Mười bảng chỉ đường về trời

0
79

Mục đích của cuộc đời chúng ta là vào Nước Trời. Giáo lý dạy rất rõ: “Chúng ta được tạo dựng để nhận biết Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa và phụng sự Ngài ở đời này đểđược hạnh phúc mãi mãi với Ngài trên Thiên Đàng”. Thánh Inhaxiô củng cố tư tưởng này trong cuốn “Rèn Luyện Tâm Linh” (Spiritual Exercises), được coi là nguyên tắc và nền tảng cho đời sống tâm linh: “Con người được tạo dựng để ca tụng, tôn sùng và phụng sự Thiên Chúa, nhờ đó mà cứu thoát linh hồn mình” — rất giống cách định nghĩa của giáo lý.

Nói cụ thể, điều này có nghĩa là tất cả chúng ta — không loại trừ ai — được mời gọi nên thánh! Chúa Giêsu đã nói điều này trong Bài Giảng Trên Núi theo cách nói chúc phúc: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng” (Mt 5:6). Ngài còn dùng cách nói mạnh mẽ hơn, thực sự là một mệnh lệnh:“Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện!” (Mt 5:48). Đây không là cách suy nghĩ thất thường hoặc chỉ là ước muốn, mà là một mệnh lệnh được chính Đấng Cứu Thế trao cho chúng ta.

Do đó, tất cả chúng ta phải cố gắng vào được Nước Trời (cũng có nghĩa là chúng ta phải nỗ lực nên thánh), dĩ nhiên Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta phương tiện cần thiết, và chúng ta phải sử dụng để đạt được “định mệnh đời đời” là Nước Trời. Sựtrần tục và sự xao lãng có thể kéo chúng ta ra khỏi con đường thẳng thắn và chật hẹp, và khiến chúng ta lạc đường về trời, bởi vì chúng ta đi trên con đường rộng rãi, thênh thang, hấp dẫn, nhưng nguy hiểm, cuối cùng dẫn tới nơi đau khổ đời đời là Hỏa Ngục. Phải tránh con đường rộng dẫn tới diệt vong!

Dưới đây là 10 bảng chỉ đường mà chúng ta tin là có giá trị vĩnh hằng cho tất cả chúng ta để có thể đạt đến cùng đích là Nước Trời.

1. CẦU NGUYỆN

Không khí cần cho phổi, cầu nguyện cần cho linh hồn. Chúng ta nên cố gắng cầu nguyện nhiều và cầu nguyện tốt hơn. Hãy tìm hiểu giáo lý Công giáo, đọc sách thiêng liêng, dành thời gian cầu nguyện và sống tĩnh lặng. Sự tiến bộ trên đường nên thánh sẽtạo sự cân bằng trong đời sống cầu nguyện, điều này thể hiện rõ trong cuộc đời Thánh tiến sĩ Teresa Avila.

2. SÁM HỐI

Chúa Giêsu nói rất rõ: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thếđâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng nhưmười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy” (Lc 13:2-5). Ngài cho biết: “Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện” (Mt 17:21). Hằng ngày, hãy cố gắng hy sinh vì yêu mến Chúa và Đức Mẹ, các Ngài đã chịu đau khổ nhiều để cứu linh hồn của chúng ta!

3. RƯỚC LỄ

Để tiến bộ trên đường nên thánh và đạt được Ơn Cứu Độ, phương thế hiệu quả nhất là thường xuyên lãnh nhận Thánh Thể. Chúa Giêsu đã nói rõ ràng khi Ngài giảng dạy trong hội đường Ca-phác-na-um: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin. Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cảnhững kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6:35-40, 51). Đó là vấn đề sinh – tử. Chúng ta phải lãnh nhận Thánh Thể nếu muốn được sống đời đời!

4. XƯNG TỘI

Một phương thế hữu hiệu khác là thường xuyên xưng tội. Vào Chúa Nhật Phục Sinh, Chúa Giêsu đã thổi hơi vào các tông đồ và nói với họ: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bịcầm giữ” (Ga 20:22-23).

Tội lỗi của chúng ta được tha thứ qua Bí tích Thánh Tẩy và Bí tích Hòa Giải, cũng gọi là Bí tích Lòng Chúa Thương Xót. Việc xưng tội thường xuyên có tác dụng vừa là phương thuốc chữa lành vừa là phương thuốc ngăn ngừa.

