Vâng lệnh Chúa Giêsu Kitô, dưới tác động của Thánh Thần, hai ngàn năm qua, Hội Thánh không ngớt lên đường rao giảng Tin Mừng, bắt đầu từ Giáo Hội sơ khai đến Giáo Hội qua các thời đại. Giáo Hội hăng hái dấn thân vào việc loan báo Tin Mừng, dù cho có gặp gian nan thử thách, bắt bớ, giam cầm hoặc cả ngay đến việc hi sinh mạng sống để loan báo Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu Kitô (x.TMV 2003,4).
Vì toàn thể Giáo Hội là truyền giáo và vì công việc rao giảng Tin Mừng là nhiệm vụ căn bản của Dân chúa, nên mọi người có nhiệm vụ góp phần vào (TG 35).
Giáo dân cũng chu toàn sứ mạng ngôn sứ của họ bằng việc phúc âm hóa, “nghĩa là loan báo Ðức Kitô bằng đời sống chứng tá và lời nói”. Nơi giáo dân, “hoạt động phúc âm hóa này … mang sắc thái và có một hiệu năng đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh thông thường ở trần gian” (LG 35).
- SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA MỌI GIA ĐÌNH KITÔ HỮU
- Trước bối cảnh gia đình ngày nay
Vào thời đại chúng ta, gia đình đang bị ảnh hưởng do những biến đổi sâu rộng, ồ ạt của xã hội và văn hoá. Trong hoàn cảnh đó:
- Có nhiều gia đình vẫn sống trung thành với những giá trị nền tảng của gia đình.
- Nhưng có nhiều gia đình ngập ngừng và lạc hướng trước những trách vụ của họ, thậm chí còn rơi vào chỗ hoài nghi, và gần như không biết gì về những ý nghĩa sâu xa cũng như về giá trị của đời sống hôn nhân-gia đình.
- Có những gia đình bị cản trở, không thực hiện được những quyền lợi căn bản của họ, do nhiều hoàn cảnh bất công khác nhau.
Chính đời sống chứng nhân của các gia đình Kitô hữu góp phần, cùng với Giáo Hội “đem lại sự nâng đỡ cho nhóm thứ nhất (Tân Phúc Âm hóa), ánh sáng cho nhóm thứ hai (Tái Phúc Âm hóa), và sự trợ giúp cho nhóm người thứ ba” (FC1).
- Giáo huấn của Giáo Hội
- Đón nhận và loan báo Lời Chúa
Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II nêu lên lý do sâu xa như sau: “Bởi vì gia đình Kitô hữu dự phần vào sự sống và sứ mạng của Hội Thánh, một Hội Thánh đang kiên trì lắng nghe Lời Thiên Chúa và đang công bố Lời ấy với lòng tin cậy mãnh liệt, nên gia đình ấy sống vai trò tiên tri của mình bằng cách đón nhận và loan báo Lời Chúa; như thế gia đình ngày càng trở nên một cộng đồng tin và rao giảng Tin Mừng” (FC 51)
Ngài cho thấy cốt lõi của bổn phận bảo vệ và thông truyền đức tin, vốn phát xuất từ Bí tích Rửa tội và Thêm sức, được tiếp nối và đề xướng một lần nữa trong Bí tích Hôn phối. Bí tích ấy biến đôi vợ chồng và người cha người mẹ Kitô hữu thành những chứng nhân của Đức Kitô “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8), thành những “nhà truyền giáo” thực sự của tình yêu và sự sống (FC 54).
Gia đình là một trong những tác nhân hiệu quả nhất trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Để được thế, cần tích cực tham gia vào đời sống giáo xứ, lãnh nhận các bí tích, cầu nguyện, học hỏi Kinh Thánh, yêu thương phục vụ (GHAC 46). Đúng như lời phát biểu của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 1980 “tương lai thế giới và Giáo Hội sẽ tuỳ thuộc vào gia đình.” Chính vì vậy mà các các gia đình càng phải nỗ lực trở nên cộng đoàn loan báo Tin Mừng.
