thường, chúng ta hay ngồi nhìn lại thời gian để ôn lại xem mình được gì và mất gì sau một thời gian dài sống và làm việc. Đối với nhiều người, việc nhìn lại để rút kinh nghiệm trở thành một điều gì đó quá khó, vì không biết phải bắt đầu từ đâu và sẽ khởi đầu lại thế nào; nhiều người thì lại ngại nhìn lại vì sợ cuốn sổ của mình có quá nhiều món nợ đời và nợ tình; cũng có nhiều người thì việc nhìn lại trở thành một cơ hội để khám phá chính mình và là một bước đệm để tiếp tục bước đi trong năm sống mới; thế nhưng, dù là thế nào, thì chúng ta cũng phải nỗ lực làm một cuộc hồi tâm để phần nào hiểu mình và hiểu đời nhiều hơn, cho một khởi đầu mới thật trọn vẹn.

Chúng ta hãy cùng nhau chẩn đoán bản thân để biết mình đang có những căn bệnh nào trong tư tưởng, trong tâm hồn, và nơi cuộc sống, để từ đó biết cách chữa trị hầu có một năm mới với một tinh thần mới và một lối sống mới cho phù hợp hơn:

Bệnh Thờ Ơ và Vô Cảm: Có lẽ trong những năm trở lại đây, tình trạng thờ ở “mang tính toàn cầu” đã trở nên quá thân thuộc với mỗi người chúng ta, và có thể nói, chưa bao giờ căn bệnh thờ ơ lại có sức lây nhiễm nhanh đến thế vào trong suy nghĩ và lối sốn của mỗi người. Điều đầu tiên mà người ta thờ ơ, có lẽ là thờ ơ với tính siêu việt của sự sống, nghĩa là không còn muốn tin có một Đấng Tối Cao, một Thiên Chúa, một Ông Trời đang thực sự hiện hữu. Tình trạng thờ ơ này, theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sẽ dẫn người ta đi đến chỗ thờ ơ với chính bản thân, với người thân cận, và với cả chính môi trường sống của chúng ta. Chính căn bệnh thờ ơ khi đã ăn sâu vào trong lối sống và nền văn hoá, mà giờ đây chúng ta cảm thấy các tình trạng tồi tệ khác của cuộc sống càng trở nên tồi tệ hơn. Và thuốc giải độc cho căn bệnh thờ ơ, không thể khác hơn là mỗi người phải canh tân lại chính tư tưởng, tâm hồn, và cả lối sống của mình bằng một lối sống mới: huynh đệ hơn, liên đới hơn, thương cảm hơn, và có trách nhiệm với nhau nhiều hơn nữa.

Bệnh Cúi Đầu và Yêu Thế Giới Ảo Hơn Thực: Đi vào những nơi công cộng hay ở nhà, cứ chú tâm để quan sát, người ta sẽ thấy một cảnh tượng đáng sợ: con người sống với nhau như những cái máy không hồn, nói cười một mình, chăm chú vào cái màn hình điện thoại, máy tính bảng hơn là nhìn đến người đang ở cùng và đang trò chuyện cùng. Đâu đâu người ta cũng thấy đầy rẫy những con người chỉ biết cúi mình trước một ông thần mang tên là “Công Nghệ”, người ta không còn thời gian để ngước lên nhìn nhau, không còn thời gian để cho nhau những cái nhìn đầy lòng thương cảm, không còn thời gian để sẻ chia với nhau những chuyện buồn vui của cuộc sống, nhưng có rất nhiều thời gian để nói cười với cái máy, và rồi mang lấy tâm tư của một cái máy đi vào cuộc sống. Có lẽ thế giới thực, con người thực, hoàn cảnh thực không còn độ hấp dẫn với quá nhiều người đến mức người ta không muốn nhìn vào những cái thực ấy, không muốn yêu cái thực ấy, mà thay vào đó, chọn lấy cái ảo và cúi xuống để tôn thờ cái thế giới ảo ấy. Chúng ta đừng quên rằng, như lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “chúng ta cần nhau”. Thế nên, để giải độc cho căn bệnh nguy hiểm này, chúng ta chỉ có một cách là nói “Không” với thế giới ảo, nói “Không” với điện thoại và máy tính bảng, nói “Có” với nền văn hoá gặp gỡ, đối thoại, và chia sẻ với những người thân yêu của chúng ta mỗi khi gặp gỡ.

