Kitô Hữu Và Vấn Đề Truyền Giáo

0
87

Kitô Hữu Và Vấn Đề Truyền Giáo

Chúng ta đã biết và nghe nói rất nhiều về sứ mệnh truyền giáo của Hội thánh, nhưng có lẽ, phần đông chúng ta lại nghĩ rằng công việc này là trách nhiệm thuộc hàng giáo phẩm, hàng giáo sĩ và các nhà truyền giáo chuyên biệt. Điều này dẫn đến một hệ quả đáng buồn, đó là phần đông tín hữu chúng ta lơ là đối với việc truyền giáo của Hội thánh.

Thực tế cho thấy, một mặt, giáo dân chúng ta không quan tâm việc truyền giáo như là nhiệm vụ cấp bách của chính mình, mặt khác chúng ta chỉ lo có đạo và giữ đạo cho riêng mình, theo thói quen và nếp cũ. Nhiều người ngoài Công giáo nhìn vào việc chúng ta hành đạo thì thấy rằng chúng ta tập trung quá nhiều vào đạo hình thức, đạo sinh hoạt, đạo lễ nghi, đạo đoàn thể vv… Thực vậy, “Nhiều tín hữu còn cho rằng loan báo Tin Mừng là công việc chuyên môn của linh mục, tu sĩ hay một số giáo dân chuyên nghiệp đã được học về Thần học, chứ không phải là bổn phận của chính mình. Nhiều vị có trách nhiệm lại cho rằng truyền giáo là mở những lớp giáo lý tân tòng để dạy cho người muốn theo đạo những bài học soạn sẵn hay bắt họ học thuộc lòng một số kinh. Nhiều người tích cực hơn thì mua các sách Kinh Thánh hay Tân Ước phát tặng cho anh em lương dân hay tặng quà cho họ trong những dịp lễ Tết…” [1]

Truyền giáo: Chuyện không của riêng ai

Cách đây hơn 50 năm, Công Đồng Vat.II đã chỉ rõ: “Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại. Vì thế, khắp nơi phải mở đường cho họ tích cực tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo hội, tùy sức lực của họ và tùy nhu cầu của thời đại” (x.Vat.II, LG 33).

Vậy rõ ràng là người tín hữu không chỉ lo có đạo, giữ đạo cho riêng mình mà họ còn có nghĩa vụ và bổn phận “tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo Hội” nữa. Và khi tham gia như thế họ không chỉ “làm giáo dân” mà còn là “người tông đồ, là nhà truyền giáo, là sứ giả Tin Mừng Đức Kitô” nữa…

Mặt khác, Hội thánh cũng đã từng khẳng định: “Tất cả các phần tử của Hội thánh mỗi người một cách đều được sai đi. ‘Ơn gọi Ki tô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ’. Mọi hoạt động của Nhiệm Thể nhằm làm cho Nước Đức Kitô rộng mở trên khắp hoàn cầu được gọi là ‘việc tông đồ’.” (x. Giáo lý Hội thánh CG, số 863).

Có thể nói rằng mỗi người giáo dân đều mang trong mình căn tính của một tông đồ, nghĩa là khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy, họ được tháp nhập vào Nhiệm thể Chúa Ki-tô, đồng thời mang lấy sứ mệnh của người được sai đi.

ĐTC Phan-xi-cô, trong Tông huấn đầu tiên Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) khi đề cập việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay, ngài đã mời gọi: “Tôi muốn hướng đến mọi Kitô hữu Công Giáo, mời gọi họ bước vào một giai đoạn mới của việc Phúc Âm hóa, được ghi dấu ấn của niềm vui này và vạch lối đi cho Giáo Hội trong những năm tới.” Bởi lẽ, sứ vụ truyền giáo là sứ vụ chính yếu của Giáo Hội nói chung và của mọi Kitô hữu nói riêng. Đó là trách nhiệm tiên khởi của chúng ta. [2]

Vậy có thể khẳng định một lần nữa là mỗi Ki-tô hữu chúng ta cũng là người truyền giáo, cũng là tông đồ được Chúa sai đến mọi người để loan báo Tin Mừng, để làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô chết và sống lại, để làm cho nhiều người được biết và yêu mến Chúa. Đó là nhiệm vụ Truyền Giáo. Như lời thánh Phao lô khuyến cáo các tín hữu: “Thật khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm” (1Cor  9,16).

