Một ngày sống với hai mươi bốn tiếng đồng hồ, tôi tự hỏi : đâu là giây phút ý nghĩa nhất ? Những giờ tôi vui cười ? Những giờ tôi giúp đỡ người khác ? Những giây phút tôi tham dự Thánh lễ, cầu nguyện ? Những lúc tôi làm việc, học tập thành công? Những giờ tôi được thưởng thức những món ăn ngon ? Những phút dạo phố, ngắm cảnh ? Hay những khi tôi được toại nguyện một điều gì đó ? … Tất cả những điều đó là những « món nêm » làm tăng thêm vị đậm đà cho một ngày sống của tôi, một ngày sống thi vị của một người làm con Chúa ; nhưng ngày sống đó chưa toàn vẹn. Những khoảnh khắc thinh lặng tưởng chừng như vô nghĩa nhưng lại ẩn chứa một cuộc gặp gỡ thâm sâu giữa con người và Thiên Chúa; chính những khoảnh khắc đó làm cho một ngày sống của tôi nên hoàn hảo. Đó cũng chính là những giây phút ý nghĩa nhất của hai mươi bốn tiếng đồng hồ đối với tôi.
Thinh lặng gợi lên một bầu khí tĩnh mịch đáng sợ đối với những tâm hồn cô đơn, nhưng lại đem đến một cảm giác bình an cho những tâm hồn cầu nguyện. Thinh lặng vẽ lên một bức tranh không gió lộng, nhưng lại tạo sóng trong cõi lòng đợi chờ, lo âu. Thinh lặng cho cảm giác thanh thản bên ngoài, nhưng lại gây nên một cuộc nội chiến bên trong. Thinh lặng mở ra một cánh đồng quê thanh bình, nhưng lại là những khoảnh khắc nặng nề của buổi chia ly. Thinh lặng có khi là một bức tranh sáng tối trên cùng một bề mặt, có lúc lại là một bức tranh hai mặt tương phản : mặt trước với những màu sắc hỗn độn, nhưng mặt sau lại là cảnh hoàng hôn bên sóng lặng ; mặt trước với những cảnh bạo tàn, thương đau, nhưng mặt sau lại là cảnh bình yên của thôn quê ; mặt trước như một bức tranh đầy đam mê, lôi cuốn, nhưng mặt sau lại là cảnh giản dị, đạm bạc…. Nhìn ra giá trị cao quý của thinh lặng là một nhãn quan tinh tế cần có một kinh nghiệm nội tâm.
Mặt khác, thưởng thức thinh lặng là một nghệ thuật. Những giây phút thinh lặng, chỉ mình ta giữa một không gian tĩnh, hay giữa thiên nhiên không gió thổi, không tiếng động, hoặc trong một góc nhỏ riêng biệt, sẽ đưa ta về với cõi lòng của mình, đi vào căn nhà tâm hồn để gặp Con Người đang đợi chờ ta ở đó. Nhưng thật khó để nhận ra Người đang ở đó đợi ta, khi tâm trí ta còn bao phủ nhiều hình ảnh trần gian, còn bao luyến lưu tình cảm, còn bao mộng ước hẹn hò…
Thinh lặng không gian chỉ là ngoại cảnh, thinh lặng cõi lòng mới giúp ta « thưởng thức » thinh lặng thực sự. Đỉnh cao của thinh lặng là một cuộc gặp gỡ sâu thẳm giữa con người và Thiên Chúa. Trong thinh lặng, một cuộc đối thoại diễn ra giữa hai đối tượng không ngang tầm : Thiên Chúa là Vị Toàn Năng, với con người là kẻ thấp hèn ; nhưng đó lại là một cuộc đối thoại lịch sử, đậm tình cha-con. Trong thinh lặng, một cuộc trò chuyện diễn ra giữa đôi tình nhân không cân xứng: con người như một thiếu nữ yếu đuối, mỏng manh, với Giêsu, Con Một Thiên Chúa, một Hoàng Tử đầy uy quyền ; nhưng đó lại là một buổi tâm sự thắm tình yêu. Trong thinh lặng, một cuộc độc thoại có thể diễn ra : con người nói với Thiên Chúa tất cả những điều thầm kín nhất trong tâm hồn, Thiên Chúa chỉ như một người im lặng lắng nghe ; nhưng sự im lặng đó diễn tả một sự thấu cảm đầy lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong thinh lặng, một mạc khải có thể được tỏ lộ : Thiên Chúa « nói » với con người điều mà Thiên Chúa muốn nơi con người đó, hoặc một sứ mạng, một chương trình mà Thiên Chúa dự tính trao cho con người. Thinh lặng để lắng nghe, thinh lặng để thấu hiểu, thinh lặng để thực thi Thánh Ý của Thiên Chúa. Thánh Giuse là một nhân chứng và cuộc đời của ngài là một bằng chứng cụ thể.
Tất cả bắt đầu từ trong giấc mơ : một giấc mơ biến đổi một cuộc đời ; một giấc mơ rẽ hướng một đường đi ; một giấc mơ diễn ra trong bầu khí thinh lặng của màn đêm, trong sự thinh lặng của tâm trí và cõi lòng. Trong giấc mơ, một cuộc gặp gỡ diễn ra giữa vị thiên sứ của Thiên Chúa và anh chàng Giuse, người thợ mộc nghèo. Cuộc gặp gỡ này chỉ là một cuộc độc thoại : Thiên sứ nói với Giuse sứ điệp của Thiên Chúa. Giuse thinh lặng lắng nghe, thinh lặng thực thi điều Thiên Chúa muốn (x. Mt 1, 16-24). Cả cuộc đời của thánh Giuse là một sự thinh lặng để yêu thương, để phục vụ, để lắng nghe tiếng lòng, để cảm nghiệm chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Cuộc đời thinh lặng của con người này không đơn điệu, không buồn tẻ ; trái lại, chứng tỏ cho con người thời đại hôm nay một lẽ sống : cần có những phút thinh lặng để biết lòng mình, để hiểu chính mình, để nhận định đúng sự việc và để nhận ra được chương trình của Thiên Chúa đã và đang chuẩn bị cho cuộc đời của mình. Trong khoảnh khắc thinh lặng thực sự, con người sẽ vượt lên không gian và thời gian để nhập định vào cõi thiêng.
Hướng đến ngày lễ kính thánh Giuse 19 tháng 3 năm nay, tôi nguyện chúc tất cả mọi người, cách riêng quý sơ dòng Mến Thánh Giá và đặc biệt những người mừng lễ thánh Bổn mạng Giuse, được tràn đầy niềm vui và bình an trong tâm hồn, luôn có thánh Bổn mạng Giuse cùng đồng hành và luôn gặp gỡ Chúa một cách sâu thẳm trong những khoảnh khắc thinh lặng của một ngày sống.
Ngày 16/03/2016
Giọt Mực
http://gpbuichu.org/