Bạo Lực và Bạo Tàn: Mỗi ngày khi mở mắt ra, lên các trang tin, chúng ta đều bắt gặp cảnh giết người hàng loạt một cách hết sức dã man, mà lý do thì nhiều khi chẳng có gì ngoài chủ nghĩa cực đoan, bài trừ tôn giáo, bài trừ văn hoá…và thậm chí là chỉ muốn chứng tỏ hay trả thù. Không ai thích bạo lực, không ai muốn sống trong một thế giới và môi trường đầy rẫy bạo lực, nhưng đáng buồn thay, chúng ta lại đang một cách nào đó nuôi dưỡng và cổ võ cho tình trạng bạo lực. Tình trạng bạo lực không xuất phát từ thế giới bên ngoài cho bằng xuất phát từ nơi chính bản thân của chúng ta. Mỗi người chúng ta, bằng nhiều cách, luôn luôn có khuynh hướng dùng bạo lực và bạo hành để giải quyết các vấn đề của cuộc sống, đặc biệt khi gặp mâu thuẫn, khi gặp những chuyện trái ý. Có quá nhiều hình thức bạo lực khác nhau mà chúng ta không thể kể ra hết ở đây, nhưng chắc chắn nó tàng ẩn trước hết ở trong tư tưởng của chúng ta. Để biết mình có đang bạo lực, mỗi người hãy tự hỏi bản thân: khi tôi gặp mâu thuẫn, tôi có nghĩ đến giải pháp đối thoại hay muốn giành phần thắng? Khi tôi gặp khó khăn, tôi bình tĩnh để nghĩ cách giải quyết hay tìm cách trốn tránh và đổ lỗi cho người khác? Khi tôi gặp điều không như ý muốn, tôi bình thản hay tôi nổi đoá với chính mình và người khác? Tôi phản ứng gì trước tình trạng bạo lực đang diễn ra quanh tôi? Để sống trong hoà bình, thì trước hết bản thân chúng ta phải thực sự bình an, lòng trí chúng ta phải luôn bình an. Mà để có sự bình an trong tâm hồn, chúng ta phải nuôi dưỡng thói quen biết dành thời gian tĩnh lặng mỗi ngày để nhìn lại mình, tĩnh lặng để cầu nguyện, để chiêm ngắm thiên nhiên, chiêm ngắm các thực tại quanh mình, biết mỉm cười kể cả khi gặp gian khó và thử thách…

Bệnh Khép Kín và Ích Kỷ: Nếu từ ngày này qua ngày khác mà bạn bị nhốt kín trong một ngôi nhà và không được ra ngoài, bạn cảm thấy thế nào? Có lẽ chẳng có ai cảm thấy vui và bình an cả, bởi cuộc sống của chúng ta là một cuộc hành trình ra đi liên lỉ. Thế nhưng, trong thực tế, con người ngày nay đang dần trở nên khép kín lại trước mọi thực tại và mọi người trong cuộc sống. Họ đóng cửa lòng trí mình lại trước tất cả mọi sự, chỉ biết mình và sống cho riêng mình mà thôi. Tình trạng khép kín không chỉ mang chiều kích cá nhân, mà nó còn mang chiều kích tập thể: như gia đình khép kín, nhóm bạn khép kín, cộng đoàn khép kín… Sự khép kín này không những huỷ diệt chính bản thân mình mà nó còn ảnh hưởng đến tất cả mọi người xung quanh. Bởi sự khép kín nên ta sẽ trở nên hết sức cục bộ, quan liêu, bảo thủ, và có thể nói là kiêu ngạo hão. Ta tự cho bản thân mình là hơn người khác, gia đình mình hơn gia đình khác, cộng đoàn của mình hơn cộng đoàn khác, nhóm của mình hơn nhóm khác, và nhất định không mở ra để đón nhận bất kì một ai khác cũng như trợ giúp một ai khác. Sự khép kín sẽ tạo nên một xã hội khép kín, mà trong đó, không ai trong môi trường này muốn mở ra cho người khác, ngay cả trong một gia đình, nơi mà người ta tưởng là sẽ mở ra cho nhau thì thật ra mỗi thành viên trong cái gia đình khép kín này lại tự khép lại với nhau rất nhiều. Vì thế, để thoát ra khỏi tình trạng khép kín thì chúng ta hãy mở lòng mình ra với người khác, mở ra cho sự gặp gỡ, mở ra cho sự kết nạp, mở ra cho lòng bác ái, mở ra cho sự thấu cảm và hiểu nhau hơn nữa.

