Dòng giống gian ác đòi hỏi một điềm lạ. Chúa Giêsu gọi họ là dòng giống gian ác, bởi vì họ không muốn tin vào Chúa Giêsu và tiếp tục đòi hỏi dấu lạ có thể chỉ ra rằng Chúa Giêsu đã được Chúa Cha sai đến. Nhưng Chúa Giêsu từ chối đưa ra những dấu chỉ này, bởi vì một cách dứt khoát, nếu họ đòi hỏi một điềm lạ thì đó là vì họ không tin. Điềm lạ duy nhất được cho thấy là tiên tri Giôna.
Ta dễ dàng thấy được đây là một trình bày phép lạ Chúa đã làm cho Tiên tri Giona và mục đích của phép lạ này tiên báo việc Chúa Giêsu chịu chết sau ba ngày sống lại ban ơn cứu độ cho con người. Hôm nay có dịp chúng ta tìm hiểu phép lạ để chúng ta nhận dạng nó và nuốt chửng từng phép lạ trong đời mình cách ngọt ngào thơm tho.
Trường hợp của Tiên tri Giona là một trường hợp hoàn toàn ngược lại với qui luật tự nhiên. Không ai có thể sống thiếu không khí đến 3 ngày ba đêm. Một sự kiện xảy ra cho dân thành Ninivê hết sức tích cực, toàn dân thở phào nhẹ nhỏm thoát chết. Rõ ràng đây là sự can thiệp của Thiên chúa. Thiên chúa yêu dân thành Ninivê, yêu Tiên tri Giona mới hành động cách ngược đời như vậy. Theo quy luật tự nhiên không ai có thể sống được trong bụng cá. Chuyện Giona là một phép lạ rõ ràng.
Điềm lạ về tiên tri Giôna có hai khía cạnh khác nhau. Khía cạnh thứ nhất là những gì mà văn bản của Luca khẳng định trong bài Tin Mừng hôm nay. Ông tiên tri Giôna đã là một điềm lạ, nhờ vào lời giảng dạy của ông, cho dân thành Ninivê. Nghe theo lời tiên tri Giôna, người ta đã cải đổi. Trong cùng một cách, lời giảng dạy của Chúa Giêsu là một dấu chỉ cho dân của Người, thế nhưng người ta đã không cho thấy bất kỳ một dấu hiệu sửa đổi nào. Còn khía cạnh kia là điều mà sách Tin Mừng Mátthêu khẳng định khi Người trích dẫn câu chuyện tương tự: “Quả thật, ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy” (Mt 12, 40). Khi kình ngư mửa ông Giôna ra trên đất liền, ông đã đi công bố Lời Chúa cho dân thành Ninivê. Do đó, trong cùng một cách, sau cái chết và sự sống lại vào ngày thứ ba, Tin Mừng sẽ được công bố cho dân chúng thành Giuđa.
Tiên tri Giôna là một dấu chỉ cho dân Do Thái thời Chúa Giêsu và đó tiếp tục là dấu chỉ cho Kitô hữu chúng ta. Sau đó, theo một cách không thể nhận thức được, giống như tiên tri Giôna, trong chúng ta cũng có một tâm lý là Kitô hữu chúng ta được độc quyền về Thiên Chúa và tất cả những người khác phải trở thành Kitô hữu. Điều này sẽ dẫn đến việc lôi kéo tín đồ. Chúa Giêsu không đòi hỏi tất cả mọi người phải trở thành Kitô hữu. Người muốn muôn dân trở thành môn đệ (Mt 28:19), có nghĩa là, họ là những người, giống như Chúa Giêsu, tỏa sáng và loan báo Tin Mừng về tình yêu Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người (Mc 16:15).
Chúa Giêsu thực sự làm nhiều phép lạ: Ngài biến nước thành rượu, Ngài nhân bánh và cá ra nhiều để nuôi sống đám đông, Ngài chữa lành bệnh tật, Ngài làm cho kẻ chết sống lại. Tất cả những phép lạ Chúa Giêsu thực hiện đều nhắm nói lên sứ mệnh của Ngài và Ngài chính là Ðấng Thiên Chúa sai đến để cứu rỗi nhân loại. Một số người Do thái đã tin nhận và đi theo Ngài, nhưng phần đông vẫn tỏ ra dửng dưng trước những lời rao giảng của Ngài. Riêng những thành phần lãnh đạo trong dân, như nhóm Biệt Phái, thì chẳng những không tin nhận, mà còn chống đối Ngài ra mặt; họ thách thức nếu Ngài làm một dấu lạ cả thể thì họ mới tin nhận Ngài.
