Đổ vỡ là điều chẳng ai mong muốn, nói khác đi người ta sợ sự đổ vỡ, từ những đổ vỡ của đồ vật cho đến đổ vỡ trong tương quan giữa người với người. Mặc dù đã cố gắng hết sức để tự bảo vệ mình khỏi những đổ vỡ, nhưng người ta vẫn khó tránh khỏi nó. Bỏ qua những đổ vỡ của đồ vật, chúng ta nói về những đổ vỡ trong tương quan con người. Một cách cụ thể và rõ ràng nhất, đó là những cuộc đổ vỡ không thể tránh khỏi, nó xảy ra dọc theo cuộc sống của mỗi con người trong tương quan với gia đình của họ.
Đổ vỡ đầu đời
Ngay từ khi được thành hình trong dạ mẹ, đứa bé được gắn liền với người mẹ. Đứa bé và người mẹ thông truyền với nhau mọi thứ, từ dinh dưỡng đến cả cảm xúc vui buồn. Thế rồi chín tháng trôi qua, dù muốn dù không thì cái tương quan dính liền ấy cũng phải bị cắt đứt. Cả mẹ và con đều đau đớn trải qua cuộc đổ vỡ đầu tiên này, mẹ thì đi qua bằng cuộc “vượt cạn” đầy đau đớn, con chào đời không bằng nụ cười mà bằng tiếng khóc. Cuộc đổ vỡ này tuy rất vất vả và với nhiều lo lắng nhưng kết quả là một con người được chào đời.
Lần đổ vỡ thứ hai
Tuy không còn dính chặt với nhau như trước, nhưng đứa bé và mẹ vẫn còn gắn bó không thể tách rời nhau. Bé vẫn còn được mẹ ẵm bồng, cho bú mớm, mẹ và bé vẫn như thể dính chặt lấy nhau. Nhưng rồi khoảng thời gian vòng tay mẹ được đong đầy hạnh phúc ấy cũng chẳng thể kéo dài thêm khi đứa bé bắt đầu những bước đi đầu tiên. Bé bắt đầu từ chối việc mẹ ẵm bồng. Bé dường như xa dần vòng tay mẹ. Lần đổ vỡ này có vẻ nghiêm trọng hơn. Bé có quan tâm riêng của mình và bắt đầu “theo đuổi” quan tâm ấy, và phớt lờ những yêu cầu của mẹ. Những cuộc “cự cãi” của hai mẹ con cũng bắt đầu nhiều hơn. Hai mẹ con đi qua cuộc đổ vỡ này với nhiều lần “mất lòng nhau”, mẹ phải quát nạt thậm chí “đét” mông con, con cũng phải trả giá bằng nước mắt và đôi khi là những té ngã mà dấu vết để lại là những vết thẹo vẫn còn đó. Nhưng kết quả là đứa bé bắt đầu bước đi trên đôi chân của mình, và mẹ cũng bắt đầu tôn trọng những nhu cầu của con.
Cuộc đổ vỡ thứ ba
Nếu cuộc đổ vỡ trước xảy ra vì sự hiếu kỳ và đôi chân biết đi làm cho bé dần xa vòng tay mẹ, thì cuộc đổ vỡ này xảy ra vì bé đã biết lý luận và “hiểu đời” hơn. Và nếu gọi cuộc đổ vỡ trước là cuộc đổ vỡ làm mẹ con xa cách về thể lý thì cuộc đổ vỡ này khiến mẹ và con khác biệt nhau hơn trong lối suy nghĩ và cách nhìn nhận vấn đề. Khởi điểm của tiến trình đổ vỡ này là khi bé cắp sách đến trường và cao điểm của nó xảy ra trong giai đoạn dậy thì của trẻ. Cuộc đổ vỡ này có khi đầy nước mắt và tổn thương. Trong mắt gia đình, đứa bé ngày xưa dễ thương, ngoan ngoãn bỗng dưng đổi tính thành đứa lý sự, bướng bỉnh, và hay cãi. Với đứa con, cha mẹ trở thành người nhiều lời, vô lý, và chẳng bao giờ hiểu cho con cái. Và vì thế, lần đổ vỡ này tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với hai cuộc đổ vỡ trước. Nhưng dù thế nào đi nữa kết quả của lần đổ vỡ này tạo nên một mối tương quan mới trưởng thành hơn giữa gia đình và người trẻ ấy. Lý tưởng là người trẻ và gia đình có thể đối xử với nhau trong sự yêu mến, cởi mở, và tôn trọng nhau. Con có thể trao đổi với cha mẹ mọi thứ, nhất là những vấn đề quan trọng, và giúp cha mẹ dần thích nghi với sự trưởng thành của mình. Về phần mình, cha mẹ trở nên bao dung, nhẫn nại, và cởi mở hơn để lắng nghe, để hiểu, và đón nhận những khác biệt của con cái, và là nơi ấm áp yêu thương để con cái muốn trở về.
