Chiến thắng lòng ghen tị

0
199

Cuối ngày, những người thợ vườn nho đi làm từ sáng sớm, đã được chủ trả tiền công đúng như thoả thuận, không thiếu một hào. Thế nhưng họ vẫn không hài lòng, lại còn lẩm bẩm kêu trách chủ vườn đã cho những người đến làm sau được hưởng đồng lương bằng họ. Họ tỏ ra bất bình và ghen tị với các đồng nghiệp chỉ vì những người nầy ít tốn mồ hôi hơn mà cũng được hưởng tiền công bằng mình.

Lòng ghen tị đã xuất hiện từ khởi thuỷ loài người. Ca-in ghen tị với A-ben chỉ vì lễ vật của A-ben được Chúa thương chấp nhận, còn lễ vật của anh thì bị Thiên Chúa khước từ. Lòng ghen tị đã xui khiến Ca-in đánh chết đứa em thân yêu.

Lòng ghen tị sục sôi trong lòng vua Sa-un khi Đa-vít chiến thắng Gô-li-át và đập tan quân thù nên dân chúng ca tụng Đa-vít hơn cả vua, khiến vua Sa-un lùng sục Đa-vít tận thâm sơn cùng cốc, quyết hạ sát cho bằng được vị anh hùng kiệt xuất nầy (Samuen I, chương 17-18).

Nhiều người không muốn cho kẻ khác trội hơn mình và thậm chí không muốn cho người khác bằng mình. Ai cũng muốn mình nổi bật hơn, chói sáng hơn, vinh quang hơn người khác. Khi khát vọng nầy không được thoả mãn, và nhất là khi thấy người khác thành công, thắng lợi hơn mình, thì lòng ghen tị phát sinh.

Lòng ghen tị khiến người ta xa lánh nhau, bôi nhọ, chỉ trích, bôi bác nhau, làm xấu đi những tương quan tốt đẹp giữa anh em, bạn bè.

Làm sao dập tắt được lòng ghen tị?

Muốn dẹp bỏ lòng ghen tị, chúng ta cần nhận thức hai điều nầy:

1. Sự thành công của người khác luôn mang lại lợi ích cho chúng ta.

Thế giới nầy cần phải có nhiều người tài giỏi hơn bạn và tôi, càng nhiều càng tốt. Nếu ai cũng chỉ có khả năng bằng bạn và tôi thôi thì làm gì có máy bay, có TV, có điện thoại di động và máy tính…

Xã hội nầy cần phải có nhiều người giàu có hơn bạn và tôi. Nếu ai cũng nghèo như bạn và tôi thì lấy đâu ra vốn để đầu tư và phát triển. Thế là quê hương đất nước còn lâu mới thoát cảnh lạc hậu nghèo nàn.

Vậy thì hãy mừng vui vì có nhiều người trổi vượt hơn ta, vì sự thành công và phát triển của họ sẽ mang lại lợi ích cho bản thân ta cũng như cho xã hội.

2. Tất cả ki-tô hữu làm nên một thân thể

Thánh Phao-lô dạy rằng: Tuy có nhiều bộ phận trong cơ thể (như tim, gan, phổi…) nhưng tất cả những bộ phận ấy đều liên kết với nhau để làm nên một thân thể thế nào, thì “tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” như thế  (I Cor 12, 12-13).

Và trong thư Cô-rin-tô, thư Ê-phê-sô, thánh Phao-lô lặp lại chân lý nầy:

“Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (I Cor 10, 17)(Ep 3, 5-6).

Đây là một sự thật hết sức quan trọng: Mỗi cá nhân như là một tế bào hay như là một bộ phận trong một thân thể lớn lao là nhân loại. Người nầy như là quả tim, người kia như là buồng phổi… có tương quan chặt chẽ và mật thiết với nhau. Vì thế, sự thành công của người nầy sẽ mang lại lợi ích cho người kia.

Do đó, thay vì ghen tị trước những thành công của người khác, ta hãy vui mừng hân hoan, vì sự thành công của họ đem lại nhiều lợi ích cho ta và cho toàn thể mọi người.

Vì thế, thay vì buồn phiền khi có nhiều anh chị em bè bạn chung quanh trổi vượt hơn ta, ta hãy thành thật chúc mừng vì nhờ thế đất nước nầy sẽ được tiến bộ hơn, thế giới này sẽ văn minh hơn.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà