“Đấng Phục Sinh Không Bao Giờ Bỏ Rơi Các Bạn!”

0
117

“Đấng Phục Sinh Không Bao Giờ Bỏ Rơi Các Bạn!”

Bước vào Tuần Thánh năm nay, nước Pháp – trưởng nữ của Giáo hội đã thực sự bước vào cuộc thương khó với Đức Giêsu khi gánh chịu trận hỏa hoạn kinh hoàng tại nhà thờ Đức Bà Paris gây tổn thất nặng nề cho ngôi thánh đường hàng trăm năm tuổi. Tiếp theo đó, ngày Chúa Nhật Phục Sinh 2019, Sri-Lanka trãi qua biến cố tang thương chưa từng có, và ngày Chúa Nhật Phục Sinh đó cũng là ngày khủng khiếp nhất của Giáo hội Công Giáo toàn cầu khi các cuộc đánh bom khủng bố nhắm vào người Công giáo làm cho khoảng 300 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương… Ánh sáng ở đâu? Phục Sinh chỗ nào khi con người trãi qua những biến cố tang thương khủng khiếp như thế?

Tuy nhiên qua biến cố cháy nhà thờ Đức Bà Paris, đức tin của nhiều người đã được khơi lên khi họ cùng nhau quy tụ lại để cầu nguyện ; đức ái đã được tỏa lan khi người ta biết chung tay góp sức để tái thiết ngôi Đền Thánh ; đức cậy đã được gieo mầm để mọi người hướng về tương lai tốt đẹp của ngôi thánh đường. Ánh sáng là thế đó! Tin- cậy- mến: ba nhân đức đối thần của Kitô giáo không bao giờ tàn lụi.

Đứng trước cuộc thảm sát đẫm máu tại Sri-Lanka, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ: Tôi đau buồn khi hay tin về những vụ khủng bố trầm trọng chính ngày hôm nay, Ngày Lễ Phục Sinh, gieo tang thương và đau khổ tại một số nhà thờ và các nơi khác tại Sri Lanka. Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi thân thương với Cộng đồng Kitô bị tấn công trong lúc tụ họp nhau cầu nguyện, và với tất cả các nạn nhân của bạo lực tàn ác như thế. Tôi phó thác cho Chúa tất cả những người bị thiệt mạng đau thương và cầu nguyện để tất cả những người đang chịu đau khổ vì biến cố bi thảm này”. Đức Giáo hoàng bày tỏ sự gần gũi với người dân Siri-Lanka. Đó cũng là sứ điệp Phục Sinh mà ngài gởi cho toàn thế giới năm nay: “Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và một cách tuyệt vời, Người mang sự trẻ trung đến với thế giới của chúng ta. Thành thử, những lời đầu tiên mà tôi muốn nói với mọi Kitô hữu trẻ là những lời này: Chúa Kitô đang sống và Người muốn các bạn sống! Người ở trong các bạn, Người ở bên các bạn và Người không bao giờ bỏ rơi các bạn. Bất kể các bạn có lang thang xa đến đâu đi nữa, Người, là Đấng Phục sinh, luôn ở đó. Người kêu gọi các bạn và Người chờ các bạn quay lại với Người và bắt đầu lại từ đầu. Khi các bạn cảm thấy mình già đi vì buồn sầu, oán giận hoặc sợ hãi, nghi ngờ hay thất bại, Người vẫn luôn ở đó để phục hồi sức mạnh và hy vọng của các bạn.” (Christus Vivit, 1-2).

Vâng, Phục Sinh là thế đó! Đức Giêsu không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Sau khi chết Ngài đã trỗi dậy để tiếp tục ở bên con người và nâng con người lên đến sự sống mới.

Kể từ “ngày thứ nhất trong tuần”, Đức Giêsu đã nhiều lần, nhiều cách chứng minh cho những người thân quen biết Ngài đã sống lại. Hôm nay cũng thế, tuy “các cửa phòng đều đóng kín”, nhưng Đức Giêsu vẫn ở giữa các môn đệ để ban bình an cho các ông: “Bình an cho anh em!” chẳng những 1 lần mà đến 3 lần (Ga 20, 19b. 21a. 26b), vì Ngài biết hiện tại các ông đang hoang mang vì cái chết của Ngài. Chính sự hiện diện và bình an của Đấng Phục Sinh làm cho các môn đệ vui mừng và sau đó hăng say lên đường loan báo Tin Mừng Phục Sinh.

Đức Thánh Cha Phanxicô viết tiếp trong thông điệp Phục sinh của Ngài: Sự sống lại của Chúa Kitô là nguyên tắc cho cuộc sống mới đối với mọi người nam nữ, vì sự đổi mới thực sự luôn bắt đầu từ trái tim, từ lương tâm. Tuy nhiên, Lễ Phục sinh cũng là khởi đầu của một thế giới mới, thoát khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi và sự chết: một thế giới cuối cùng mở ra với Nước Thiên Chúa, một Vương quốc của tình yêu, hòa bình và tình huynh đệ”.

Đức Thánh Cha nhắc đến từng điểm nóng trên thế giới với những khó khăn do chiến tranh, nghèo đói, khủng hoảng chính trị, hay di cư… như: “người dân Syria yêu dấu, là nạn nhân của một cuộc xung đột đang diễn ra” ; hoặc “cùng với tất cả những người đã lánh nạn ở các nước láng giềng, đặc biệt là Li Băng và Jordan ; “Trung Đông, nơi tan nát bởi sự chia rẽ và căng thẳng liên tục” ; “ Tôi nghĩ đặc biệt đến người dân Yemen, đặc biệt là các trẻ em, đã kiệt sức vì đói khát và chiến tranh” . Đức Thánh Cha“Cầu mong cho xung đột và đổ máu chấm dứt ở Libya, nơi những người vô phương tự vệ một lần nữa phải thiệt mạng trong những tuần gần đây và nhiều gia đình đã bị buộc phải bỏ nhà cửa ra đi.” 
Ngài cầu xin phúc lành “cho toàn bộ lục địa Phi châu thân yêu, vẫn đầy rẫy những căng thẳng xã hội, xung đột và đôi khi có cả những hình thức cực đoan bạo lực để lại sự bất an, hủy diệt và chết chóc, đặc biệt là ở Burkina Faso, Mali, Niger, Nigeria và Cameroon.” Ngài nhớ đến những người bạn ở đất nước Nam Sudan mà Ngài vừa quỳ xuống hôn chân họ vì hòa bình, “là những người đã được nâng đỡ bởi những thành quả trong khóa tĩnh tâm được tổ chức vài ngày trước tại đây tại Vatican”. Ngài hướng lòng về “phía đông Ukraine, là những người phải chịu đựng cuộc xung đột vẫn đang tiếp diễn”. Ngài cầu xin ơn Phục Sinh cho người dân và tình hình chính trị tại Venezuela. Nicaragua cũng được Ngài cầu nguyện “hầu tìm ra càng nhanh càng tốt một giải pháp hòa bình dựa trên thương thảo vì lợi ích của toàn bộ người dân Nicaragua”.

Xã hội Việt Nam với những gì đang diễn ra trong ngành giáo dục và nhiều vấn đề khác như tham nhũng, tội ác gia tăng, sự hung hăng ngày càng nhiều, phá thai tràn lan và coi thai nhi như một thứ rác thải, giới trẻ mất đi định hướng sống vì lẩn quẩn với những thứ vô định… Nếu những điều này được trình lên Đức Giáo hoàng, chắc chắn Ngài cũng sẽ cầu nguyện một cách đặc biệt cho dân tộc Việt Nam.

Giống như định luật chung của nhân loại, những sự xấu đó như cái chết của Đức Giêsu và chắc chắn sẽ có một ngày tất cả được biến đổi trở nên tốt hơn như sự Phục Sinh của Ngài. Đức Giêsu Phục Sinh vẫn ở bên dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, Đức Giêsu Phục Sinh vẫn ở bên mỗi người, mỗi gia đình trong giáo xứ chúng ta, nhất là những người còn đắm chìm trong tội lỗi, bận rộn với những sự thế gian, mãi mê với những điều thứ yếu… như xác chết vẫn còn nằm trong mộ chưa chịu trỗi dậy để Phục Sinh.

Ngài vẫn đồng hành với những gia đình đang gặp khó khăn. Ngài nâng bước chân họ lên để tiếp tục tiến bước trong hành trình của yêu thương.

Nhiều người tự hỏi: Vậy Chúa đâu tôi không thấy? Tôi vẫn đang khổ, đang bệnh tật, đang nghèo đói…? Các vị mục tử vẫn trăn trở với đời sống đức tin của con chiên và làm mọi cách để họ sống đạo tốt, vẫn lặn lội đi tìm những con chiên lạc ; nhiều người thành tâm thiện chí thăm hỏi, động viên và cầu nguyện cho những hoàn cảnh khó khăn trong họ đạo ; đặc biệt những sinh hoạt trong cộng đoàn Họ đạo vẫn tồn tại… để cho thấy Đấng Phục Sinh vẫn hiện diện, nhưng chúng ta chưa để Ngài lay động chúng ta.

Ước mong năm nay: Lễ Phục sinh cũng là khởi đầu của một thế giới mới, thoát khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi và sự chết: một thế giới cuối cùng mở ra với Nước Thiên Chúa, một Vương quốc của tình yêu, hòa bình và tình huynh đệ.  Ước mong một sự đổi mới nơi mỗi tâm hồn, mỗi gia đình, mỗi Họ đạo để dù vẫn còn nhiều ngôi mộ đóng kín, nhưng vẫn có những ngôi mộ đã mở ra để được Phục Sinh với Đức Giêsu.

Đức Giêsu Phục Sinh vẫn ở bên cạnh bạn!

Lm. Giuse Nguyễn