Tùy mức độ đón nhận Tin Mừng và trưởng thành trong đức tin, mà gia đình Kitô hữu trở nên một cộng đồng Tin Mừng hoá, đến độ có thể coi là một thừa tác vụ được trao cho những thừa sai loan báo Tin Mừng. Cũng như Hội Thánh, gia đình có nghĩa vụ tạo môi trường cho Tin Mừng được truyền đạt tới và từ đó Tin Mừng được lan toả ra.
– Đón nhận Tin Mừng: Đó là một đời sống gia đình đã được thấm nhập và đổi mới nhờ Lời Chúa, nhờ đó góp phần thăng tiến xã hội theo tinh thần Phúc Âm. Quả thật, không ai có thể rao truyền Phúc Âm cho người khác nếu tâm hồn chưa được Phúc Âm biến đổi. Cũng vậy, “không ai có thể làm chứng cho Chúa nếu không phản chiếu hình ảnh của Ngài” (RM 87).
– Trưởng thành trong đức tin: Có ba mức độ:
+ Đức tin nghe nói (Lc 9,18) “Người ta bảo Thầy là ai?” Đây chỉ mới là bước khởi đầu của đức tin nên cũng dễ dàng lung lay, nghi ngờ, và khi gặp khó khắn, thử thách, đức tin của chúng ta dễ dàng lung lay hay đổ vỡ.
+ Đức tin kinh nghiệm (Lc 9,20) “Con bảo Thầy là ai?”. Đây là giai đoạn không còn nghe người khác nói, mà chính bản thân mình tự khám phá và làm cho đức tin đó tăng trưởng, lớn mạnh thêm. Đó là đức tin được rút ra từ kinh nghiệm cuộc sống, kinh nghiệm gặp gỡ qua cầu nguyện, qua các bí tích và biến cố trong đời.
+ Đức tin hành động (Lc 9,22). Đây là đức tin dám từ bỏ mình, vác thập giá theo Chúa hằng ngày. Hơn nữa, còn là một đức tin đã biến ta trở thành nhân chứng sống động của Đức Kitô: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống….”
- Trước tiên từ chính gia đình mình
Nhờ ơn bí tích Hôn Phối, cha mẹ nhận trách nhiệm và đặc quyền giáo dục đức tin cho con cái. Cha mẹ là những sứ giả đầu tiên của đức tin, khai tâm cho con cái về các mầu nhiệm đức tin từ lúc chúng còn nhỏ. Họ phải đưa con cái, hòa nhập vào đời sống của Hội Thánh ngay từ lúc còn thơ bé. Nếp sống gia đình có thể tạo nên những tâm tình tốt đẹp, chuẩn bị và nâng đỡ đức tin sống động cho con trong suốt cuộc đời (GLHTCG 2225).
Điều quan trọng là làm cho người ta cảm nghiệm được Tin mừng gia đình là một niềm vui “đầy ắp tâm hồn và cả cuộc sống của họ”, vì trong Đức Kitô, chúng ta được “giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô độc” (AL 200).
Khi đã ý thức về sứ mạng quan trọng này, mọi phần tử của gia đình đều được truyền giáo bởi những nhà truyền giáo đầu tiên trong Hội Thánh tại gia.
Nói cách cụ thể, cha mẹ chẳng những truyền thụ Tin Mừng cho con cái mà còn có thể nhận lại chính Tin Mừng ấy đã được sống sâu sắc từ phía con cái. Đó là chưa kể, khi một phần tử nào đó trong gia đình không có đức tin hoặc không sống phù hợp với đức tin. Lúc đó những phần tử khác trong gia đình phải đem lại cho người ấy một chứng tích sống động về đức tin của họ, để có thể thúc đẩy và nâng đỡ người ấy trên con đường tiến tới chỗ gắn bó trọn vẹn với Đức Kitô trong Nhiệm Thể Người là Giáo Hội. Và một gia đình như thế sẽ có sức Tin mừng hoá nhiều gia đình khác và cả môi trường chung quanh” (FC 52).
