Màu tím

0
98

Có nhiều người hỏi: Phải chăng Mùa Vọng và Mùa Chay là những mùa u buồn nên mặc vào cho các mùa ấy màu tím, như màu tím dùng trong tang lễ? Thật ra, màu tím trong Phụng vụ Mùa Chay và Mùa Vọng cũng như trong tang lễ diễn tả bằng những nội dung đượm đầy niềm hy vọng và niềm vui.

Màu sắc và thế giới biểu tượng có sự liên hệ với nhau, không thể tách riêng, bởi vì, khi nói màu sắc trong cách sử dụng để diễn tả, thì đương nhiên gắn liền với một biểu tượng mà con người đã muốn gửi vào trong đó một hay nhiều sứ điệp nào đó. Về màu sắc cần nói đến sự pha trộn của các màu làm nên màu tím. Màu tím được pha bằng hai lượng màu bằng nhau của màu đỏ và màu xanh lam, biểu thị cho sự tiết độ – sự phối hợp giữa động và tĩnh – tượng trưng cho sự huyền bí của sáng tạo.

Sự chuyển hoá từ trạng thái này sang trạng thái kia, mổi lần chuyển tinh tuyền hơn, giống như Wirth Oswald gọi là tiến trình lột xác, cho thấy một ý nghĩa quan trọng biểu tượng của màu tím, đó là sự thấm nhuần tinh thần vào trong vật chất càng ngày càng thâm sâu hơn. Nếu đọc dưới ánh sáng của Thánh Kinh, chúng ta sẽ thấy lời tiên báo của Ezekiel được thực hiện qua dòng thời gian, mỗi khi sống Mùa Vọng, Mùa Chay: “Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt, để chúng đi theo các thánh chỉ của Ta và tuân giữ cùng thi hành các quyết định của Ta. Lúc ấy, chúng sẽ là dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng.”[1]

Sự chuyển hoá là cần thiết. Màu đỏ tượng trưng cho địa giới, màu xanh lam tương trưng cho thiên đàng. Địa giới là nơi chịu lưu đày sau khi đánh mất sự tinh tuyền, thiên đàng là nơi hiệp thông cùng Đấng Toàn Hảo. Do đó, giữa màu của đất và màu của thiên đàng được pha trộn mang một ý nghĩa, con người đã bị đuổi ra khỏi thiên đàng, ở trần giới mong tìm về thiên đàng đánh mất, ước mong ấy là sự pha trộn giữa trần thế và thiên đàng. Như vậy, màu tím là màu ước mong hoà quyện từ dưới thế. Sự chuyển hoá ấy là nỗ lực của con người ở dưới thế, nhưng được hoàn thành bởi một Người từ Trời xuống thế. Nếu không có Con Người từ nơi Trời Cao ấy ngự xuống, đất thấp làm gì mong được chuyển hoá. Có một thời dân Do Thái đã kinh nghiệm điều này một cách sâu xa trong nỗi thống khổ của mình để bật lên lời kinh: “Lạy Chúa, xin nghiêng trời ngự xuống, chạm núi cao cho toả khói mịt mù; xin tung chớp loà khiến địch quân tán loạn, phóng tên bay làm chúng phải rã tan. Từ cao thẳm xin đưa tay giải thoát, cứu con lên khỏi đáy nước mênh mông, khỏi thế lực nước ngoài.”[2]

Được đổi mới mỗi ngày. Khát mong được đổi mới, được trở nên tinh tuyền là một khát mong không thể mua được từ dưới thế, trở nên trắng nhờ được tắm trong Máu Chiên Con. Một sứ điệp đã tỏ lộ niềm mừng vui: “Người đã đến trong thế gian”[3]. Như vậy niềm vui đã sẵn chờ, “Hãy trở về” là sứ điệp ngỏ lời cùng nhân loại và cũng là lời Con Người mời gọi con người. Trở về để được đổi mới bằng ân sủng, bằng Tình Yêu.

Thời Trung Cổ, người ta bắt đầu mặc cho Chúa Giêsu, chiếc áo màu tím (Portal Frédéric), có nghĩa là Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đã lãnh nhận hòan tòan thân phận của con người khi Người Nhập Thế. Khi Ngài lãnh nhận Thập Giá là Ngài đã mang cả con người nhân loại trở thành hiến tế, để trong hiến tế ấy con người được hiến thánh. Nhờ Đức Giêsu đã mang trọn bản tính nhân loại, khi trở về cùng Thiên Chúa, Ngài đã mang con người nhân loại hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa. Trong thời kỳ văn hoá Phục hưng, người ta đã in Thánh Kinh, viết bằng chữ vàng trên giấy màu tím: “Người đọc luôn cảm thấy trước mắt sự mặc khải lòng yêu thương của Thiên Chúa như vàng ròng đối với nhân loại qua cuộc khổ nạn của Chúa trên Thập Giá thể hiện bằng màu tím” (Portan Frédéric). Điều này, trong một lần chiêm ngắm màu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong Mầu nhiệm Tử Nạn, nhà Thần học Guardini đã sung sướng reo lên: “Trong Thiên Chúa Ba Ngôi, có một con người”. Đức Giêsu đã là người ở dương thế, mãi mãi Ngài vẫn làm người ở nơi Thiên Chúa. Màu tím, ví thế không là màu tang thương nhưng là màu của niềm hy vọng, màu của niềm tin chắc chắn để ký thác đường đời của mình vào trong lòng yêu thương của Thiên Chúa.

Muộn thời hơn, ở Phương Tây, người ta lấy màu tím làm màu tang. Màu tím trong màu tang biểu hiện, một phần sự thực là con người phải chết, một phần khác con người sẽ sống lại trong vinh quang. Như thế, màu tím biểu lộ sự chuyển hoá, chết không phải là chấm hết cuối cùng, chết là ngưỡng cửa vào sự sống muôn đời. Chết không là điều đáng sợ, nhưng sự sống đời sau mãi mãi mới là điều đáng quan tâm trong đời sống hiện tại.

Màu tím cũng là màu của sự tuân phục, vâng lời. Theo nghĩa này, người ta cũng chỉ đến Đức Giêsu trong thư Roma: “Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính”[5] và trong bài vinh tụng ca của Thánh Phaolô: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.  Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa.”[6]

Vâng phục – tự hạ, biểu lộ tinh thần trút bỏ của Đông phương. Tình trạng này được gọi là “đổ rỗng”. Màu tím một lần nữa lại biểu lộ tinh thần trút bỏ, đổ rỗng, đồng nghĩa với tính cách của người quân tử Đông phương. Người quân tử là người biết sửa mình, biết vươn cao lên bằng cách trút bỏ những gì là gắn bó của bụi trần, biết quyến luyến và dứt bỏ mỗi ngày để cuộc sống ngày càng thanh cao hơn:“Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Lạy Chúa, giữa màu tím của mùa chay, xin cho chúng con biết sống những giá trị thiêng liêng để vươn lên mỗi ngày và được thấy ngày hòan thành trong Thập Giá của Chúa Giêsu

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan