RA ĐI ĐỂ TRỞ VỀ
Ra đi trong tay trắng vì “chồn có hang, chim có tổ, còn cả nhóm không có chỗ tựa đầu”. Ra đi đối diện với nguy cơ đánh đổi cả sinh mệnh bởi thế gian này điên cuồng chống đối.
Hành trình Ra Đi – Trở Về kỳ diệu nhất trong vũ trụ này diễn ra ở kiếp người. Cũng phải thôi khi con người vốn là “trung tâm của vũ trụ”, làm “bá chủ muôn loài” (St, 1,26). Hạt bụi hóa kiếp nhân sinh, nhân sinh thành tro bụi… Kỳ diệu thay! Trịnh Công Sơn say mê tuyệt tác này của Thiên Chúa, để rồi qua ngòi bút tài hoa ông diễn tả một hành trình: Hạt bụi vươn dậy thành hình hài, rong chơi dưới ánh mặt trời tươi đẹp, cảm nếm đủ mọi hương vị cuộc sống, cứ say mê đi cho đến mệt nhoài, rồi trở về lại trong kiếp tro bụi (Cát Bụi – TCS).
Tuy vậy, không phải cuộc ra đi và trở về nào của kiếp người cũng êm đẹp, giá trị. A-Đam và E-va ra đi khỏi Vườn Địa Đàng trong tư thế cúi mặt để trở về sự khổ lụy gian trần, ra đi khỏi hạnh phúc bất diệt để trở về trong đau khổ và sự chết. Trong màn đêm chìm ngập u mê của tội lỗi, bao thế hệ con cháu tổ tiên này mò mẫm ra đi và đã không thể thoát khỏi vũng lầy của kiếp phận. Dòng lịch sử Cựu Ước với tràn ngập bi thương của kiếp người, kể từ tội sát nhân đầu tiên xảy ra giữa hai anh em ruột thịt Cain và Abel. Độc ác, bất trung, ngạo mạn, tham lam, dâm dật… lan tràn khắp mặt đất, xô đổ và vùi dập “hình hài tươi đẹp của hạt bụi” vào cõi đọa đày muôn kiếp.
Cuộc trở về kinh hoàng nhất để chấm dứt thời kỳ Cựu Ước tranh tối tranh sáng đó xảy ra vào một buổi tối ngày hôm ấy, phía sau một nụ hôn! Con người ấy đã đến với cuộc trần đầy tươi đẹp: Thời Cứu Độ. Anh đã đi trên nẻo đời đầy giá trị: Đường Chân Lý. Anh đã có bên mình điều mà muôn kiếp người khao khát: Đấng Cứu Thế. Thế rồi chọn lựa lầm lẫn một bước sai, anh trở về trong kết cục bi thảm. Đêm tối đó diễn ra trong đền thờ tôn nghiêm. Phía sau anh một màn đêm giăng kín. Con người sai lầm đó tuyệt vọng trở về trên giá treo cổ. Dưới chân anh, túi tiền Ba Mươi Đồng Bạc như có ma lực hút thân xác nặng nề trần thế khít chặt vào sợi dây tàn khốc kiếp người.
Cuộc ra đi và trở về ý nghĩa và thiêng thánh nhất không phải chỉ giới hạn ta sắm tròn vai kiếp người, được yên lành nhắm mắt khi đã đi trọn “một vòng tử sinh”. Linh mục NS Thái Nguyên chia sẻ suy tư này trong nhạc phẩm “Đâu Chỉ Là”: “Con người đâu chỉ là xác thân, con người đâu chỉ tìm miếng ăn, đâu chỉ là vật chất phôi phai như phù vân. Nhưng con người còn là hồng ân sự sống linh thiêng, sự sống triền miên muôn đời bất diệt tồn tại trong Thiên Chúa, Đấng sáng tạo nên con người đẹp tươi giống hình ảnh Ngài”. Bởi đó, như thánh Phao-lô nói: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Pl 4,4). Nếu Thiên Chúa sống trong ta, thì cuộc ra đi phải thật diệu kỳ, và cuộc trở về cũng đầy linh thánh. Vậy cuộc ra đi và trở về đó phải như thế nào?
Abraham, người được Chúa chọn để làm nên một dân riêng cho Chúa. Điều đầu tiên là ông phải chấp nhận ra đi, bỏ lại dân tộc mình, tổ tiên mình, xứ sở mình, cùng bao quyền lợi mình trong đó. Thật không dễ để quyết định, nhưng ông đã làm quá tốt khi dứt khoát ra đi theo ý Chúa, và trở về trong sự huy hoàng của địa vị “Cha mọi dân tộc”.
Trên đất Ai Cập bình an thịnh vượng, dân Do-thái cũng phải chọn lựa ra đi hay ở lại. Ra đi chẳng biết về đâu, trước mắt là sa mạc khô cằn sỏi đá. Ở lại thì cuộc sống được bảo đảm với bánh ăn nước uống, và cả thịt rượu ê hề. Nhưng lạ thay, con đường tưởng tìm chết hóa ra mang lại sự sống của một quốc gia tự chủ hưng thịnh. Nơi tưởng bình an lại tiềm ẩn nguy cơ diệt vong cả dân tộc. Dân Do-thái chọn lựa ra đi để trở về trong địa vị cao trọng “Dân Riêng Của Chúa” mà mọi dân tộc đều khao khát.
Các Tông Đồ cũng đã ra đi, họ vất bỏ sau lưng nhà cửa, vợ con cùng cơ đồ tổ tiên truyền lại. Ra đi trong sự mơ hồ vì không biết đường biết hướng về đâu. Ra đi trong tay trắng vì “chồn có hang, chim có tổ, còn cả nhóm không có chỗ tựa đầu”. Ra đi đối diện với nguy cơ đánh đổi cả sinh mệnh bởi thế gian này điên cuồng chống đối. Thực tế đã chứng minh, Thầy trò người thì bị đóng đinh thảm khốc, kẻ chịu lột da chặt đầu… Nhưng diệu kỳ thay, cuộc trở về huy hoàng không tưởng! Thầy trên ngôi cao chín tầng, trò vang danh tận chân trời góc biển.
Giáo hội ngàn đời vẫn nhộn nhịp đoàn chân tiếp bước ra đi. Nhờ họ mà sức sống thần thiêng trở nên mãnh liệt trong mọi tâm hồn nhân sinh. Những cuộc ra đi của người truyền giáo, của đời sống hiến dâng phục vụ, của bậc cha mẹ noi theo gương mẫu Thánh Gia, của con cái Chúa miệt mài sống đức tin như men như muối cho đời. Thật đúng tinh thần Tin Mừng: “Người đi trong nước mắt đem hạt giống gieo trên nương đồng. Người về miệng vui ca tay ôm bó lúa ngào ngạt hương” (Kim Long – Người Về 2).
Thánh Augustino nói: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa (TT 1,I,1). Bốn mùa tuần hoàn trong kiếp nhân sinh, vạn vật đổi thay.Ta không hẹn đến cũng chẳng từ biệt đi, nhưng lại ôm một khối trăn trở kiếp người. Vậy mới thấy Chúa sống trong ta và ta sống cho Ngài kỳ diệu biết bao. Lý tưởng đó làm cho cuộc Ra Đi – Trở Về của ta ngập trong cõi hồng ân, tràn đầy sự thánh thiêng huyền nhiệm.
Lm Giuse Nguyễn Đức Thịnh