Yêu Thương Tha Nhân Bằng Sự Quan Tâm Phục Vụ-
Suy niệm Lời Chúa Chúa nhật XV Thường niên- C
I. HỌC LỜI CHÚA
- TIN MỪNG : Lc 10,25-37
(25) Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng : “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ? (26) Người đáp : “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào ?” (27) Ông ấy thưa : “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và người thân cận như chính mình” (28) Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”. (29) Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng : “Nhưng ai là người thân cận của tôi ?” (30) Đức Giê-su đáp : “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. (31) Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. (32) Rồi cũng thế, một thầy lê-vi đi tới chỗ ấy cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. (33) Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy và chạnh lòng thương. (34) Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy, và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. (35) Hôm sau ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói : “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”.(36) Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?” (37) Người thông luật trả lời : “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”. Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.
- Ý CHÍNH :
Bài Tin mừng hôm nay gồm hai phần :
– Phần một Đức Giê-su đã đồng ý với một nhà thông luật phải giữ Luật Mô-sê là “mến Chúa hết lòng và yêu người thân cận như yêu mình” như điều kiện để được sống đời đời.
– Phần hai là dụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân hậu, qua đó Người dạy ông phải vượt qua điều tùy phụ của Luật để thực hiện điều quan trọng hơn là thực thi bác ái phục vụ tha nhân.
- CHÚ THÍCH :
– C 25-28 : + Người thông luật : Từ này ám chỉ các Kinh sư Do thái, là những nhà thông thái hiểu biết về Luật Mô-sê và có nhiệm vụ giải thích Lề luật cho dân chúng tại các hội đường Do thái. + Đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người : Các người thông luật thường tự cao, nghĩ mình là giỏi và không cần phải hỏi ai cả. Ở đây họ hỏi Đức Giê-su chỉ nhằm thử thách và gài bẫy để có dịp bắt bẻ Người mà thôi.+ Làm gì để được sống đời đời ? : Người thông luật thuộc phái Pha-ri-sêu, là phái tin có đời sau và có sự kẻ chết sống lại, nên ông đã đặt ra câu hỏi này, trái với các người phái Sa-đu-xê-ô không tin kẻ chết sống lại (x. Cv 23,6-8).+ Trong Luật đã viết gì ? : Người Do thái gọi 5 cuốn sách đầu trong bộ Thánh kinh Cựu ước là các sách Luật Mô-sê vì do chính Mô-sê và các đồ đệ của ông đã viết ra. 5 cuốn sách đó là: Sáng thế ký, Xuất hành, Lê-vi, Dân số và Đệ nhị luật. + Ông đọc thế nào ? : Đức Giê-su trả lời bằng một câu hỏi, buộc người đối thoại phải tỏ rõ lập trường của mình ra trước. + Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa… : Người thông luật đã đọc kinh Shê-ma là lời cầu nguyện hằng ngày của dân Do thái. Kinh này gồm hai câu rút ra từ 2 sách Luật là Đệ nhị luật (Đnl 6,5) và Lê-vi (Lv 19,18). Điều đó cho thấy Cựu ước đã chuẩn bị trước cho Tân ước. + Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông trả lời đúng lắm…” : Để được sống đời đời thì phải sống yêu thương. Lòng mến Thiên Chúa và yêu người thân cận luôn phải đi đôi với nhau.
– C 29-30 : + Ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý : Người thông luật muốn chứng tỏ mình thực tâm muốn tìm hiểu. Ông ta mở rộng vấn đề bằng một câu hỏi khác bên ngoài bộ Luật và độ khó nhiều hơn so với câu hỏi trước đã có sẵn đáp án trong Luật. + “Ai là người thân cận của tôi ?” : Câu hỏi này mở đường cho Đức Giê-su bày tỏ quan điểm mang tính cách mạng của Người, khác với quan niệm cổ truyền hẹp hòi của các nhà thông luật của dân Do thái về đối tượng phải yêu mến. Đó là phải yêu cả kẻ thù của mình nữa! + Con đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô : Con đường này dài gần 25 cây số, băng ngang hoang địa Giu-đa, thời đó có nhiều băng trộm cướp ẩn núp hoạt động.
– C 31-33 : + Thầy tư tế đi xuống : Tư tế là người thuộc dòng dõi A-ha-ron có nhiệm vụ dâng chiên bò sát tế trong Đền thờ. Vị này đi xuống Giê-ri-khô vì thành này dành cho gia đình các tư tế ở. + Thầy Lê-vi : hay trợ tế, thuộc dòng dõi Ghéc-sôn, là một trong ba ngành lớn của dòng họ Lê-vi (x. St 46,11). Các thầy trợ tế Lê-vi có nhiệm vụ đàn hát trong các buổi thờ phượng tại Đền thờ. + Một người Sa-ma-ri kia : Sa-ma-ri là một miền đất nằm ở giữa hai miền là Ga-li-lê phía Bắc và Giuđê phía Nam của nươc Do thái. Dân miền này bị người Do thái coi là dân lai căng và khinh thường họ. Vì trong cuộc lưu đày vào năm 721, một số người Do thái ở miền này đã không bị đi lưu đày. Họ ở lại và dựng vợ gả chồng lẫn lộn với dân Ni-ni-vê từ Ba-tư kéo xuống. Dân Sa-ma-ri này thờ Đức Chúa tại núi Ga-ri-dim, và không hành hương lên Đền thờ Giê-ru-sa-lem như người Do thái. Họ cũng có thái độ thiếu thân thiện như không cho những người Do thái đi hành hương Giê-ru-sa-lem vào ở trọ trong làng của họ (x. Lc 9,53).
– C 34-35 : + Lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương : Người Sa-ma-ri này đã làm động tác sơ cấp cứu theo y học sơ đẳng thời bấy giơ, là dùng dầu để làm giảm đau và dùng rượu để rửa sạch vết thương. + Hai quan tiền : Tương đương 2 ngày công lao động thời đó (x Mt 20,9).
– C 36-37 : + “Ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?” : Như vậy, chúng ta sẽ trở thành thân cận của người gặp nạn kia nếu chúng ta yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ họ. + Hãy làm như vậy : Đức Giê-su chấp nhận lối xử thế của người Sa-ma-ri. Người đề nghị nhà thông luật hãy làm như người Sa-ma-ri. Tình thương Ki-tô giáo không biên giới, không cần biết người cần giúp đỡ có cùng chủng tộc, tôn giáo với mình hay không.
- CÂU HỎI :
1) Lòng tin về mầu nhiệm kẻ chết sống lại của hai phái tôn giáo thời Đức Giê-su là Pha-ri-sêu và Sá-đu-xê-ô khác nhau thế nào ?
2) Sách Luật Mô-sê gồm có mấy cuốn và là những sách mào ?
3) Hằng ngày người Do thái ngoan đạo phải cầu nguyện bằng việc đọc kinh Shê-ma, kinh này được rút ra từ sách nào ? Lời kinh ấy nêu ra hai bổn phận nào người Do thái phải làm ?
4) Đức Giê-su dạy người Pha-ri-sêu hãy làm theo gương của ai trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
- LỜI CHÚA : “Ông hãy đi, và cũng làm như vậy” (Lc 10,37).