5. ĐỌC SÁCH THIÊNG LIÊNG

Các vận động viên ăn uống và tập luyện để cơ thể đạt tới mức kiện toàn nhất. Những người theo Đức Kitô phải trở nên các vận động viên tâm linh của Ngài. Thói quen tập luyện tốt là đọc sách thiêng liêng (sách đạo đức) hằng ngày, ít nhất là 15 phút, nếu có thể thì 30 phút.

Nên đọc gì? Một câu hỏi khó trả lời! Lý do khó trả lời là có quá nhiều sách hay để chọn. Có thể tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm hoặc vị linh hướng để tìm được sách phù hợp giúp “khai phá” tâm linh. Chú ý rằng khi bạn nuôi dưỡng tâm linh bằng sách thiêng liêng, bạn cũng sẽ cầu nguyện tốt hơn. Điều này được gọi là “hiệu ứng domino tâm linh” (spiritual domino effect).

6. HÃY THƯƠNG XÓT

Trong Nhật Ký Lòng Thương Xót, Chúa Giêsu truyền cho Thánh Faustina mời gọi mọi người mỗi ngày ít nhất thể hiện một hành động thương xót. Chúa Giêsu đưa ra ba đềnghị: 1) Cầu nguyện cho người khác – đó là thương xót; 2) Ngôn ngữ – nói tử tế với người khác; 3) Hành động — thể hiện lòng thương xót bằng việc làm cụ thể.

7. CÔNG VIỆC CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Trình thuật Mt 25:31-46 nói về cuộc phán xét chung. Trong trình thuật này, ngay trước khi Thánh Matthêu dẫn chúng ta vào cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu, công việc của lòng thương xót được giới thiệu để chúng ta thực hành. Thật vậy, chúng ta bịphán xét về tình yêu dành cho Thiên Chúa theo cách mà chúng ta đối xử với những con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa. Cho người đói ăn, cho người khát uống, cho người trần truồng mặc, tiếp đón khách lạ, thăm viếng bệnh nhân và tù nhân, chôn xác người chết — tất cả các công việc về thể lý như vậy là công việc của lòng thương xót. 

Hãy đọc và suy niệm về đoạn Tin Mừng này, và chọn một vài công việc nào đó “hấp dẫn” đối với bạn, rồi mau mắn thực hành, noi gương Đức Mẹ đã vội vã đi giúp người chị họ Ê-li-da-bét.

8. LINH HỨNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN

Nếu bạn được rửa tội và cố gắng sống trong ơn nghĩa của Thiên Chúa — nghĩa là duy trì mức độ thinh lặng nào đó trong đời sống ngoại tại và nội tại, bạn sẽ cởi mở lắng nghe tiếng nói nhỏ nhẹ nhưng cương quyết của Chúa Thánh Thần. Đó là sự linh hứng. Tuy nhiên, đó có thể là một thử thách: mặc dù chúng ta nghe thấy các cảm hứng này, chúng ta có thể trì hoãn quyết định hoặc loại bỏ chúng vì không quan trọng hoặc không phù hợp. Nếu làm như vậy, chúng ta sẽ làm buồn lòng Chúa Thánh Thần đang ở trong chúng ta, như Thánh Phaolô đã nói: “Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờchua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4:30-32). Hãy nhớlời Thánh Vịnh gia: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! Người phán: Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc” (Tv 95:7-8 / Dt 3:15). Ước muốn của tâm hồn chúng ta nên là lời cầu nguyện của cậu Samuel: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (1 Sm 3:10).

9. KHUYẾN KHÍCH NGƯỜI KHÁC

Một cách thực hành khác rất quan trọng đối với những ai thực sự muốn nên thánh và lên trời, đó là cố gắng khuyến khích người khác. Dĩ nhiên trước tiên chúng ta nên bắt đầu từ gia đình. Bằng cách nào? Một nụ cười, một câu nói tử tế, một hành vi phục vụ, một lời khen tặng,… Khi bạn thấy ai nói lời không tử tế, hãy cho đó là lời nói đùa, và hãy cầu nguyện cho họ. Trong sách Công Vụ, Thánh Barnabas là gương mẫu cho chúng ta, vì ngài được mệnh danh là “con của sự động viên”. Có những vị thánh khuyến khích những người thất vọng và những người bị ghét bỏ! Một trong số đó là Thánh Philip Neri.