Các gia đình còn góp phần cách đặc biệt cho công cuộc truyền giáo của Hội Thánh, bằng cách vun trồng ơn gọi thừa sai nơi con cái, và nói chung bằng cách dạy con cái ngay từ khi còn thơ ấu biết nhận ra Tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi người. (FC 54).
- Hướng đến những gia đình khác
Sứ mạng loan báo Tin Mừng bắt đầu từ trong gia đình, nhưng không ngừng tại đó. Hội Thánh tại gia được linh hoạt bởi tinh thần thừa sai được mời gọi trở thành dấu chỉ hiện diện của Đức Kitô cũng như tình yêu Người dành cho “những kẻ ở xa”, cho các gia đình còn chưa tin và cho các gia đình có đạo mà không sống phù hợp với đức tin. Hội Thánh tại gia được mời gọi “dùng gương sáng và lời chứng” để soi sáng cho “những ai đang tìm kiếm chân lý”.
Kinh nghiệm của các tín hữu sơ khai cho thấy mặc dù thiếu thốn và nhiều khốn đốn (1Cr 1, 23), nhưng các tín hữu vẫn luôn đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện và siêng năng trong nghi lễ bẻ bánh. Họ sống tình yêu thương chan hòa trong sự chia sẻ với nhau, và nêu cao phẩm chất của đời sống Kitô hữu, do vậy họ “được toàn dân thương mến” (Cv 2, 46).
Thuở sơ khai, có gia đình Aquila và Priscilla như gia đình đi truyền giáo (x. Cv 18), ngày nay cũng có các đôi vợ chồng và gia đình Kitô hữu, ít là trong một thời gian nào đó, đi tới các “vùng ven” thuộc miền truyền giáo để loan báo Tin mừng qua sự phục vụ con người bằng tình yêu của Đức Kitô. Có như thế Hội Thánh mới được luôn luôn mới mẻ và sinh hoa kết trái (FC 54).
II.PHƯƠNG HƯỚNG VÀ PHƯƠNG CÁCH LOAN BÁO TM
1.Phương hướng
- Tâm điểm loan báo Tin Mừng là Đức Kitô.
Tại tâm điểm của công cuộc Loan báo Tin Mừng là Tình Thương cứu độ của Thiên Chúa thể hiện ở đỉnh điểm là Thập giá của Đức Kitô – Chết và Phục sinh. Thần Khí Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn tiếp tục trong đời sống và công trình của Hội Thánh, một cách thường trực và thu nhỏ tại các gia đình Kitô hữu: “Hội Thánh tại gia”. Mọi công trình đều khởi nguồn từ và qui về đức ái.
- Loan báo Tin Mừng gắn liền với đời sống con người
Việc loan báo không được chỉ dừng lại ở việc loan báo hoàn toàn có tính lí thuyết và xa rời thực tế với những vấn đề của con người”. Mục vụ gia đình “phải làm cho người tacảm thấy được rằng Tin mừng về gia đình đáp ứng những mong đợi sâu xa nhất của con người: phẩm giá của con người và sự thực hiện viên mãn trong tinh thần tương trợ, hiệp thông và phong nhiêu.
Loan báo Tin Mừng hay Phúc âm hóa không thể tách biệt với sự thăng tiến con người, là biến đổi thế giới theo các giá trị của Tin mừng. Hội Thánh không được đứng bên lề cuộc đấu tranh cho công lý và hòa bình. Vì thế, gia đình có thể và phải góp phần phát triển xã hội bằng cách quan tâm đến sự phát triển lành mạnh của các cơ chế dân sự, phải có ý kiến và dấn thân biến đổi xã hội, đất nước, nhân loại, biểu lộ NIỀM HI VỌNG cánh chung.
Ngoài ra, việc loan báo Tin mừng còn phải thẳng thắn vạch trần những nhân tố văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế nào ngăn cản cuộc sống gia đình, dẫn đến sự phân biệt đối xử, nghèo đói, loại trừ và bạo lực. Vì thế, cần phát triển đối thoại và hợp tác với các tổ chức xã hội, và khuyến khích và hỗ trợ các giáo dân đang nỗ lực dấn thân, với tư cách làKitô hữu trong lãnh vực văn hóa và xã hội-chính trị” (AL 201).
