Sứ mạng của chiếc gậy

0
342
Thiên Chúa tạo ra muôn vật và mỗi loài đều có giá trị riêng để phục vụ sứ mạng Ngài đã dự liệu. Khi nghĩ về điều này, tôi nhớ đến một vật thật tầm thường và muốn biết nó có vai trò gì hay giúp gì cho mưu sinh của con người. Tên của nó là “Cây gậy”.
Theo từ điển Tiếng Việt, gậy là một đoạn tre, gỗ… tròn vừa tay cầm, thường dùng để chống khi đi hoặc dừng và còn để đánh đuổi thú dữ? Cây gậy rất gần gũi với người dân lao động và dễ tìm. Riêng với người Việt Nam, nó thật rất dễ kiếm từ những lũy tre làng. Những cụ già chân mờ mắt chậm thường được con cháu làm cho một cây gậy là một đoạn tre, to vừa tay cầm, dài vừa phải. Có gậy trong tay, các cụ bước đi được vững vàng hơn.
Người Do thái là dân du mục, sống chủ yếu nhờ chăn thả gia súc: chiên, dê, cừu, bò… Người chăn chiên còn gọi là mục tử, hằng ngày lùa đàn vật ra đồng cỏ với cây gậy trên tay. Cây gậy này không những giúp người mục tử lùa đàn chiên sớm tối ra vào chuồng, mà còn bảo vệ đàn vật trước sự tấn công của sói dữ.
Cựu ước nói đến người mục tử Môsê. Đức Chúa gọi ông thi hành sứ mạng dẫn dân Israel ra khỏi Ai cập, lúc đó ông cũng đang chăn chiên cho bố vợ (Xh 3,1). Trước sứ mạng lớn lao, Môsê tìm cớ thoái thác bằng cách viện lý, dân sẽ không tin vì ông là người không có tài ăn nói, là người đang bị triều đình truy nã. Để củng cố niềm tin cho ông, Thiên Chúa cho cây gậy của ông biến thành một con rắn (Xh 4, 2-4) lớn nuốt chửng những con rắn của các thầy Phù thủy Ai Cập phù phép ra (Xh 7, 8-13).
Sau bao tai ương, Pharaô đồng ý thả dân Israel đi. Môsê, một kẻ chăn chiên giờ thành kẻ chăn người. Khi đứng bên bờ Biển Đỏ, Đức Chúa truyền cho ông lấy cây gậy giơ trên mặt biển, nước biển rẽ ra nhường lối cho dân đi qua cách dễ dàng (Xh 14, 15-18). Lần này cây gậy mục tử đã chinh phục lòng dân tin vào sứ mạng mà Đức Chúa trao cho ông. Với cây gậy trong tay, Môsê dẫn dân đi trong sa mạc suốt 40 năm. Nhiều lần dân tỏ ra bất trung, chống đối, kêu trách Đức Chúa, Môsê đã chứng tỏ rõ phẩm cách của người mục tử hết lòng bảo vệ, cầu xin Chúa tha thứ cho dân, họ mới đến được miền đất Đức Chúa hứa.
Hình ảnh cây gậy của Môsê giúp ta liên hệ tới lệnh truyền của Đức Giêsu. Thánh Maccô kể lại, khi Đức Giêsu sai nhóm Mười Hai đi rao giảng, “Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy” (Mc 6, 7-8). Người trao cho các ông sứ mạng nhưng lại chẳng cho mang theo gì ngoài cây gậy. Một vật tầm thường trước sứ mạng lớn lao, với cây gậy trên tay, các Tông đồ ra đi tìm chiên lạc, chăm sóc những chiên con bị ốm, giải phóng những con chiên đang bị giam cầm, tù tội.
Ngày nay, Giáo hội cũng thay mặt Chúa trao gậy cho các Giám mục để các ngài kế tục sứ mạng Mục tử của Chúa Kitô. Giáo hội cũng mời gọi mỗi Kitô hữu không chỉ là những chiên ngoan hiền, mà còn nên những cây gậy trong tay tha nhân. Cây gậy là những cử chỉ bác ái, yêu thương; cây gậy là những lời động viên, an ủi, cảm thông, chia sẻ. Hãy trao vào tay những người yếu đuối, tội lỗi, bị bỏ rơi, cây gậy của sự yêu thương, đồng cảm, tha thứ. Mỗi chúng ta hãy trở thành cây gậy của nhau, giúp nhau vượt qua Biển Đỏ là sự cô đơn, mặc cảm tự ti bạn nhé!
Maria Phạm Bích

nguồn: gpbuichu.org