Cuộc đổ vỡ thứ tư
Cuộc đổ vỡ này chẳng có định kỳ theo một khoảng thời gian nhất định như những lần đổ vỡ trước, nó chỉ bắt đầu khi “người thứ ba” xuất hiện. Phạm vi của nó cũng rộng hơn, những cuộc đổ vỡ trước xảy ra trong phạm vi là một gia đình, thì lần này là hai gia đình và rồi là ba gia đình. Và có lẽ điều khác biệt lớn nhất so với trước kia đó là lần này người trẻ đóng vai trò chủ động hơn. Đổ vỡ thứ tư này có thể xảy ra ngay từ lần ra mắt đầu tiên, khi một trong hai hay cả hai gia đình không đồng ý. Gia đình hai bên cản ngăn vì nhiều lý do, đồng thời đôi uyên ương vì tình yêu say đắm mà xem nhẹ mọi can thiệp ấy. Trong trường hợp này, sự đổ vỡ có thể để lại nhiều hậu quả không hay nếu đôi trẻ không có cách hành xử khéo léo. Có những cặp may mắn hơn, nhận được sự hỗ trợ của cả hai bên gia đình, việc cưới xin thuận thảo. Tuy vậy, cuộc sống mới với nhiều việc phải đối mặt, nó lấy đi thời gian và sự quan tâm dành cho bố mẹ, bản thân hai vợ chồng mới như bị tách rời khỏi gia đình bố mẹ hai bên, điều này cũng để lại sự hụt hẫng nhất là với người vợ trẻ. Đó là chưa kể đến những trường hợp cưới về rồi mới phát sinh mâu thuẫn trong gia đình như con dâu với mẹ chồng, khi đó sự đổ vỡ càng phức tạp hơn. Dù thế nào đi nữa, kết quả của cuộc đổ vỡ này là một gia đình mới được hình thành. Từ nay đôi trẻ phải đảm nhận gia đình mới của riêng họ như chính cha mẹ của họ đã làm. Kết quả lý tưởng của cuộc đổ vỡ thứ tư này là cha mẹ dù tán thành hay phản đối cuộc hôn nhân của con cái, thì vẫn hết lòng lo lắng và giúp đôi trẻ chăm lo, vun vén cho hạnh phúc của gia đình mới này. Với con cái dù cuộc hôn nhân của họ được ủng hộ hay bị phản đối họ vẫn phải hiếu thảo và học cách để đối thoại và đối xử hiếu thảo với cha mẹ hai bên. Hơn thế nữa, chính quyết tâm đi đến hôn nhân của hai người trẻ, dù được ủng hộ hay phản đối, thì họ cũng nên luôn ghi nhớ một điều là sự trung tín và gắn bó của họ với nhau sẽ là sự minh chứng rõ ràng và thuyết phục nhất cho quyết định đến với nhau của họ là đúng đắn. Để làm được điều này họ cần rất nhiều sự hy sinh cho nhau và luôn ý thức trách nhiệm với nhau như những gì họ đã cam kết trong ngày thành hôn. Có như thế mới hy vọng đôi trẻ này đủ sức bước vào chu trình của những “đổ vỡ” mà bây giờ họ đóng vai ngược lại.
Đổ vỡ cuối cùng.
Theo lẽ tự nhiên, và cũng là một ân phúc cho những ai có cơ hội đối diện cuộc đổ vỡ này khi đã đi qua những đổ vỡ trước. Cuộc đổ vỡ sau cùng là sự chia lìa vĩnh viễn về mặt thể lý với cha mẹ. Khác hoàn toàn với những đổ vỡ trước lần đổ vỡ này là dứt khoát. Cái chết làm cho cha mẹ hiện diện với chúng ta theo một cách khác. Mối tương quan của chúng ta với cha mẹ đi vào miền ký ức, dư âm của nó tùy thuộc vào cách chúng ta cảm nhận và đối xử với các ngài trước đây. Và biết đâu trong một khoảnh khắc nào đó chúng ta bắt gặp lại hình ảnh của cha mẹ mình, khi chúng ta đối diện với những “đổ vỡ”, chắc rằng khi đó chúng ta sẽ thấy thấm ý nghĩa câu ngạn ngữ “ có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Kết quả lý tưởng cho lần đổ vỡ cuối cùng này là một cuộc hòa giải sâu xa giữa con cái và cha mẹ, và như thế cái chết tuy gây ra sự chia lìa về mặt thể lý nhưng lại là lúc những gì tốt đẹp nhất của cuộc đời cha mẹ đi vào đời sống của con cái như “ gia tài” để lại cho con.
Tóm lại, chắc chắn trong đời sống thực tế còn có nhiều hơn những cuộc đổ vỡ này, cả về số lượng và hình thức, có khi trật tự nó không xảy ra đúng như vậy. Nhưng điều quan trọng là cách chúng ta ứng xử với mỗi lần đổ vỡ ấy sẽ làm nên ý nghĩa của nó. Ứng xử khôn ngoan với sự khiêm tốn, lòng yêu mến, và biết ơn thì đổ vỡ trở thành cơ hội thanh luyện tương quan để trở nên trưởng thành và quí giá hơn. Ứng xử kém với cái tôi lớn đặt lên trước và lòng ích kỷ thì đổ vỡ sẽ thành gai góc xây thành ngăn cách. Ước mong cho mỗi người có được sự khiêm tốn, lòng yêu mến, và biết ơn thẳm sâu khi đối xử với những người thân yêu, để nhờ đó đổ vỡ chỉ là những mốc điểm đánh dấu cho sự gắn kết và trưởng thành hơn trong những mối tương quan thân tình.
G.B. Anh Linh, S.J