1.Phương cách
Gia đình là cộng đoàn được mời gọi và có trách nhiệm tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng:
– Bằng cầu nguyện: “Sự hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa trái, vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông bắt nguồn từ bí tích Rửa tội và Hôn phối. Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng nhau cầu nguyện, và khi đó, cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động”[1]. Lời kinh sống động này có sức biến cải gia đình thành cộng đoàn chứng nhân, truyền giáo.
– Bằng chính đời sống trong gia đình: Chính đời sống yêu thương hiệp nhất của gia đình, ngay giữa những khó khăn và thử thách, tự nó là lời chứng âm thầm, nhưng có sức thuyết phục của Tin Mừng. Những yêu thương, gắn bó, chia sẻ, thông cảm, hy sinh, quảng đại của đời sống gia đình là căn bản cho việc loan báo Tin Mừng.
– Bằng sự dấn thân phục vụ: Không gì hấp dẫn mạnh mẽ mọi người đến với Đức Kitô, cho bằng khi chính gia đình Kitô hữu luôn sống quan tâm phục vụ cho nhau và cho mọi người, nhất là quan tâm đến nhu cầu và môi trường sống những người bất hạnh, cô thế cô thân, nghèo khổ.
– Bằng vun trồng ơn gọi: Ngoài ra, theo truyền thống tốt đẹp, gia đình công giáo còn là nơi vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ.
– Bằng lời giới thiệu Đức Kitô: Khi thuận tiện và cần thiết, hãy mạnh dạn chia sẻ và giới thiệu Đức Kitô cho người khác”.
Từ trên 40 năm qua, phong trào “Tân Chầu Nhưng” đã cử nhiều gia đình công giáo từ Italia đến nhiều nơi trên thế giới, cách riêng là Nhật Bản: Theo yêu cầu của các Giám mục địa phương, các gia đình truyền giáo sẽ sống hòa mình, bắt đầu bằng việc chung sống giữa các người Nhật trong các khu phố. Vị gia trưởng làm việc tại chỗ. Con cái theo học trường như các trẻ em Nhật. Các gia đình này tổ chức và linh động các buổi học giáo lý, tụ họp các nhóm người có cảm tình với Ðạo công giáo vì được hấp dẫn bởi đời sống gương sáng, và hy sinh của các gia đình truyền giáo.
Vì là một nước Phật giáo và đang bị tục hóa nặng nề, nên việc rao giảng Tin Mừng tại Nhật rất khó khăn, nhưng với hình thức truyền giáo mới này, đã có nhiều người trở lại Ðạo, nhờ vào tình liên đới, sự giúp đỡ thiêng liêng lẫn vật chất của các giáo xứ, của các gia đình truyền giáo, và của chính các giáo dân Nhật.
Noi gương truyền giáo trên, mỗi gia đình Kitô cần tiếp tục nỗ lực loan báo Tin Mừng như Quyết Định Thực Hành của Giáo phận đã đề ra từ năm 2013:
– Để “Tái Phúc Âm hóa”, mọi người hãy cầu nguyện, và tìm dịp đến thăm viếng, khích lệ, giúp đỡ những gia đình rối, nguội lạnh…
– Để “Đến loan báo Tin Mừng cho muôn dân”, mỗi gia đình cần tìm cách kết thân với một gia đình lương dân, qua việc:
* Đến thăm viếng gia đình họ trong những dịp hiếu hỉ, hoặc khi họ gặp khó khăn…
* Mời họ đến với gia đình, khu xóm, nhà thờ của chúng ta, trong những dịp lễ gia đình, bổn mạng khu xóm hoặc Nhà thờ, lễ Giáng sinh, ngày lễ truyền giáo…
Tạm kết
Không muốn loan báo Tin Mừng là phản bội lý tưởng Kitô giáo và đánh mất căn tính của “Hội thánh tại gia”. Điều quan trọng mà các gia đình Kitô hữu cần lưu ý qua lời tuyên bố của Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI, trong sắc lệnh truyền giáo: “Người thời đại chúng ta cảm kích vì gương sáng hơn lời giảng. Mà nếu họ nghe lời giảng là vì người giảng cũng là chứng nhân.”
