Mỗi vị thánh được Giáo hội tôn vinh luôn luôn là một gương sáng cho chúng ta về đời sống trọn lành. Việc các ngài đạt tới sự thành toàn trong ơn gọi Kitô hữu nói lên rằng, nếu con người biết khiêm tốn cộng tác với ân sủng, họ sẽ được chia sẻ vinh quang với Thiên Chúa và còn hơn thế nữa, họ được trở nên Thiên Chúa (tư tưởng của thánh Tôma Aquinô). Cuộc đời và sự thánh thiện của thánh nữ Têrêsa là một minh dẫn cụ thể. Một cuộc sống rất dung dị với dáng vẻ tầm thường bên ngoài đã được ơn thánh biến đổi trở nên phi thường. Sự vĩ đại và phi thường nơi Têrêsa được lý giải bằng nguyên lý căn bản : Ngài là ‘con người của tình yêu’. Đây chính là chuẩn mẫu tóm kết cuộc đời của Têrêsa để Ngài trở thành khuôn mẫu nội tâm cho các bạn trẻ của mọi thời đại. Linh đạo mà Têrêsa đã vạch dẫn hơn 100 năm trước đây, hiện vẫn còn mang tính thời sự và phù hợp cho tất cả các bạn trẻ chúng ta ngày hôm nay.
Khiêm tốn trong tín thác
Tuổi trẻ hay có những ước mơ và hoài bão. Nơi Têrêsa cũng vậy, ước mơ điên cuồng của Ngài là được dâng hiến tình yêu để thuộc trọn về Chúa Giêsu trong dòng kín. Ngày rước lễ lần đầu tiên, bé Têrêsa đã thưa với Chúa: “ Chúa ơi, con yêu Chúa lắm, con muốn thuộc về Chúa suốt đời”. Đó quả là một tham vọng lớn lao, nhưng lại là một hoài bão thánh thiện và chính đáng. Đứng trước những quà tặng và bữa tiệc thịnh soạn ngày lần đầu tiên rước Chúa Giêsu Thánh thể, Têrêsa đã không mấy quan tâm và chị đã thốt lên với Chúa: “ Lạy Chúa, lòng con chỉ biết vui sướng và yêu thích một mình Chúa mà thôi”. Từ đó, Têrêsa đã bắt đầu đi sâu vào cảm thức về tình yêu hiến dâng cho Thiên Chúa và khai mở bầu khí thiên đàng bên trong tâm hồn mình. Chị muốn được kết bạn trăm năm với Chúa Giêsu Thánh thể và ước ao rước lễ mỗi ngày. Sự khiêm tốn và tâm tình tín thác tuyệt đối là cánh cửa đầu tiên khai dẫn Têrêsa tiến sâu vào đời sống trọn lành.
Càng lớn lên, Têrêsa càng tăng triển mối tình thâm giao với Chúa Giêsu bằng một tâm hồn khiêm cung nhỏ bé. Ngài tha thiết xin được vào dòng kín cho dù tuổi đời mới 15, tuổi mà giáo luật lúc đó chưa cho phép. Người đầu tiên phản đối ý định của Têrêsa là ông cậu ruột của Ngài. Rồi sau đó, chính Cha Bề trên linh hướng của dòng kín cũng từ chối ước muốn của chị. Đức Cha Hugonin thì tỏ ý cảm thông nhưng Ngài không dám cho phép. Cuối cùng Têrêsa phải lặn lội đi hành hương sang tận Rôma để có thể trình bày ước vọng lên Đức Thánh Cha. Với sự khiêm cung tín thác trọn vẹn vào Chúa quan phòng, Têrêsa đã vượt qua mọi trở ngại và đã được toại nguyện. Ngài đã tâm đắc lời dạy trong sách gương phúc: “Tình yêu không lùi bước trước bất cứ điều gì, tình yêu tin tưởng thì cái gì cũng có thể, cũng được phép”. Trong đời sống tại tu viện, con đường nên thánh bằng lối sống đơn sơ khiêm tốn càng nổi bật nơi Têrêsa. Có lần chị đã tự ví mình như một đĩa rau trộn không tên. Nhưng đĩa rau trộn này là tổng hợp những hi sinh nhỏ bé hằng ngày cộng với một tình yêu cháy bỏng. Têrêsa đã nhìn vào những biến cố cho dù nhỏ bé nhất của đời sống với lăng kính tình yêu. Đằng sau lăng kính này là cặp mắt đơn sơ của trẻ thơ luôn hướng nhìn về Chúa với một tâm tình khiêm tốn và tín thác.
