Như người phục vụ

0
52

Nhiều lần trong Tân ước, Chúa Giêsu đã nói đến người phục vụ. Theo giáo huấn của Chúa, những người muốn làm lớn thì phải hiến thân phục vụ người khác. Hình ảnh người phục vụ được Chúa Giêsu dùng để diễn tả chính sứ mạng của Người ở trần gian. Giữa lúc các môn đệ tranh cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm, Chúa Giêsu đã nói: “Thày sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22,27). Thứ Năm tuần Thánh hằng năm là ngày kỷ niệm Chúa Giêsu thiết lập chức linh mục, hình ảnh người phục vụ giúp chúng ta suy tư về sứ mạng của các linh mục trong Giáo Hội và xã hội hôm nay.

Linh mục là người phục vụ, trước hết qua những nỗ lực rao giảng Lời Chúa, noi gương Chúa Giêsu. Khi nghe Chúa rao giảng, dân chúng đều tung hô Người là một vị ngôn sứ cao cả, một đấng thánh quyền năng. Sứ mạng của Chúa Giêsu trước hết là mạc khải cho con người hình ảnh đích thực về Chúa Cha. Con người từ bao thế hệ đang lần bước đi tìm về cội nguồn. Trong cuộc tìm kiếm này, người ta có những quan niệm và hình ảnh sai lạc về Đấng làm Chủ muôn vật muôn loài. Do những sai lạc ấy, thay vì tôn thờ Thiên Chúa, họ lại tôn thờ vật chất, ngẫu tượng hay quyền lực thiên nhiên. Chúa Giêsu từ nơi Chúa Cha mà đến. Người tỏ cho con người Chúa Cha như thế nào, vì Người là “Phản ánh vẻ huy hoàng và là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3). Người đã “gạn đục khơi trong” giữa những quan niệm khác nhau về Thiên Chúa, để nhấn mạnh tới hình ảnh một người Cha nhân từ. Thiên Chúa là Cha của mọi chủng tộc. Ngài yêu thương mọi người và muốn cho mọi người được hạnh phúc. Chính vì tình yêu cao cả đó, mà Thiên Chúa sai Con của Ngài đến trần gian (x. Ga 3,16). Bổn phận ưu tiên của linh mục là người phục vụ Lời. Ngay từ thuở khai sinh của Giáo Hội, các tông đồ đã ý thức điều ấy (x. Cv 6,2-4). Nhiệm vụ ngôn sứ buộc các linh mục phải rao giảng Lời Chúa, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Lười biếng hoặc xao lãng trong sứ vụ loan báo Tin Mừng có thể là lý do khiến cho người tông đồ bị chúc dữ (x.1 Cr 9,16). Linh mục thi hành công việc phục vụ khi lo lắng cho cộng đoàn được lắng nghe Lời Chúa, nhờ đó mà mọi tín hữu được nuôi dưỡng và trưởng thành trong đức tin. Đức Thánh Cha Phanxicô, trong tông huấn Niềm vui Tin Mừng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bài giảng trong phụng vụ, đồng thời đưa ra những chỉ dẫn khá chi tiết cho các linh mục về việc dành thời gian xứng đáng cho việc chuẩn bị bài giảng ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Như Chúa Giêsu, linh mục được sai đến để loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương và giải thoát những người bị giam cầm, cho họ biết họ được cứu thoát (x. Lc 4, 14-22). Truyền thống Cựu ước cho thấy Thiên Chúa luôn đứng về phía người nghèo. Ngài luôn bênh vực những người mồ côi quả phụ và những ai bị gạt ra bên lề của cuộc sống. Nơi Chúa Giêsu, hình ảnh một Thiên Chúa của người nghèo được thể hiện rõ nét. Không chỉ trong lời rao giảng, mà trong mối tương giao hằng ngày, Đức Giêsu luôn gần gũi mọi người, nhất là những người bị dự luận xã hội xa lánh kỳ thị. Người đã đến nhà ông Giakêu dùng bữa. Người cũng để cho cô gái có tiếng là tội lỗi lấy dầu thơm xức chân và lấy tóc mà lau, mặc những lời bàn tán thị phi. Người cũng gặp gỡ người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp và đàm đạo với chị về nước hằng sống. Những người bệnh tật đủ loại, những người đàn bà góa và những người bị bỏ rơi được Người quan tâm đặc biệt. Được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu tư tế, đến với người nghèo cũng là sứ mạng của linh mục hôm nay. Linh mục được mời gọi quan tâm đặc biệt đến những ai khốn khó bần cùng trong xã hội. Công đồng Vatican II đã nói: “Tuy mắc nợ với tất cả mọi người, nhưng các linh mục phải biết rằng những người nghèo khổ và hèn kém lại được trao phó cho các ngài cách đặc biệt hơn, vì chính Chúa đã đồng hóa với họ” (Sắc lệnh về tác vụ và đời sống các linh mục, số 6). Như Chúa Giêsu đã được sai đến trần gian để chăm sóc người nghèo, linh mục là người tiếp nối sứ mạng của Chúa, phải quan tâm đến những người thiệt thòi trong cuộc sống. Trong xã hội, mặc dù phát triển và văn minh đến đâu chăng nữa, bao giờ cũng có những người nghèo. Có thể đó là những người nghèo về vật chất, nhưng cũng có thể là người nghèo về kiến thức, nghèo về nhân bản, nghèo về tình thương. Xa lánh người nghèo, linh mục không thể phản ánh trung thực hình ảnh của Chúa Giêsu, Đấng đã đến “không phải để người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc nhiều người” (Mt 20,28).