Từ những nhận thức trên, chúng ta có thể khẳng định một điều là nếu không có người giáo dân làm tông đồ thì Hội thánh khó hoàn thành nhiệm vụ truyền giáo và cứu rỗi của mình. Chính vì lý do đó, Công đồng Vat.II đã khẳng định rõ ràng: “Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo hội hiện diện và hoạt động nơi mà trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ thì Giáo hội sẽ không trở thành muối của trần gian…”, và “Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại.” (x. Vat.II LG 33).

Những mẫu gương truyền giáo hiện đại

Trong thời hiện đại, không một người Ki-tô hữu nào mà lại không biết đến thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su, mẹ thánh Tê-rê-xa Calcutta và Đức cố HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận. Các ngài chẳng những là những vị thánh trổi vượt, mà còn là tấm gương sáng chói của nhà truyền giáo vĩ đại nữa. Mỗi vị có một con đường nên thánh riêng và các ngài đã truyền giáo cũng qua đời sống đặc thù riêng của mình. Thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su truyền giáo bằng việc cầu nguyện và hy sinh hãm mình trong đời sống tu trì. Mẹ thánh Tê-rê-xa Calcutta truyền giáo bằng đời sống dấn thân vì người nghèo, cho người nghèo. Đức cố HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê thì truyền giáo qua đời sống của một tù nhân can đảm và tràn đầy hy vọng.

Thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su

Thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su không một ngày đi truyền giáo. Ngài sống và chết trong bốn bức tường của nhà dòng kín. Ngài qua đời khi còn rất trẻ, hai mươi bốn tuổi đời. Nhưng ngài lại rất quan tâm, thao thức về truyền giáo. Thánh nữ ước mong mình được đi thật xa để loan báo Tin Mừng. Chỉ với mong ước ấy cộng với lời cầu nguyện thiết tha, thánh nữ trở thành đã trở thành nhà truyền giáo vĩ đại. Ngài được tôn phong là bổn mạng các xứ truyền giáo.

“Thánh Têrêsa, một nữ tu dòng kín tại Lisieux, dù chưa bao giờ rời tu viện, nhưng Têrêsa đã thực hiện nơi mình dự định đặc biệt là đi truyền giáo khắp nơi bằng lời cầu nguyện và bằng đức bác ái trọn hảo. Với quyết tâm thực hành trọn vẹn giới răn yêu thương, thánh Têrêsa đã đặt mình vào trong trung tâm của sứ mạng của Giáo hội, nâng đỡ những vị rao giảng Tin Mừng bằng sức mạnh huyền nhiệm của việc cầu nguyện và việc rước lễ lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa. Thánh Têrêsa đã trở thành mẫu gương cho sự dấn thân truyền giáo và là quan thầy các xứ truyền giáo”. [3]

Mẹ thánh Tê-rê-xa Calcutta

Mẹ Têrêxa đã truyền giáo một cách trổi vượt qua 4 phương cách sau:

Phương cách thứ nhất: Cầu nguyện. Có nhiều người tưởng Mẹ Têrêxa là con người hoạt động. Không phải thế. Trước hết, Mẹ là con người cầu nguyện. Những giờ cầu nguyện triền miên phát xuất từ nỗi niềm khao khát Chúa. Cầu nguyện đã đưa Mẹ đến phục vụ người nghèo. Rồi việc phục vụ người nghèo đã đưa Mẹ trở về với kinh nguyện. Dòng chảy cầu nguyện liên lỷ không bao giờ ngừng. Có thể nói cuộc đời Mẹ là cuộc đời chiêm niệm trong hoạt động.

Phương cách thứ hai: Thấm nhuần Lời Chúa. Mẹ tha thiết yêu mến Lời Chúa. Lời Chúa thấm vào tận mạch máu thớ thịt, để Mẹ suy nghĩ, nói năng và hành động theo Lời Chúa. Mẹ thường nói: Lời Chúa phải ở trên đầu ngón tay ta. Theo Mẹ 5 từ ngữ quan trọng khắc ghi tên 5 đầu ngón tay của Mẹ là: “You did it for me”. Đó là 5 từ tóm tắt chương 25 Tin Mừng theo thánh Mátthêu: “Mỗi lần các con làm những việc này cho một trong những anh em bé nhỏ nhất, đó là các con làm cho Thầy”.

Phương cách thứ ba: Yêu mến người nghèo. Nơi Mẹ, yêu mến người nghèo không phải là cảm tính nhất thời. Yêu mến người nghèo thực sự phát xuất từ một đức tin sâu xa. Tin thật Thiên Chúa đang ở trong những người nghèo. Vì yêu mến người nghèo Mẹ đã tự nguyện sống nghèo. Mẹ sống trong một căn phòng đơn sơ, chỉ có một chiếc giường, một bàn nhỏ, một ngọn đèn và một chậu nước.

Phương cách thứ tư: Phục vụ bằng tình yêu. Vì tin Chúa đang ngự trong người nghèo, nên phục vụ người nghèo chính là phục vụ Chúa. Vì thế, phục vụ người nghèo là một bổn phận phải thực hiện trong khiêm nhường. Phải phục vụ một cách kính cẩn. Phải phục vụ bằng tình yêu.

Giữa thế kỷ 20 tôn trọng vật chất, quay lưng lại với đời sống tâm linh, Mẹ Têrêxa đã trở nên một nhân chứng sống động của thế giới thần linh. Giữa nước Ấn độ xa lạ với Kitô giáo, Mẹ Têrêxa đã trình bày được khuôn mặt dễ thương dễ mến của Chúa, làm cho mọi người yêu mến đạo Chúa. Mẹ xứng danh là nhà truyền giáo của thế kỷ 20. Giữa những bế tắc Mẹ đã khai thông một lối đi. Lối đi vào thẳng trái tim con người. Trong bóng tối dày đặc, Mẹ đã thắp lên một ngọn đèn. Ngọn đèn đó chiếu lên ánh sáng niềm tin. Giữa trần gian lạnh lẽo, Mẹ đã đốt lên ánh lửa yêu mến. Ánh lửa đó sưởi ấm tình người. [4]

Được biết, khi hay tin Mẹ qua đời ngày 5-9-1997, tổng thống Pháp Jacques Chirac phát biểu trong sự thương tiếc như sau: “Thế giới bớt đi tình thương, bớt lòng thương cảm và bớt đi ánh sáng”.

Đức cố HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận

Có thể nói Đức cố HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận là chứng nhân tuyệt vời của niềm tin, hy vọng và lòng mến Ki-tô giáo. Trong cuộc đời linh mục và giám mục của mình, ngài đã rao giảng nhiều về Tin Mừng Đức Ki-tô, nhưng chắc chắn trong suốt thời gian bị giam cầm, ngài đã làm chứng và rao giảng Chúa Ki-tô một cách hùng hồn nhất.

Thực vậy, trong suốt thời gian từ năm 1975 đến năm 1988, Đức cố HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã phải trải qua 13 năm bị giam cầm. Ngày 15 tháng 8 năm 1975, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, vị mục tử của Tổng Giáo phận Sài Gòn bị bắt cho đến ngày 21 tháng 11 năm 1988, nhằm lễ Đức Mẹ dâng mình trong Đền Thờ, ngài mới được ra khỏi nhà tù, nhưng vẫn bị quản chế tại Hà Nội. Chính trong thời gian bị giam cầm, ngài đã biên soạn quyển sách rất nổi tiếng, sách “Đường Hy Vọng”, tác phẩm được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Ngày 21 tháng 9 năm 1991, ngài rời Việt Nam và không bao giờ quay trở lại quê hương. Ngày 21 tháng 2 năm 2001, ngài được vinh thăng Hồng y, tước phẩm Hồng y Phó tế, hiệu tòa Nhà thờ Santa Maria della Scala.

Sau cuộc hành trình trần thế, Đức cố HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã được Chúa gọi về lúc 6 giờ chiều ngày 16 tháng 09 năm 2002, hưởng thọ 74 tuổi. Thánh lễ an táng ngài được ĐGH Gioan Phaolô II cử hành trọng thể vào chiều ngày 20 tháng 9 năm 2002.

Vào chiều ngày 20 tháng 9 năm 2002, Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II đã chủ sự thánh lễ an táng cho Đức cố HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận.

Trong bài giảng, ĐTC đã nói: “Trong lúc chào vĩnh biệt người sứ giả anh hùng của Tin Mừng Chúa Kitô, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta, nơi con người của Đức HY, một tấm gương sáng ngời về đời sống tín hữu Kitô, phù hợp với đức tin, đến độ tử đạo… Ngài (Đức HY Thuận) đã hiểu nền tảng của đời sống Kitô hữu là “chọn một mình Chúa mà thôi” như các vị tử đạo Việt Nam đã làm trong những thế kỷ trước. Chúng ta được mời gọi rao giảng cho tất cả mọi người “Tin Mừng Hy Vọng” và Đức Hồng Y giải thích rằng: chúng ta chỉ có thể chu toàn ơn gọi ấy với sự hy sinh quyết liệt, dù phải chịu những thử thách cam go nhất… Đây không phải là sự anh hùng, nhưng là sự trung thành chín chắn, hướng cái nhìn về Chúa Giêsu là mẫu gương của mọi chứng nhân và mọi vị tử đạo. Một gia sản cần được đón nhận mọi ngày trong một cuộc sống đầy yêu thương và dịu hiền”.