Trong thơ thứ nhất của thánh Phêrô, vị tông đồ đã dạy bảo chúng ta: “ Anh em hãy mặc lấy đức khiêm nhu vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho những ai khiêm nhường”. Đức khiêm tốn là dấu chỉ của những tâm hồn thuộc về Thiên Chúa. Đức Maria, người nữ tì của Thiên Chúa đã thưa hai tiếng xin vâng bằng thái độ khiêm tốn thẳm sâu để mở rộng tâm hồn đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa đển ẩn cư trong cung lòng mình. Cũng vậy, nơi Têrêsa, tâm hồn của Ngài được đặt nền trên sự khiêm tốn tột bật vì tâm hồn đó đã thuộc trọn về Thiên Chúa.
Vui tươi trong khổ đau
Thánh Phanxicô Salê đã nói: “ Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn”. Cuộc đời của Têrêsa là một cuộc đời chan chứa niềm vui. Niềm vui và sự bình an tràn ngập tâm hồn Ngài cả những khi gặp đau khổ và sóng gió. Thánh giá đầu tiên đến trong cuộc đời chị thánh là cái chết của người mẹ yêu dấu. Lúc đó Têrêsa còn quá nhỏ để hiểu thế nào là cảnh mồ côi mẹ. Trong cuốn Nhật ký một tâm hồn, Ngài đã viết như sau: “ Khi ấy con còn quá nhỏ, phải nghển cổ lên mãi mới nhìn thấy hết quan tài của mẹ. Quan tài của mẹ to lắm mà cũng bi thương lắm”. Có lần Têrêsa đến ngồi trong vòng tay của mẹ và thỏ thẻ: “ Mẹ ơi, con muốn mẹ mau chết để được về với Chúa”. Đó là một tâm tình đơn thành của trẻ thơ. Nhưng khi người mẹ ấy đã về trời thực sự, cả một sự hụt hẫng ập đến trong tâm hồn bé bỏng đơn sơ của thánh nữ. Mười lăm năm sau, Têrêsa lại đối diện trước một cảnh chia ly khác : cái chết của mẹ Génevière, bề trên dòng kín Lisieux. Lúc này, Têrêsa đã lớn và đã thấm thía được thế nào là mầu nhiệm thập giá. Ngài đã ghi lại trong nhật ký như sau: “ Gian nan khổ cực của cuộc đời đã tôi luyện kỹ lưỡng linh hồn Têrêsa rồi. Đời chẳng còn cái gì khó khăn có thể làm Têrêsa nản lòng và mất vui được nữa”.
Niềm vui đơn sơ của Têrêsa là một niềm vui thánh thiện, và sâu kín từ trong nội tâm. Đó và niềm vui và an bình của một tâm hồn hướng thượng luôn nhìn ra dấu ấn tình yêu của Thiên Chúa trong mọi biến cố đời thường. Thưở thơ ấu, Ngài vẫn hay ngước mắt nhìn lên bầu trời lung linh những vì sao và vui sướng nói với cha mình: “ Cha ơi, cha xem tên con đã được viết ở trên trời rồi kìa.”
Trong đời sống tu viện, Têrêsa đã nếm cảm biết bao niềm vui vì được chịu đựng những đau khổ âm thầm để làm sáng nên tình yêu dành cho bạn tình Giêsu. Một chị bạn vào thăm Têrêsa lúc chị thánh đang nằm trên giường bệnh, ngạc nhiên thấy nét mặt Têrêsa vẫn rạng rỡ vui tươi liền hỏi: “ Sao chị vui thế?”. Têrêsa bình tĩnh trả lời: “ Em luôn vui vẻ dù thân xác em đau đớn lắm. Em vẫn luôn yêu quý sự khổ đau và đón nhận đau khổ mà Chúa gửi tới cách niềm nở và trân trọng” . Thánh nữ nói tiếp: “ Khi phải đau đớn trong tâm hồn hay nơi thân xác, em cố gắng không bao giờ tỏ ra buồn bã, nhưng luôn mỉm cười và âm thầm chịu đựng. Lúc đầu rất khó khăn, nhưng đến nay, việc mỉm cười trước đau khổ em đã tập quen lắm rồi”.
Một buổi sáng kia, mẹ Agnès de Jésus hỏi chị: “ Sao sáng nay con vui thế?” Têrêsa trả lời: “ Con rất vui vì hôm nay con được lãnh nhận hai sự khó nho nhỏ để yêu Chúa Giêsu. Không có gì làm con vui tươi cho bằng những sự khó cỏn con như vậy”. Ngài nói thêm: “ Thưa mẹ, những khổ đau ấy chẳng dữ dằn gì đâu. Một trinh nữ muốn hi sinh cho tình ái mà còn ghê sợ chút quà bạn thánh gửi cho thì làm sao coi được. Con chịu được tới mức nào, bạn Giêsu gửi cho con đến mức ấy, chẳng bao giờ con phải lo lắng cả”. Quả vậy bí quyết nên thánh của Têrêsa là luôn gắn bó với Chúa Giêsu là Chúa của niềm vui, trong những đau khổ hi sinh âm thầm mỗi ngày. Cuộc đời của Ngài là một cuộc đời rực rỡ niềm vui như những bông hồng tỏa lan mùi hương êm dịu, nhưng ẩn sâu bên dưới là những gai nhọn của Thập giá. Với lăng kính tình yêu, Têrêsa đã khám phá và đón nhận đau khổ như là món quà hồng ân. Ngài nhìn thấy ánh vinh quang lấp lánh đằng sau bóng dáng của Thập giá. Cuộc đời tràn ngập tình yêu của Ngài minh chứng chân lý mà thánh Phaolô đã diễn tả: “Tình yêu mạnh hơn sự chết”. Cái chết của thánh nữ là một kết thúc trong hoan lạc của tâm hồn đã dành trọn tình yêu cho Chúa. Chúng ta có thể dùng hình tượng của một đàn chim vỗ cánh bay vút lên trời cao để nói về cái chết hạnh phúc của thánh nhân như Thánh vịnh 123 đã diễn tả: “ Hồn tôi tựa cánh chim, thoát lưới người đánh bẫy, lưới giăng đã đứt rồi, thế là ta thoát nạn.”
Thánh Phanxicô Salê đã nói: “Chỉ có ma quỷ mới có lý do để buồn phiền”. Kinh nghiệm thiêng liêng của thánh Gioan Maria Vianney cũng vậy. Ngài nói: “ Linh hồn những ai phục vụ Chúa đều tràn ngập vui mừng. Họ luôn sống cách thảnh thơi và tâm hồn họ lúc nào cũng sẵn sàng hát ca”. Đây cũng là đặc nét nơi tâm hồn của Têrêsa, một dấu chỉ năng động về sự hiện diện của Thánh Thần. Thánh Phaolô dạy: “ Hoa quả của Thần khí là vui sướng và bình an” ( Gal 5, 22). Thiên Chúa yêu mến những ai biết cho đi cách vui vẻ. Têrêsa đã cho đi, đã hiến dâng trọn vẹn và cuộc đời của Ngài đã được gắn chặt vào Thập giá với Chúa Giêsu. Sự vui vẻ và lòng quảng đại hiến dâng tình yêu trong những hy sinh âm thầm nơi cuộc đời của thánh nữ Têrêsa là một mô thức nên thánh, kiểu mẫu cho tất cả các bạn trẻ chúng ta ngày hôm nay.
Tình cho không biếu không
Têrêsa là một vị thánh vĩ đại. Tính cách vĩ đại của Ngài không phải bởi sự thánh thiện siêu thường, nhưng khởi nguồn từ một cuộc sống rất bình thường và dung dị như chúng ta. Nói cách khác, Ngài là một con người rất con người, đồng thời cũng là một vị thánh rất là thánh. Sự thánh thiện của Têrêsa ở chỗ Ngài biết mở rộng tâm hồn để cho tự nhiên kết hợp với ân sủng, biến những năng lực tự nhiên của đời thường để mở thông cho mầu nhiệm Thiên Chúa.
Là một con người, một người trẻ như chúng ta, Ngài cũng có một trái tim biết rung cảm và yêu thương. Ngài cũng khát khao mãnh liệt để yêu và muốn được yêu. Ngay từ nhỏ, Têrêsa cũng được hưởng nếm những tình cảm thân thương trong một gia đình nhân loại giữa những vòng tay thương mến của mẹ cha, của các anh chị, để từ kinh nghiệm nhân loại đó Ngài mở thông cho một gia đình thiêng liêng rộng lớn hơn với một tình yêu nồng cháy. Ngài ước muốn làm linh mục, muốn đi truyền giáo, muốn rao giảng về Đức mẹ, muốn làm tiến sĩ của Hội thánh….. tất cả chỉ vì tình yêu rộng mở đứng trước một chân trời vĩ đại. Ngài định nghĩa vắn tắt: “Ơn gọi của tôi là tình yêu. Tình yêu là tất cả. Tình yêu bao gồm mọi thời gian và không gian. Tắt một lời, tình yêu là bất diệt. Quả thât, ơn gọi của tôi chính là tình yêu”.
Với chất kết dính tình yêu, Têrêsa đã hòa trộn những yếu tố tự nhiên của đời thường với những yếu tố siêu thường của thế giới thần linh. Cuộc đời của Ngài là một tổng hòa tuyệt diệu giữa bản năng thâm sâu của con người với sự tác động nhiệm mầu của tình yêu Thiên Chúa. Bí quyết của sự tổng hòa này, Ngài đã học được nơi linh đạo của thánh Gioan Thánh giá và đã ứng dụng trong cuộc sống mình. Vị tiến sĩ của tình yêu đã thuật lại: “ Đối với tôi không có phương thế nào trở nên hoàn thiện ngoài tình yêu. Nhiều khi tôi cố tìm ra một danh xưng nào khác để diễn tả, nhưng ở trần gian, không có từ ngữ nào diễn tả nổi những xung động sâu xa nhất ấy nơi tâm hồn tôi, nên tôi vẫn dùng hai chữ : tình yêu”.
Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi còn lại trong tu viện, Têrêsa đã hiến dâng tình yêu trọn vẹn cho Thiên Chúa như một vũ khí mạnh mẽ chống lại tội lỗi. Một nhà triết tự học khi nghiên cứu văn thức khấn dòng do chính Têrêsa viết đã nhận xét: “ Đây là nét chữ nói lên sự rụt rè của một đứa bé thơ, đồng thời cũng bộc lộ sự cương quyết của một dũng sỹ”. Têrêsa đã vượt thắng sự sợ hãi trẻ thơ để chiến đấu như một người lính can trường nhờ vào một thứ vũ khí duy nhất và đầy hiệu quả, đó là tình yêu. Thánh nữ đã tâm đắc lời dạy trong sách gương phúc: “ Tình yêu có thể làm được mọi sự, kể cả những việc xem ra không thể làm được”. Quả vậy, ơn gọi của chị là tình yêu, đúng như chị đã nói: “ Tình yêu đã đổ đầy vào tâm hồn của tôi rổi.”
Linh mục Hồng phúc đã lý giải việc nên thánh của Têrêsa quy kết vào bốn yếu tố căn bản : một là nhận thức được sự yếu đuối nhỏ bé của mình như một em bé thơ, hai là để Chúa hướng dẫn hoàn toàn với tâm tình phó thác của một người con nhỏ, ba là yêu mến Chúa như một trẻ thơ chỉ biết yêu, bốn là làm tất cả, chịu đựng tất cả, cho dù những việc cỏn con, với một tình yêu lớn lao. Đức Thánh Cha Piô X kết luận: “Đó là con đường đơn sơ nhỏ bé của thánh nữ, nhưng là con đường của tình yêu vĩ đại, và là con đường nên thánh của mọi thời đại”.
Thánh Phanxicô Salê đã viết: “ Con người là sự hoàn thiện của vũ trụ, tình yêu là sự hoàn thiện của con người, đức ái là sự hoàn thiện của tình yêu”. Đức ái chính là tột đỉnh của tình yêu được Têrêsa hiến dâng cho Thiên Chúa, và đó cũng là tổng thể lớn lao bao trùm toàn bộ cuộc đời của thánh nhân. Tình yêu đó cũng chính là ân ban của Thánh Thần , đấng làm việc trong những tâm hồn bé mọn. “Tình yêu Thiên Chúa đã được đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần Người đã ban cho ta.”(Rm 5,5).
Kết luận
Têrêsa đã sống với một trái tim đầy rung cảm yêu thương của một người trẻ như bạn, như tôi, như tất cả chúng ta. Ngài khát khao muốn yêu và được yêu mãi mãi. Nhưng tình yêu ấy có một hướng đích rõ rệt, quy tập nơi Chúa Giêsu, nguồn mạch của tình yêu bất tận. Cuộc sống của Ngài rất dung dị nhưng trong huyền nhiệm tình yêu, ân thánh đã biến trở cái bé nhỏ thành vĩ đại. Ngài sống khiêm tốn đơn sơ, nhưng tình yêu đã nâng dậy những người thấp kém để mặc cho họ vinh quang cao sang của Thiên Chúa. “ Đức ái tin mọi sự, hy vọng mọi sư, chịu đựng mọi sự” (1 Cor 13.4.6). Chân lý ấy đã được sao chép tường tận qua cuộc sống của Têrêsa. Thánh Augustinô đã viết: “Ama et fac quod vis” (bạn hãy yêu mến đi, rồi bạn muốn làm gì thì làm). Têrêsa đã yêu mến và Ngài đã làm được một việc vĩ đại, đó là trở nên thánh. Tình yêu tự nó là một dòng chảy bất tận và có sức năng động mãnh liệt. Dòng nước được vây kín và tụ lại trong ao tù chật chội, sẽ trở nên vẩn đục hôi thối và không có sự sống. Cũng vậy, tình yêu phải mở thông và cho đi mãi mãi. Têrêsa xứng đáng là một tiến sỹ của tình yêu, và tình yêu của Ngài đang phát sinh sự sống nơi tâm hồn bạn, nơi tâm hồn tôi, nơi tâm hồn những bạn trẻ đang khao khát nên thánh theo con đường tình yêu của Ngài.
Văn Hào, SDB