Vì là môn đệ của Đức Giêsu, linh mục được sai đến với muôn dân. Lời Đấng Phục sinh năm xưa vẫn còn luôn mang tính thời sự: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Mỗi khi đến rao giảng Tin Mừng cho một làng mạc, Chúa không dừng lại tại đó để hưởng thụ hoa trái mình đã làm ra, nhưng Người tiếp tục ra đi, lên đường đến các xứ sở khác, vì bởi lẽ đó mà Thày được sai đến. Ra đi và loan báo Nước Trời là lẽ sống của vị Ngôn sứ thành Nagiarét. Giấc mơ của Người là sẽ có ngày mọi dân trên trái đất được quy tụ thành một đàn chiên, có Người là chủ chiên. Lúc đó, mọi người sẽ trở thành công dân của vương quốc Chân Lý, cũng là vương quốc của Tình Yêu. Giấc mơ ấy, Chúa đã trao phó cho những nỗ lực của Giáo Hội, là Hiền Thê của Người. Ngôi nhà Giáo Hội vừa được xây dựng trên nền đá là Phêrô xuất thân từ môi trường bình dân Do Thái, vừa được chống đỡ bằng trụ đồng là Phaolô đến từ giới trí thức uyên thâm mang quốc tịch Rôma. Như thế, mọi người đều được đón nhận vào Giáo Hội, dù là trí thức hay bình dân, dù là thôn quê hay thành phố. Đấng Phục sinh đã sai các tông đồ đi và nói. Người không giới hạn sứ mạng của các ông nơi người Do Thái, hoặc nơi một quốc gia chủng tộc nào, nhưng là đến với muôn dân để đem cho mọi người ánh sáng của Tin Mừng. Khi thi hành sứ vụ, linh mục luôn phải tâm niệm, mình được Chúa sai đến với muôn dân. Có một thời, sứ mạng linh mục được quan niệm là chỉ chăm sóc những người đã được rửa tội. Vì thế, có những cộng đoàn rất đạo đức và sầm uất, nhưng chỉ khép kín và khoanh vùng trong một làng, không có đối thoại và tương quan đối với các làng xã bên cạnh. Đó là chưa kể đến những xung đột đôi khi xảy ra giữa các làng công giáo và các làng “ngoại giáo”. Công đồng Vatican II đã nhắc nhở các linh mục: “các ngài cũng có trách nhiệm đối với tất cả những ai chưa nhận biết Đức Kitô là Đấng Cứu thế” (Sắc lệnh về tác vụ và đời sống các linh mục, số 9).

Đã là người phục vụ, thì không đặt tiêu chí lợi nhuận làm đầu. Trái lại, người phục vụ phải noi gương Chúa Giêsu, Đấng vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Phần thưởng dành cho người phục vụ thật lớn lao. Đó là họ sẽ được gấp trăm ở đời này, so với những gì họ từ bỏ vì lòng yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân. Phần thưởng ấy, còn theo họ đến đời sau, khi Chúa Cha đặt mọi sự quy phục Chúa Giêsu, là Vua vũ trụ và là Đấng hiển trị muôn đời.

Trong xã hội hưởng thụ hôm nay, phục vụ có nguy cơ trở thành dịch vụ, vì chúng nhằm tới lợi nhuận như mục đích ưu tiên. Phục vụ cũng trở thành dịch vụ khi được thực hiện cách khô khan, miễn cưỡng, thiếu tâm tình.

Thứ Năm tuần thánh, Phụng vụ cử hành trong cùng một ngày hai biến cố quan trọng trong lịch sử: Chúa Giêsu thiết lập chức linh mục (buổi sáng) và thiết lập bí tích Thánh Thể (buổi chiều). Điều này cho thấy mối liên quan giữa chức linh mục và bí tích Thánh Thể: Giáo Hội không thể tồn tại nếu không có Thánh Thể, và không thể có bí tích Thánh Thể nếu không có linh mục. Chức linh mục Tân ước đi liền với sứ mạng phục vụ noi gương Chúa Giêsu. Chúa đã thiết lập hai bí tích này (Truyền chức và Thánh Thể) trong bữa tiệc ly, cũng là lúc Chúa làm gương phục vụ qua việc rửa chân cho các tông đồ. Linh mục là người phục vụ, noi gương Chúa Giêsu, như tấm bánh bẻ ra cho muôn dân, để đem lại sự sống, hạnh phúc và niềm vui cho con người.

Tuần Thánh 2017

Gm Giuse Vũ Văn Thiên