Mầu Nhiệm Giáng Sinh trong đời sống

0
48
Nativity scene with the newborn Christ.

Lễ Giáng Sinh không nhằm tưởng niệm một biến cố đã qua hơn 2000 năm nay, hoặc để kỷ niệm ngày sinh của một con người siêu vượt, nhưng là một thực tại phát sinh ơn cứu độ cho tất cả nhân loại chúng ta. Đó là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng không chỉ đã nhập thể làm người, sống trọn kiếp người, mà vẫn còn hiện diện cách linh thiêng sống động giữa mọi người, trở nên mô mẫu của việc làm người cho mỗi con người. Để những ai tin vào Ngài và dám sống như Ngài thì đạt đến cùng đích viên mãn của cuộc đời mình.

Cuộc sống tại thế tuy mong manh và giới hạn, nhưng ai cũng có một khát vọng vô hạn là muốn được sống mãi và tồn tại mãi trong hạnh phúc. Nhưng chẳng có một chế độ nào, một tổ chức xã hội hay hệ thống kinh tế nào có thể ban cho chúng ta điều đó. Cũng chẳng có ai hay giáo thuyết nào có thể thỏa đáng khát vọng đó, vì mọi người đều phải chết, và tất cả đều qua đi, chẳng còn lại gì. Chỉ có Thiên Chúa, Đấng sinh dựng nên chúng ta, đã đặt khát vọng sâu xa đó vào lòng chúng ta mới làm cho chúng ta được toại nguyện hoàn toàn. Vì thế, những ai chỉ lo mê man đi tìm thỏa mãn vật chất, quyền hành, danh vọng…  quên mất sự sống chân thật của mình là chính Thiên Chúa, đều là những kẻ dại dột nhất.

Qua việc Thiên Chúa làm người, mặc lấy toàn bộ nhân tính của con người, chúng ta mới nhận ra gốc gác của mình là thần linh. Qua việc làm người, Ngài đã tự trở thành quà tặng cho hết thảy mọi người. Ngài đã trao tặng chính Ngài cho chúng ta. Ngài đã đón nhận nhân tính của chúng ta và rồi trao cho chúng ta thần tính của Ngài. Qua đó, chúng ta nhận ra thiên chức cao cả cùng đích siêu việt của mình.

Dù tin hay không tin, dù nhận biết hay không muốn nhận biết, thì đó vẫn là chân lý, là sự thật lịch sử, nằm trong chương trình tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa. Thật sự, chúng ta đã được sinh dựng nên từ chính sự sống và tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, nên ta sống nhờ chính sự sống và tình yêu của Ngài. Quả thật, chỉ có Thiên Chúa mới đưa chúng ta trở về cội nguồn và đạt đến cùng đích là chính Ngài. Chỉ có Ngài mới ban cho chúng ta khả năng hoàn thành một cuộc sống cao cả, và đạt đến thiên đàng hạnh phúc đã được chuẩn bị từ ngàn đời theo kế hoạch nhiệm mầu của Ngài. Đó mới là ý nghĩa thâm sâu của hai chữ “Thiên mệnh” trong cuộc đời của chúng ta.

Khi chiêm ngắm Mầu Nhiệm Giáng Sinh, ta mới cảm nhận được Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta đến mức độ sâu thẳm dường nào. Là Thiên Chúa, Ngài đã trở nên đồng hàng với chúng ta, sống như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, để chia sẻ với chúng ta và cho chúng ta chính sự sống của Ngài. Còn sâu nhiệm hơn nữa khi Ngài chọn bước xuống làm người thấp hèn, chọn cha mẹ quê mùa, chọn gia đình vô danh, chọn nơi chốn sinh ra tồi tàn, chọn cuộc sống nghèo nàn, chọn hoàn cảnh bấp bênh, chọn vị thế chênh vênh, chọn một dân tộc cứng đầu cứng cổ, chọn môn đệ yếu kém, chọn con đường thập giá, chọn chén đắng ô nhục, và cuối cùng, chọn cái chết bi thảm vì yêu thương nhân loại chúng ta. (x. Pl 2, 6-8).

Có ai được tự do hoàn toàn và quyền thế vô song, mà lại lựa chọn cuộc sống như thế không? Chúa đã lựa chọn như thế để có thể đi vào mọi tình cảnh trái ngang của từng người chúng ta. Chúa đã lựa chọn như thế để nếu chúng ta có rơi vào những nghịch cảnh éo le hay ngặt nghèo thì cũng nhận ra thân phận mình trong thân phận của Chúa. Dù cuộc đời mình có ra sao đi nữa thì cũng là cuộc đời của chính Thiên Chúa đã làm người.

Lạ lùng thay Mầu nhiệm Chúa làm nguời! và lạ lùng hơn nữa khi Ngài muốn làm người một cách nhỏ bé, đơn sơ, nghèo hèn. Mầu nhiệm Giáng Sinh tuyệt vời chính là ở cách chọn lựa của Chúa, và đó cũng chính là bài toán thần kỳ giải đáp mầu nhiệm của cuộc đời con người, không như là một định mệnh, một sự nhất thiết, mà là một sự tự do, tự nguyện, tự hiến vì yêu thương. Chính cách chọn lựa của Chúa mở ra một cách thế hiện diện hoàn toàn mới trong cuộc sống làm người:

–         Trong khi con người muốn chọn sự trổi vượt để bước lên còn Chúa lại chọn sự thấp bé để bước xuống.

–         Trong khi con người muốn vượt thoát tình trạng của chính mình, còn Chúa lại chọn đi vào thực trạng của con người.

–         Trong khi con người muốn sống khác với những gì mình là và sống trội hơn với những gì mình có, còn Chúa lại chọn thể hiện những gì con người là và sống kém hơn với những gì con người có.

–         Trong khi con người muốn làm chủ và sở hữu mọi điều, còn Chúa lại chọn làm tôi tớ và từ bỏ đến mức độ “tự hủy”vì yêu.

–         Con người không muốn sống cái “định mệnh” hạn hẹp của mình, còn Chúa lại chọn thể hiện cái “định mệnh” hạn hẹp của con người.

Như vậy những gì con người muốn chọn thì Chúa lại không chọn. Không phải Đức Giêsu muốn sống lập dị với mọi người, hoặc phủ nhận những chọn lựa chính đáng của con người, nhưng Chúa muốn sống tận cùng cái “định mệnh” của kiếp người. Điều này cho ta khám phá ra mầu nhiệm làm người và làm con Thiên Chúa trong Đức Kitô. Chân lý mầu nhiệm đó nhắc nhở ta rằng:

– Chúa đã một lần giáng sinh trong cuộc đời ta, và đã bước xuống lòng ta.

– Ngài đã lặng lẽ ở trong ta và âm thầm sống cuộc đời ta.

– Ngài muốn đảm nhận trọn vẹn cuộc đời ta qua mọi tình trạng và hoàn cảnh.

– Ngài sẵn sàng đón nhận và cùng đau cái nỗi đau của ta qua những vấp váp, thua ngã, hèn kém, trì trệ và thất bại.

– Ngài đang đón đợi và hoàn thiện hoá từng nổ lực kiên trì vươn lên của bản thân ta trong mọi lúc.

Như vậy chính Chúa sống trong ta, và cho ta kinh nghiệm sống trong Chúa:

Để ta có thể nghe được âm thanh của tình yêu Ngài vang lên trong trái tim mình.

– Để ta có thể thấy được Ngài một cách sống động qua mọi biến cố và hoàn cảnh, và nhất là trên khuôn mặt và tấm lòng của những anh chị em, đặc biệt nơi những người nghèo khổ và bất hạnh.

Chúa đã đến không phải chỉ để cứu vớt những gì đã hư mất, không phải chỉ để tái tạo những gì đã hư hao, nhưng Chúa đến còn để thần hoá con người, để thăng hoa mọi công trình của con người, để hoàn thành khát vọng sâu thẳm của con người. Nhưng tiếc thay, nhiều khi con người lại lựa chọn và ham muốn thoả mãn những khát vọng thấp hèn, làm cho tâm hồn thêm trống rỗng, gây nên điêu đứng cho mình và điêu linh cho đồng loại.

Lễ Giáng Sinh nhắc nhở ta một tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa trên đời sống nhận loại, một tình yêu không lùi bước trước sự khép kín và cố chấp của con người. Cũng từ đó, lễ Giáng Sinh mời gọi và thúc đẩy ta biết mở lòng ra để tiếp nhận Chúa trong mọi nghịch cảnh của đời sống làm người. Ước gì ta có thể nói một cách mạnh mẽ như thánh Phaolô, “Không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Cho dù là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? (Rm 8, 35).

Hãy để cho Chúa Giêsu được sinh ra và lớn lên trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, bằng cách mặc lấy tấm lòng từ bi nhân hậu của Ngài, bằng cách để cho Lời Ngài thấm nhập và biến đổi cuộc sống chúng ta nên tươi mới. Để từ đó ta có thể trao ban Chúa Giêsu cho người khác bằng chính sự hiện diện của mình, một sự hiện diện đầy yêu thương để đem lại bình an, vui mừng và hy vọng ngay trong cuộc sống hôm nay.

Lời Nguyện

Ôi! Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người,
mầu nhiệm yêu thương quá vĩ đại,
siêu vượt mọi tâm trí phàm nhân.

Chúa là ánh sáng vinh quang ngàn đời
đã chiếu soi vào đêm tối trần gian,
đem lại cho con hồng ân cứu độ.

Con hoan hỉ tôn thờ, chúc tụng và cảm mến
Đấng đã tự hạ mình sinh ra trong máng cỏ nghèo hèn,
để sống như con, với con và vì con.

Trước máng cỏ,
Con đối diện với một Tình Yêu không lùi bước
trước sự khép kín của con người.

Nơi máng cỏ,
con bắt gặp một Tình Yêu khiêm tốn:
Thiên Chúa đã cúi mình trao tặng chính Ngài cho nhân loại.

Đấng Vô Hạn đã chấp nhận giới hạn.
Đấng Tuyệt Đối đã đón nhận tương đối.
Đấng Cao Cả đã hóa nên bé nhỏ.

Mầu nhiệm Giáng Sinh là khởi đầu “tiến trình tự hủy”
để Thiên Chúa trao ban trọn vẹn chính mình trong mầu nhiệm Thập Giá,
và để trao ban liên tục cho con trong mầu nhiệm Thánh Thể.

Mầu nhiệm Giáng Sinh là mầu nhiệm “Thiên Chúa ẩn mình”
để con tiếp tục khám phá và nhận diện ra Chúa trong cuộc trần.

Qua mầu nhiệm Giáng Sinh,
Chúa đã đi vào đời con, bước xuống lòng con,
ở trong con và âm thầm sống cuộc đời con.

Qua mầu nhiệm Giáng Sinh
Chúa đã đảm nhận trọn vẹn cuộc sống con
trong mọi biến cố vui buồn, sướng khổ.
cả  những vấp váp và sa ngã trong đời.

Lạy Chúa Giêsu!
con muốn chọn cách sống Chúa đã chọn;
con muốn sống cuộc đời Chúa đã sống;
con muốn hoàn thành định mệnh và thân phận
của cuộc đời con trong cuộc đời của Chúa.

Xin cho con biết ẩn mình trong Chúa,
như Chúa đang ẩn mình trong con,
để đời sống con sáng lên khuôn mặt
và tấm lòng của Chúa giữa cuộc sống hôm nay. Amen.

Lm. Thái Nguyên