Bệnh Rối Loạn Các Giá Trị Sống: Mọi sự rối loạn trong cuộc sống đều tạo nên một sự đổ vỡ và thất bại. Cũng thế, sự rối loạn các giá trị sống chắc chắn sẽ mang đến rất nhiều đổ vỡ cho những ai mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này. Chưa bao giờ con người thời nay lại mê mẩn và say đắm các giá trị chóng qua và hư vô đến thế. Người ta làm mọi cách và bằng mọi giá để đạt được sự giàu có, sự nổi tiếng, quyền bính và cái mà người ta gọi là thành công hết sức mơ hồ. Trong khi đó, các giá trị quan trọng và cốt lõi là tình yêu, lòng bác ái, lòng thương cảm, sự sẻ chia, sự quan tâm chăm sóc, và bình an thì bị đưa thành hàng thứ yếu, thậm chí bị coi khinh. Hệ luỵ của hội chứng rối loạn các giá trị sống này kéo theo biết bao nhiêu gia đình đổ vỡ, các mối quan hệ, và cả mạng sống của bản thân và người khác. Vì đặt sai thứ tự ưu tiên các giá trị sống, nên người ta luôn ở trong tình trạng căng thẳng và mệt mỏi cực độ, đơn giản vì họ không biết mình đang nỗ lực cho điều gì để cuối cùng chỉ gặt lấy sự thất bại trong hôn nhân và gia đình, trong đời sống sức khoẻ, và cả ý lực sống cá nhân. Hãy nhìn vào xã hội ta sẽ thấy, càng giàu có, càng nổi tiếng, càng ở địa vị cao trong xã hội, thì họ càng dễ quyết định ly hôn và tự vẫn. Thậm chí, cả những người nghèo, khi đặt sai các giá trị cũng dẫn đến biết bao hệ luỵ khôn lường! Hãy dành thời gian để xác định lại đâu là điều cốt lõi thật sự trong cuộc sống, bởi mọi thứ sẽ qua đi, chỉ có tình yêu là tồn tại mãi mãi.

Bệnh Tiêu Thụ Thái Quá: Chủ nghĩa tiêu thụ, một não trạng đặt tiêu thụ thành một mục tiêu và ý lực sống đang lan tràn trong thế giới và xã hội của chúng ta. Nhưng điều đáng buồn nhất là điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: tiêu thụ tình bạn, tiêu thụ tôn giáo, tiêu thụ các mối quan hệ… Người ta đến với nhau không còn vì tình nghĩa và để giúp nhau trong tình huynh đệ nữa, mà thay vào đó là sự tiêu thụ. Nếu một ai đó không còn giá trị lợi dụng đối với tôi, thì tôi sẽ sẵn sàng đá văng hoặc lãng quên. Còn giá trị thì còn tình nghĩa, hết giá trị thì hết nghĩa hết tình. Chúng ta sống trong thế giới như thể không còn một mục tiêu nào lớn lao hơn là mua thật nhiều và thật nhiều, tiêu thật nhiều và tiêu hết mình, chỉ cốt để thoả mãn những sở thích cá nhân mà lãng quên đi anh chị em đồng loại còn đang thiếu thốn và nghèo khổ ngoài kia. Tiêu thụ cách thái quá bộc lộ rất rõ lòng tham và sự trống trải của tâm hồn, bởi khi tâm hồn càng trống rỗng thì người ta càng nghĩ nhiều đến việc mua sắm và chỉ cốt thoả lòng tham không đáy của bản thân. Căn bệnh này sẽ ăn mòn tư tưởng, tâm hồn, và cả các mối quan hệ của chúng ta nếu không điều trị đúng cách. Và để điều trị căn bệnh này, điều cần làm là xác định điều cần thiết, xây dựng lối sống tiết độ, biết trân quý mọi mối quan hệ, biết hướng lòng đến những người nghèo khổ và đang cần giúp đỡ.