Một gia đình đầm ấm thuận hòa, chan chứa tình yêu thương, đầy ắp niềm vui, sống gắn bó với Chúa và với nhau trong mọi hoàn cảnh, chính là một Tin Mừng gia đình cho thế giới hôm nay.
Một gia đình sống chân thật, hiền lành, khiêm tốn, đạo đức, bác ái dấn thân phục vụ, nỗ lực xây dựng hòa bình, công lý… chính là một sự loan báo đầy sức hấp dẫn và thuyết phục trong sứ mạng loan báo Tin Mừng Chúa Kitô cho mọi người.
Thật cao đẹp biết bao cho đời Kitô hữu, vì loan báo Tin Mừng là ân huệ, là sứ mạng, là chân tín sâu xa nhất của Giáo Hội. Càng loan báo Tin Mừng, Giáo Hội càng là chính mình trong chương trình và ý định của Thiên Chúa, vì nhờ đó mà toàn thể loài người qui tụ dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô (x. Ep 1,10).
Noi gương Đức Maria
Đức Maria viếng thăm, phục vụ và đem Chúa đến với gia đình bà Isave. Gia đình bà Isave được đầy tràn ân sủng nhờ sự viếng thăm của Mẹ Maria. Qua đó, bà Isave đã nhận ra khuôn mặt còn ẩn dấu của Mẹ Maria: Mẹ Thiên Chúa. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp và là mẫu gương cho mọi gia đình tín hữu noi theo Mẹ. Dành thời giờ quý báu để thăm nhau, chia sẻ tình thương và đem niềm vui ơn cứu độ cho tha nhân, luôn là sứ vụ của mỗi gia đình con cái Thiên Chúa.
Lời Nguyện
Lạy Chúa Thánh Thần!
Ngài là tác nhân siêu việt và chính yếu của sứ vụ Giáo Hội.
Chính Ngài điều khiển công cuộc rao giảng Tin Mừng,
luôn hiện diện sinh động trong thế giới, trong mọi xã hội,
trong tâm hồn mỗi người, và liên tục gieo những hạt giống chân lý
nơi các dân tộc, tôn giáo, và mọi nền văn hóa.
Nhờ sự soi sáng và hướng dẫn của Chúa,
chúng con mới có đủ khôn ngoan
để nhận ra nẻo đường nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Nhờ sức mạnh và sự hun đúc của Chúa,
chúng con mới dám lao mình vào công cuộc Phúc Âm hóa,
để biến khó khăn hôm nay thành cơ hội loan báo Tin Mừng.
Đồng lúa nhân gian thật mênh mông bát ngát!
Xin cho con biết tận dụng mọi thời điểm
để loan báo Đức Kitô và Phúc Âm của Ngài.
Lạy Chúa Thánh Thần! Xin cho con hiểu được ý nghĩa siêu việt
của đời mình là ra đi cho một sứ mạng loan báo Tin Mừng,
là nối tiếp sứ mạng của Đức Kitô, Đấng cứu độ trần gian.
Nhưng lạy Đức Kitô!
Nếu thiếu sống thiết thân với Chúa,con sẽ loan báo bản thân con.
Nếu thiếu sống ngay chính, con sẽ làm lệch lạc Lời Chúa.
Nếu thiếu sống thánh thiện, con sẽ làm tục hóa Tin Mừng.
Xin Thần Khí Chúa thấm nhập vào tâm trí con,
thấm đượm tính cách của con, thanh tẩy tâm hồn và môi miệng con,
để con có thể công bố Lời Chúa cho mọi người.
Xin cho con lòng say mê loan Tin Mừng Chúa,
dám chấp nhận mọi đau thương, dám chịu mọi thua thiệt và lỗ lã,
miễn sao Đức Kitô được rao giảng. Amen.
Lm. Thái Nguyên
[1] Thư Chung 2013 HĐGMVN, s.6.