- CÂU CHUYỆN :
1) TRÁNH THỜ Ơ TRƯỚC NỖI ĐAU CỦA THA NHÂN :
Cách đây ít lâu trang mạng Te-le-graph và các trang mạng khác ở Trung Quốc và trên thế giới đều đồng lọat phát đi một đọan video clip và bình luận về tai nạn tại thành phố Phật Sơn tỉnh Quảng Đông mà nan nhân là một bé gái 2 tuổi tên Duyệt Duyệt (Yue Yue) đang đi ngòai đường tại khu chợ ổ gần nhà, và đã bị một chiếc xe tải nhỏ đụng phải. Đoạn video clip từ một máy quay bảo vệ an ninh tại hiện trường cho thấy viên tài xế xe tải sau khi đụng bé Duyệt Duyệt ngã ra đường, đã chỉ dừng lai một chút rồi lại tiếp tục chạy khiến bánh sau chiếc xe cán qua người bé lần thứ 2. Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở hành động phi nhân tính của gã tài xế. Chính thái độ thờ ơ của những người qua đường sau đó mới khiến người Trung Quốc băn khoăn tự hỏi không biết tương lai đất nước của họ sẽ đi về đâu ?
Thực vậy : trong suốt 7 phút từ lúc bé Duyệt Duyệt gặp nạn, lần lượt đã có tới 18 người đi ngang qua nơi cô bé bị nạn nằm trên đường, nhưng chẳng một ai quan tâm giúp đỡ. Người đầu tiên là một thanh niên mặc áo phông trắng và quần thể thao, đi qua bé gái nằm sõng soài trên đường, máu tuôn ra trên mặt, nhưng anh ta đã ngó lơ. Tiếp theo là một người đi xe đạp nhìn thấy em đã chạy vòng qua tiếp tục đi. Anh ta đã ngóai lại xem có phải một người bị nạn đang nằm ở đó hay không, rồi lại thản nhiên đạp xe đi tiếp. Khi máu tuôn ra nhiều hơn, một người đi xe đạp nữa xuất hiện. Người này không chút quan tâm tới số phận của đứa trẻ. Ba con người vô cảm vừa nói đã không giúp đỡ bé Duyệt Duyệt đáng thương, dù chỉ làm một việc đơn giản là kéo cô bé vào bên vệ đường. Sự thờ ơ của họ đã dẫn tới sự kiện một tài xế xe tải khác đi tới, do đang nói chuyện diện thọai không nhìn thấy bé Duyệt Duyệt trên đường nên đã cán xe lên người em. Sau lần bị xe đè này, bé Duyệt Duyệt đã không còn cử động nữa. Liên tiếp sau đó, rất nhiều người đi xe đạp và cả một số người đi xe chở hàng qua khu vực nạn nhân nằm vẫn không hề quan tâm tới bé Duyệt Duyệt. Cũng có một người phụ nữ dắt theo đứa con đi qua, thấy bé Duyệt Duyệt bị nạn lại rảo chân bước nhanh hơn ngang qua em…
Chỉ tới khi một nữ lao công quét đường 58 tuổi đi tới, thì bé Duyệt Duyệt mới được cứu giúp. Bà này vội hạ túi đồ xuống và lôi đứa trẻ sang một bên đường để tránh cho bé khỏi bị xe cán tiếp. Rồi bà tri hô lên yêu cầu được trợ giúp. Bấy giờ mẹ đứa trẻ nghe thấy hớt hải từ trong nhà chạy ra và vội mang con đi cấp cứu tại một bệnh viện gần đó. Tuy nhiên, sự can thiệp đã quá muộn. Các bác sĩ nói rằng bé Duyệt Duyệt do bị chảy máu nhiều nên bị suy hô hấp và còn bị chấn thương sọ não nghiêm trọng không được cấp thời cứu chữa nên khó có cơ hội hồi phục lại được và cuối cùng đã chết trong nỗi tiếc thương của cha mẹ và người thân của em.
Chính thái độ thờ ơ của nhiều người khi tai nạn xảy ra khiến bé Duyệt Duyệt đã bị chết thảm vì không được kịp thời giúp đỡ. Người cuối cùng ra tay cứu em lại là một người nghèo tiền nhưng giàu lòng nhân ái. Còn chúng ta sẽ làm gì nếu chứng kiến cảnh bé gái bị tai nạn nói trên ?
2) TỨ HẢI GIAI HUYNH ĐỆ :
Một đạo sĩ Ấn giáo nọ hỏi các đệ tử của ông như sau :
– “Làm thế nào để xác định lúc nào đêm cũ qua đi nhường chỗ cho ngày mới bắt đầu ?”
