Ngày Quốc tế Truyền Thông

0
35

Ngày lễ Chúa Giêsu lên trời gắn liền với mệnh lệnh ra đi loan báo Tin Mừng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,18-20). Thánh Marcô còn ghi thêm: “Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,19-20).

Đã hẳn là thế, nhưng tại sao Giáo hội Công giáo lại chọn lễ Thăng Thiên là Ngày Quốc tế Truyền thông xã hội? Bởi vì chúng ta đang sống trong một thời đại mà “ra đi loan báo Tin Mừng” không chỉ bằng những bước chân băng đồng vượt núi, nhưng bằng tiếng nói và hình ảnh được truyền tải qua làn sóng radio, truyền hình, đặc biệt ngày nay là mạng internet và mạng xã hội. Thế nên việc chọn lễ Thăng Thiên làm Ngày Quốc tế Truyền thông xã hội là lời thúc giục các tín hữu hãy vận dụng những phương tiện truyền thông hiện đại để loan báo Tin Mừng cho con người ngày nay, làm cho họ trở thành môn đệ của Đức Giêsu Kitô, Đấng là đường, sự thật và sự sống.

Trong khung cảnh Năm Thánh Lòng Chúa thương xót, Đức giáo hoàng Phanxicô ban hành Sứ điệp Ngày Truyền thông 2016 với tựa đề Truyền thông và Thương xót: Cuộc gặp gỡ phong phú. Chủ đề đó nêu lên câu hỏi quan trọng là: Làm thế nào để mạng lưới truyền thông có thể trở thành mạng lưới của lòng thương xót thay vì là mạng lưới của hận thù và chia rẽ? Câu trả lời không nằm ở những kỹ thuật, dù tiến bộ đến mấy, cho bằng ở trái tim con người. Sứ điệp Truyền thông 2016 viết: “Không phải kỹ thuật quyết định truyền thông nào là chân chính, nhưng là trái tim con người và khả năng của chúng ta trong việc sử dụng cách khôn ngoan những phương tiện trong tầm tay của mình. Mạng xã hội có thể kiến tạo những tương quan và thúc đẩy thiện ích trong xã hội, nhưng nó cũng có thể dẫn đến chỗ cực đoan hơn và gây chia rẽ giữa các cá nhân và các nhóm”.

Đúng vậy, cũng một cây bút trên tay, cũng một bàn phím trước mắt, nhưng những dòng chữ và bài báo được viết ra sẽ phục vụ mạng lưới của lòng thương xót hay mạng lưới của hận thù, tất cả đều tùy thuộc vào tâm hồn người viết, một tâm hồn thấm đẫm tình yêu hay một tâm hồn chìm ngập trong thù hận. Cũng thế, sở hữu một IPAD hiện đại không nhất thiết làm cho một người nên phong phú nếu nó chỉ được sử dụng để tán gẫu, chơi game, và truy tìm những hình ảnh khiêu dâm; ngược lại, chỉ có một máy tính cũ kỹ nhưng người sử dụng có thể nâng cao kiến thức, gột rửa tâm hồn, mở rộng tầm nhìn. Tất cả đều tùy thuộc vào bản thân biết sử dụng khôn ngoan hay không.

Thế nên, hãy vun đắp tâm hồn bằng những giai điệu của lòng thương xót, để dù chỉ có những phương tiện đơn sơ, mỗi chúng ta đều có thể trở thành người phục vụ mạng lưới của lòng thương xót.

Lễ Thăng Thiên 2016

Người Mỹ Tho

http://giaophanmytho.net/