Đời và câu chuyện nay tôi – mai anh

0
45

Kết quả hình ảnh cho Đời này và đời sau

Lang thang trong nghĩa địa buồn để thăm người thân quá cố. Những ngôi mộ nằm chen chúc nhau và rồi sau vài lần đến người thân mới đó tưởng ở mặt tiền như ngày nào mới chôn nhưng nay lại nằm hụt về bên trong nhường mặt tiền lại dành cho người khác.
Lần bước ra cổng đề về, chợt nhìn lên cổng nghĩa trang thấy dòng chữ cũ đã phai mờ nhưng chưa mất chữ “nay tôi – mai anh”.
“Nay tôi – mai anh” như lời nhắc nhớ phận người.

Quả vậy, phận người thật mong manh vắn vỏi kiếp phù sinh và chắc chắn không thể nào thoát khỏi cái vòng định mệnh sinh – lão – bệnh – tử.

Cái vòng sinh mệnh của con người được nhiều người biết thành thơ, thành nhạc và thành lời. Cố nhạc sĩ họ Trịnh ví cuộc đời này bằng những ca từ nhẹ nhàng bay bỗng :

Con chim ở đậu cành tre,
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn.
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về trốn xa xăm cuối trời
Sương kia ở đậu miền xa
Con sáo ở trọ bao la đất trời
Nhân gian về trọ nhiều nơi
Bâng khuâng vì những đôi môi rất hồng
Mây kia ở đậu từng không
Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người
Tim em người trọ là tôi
Mai kia về trốn xa xôi cũng…gần
Mây kia ở đậu từng không
Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người
Tim em người trọ là tôi
Mai kia về trốn xa xôi cũng…gần
Môi xinh nở đậu người xinh
Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều
Xin cho về trọ gần nhau
Mai kia dù có ra sao cũng đành
Trăm năm ở đậu ngàn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn
Ơ hay là một vòng sinh
Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời.

Đúng như vậy vì lẽ con người dù có làm gì đi chăng nữa, thì
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.

Cái cõi đi về đó ai ai cũng phải đón nhận dù không chấp nhận. Thế nhưng, đáng tiếc thay nhiều người không chấp nhận và muốn níu kéo nhưng dù níu kéo thế nào đi chăng nữa cũng chẳng còn gì và chẳng được gì khi nhắm mắt xuôi tay.
Điều này, hình như Sách Giảng Viên đã nói rất rõ
Ông Cô-he-lét nói : “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời ? Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn. Mặt trời mọc rồi lặn ; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc : gió xoay lui xoay tới rồi gió đi ; gió trở qua trở lại lòng vòng. Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục. Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới.

Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời :

một thời để chào đời, một thời để lìa thế ;
một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây ;
một thời để giết chết, một thời để chữa lành ;
một thời để phá đổ, một thời để xây dựng ;
một thời để khóc lóc, một thời để vui cười ;
một thời để than van, một thời để múa nhảy ;
một thời để quăng đá, một thời để lượm đá ;
một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn ;
một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất ;
một thời để giữ lại, một thời để vất đi ;
một thời để xé rách, một thời để vá khâu ;
một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng ;
một thời để yêu thương, một thời để thù ghét ;
một thời để gây chiến, một thời để làm hoà.

Rõ ràng, cuộc đời con người cũng chỉ như hoa kia sớm nở tối tàn. Chính Thiên Chúa mới là nguồn cội của đời người, là Đấng Vĩnh Hằng, là Đấng Vô Thủy Vô Chung mà thôi.

Thật thế, đời mỗi người Chúa đo cho vài gang tấc : Ấy tuổi đời con, Chúa đo cho một vài gang tấc, kiếp sống này, Chúa kể bằng không. Đứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở, thấp thoáng trên đường tựa bóng câu. Công vất vả ngược xuôi: làn gió thoảng, ky cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng (Tv 39:6-7).

Và nên nhớ, Thánh Vịnh 90 nhắc ta rất rõ :

Ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên,
địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành,
Ngài vẫn là Thiên Chúa, từ muôn thuở cho đến muôn đời.
Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,
Ngài phán bảo: “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi! “
Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi!
Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.
Chúa nổi xung, đời chúng con tàn tạ,
kiếp sống thoảng qua: một tiếng thở dài.
Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,

Thiên Chúa mãi mãi mới là nguồn cội và là Chủ, là Chúa đời của con người bởi con người từ bụi đất mà ra và từ bụi đất Thiên Chúa đã cho con người nên hình nên dạng.
Ngày hôm nay, ta bắt gặp tâm tình gọi là Lời Nguyện Hiến Tế của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha thật dễ thương : (Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng:) “Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa”.
Chúa Giêsu nói rất tha thiết rằng những kẻ mà Thiên Chúa Cha đã ban cho Ngài thì Ngài không muốn ai bị hư mất và Ngài muốn những kẻ đó chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Ngài.
Rất rõ ràng, không úp mở. Chúa Giêsu – Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người – đã yêu ta đến tận cùng và Ngài muốn ta được ở trong vinh quang với Ngài. Phần còn lại, lời đáp trả thuộc về quyền tự do của mỗi người chúng ta.
Bước chân ra nghĩa trang, ta bắt gặp những khuôn mặt rất thân thương, rất gần với ta. Mới đó thôi, họ vui cười và có khi còn giận hờn với ta nhưng nay còn đâu. Nay người mai ta, nay tôi mai anh đó là cùng đích của cuộc đời, của lẽ sống này. Nói như vậy, nghĩ như vậy để ta cân chỉnh cuộc đời của ta để rồi một ngày nào đó ta cũng nằm xuống với phần mộ mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho đời. Chuyện quan trọng là ta có được một chỗ trong cung lòng Thiên Chúa hay không mà thôi. Có hay không đó là lời đáp trả của mỗi người chúng ta.
Nay tôi, mai đến lược anh nghĩa là đến lược mỗi người chúng ta sẽ ra trình diện trước mặt Chúa. Để được hưởng Nhan Thánh Chúa hay phải hư đi đó lại là lời mời mà Chúa dành cho mỗi người chúng ta tự do đáp trả.

Huệ Minh