Sau vài phút suy nghĩ, một đệ tử giơ tay xin trả lời :
– “Thưa thầy, đó là khi ta phân biệt được một con thú từ xa là con bò hay là con ngựa”.
Câu trả lời đã không làm cho nhà đạo sĩ ưng ý. một đệ tử khác lên tiếng :
– “Là khi từ đàng xa ta phân biệt được cây xoài hay cây mít”.
Vị đạo sĩ lại lắc đầu. Khi các đệ tử nhao nhao muốn biết đáp án của thầy, ông mới ôn tồn nói :
– “Đó là khi ta nhìn vào mặt của bất cứ ai mà nhận ra đó là anh em của ta. Vì nếu ta không phân biệt được như thế, thì cho dù đêm có tàn, ngày có bắt đầu, tất cả mọi sự không có gì thay đổi”.
3) CON NGƯỜI CHỈ ĐƯỢC HẠNH PHÚC KHI BIẾT QUẢNG ĐẠI CHO ĐI :
Có một câu chuyện ngụ ngôn như sau : ở một thành phố nọ, có một Ông Hoàng sống một cuộc đời rất hạnh phúc. Vì thế khi ông chết, người ta đã làm một bức tượng của ông, đặt trên một cái bệ cao đặt giữa thành phố và đặt tên bức tượng là “Ông Hoàng Hạnh Phúc”, như biểu tượng may mắn sẽ mang hạnh phúc cho người dân trong thành.
Một buổi chiều đầu mùa đông, một con chim én đến đậu dưới chân pho tượng. Bỗng một giọt nước rơi xuống đầu nó. Nó nhìn lên và ngạc nhiên vì đó là giọt nước mắt của Ông Hoàng. Ông đang khóc. Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên đôi má của ông. Chim én ngạc nhiên hỏi rằng :
– Tại sao ông khóc ? Ông là Ông Hoàng Hạnh Phúc kia mà !
– Ông hoàng trả lời : Từ khi đứng trên cao nhìn thấy cảnh sống của dân thành, ta đau lòng quá và không còn hạnh phúc nữa. Ta muốn đi giúp họ lắm, nhưng đôi chân ta bị chôn chặt ở cái bệ này nên không thể nào đi được. Bạn có thể giúp ta không ?
– Không được, tôi phải bay đi cho kịp đàn đang bay về phương Bắc.
– Hãy làm ơn giúp ta một đêm nay thôi.
– Chim én ngập ngừng giây lát rồi nói : Thôi được. Bây giờ ông muốn tôi làm gì ?
– Trong một túp lều đàng kia có một người mẹ đang khóc vì đứa con trai bệnh nặng mà bà lại không tiền mời bác sĩ đến chữa. Bạn hãy lấy viên ngọc ở chuôi kiếm của ta đem cho bà ấy.
– Chim én dùng mỏ lấy viên ngọc ra và bay đến cho bà mẹ nghèo. Nhờ có tiền, bà đã lo được cho con trai khỏi bệnh.
– Hôm sau Ông Hoàng lại xin chim én nán lại một đêm nữa để mang viên ngọc khác đến cho một người nghèo gần đó. Rồi hôm sau nữa đến giúp một người nghèo khác. Cứ thế hết ngày này sang ngày khác, con chim én lần lượt lấy các đồ trang sức quý giá của Ông Hoàng đem cho người nghèo. Cuối cùng trên mình Ông Hoàng không còn gì quý giá nữa. Khi đó đã là giữa mùa đông, trời đã trở lạnh rất nhiều.
Vào một buổi sáng, người ta thấy xác con chim én nằm chết cóng dưới chân pho tượng Ông Hoàng trần trụi. Phía dưới thành phố, mọi người đều hạnh phúc. Họ có biết đâu rằng hạnh phúc của họ là nhờ sự hy sinh của Ông Hoàng Hạnh Phúc và chim én nhỏ bé kia mang lại.