Trước thái độ đó, Chúa Giêsu mượn hình ảnh của tiên tri Giôna để nói về Ngài. Tiên tri Giôna đã đến Ninivê để rao giảng sự sám hối, tất cả các phép lạ của Chúa Giêsu cũng đều nhằm nói lên sứ mệnh của Ngài và kêu gọi sám hối. Tiên tri Yôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm. Giáo Hội tiên khởi đã xem đây như là một dấu chỉ loan báo chính cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Như vậy, nếu có một dấu lạ cả thể mà Chúa Giêsu thực hiện để đáp lại thách thức của những người Biệt phái, thì dấu lạ đó không gì khác hơn là chính cái chết của Ngài; chết để nên Lời, và Lời ấy là Lời của Yêu Thương.
Chúa Giêsu từ chối không làm phép lạ theo ý họ, Chúa dùng tích truyện Giona để nói về dấu lạ cả thể nơi chính bản thân Ngài, qua cuộc tử nạn và sau ba ngày Ngài phục sinh, để mời gọi mọi người tin và sám hối. Chúa Giêsu còn lấy gương mẫu dân thành Ninivê sám hối nhờ lời rao giảng của Ông Giôna, Ngài cũng liên tưởng đến Nữ Hoàng Phương Nam tìm nghe lời khôn ngoan của Vua Salômon. Đáng tiếc cho Biệt Phái và Luật sĩ vì Chúa Giêsu trọng hơn Giôna, và khôn ngoan hơn Salômon mà họ chẳng muốn nghe Ngài. Chứng tích sám hối của dân thành Ninivê và của thế hệ Nữ Hoàng Phương Nam như một lời tố cáo nặng nề tội lỗi của Biệt Phái và luật sĩ, vì họ cứng tin đòi dấu lạ và thất trung với giao ước.
Ta xác định rõ ràng tình yêu tuyệt hảo là Thiên chúa “Thiên chúa là tình yêu”(1Ga 4, 16). Thay vì trông đợi phép lạ hãy trông đợi tình yêu mà tình yêu không đến nỗi thiếu để chúng ta trông đợi, vì tình yêu đang bao phủ trên chúng ta “ơn Ta luôn đủ cho các con” hay “thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28, 20). Thật vậy, ngoài Đức Kitô không còn phép lạ nào cả thể và ngoài tình yêu không có ơn cứu độ. Chỉ có tình yêu đích thực mới đem lại cho chúng ta ơn cứu độ từ đời này sang đời sau.
Phép lạ chỉ có giá trị nâng đỡ niềm tin chứ không phát sinh hay ép buộc niềm tin. Cũng chính vì Chúa tôn trọng tự do con người Chúa không dùng phép lạ làm áp lực con người, nên Chúa đã không làm phép lạ như Biệt Phái và luật sĩ yêu cầu. Qua lời khiển trách của Chúa Giêsu đối với Biệt Phái và luật sĩ, chúng ta hãy thức tỉnh lại, chúng ta có gian ác khi đòi Chúa làm phép lạ mới tin, khi chúng ta chai đá trước lời giảng dạy của Hội Thánh.
Ngày nay, không thiếu những người thách thức Thiên Chúa. Cũng như những người Biệt phái, họ đòi Thiên Chúa phải làm một dấu lạ cụ thể nào đó, họ mới tin nhận Ngài. Nhưng mãi mãi, Thiên Chúa sẽ không bao giờ hành động như thế. Ngài mãi mãi vẫn là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài đã nhập thể làm người và sống cho đến tận cùng thân phận làm người. Cái chết trên Thập giá vốn là tuyệt đỉnh của thân phận làm người, do đó đã trở thành dấu lạ cả thể nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện, đó là dấu lạ của tình yêu.
Nếu chúng ta thừa nhận tình yêu là dấu căn bản nhận ra phép lạ thì chúng ta đừng ngồi đó mà đợi phép lạ vì tình yêu Chúa ban cho chúng ta quá nhiều quá đủ để chúng ta thông phần ơn cứu độ rồi. Đừng bắt Thiên chúa phải hành động miễn cưỡng như đã làm cho Giona, cũng đừng vì đồng hương hay họ hàng mà yêu sách “những gì ông đã làm tại Caphanaum ông hãy làm tại đây”( Lc 4, 23). Hãy ra đi với một tình yêu đích thực, phép lạ tất xảy ra.
Như vậy phép lạ không còn xa lạ với chúng ta nữa vì tình yêu của Thiên Chúa đang bảo phủ trên chúng ta mọi nơi mọi lúc. Nếu Chúa không gọi nắng thì hoa đâu nở bên thềm, nếu Chúa không gọi chúng ta thì chúng ta đâu là con cái của Chúa. Đây không phải là một phép lạ cả thể của đời mình sao ? Giờ đây chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa để chúng ta và muôn dân được hưởng ơn cứu độ. Giá trị của của phép lạ Giona là cứu dân thành Ninivê khỏi chết một lần, còn bí tích Thánh thể cứu chúng ta và nhiều người khỏi chết đời đời.
Huệ Minh