Năm năm sau ngày Đức cố HY Phan-xi-cô qua đời, ĐHY Renato Raffael Martino, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, đã chủ sự thánh lễ để tưởng nhớ một chứng nhân hòa bình và hy vọng vào lúc 11 giờ ngày chúa nhật 16 tháng 9 năm 2007 tại nhà thờ Santa Maria della Scala. Theo quy định của hiến luật về việc phong thánh, dịp này, Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình đã bắt đầu tiến trình xin lập hồ sơ phong thánh cho Đức cố HY.

Từ dinh thự Giáo hoàng ở Castel Gandolfo, trong buổi triều yết hôm thứ hai 17 tháng 9 năm 2007, ĐGH Bênêdictô XVI đã nói: “Tôi vui mừng, nhân cơ hội này để một lần nữa, nêu lên chứng tá đức tin sáng ngời mà vị mục tử anh dũng này đã để lại cho chúng ta. ĐHY Phanxicô Xaviê đã được vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II đáng kính của tôi bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình. Ngài đã soạn thảo bản Toát yếu Giáo huấn xã hội của Hội thánh. Làm sao quên được những nét nổi bật về sự đơn sơ và thân thiện của ngài”.

Chúng ta tưởng nhớ ngài với sự thán phục lớn lao, trong khi chúng ta hồi tưởng lại trong tâm trí chúng ta những dự phóng lớn lao và tràn đầy hy vọng, đã làm cho ngài luôn sống động và ngài tìm cách thế để dễ dàng loan truyền ra và thuyết phục nhiều người.

Đức cố HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận là một con người của hy vọng. Ngài sống bằng hy vọng, ngài phổ biến niềm hy vọng cho tất cả những ai ngài gặp gỡ…Ngài thường nhắc lại rằng: Kitô hữu là một con người của từng giờ, của lúc này, của giây phút hiện tại, cần được đón nhận và sống với tình yêu Chúa Kitô. Trong khả năng sống giây phút hiện tại này, đã chiếu tỏa điều sâu thẳm của việc phó thác trong bàn tay Thiên Chúa và tính đơn sơ theo tinh thần Phúc âm…

ĐGH Bênêđictô XVI kết thúc như sau: “Anh chị em thân mến, tôi vui mừng sâu xa đón nhận tin về việc khởi sự án phong chân phước cho vị Ngôn Sứ đặc biệt về niềm hy vọng Kitô này, và trong khi chúng ta phó thác cho Chúa linh hồn ưu tuyển của ngài, chúng ta hãy cầu nguyện để tấm gương của Đức Cố Hồng Y là giáo huấn hữu hiệu cho chúng ta. Với lời cầu chúc đó, tôi thành tâm ban phép lành cho tất cả anh chị em”.

Ngày 4 tháng 5 năm 2017, trong buổi tiếp kiến Đức hồng y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ Tuyên thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận nhân đức anh hùng của Đức hồng y Nguyễn Văn Thuận. Từng bị cầm tù vì đức tin tại Việt Nam trong suốt 13 năm, trong đó có 9 năm biệt giam, nay Đức hồng y Nguyễn Văn Thuận được tuyên bố là Đấng đáng kính, thêm một bước tiến quan trọng trong án phong thánh cho ngài./. [5]

Aug. Trần Cao Khải

– – – – – – – – – – – – – –

[1] LM Nguyễn Ngọc Sơn – Bài “Hiệu quả truyền giáo ở Việt Nam trong những năm gần đây – Nghi vấn và giải thích” – Nguồn: VietCatholic News 03-3-2009.

[2] LM Phêrô Nguyễn Văn Hương – Bài “Truyền giáo, sứ mạng chính yếu của người Kitô hữu” – Nguồn: http://dcvphanxicoxavie.com

[3] LM Antôn Nguyễn Văn Độ – Bài “Thánh nữ Têrêsa Tiến sĩ Tình yêu và là nhà Truyền giáo” – Nguồn: conggiao.info 27-9-2016

[4] ĐTGM Ngô Quang Kiệt – Bài “Truyền giáo theo gương mẹ Têrêsa” – Nguồn: http//www.songtinmungtinhyeu.org

[5] LM Phêrô Nguyễn Thanh Tùng – Bài “Cuộc đời Đức cố HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận” – Nguồn: http://tonggiaophanhue.net