4) PHẦN THƯỞNG CỦA HÀNH ĐỘNG BÁC ÁI LÀ NIỀM VUI TÂM HỒN :
Một lần kia, một người Mỹ lái xe đưa gia đình đi du lịch đến Alaska trong một nhà xe di động. Bỗng nhiên trục xe bị gãy khiến ông rơi vào tình huống khó khăn ngay ở nơi đồng trống. Ông cho vợ con xuống xe và một mình đi bộ tìm người giúp đỡ, vì lúc bấy giờ chưa có điện thoại di động như ngày nay.
Sau khi đi được một dặm thì đến một nông trại, ông vào gặp và trình bày cho chủ nông trại biết hoàn cảnh khó khăn đang gặp phải. Chủ nông trại tỏ ra thông cảm, ông ta lái xe công nông đến kéo chiếc xe và nhà xe di động về nông trại để sửa chữa hàn lại cái trục bị gãy. Khi công việc hoàn tất, người du khách nói :
– Tôi phải trả ông bao nhiêu ?
– Ông không phải trả gì cả.
– Nhưng tôi nghĩ tôi phải trả công cho ông theo phép công bằng.
– Thì ông đã trả công cho tôi rồi đó.
– Ông nói gì tôi không hiểu.
– Ông đã cho tôi cảm giác hạnh phúc khi giúp được gia đình ông vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
Người du khách ngạc nhiên vì đã gặp được một người tốt bụng có lòng quảng đại như vậy. Còn chúng ta sẽ làm gì để cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ không công người lâm cảnh khốn khó ?
- THẢO LUẬN : Cần làm gì khi gặp một người bị nạn trên đường để vừa thi hành được đức bác ái, lại vừa khôn ngoan phòng tránh bị hiểu lầm mình đã gây tai nạn ?
- SUY NIỆM :
1) “Cứ làm như vậy là ông sẽ được sống đời đời” :
Người thông luật đã hỏi Đức Giê-su và sau đó ông đã tự tìm ra đáp án trong Luật Mô-sê : “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu người thân cận như yêu chính mình”. Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là ông sẽ được sống”.
2) “Ai là người thân cận của tôi?” :
Người thông luật lại hỏi Đức Giê-su : “Ai là người thân cận của tôi ?” Thay vì trả lời, Đức Giê-su đã kể dụ ngôn về người Sa-ma-ri tốt lành: Một khách bộ hành đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô, bị bọn cướp đánh nhừ tử, trấn lột, rồi bỏ nằm nửa sống nửa chết bên lề đường. Đang khi hai thầy tư tế và Lê-vi “tránh qua bên kia mà đi”, thì người Sa-ma-ri ngoại đạo dừng chân, băng bó vết thương, đem nạn nhân về nhà trọ săn sóc và sẵn sàng trả thêm tốn phí săn sóc nạn nhân cho chủ quán. Qua đó cho thấy người thân cận của chúng ta là mọi người đang cần được trợ giúp. Người thân cận có thể không phải ai khác mà là chính những người cùng sống chung một nhà, cùng sinh họat trong nhóm, là một bà hàng xóm, là cô bạn đang ở chung phòng, là người thân mà chúng ta đang phải chịu đựng thói hư… Tóm lại là tất cả những ai đã và đang gây ra đau khổ cho chúng ta… Tất cả đều có thể được chúng ta yêu thương và sẽ trở nên người thân của chúng ta. Chỉ cần dừng lại, cúi xuống phục vụ là họ đang từ một người xa lạ hay đáng ghét lập tức trở thành thân quen, từ kẻ thù hóa thành bạn hữu của chúng ta.