Bệnh Tâm Thần Facebook: Mạng xã hội Facebook vốn là một công cụ truyền thông xã hội để mọi người gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ, và xây dựng tình bằng hữu với nhau. Nhưng đây cũng lại là công cụ mà nhiều người ngày nay đang trở nên dần mất hết tính người khi sử dụng mà ta có thể gọi là tâm thần. Triệu chứng của những người mắc chứng này là họ không đọc và tìm hiểu kỹ nội dung được đăng tải, đặc biệt trước những vấn đề nhạy cảm với cái thế giới khép kín ngớ ngẩn hạn hẹp của họ, thì lập tức họ giãy nảy lên, phùi bọt mép, tay muá lung tung trên bàn phím để đả kích, để chửi, để thoá mạ nhân danh điều này điều nọ. Gần như họ không còn hiểu biết thế nào là suy nghĩ, họ để cho mình bị “sướng” lên bởi những thông tin mà họ cho là “có vấn đề”. Một dạng tâm thần nữa mà ta thấy, đó là người ta không biết cách phân bổ thời gian trong cuộc sống sao cho hợp lý, thay vào đó, họ chỉ biết ôm lấy Facebook để khoả lấp sự trống trải trong tâm hồn, bỏ hết mọi trách nhiệm, bổn phận, và nghĩa vụ mà họ phải giải quyết. Lòng trí họ không còn gì ngoài con số Likes, Comments, và những lời bình loạn mà họ đưa ra. Căn bệnh này nếu không điều trị cách nghiêm túc, sẽ phá huỷ dần mòn tư duy, lối sống, công việc, và cả các mối quan hệ gia đình và xã hội của chúng ta. Để tránh không rơi vào hội chứng tâm thần này, chúng ta nên nghĩ trước khi bình luận, trước khi đăng tải thông tin, và luôn quân bình thời gian dành cho nó, tốt nhất là đặt nó xuống hàng sau chót trong mọi danh mục công việc hằng ngày cần xử lý của mỗi người chúng ta.

Trên đây là một vài gợi ý để mỗi người chúng ta chẩn đoán lại sức khoẻ tinh thần và cuộc sống của bản thân trước thềm năm mới, dù biết rằng còn rất nhiều căn bệnh khác đang hiện hữu trong cuộc sống cá nhân của mỗi người. Thế nên, nếu bạn xét thấy mình không vướng bệnh nào trên đây thì không có nghĩa là chúng ta đã hoàn hảo hay tốt hơn người khác, nếu không muốn nói là còn trầm trọng hơn. Bởi lẽ, không có bệnh nào nguy hiểm bằng bệnh chưa tìm ra tên gọi, phương thuốc điều trị, hoặc chưa biết nguyên nhân. Vì vậy, mỗi người chúng ta hãy khiêm tốn và chân thành với chính bản thân mình, để biết đặt mình vào trong tình trạng báo động đỏ, và luôn sẵn lòng điều trị dứt hết mọi căn bệnh để có một tinh thần và lối sống lành mạnh hơn khi bước vào năm mới với biết bao nhiêu niềm hy vọng và cả những khó khăn đang chờ đón ta trước mắt.

Joseph C. Pham