10. ĐỨC MẸ: NỮ VƯƠNG CÁC THIÊN THẦN VÀ CÁC THÁNH   

Bài tiểu luận của chúng ta chưa hoàn tất nếu chúng ta không mời Đức Mẹ đến nói chuyện với chúng ta, vì Mẹ là Nữ Vương các Thiên Thần và các Thánh, Nữ Vương Vũ Trụ. Thánh Bênađô là người rất sùng kính Đức Mẹ, ngài nói: “Với lòng tôn sùng Đức Maria, chúng ta không thể nào nói đủ”. Vì thế, chúng ta có vài cách để phát triển lòng sùng kính Đức Mẹ.

▪ ĐỌC SÁCH về Đức Mẹ. Bạn không thể yêu mến Đức Mẹ nếu không biết Đức Mẹ — vô tri bất mộ. Có nhiều sách về Đức Mẹ, ví dụ sách của Thánh Anphong Liguori hoặc sách của Thánh Louis de Montfort.

▪ ẢNH TƯỢNG. Có những hình ảnh Đức Mẹ khiến bạn yêu thích. Ảnh tượng nhắc chúng ta nhớ đến Thánh Mẫu Thiên Chúa. Bậc đáng kính Bruno Lanteri, vị sáng lập DÒng Tân Hiến cho Đức Mẹ (the Oblates of the Virgin Mary Congregation) có khẩu hiệu bằng La ngữ thế này: Maria cogita, Maria invoca — Hãy nghĩ về Đức Maria và cầu xin Đức Maria. Hãy dùng ảnh tượng Đức Mẹ để nhớ đến Đức Mẹ và cầu xin Đức Mẹ.

▪ KINH TRUYỀN TIN. Tập thói quen đọc kinh Truyền Tin, nhất là vào lúc 12 trưa, và nếu có thể thì đọc vào lúc 6 giờ chiều (nếu ai không thuộc thì có thể đọc 5 kinh Kính Mừng).

▪ THÁNG HOA – THÁNG NĂM. Hãy tôn sùng Đức Mẹ trong Tháng Đức Mẹ, cố gắng tìm những bông hoa tâm linh thật đẹp để dâng kính Đức Mẹ.

▪ KINH MAI CÔI – THÁNG MƯỜI. Đừng bao giờ để một ngày qua đi mà không cầu nguyện với Đức Mẹ — đặc biệt là lần chuỗi Mai Côi.

▪ NOI GƯƠNG ĐỨC MẸ. Chúng ta không chỉ cầu xin Đức Mẹ và thúc đẩy lòng sùng kính Đức Mẹ, mà chúng ta còn cần cố gắng noi gương các nhân đức của Đức Mẹ: Đức Ái, Đức Cậy, Đức Tin, Đức Khiêm nhường, Đức Vâng Lời, Đức Nhiệt Thành, Đức Hy Sinh, Đức Thăm Viếng, Đức Cẩn Thận, Đức Can Đảm, Đức Thông Cảm, Đức Hoan Lạc, Đức Khôn Ngoan, Đức Kính Sợ, Đức Tử Tế, Đức Tiết Độ, Đức Đơn Sơ, Đức Biết Ơn, Đức Công Bình, Đức Nghèo Khó.

▪ KHI SẦU KHỔ, HÃY CẦU XIN ĐỨC MẸ. Chúng ta luôn gặp khó khăn trong cuộc sống. Hãy hướng lên Đức Mẹ, tâm sự với Đức Mẹ, dâng cho Đức Mẹ mọi sự trong cuộc đời của chúng ta: “Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy. Thân lạy Mẹ, chúng con là con cháu Eva…”. Chúng ta hãy dâng những nỗi lo lắng và đau khổ của chúng ta cho Đức Mẹ, và Đức Mẹ sẽ không bỏ chúng ta đâu!

▪ CHẾT TRONG VÒNG TAY ĐỨC MẸ. Khi mọi sự hoàn tất, điều duy nhất cần thiết đối với chúng ta là được an toàn về bên Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta là lúc chúng ta rời cõi trần. Đó là lúc quyết định chúng ta vào Thiên Đàng hoặc xuống Hỏa Ngục. Hãy chân thành cầu xin Đức Mẹ:“Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho cảm ơn là kẻ tội lỗi, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”.

Đó là 10 bảng chỉ đường chúng ta cần đi theo khi đang lữ hành trên Xa Lộ Trần Gian. Nếu không có bóng tối của sự nghi ngờ, chúng ta sẽ về Quê Trời an toàn!

Lm. ED BROOM, OMV

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)