3) “Kẻ đã thực thi lòng thương xót” :
Yêu thương không chỉ là cho đi một cái gì, nhưng còn là cho đi chính bản thân, là quên mình để hiến thân phục vụ tha nhân: Kahil Gibram đã nói chí lý : “Bạn cho đi quá ít khi mới cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thực sự cho đi”. Càng đi tìm bản thân, con người càng đánh mất chính mình. Càng muốn được yên thân, con người càng bị vong thân. Các tín hữu chúng ta chỉ trở thành con Thiên Chúa khi dám chịu thiệt thòi vì người khác như mẹ Tê-rê-xa Can-quýt-ta đã phát biểu : “Ki-tô hữu là người trao ban chính thân mình cho tha nhân”.
Thánh Au-gút-ti-nô dạy : “Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Quả thực, khi yêu rồi thì chúng ta sẽ biết mình phải làm gì trong bất kỳ tình huống nào. Bấy giờ chúng ta sẽ có sáng kiến để phục vụ tha nhân là những người nghèo khổ bất hạnh đang sống gần bên chúng ta cách hữu hiệu. Khi đã yêu, chúng ta sẽ biết cách làm cho một kẻ xa lạ trở thành người thân, kẻ thù địch trở nên bạn hữu theo gương người Sa-ma-ri trong Tin Mừng.
4) “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” :
Qua dụ ngôn này Đức Giê-su muốn dạy nhà thông luật và các tín hữu chúng ta bài học: hãy yêu thương bằng hành động cụ thể. Sở dĩ hai thầy tư tế và Lê-vi “tránh qua bên kia mà đi” là vì sợ : sợ bị ô uế theo Luật khi đụng vào xác chết ; Sợ bị bọn cướp quay lại; sợ bị phiền hà… Nhiều người trong chúng ta cũng không dám giúp đỡ tha nhân gặp nạn là do chúng ta cũng sợ bị tốn nhiều công sức, tiền bạc và thời giờ… Đang khi người Sa-ma-ri trong dụ ngôn đã vượt qua những nỗi sợ hãi ấy. Tông đồ Gio-an đã khuyên các tín hữu : “Anh em đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3,18).
Tình yêu thực sự đòi thể hiện bằng các hành động cụ thể cá nhân và tập thể như sau : Thực hành yêu thương hôm nay là phải biết “nghĩ đến người khác” : Sẵn sàng bị lấm lem chân tay quần áo, sẵn sàng đối mặt với những rắc rối có thể xảy ra cho mình. Vặn âm thanh vừa đủ nghe lúc ban đêm để tôn trọng láng giềng đang cần được nghỉ ngơi; Không đổ rác thải ra đường hay vứt xuống sông lạch để tránh gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra nên có những hoạt động bác ái tập thể như chia sẻ quà Tết quà Giáng Sinh cho người nghèo, mở lớp học tình thương cho trẻ bụi đời, chăm sóc người già neo đơn… Tránh làm những gì gây phiền hà cho tha nhân. Chẳng hạn : Khi rước kiệu Thánh Thể ra đường lộ, cần tránh gây ách tắc giao thông. Chúng ta đọc kinh ca hát và tưởng rằng ta đang làm sáng danh Chúa. Nhưng có biết đâu rằng các tài xế xe hơi, xe máy và bao hành khách đang bức xúc vì bị ngãng trở trễ giờ hẹn và thêm lòng thù ghét đạo…
- LỜI CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho mắt chúng con nhìn thấy được nỗi đau trong ánh mắt kẻ khác, đặc biệt là của các người thân trong gia đình chúng con. Xin cho tai chúng con biết lắng nghe tiếng khóc của kẻ khác, nhất là của những người cùng chung huyết thống với chúng con. Xin cho chúng con biết thương xót những ai đang lâm cảnh khốn cùng, cho chúng con đừng bao giờ phớt lờ bỏ đi vì ngại vất vả cực nhọc hay sợ bị lừa dối… Xin cho chúng con biết nói với họ : “Này anh, tôi có thể giúp gì được cho anh không?” rồi giúp đỡ phục vụ họ với hết khả năng.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM