Tại nước Pháp, giữa lòng thành phố Paris, một thành phố được mệnh danh là “Kinh Thành Ánh Sáng”, lại có một nơi mà bóng tối luôn luôn bao phủ. Đó làDòng Nữ Tu Mù được thiết lập giữa trung tâm thủ đô. Trong dòng này, ngoài Mẹ Bề Trên, một chị nữ tu Việt Nam, cùng một vài chị nữ tu khác sáng mắt, còn lại những nữ tu khác đều mù cả.
Trước khi vào dòng, các thiếu nữ đó tưởng rằng cuộc đời họ gần như rơi xuống hố sâu của sự tuyệt vọng, tất cả chỉ còn là một màn đêm dày đặc. Thế nhưng, khi bước chân vào dòng, tia hy vọng đã rực sáng lên trong lòng họ. Họ kiên nhẫn và bền chí học chữ, học nghề, học nhạc theo phương pháp “chữ nổi” Braille dành cho người mù. Trong nhà thờ, họ đọc kinh hát lễ bằng cách sờ chữ với đôi bàn tay.
Ngoài ra, họ còn mở trường dạy các em học sinh mù. Không những các nữ tu mù đã tìm được ánh sáng hy vọng cho đời mình, mà còn làm cho những mảnh đời bất hạnh khác cũng được bừng sáng lên. Như thế, giữa “Kinh Thành Ánh Sáng” Paris, Dòng Nữ Tu Mù không phải là nơi “tối” nhất, nhưng là nơi “sáng” nhất.
Mù lòa là một sự bất hạnh thật lớn lao đối với con người. Họ bị giam hãm trong bóng tối của đêm dài vô tận. Vì thế, tìm được ánh sáng cho đôi mắt thật hạnh phúc biết bao, nhưng tìm được ánh sáng cho tâm hồn lại là một điều hạnh phúc lớn hơn nữa. Hôm nay, trong bài Tin Mừng theo thánh Marcô, Chúa Giêsu đã ban cho người mù Bartimê thành Giêricô cả hai thứ ánh sáng : ánh sáng của đôi mắt và ánh sáng của tâm hồn.
Mù đôi mắt nhưng sáng tâm hồn
Nhìn vào phép lạ Chúa Giêsu làm cho anh mù thành Giêricô được sáng mắt, người ta thường có lòng thương cảm đối với anh. Nhưng thật ra, nhiều người đi theo Chúa và chứng kiến phép lạ này có lẽ lại đáng thương hơn. Vì người mù thành Giêricô “tối” con mắt, nhưng “sáng” tâm hồn. Còn những người khác “sáng” con mắt nhưng “tối” tâm hồn.
Người mù ngồi ăn xin bên vệ đường tuy sống trong cảnh tối tăm mù lòa, nhưng tâm hồn anh vẫn lóe lên tia sáng của niềm tin. Anh tin tưởng và hy vọng sẽ gặp được Chúa Giêsu, người sẽ chữa anh sáng mắt. Và với lòng tin mạnh mẽ, niềm mong mỏi khôn nguôi, anh đã gặp được Chúa Giêsu và anh đã được chữa lành. Niềm tin của anh mạnh mẽ đến nỗi Chúa Giêsu đã khen ngợi : “Đức tin của anh đã chữa anh”.
Cũng vậy, với đôi mắt đức tin sáng ngời, người mù đã nhận ra Chúa Giêsu là “Con Vua Đavit”, một tước hiệu của Đấng Messia, Đấng muôn dân đang mong đợi. Trong khi đó, dân chúng đi theo Chúa lại không nhận ra dung mạo cao cả ấy của Ngài. Họ đi theo Chúa có lẽ chỉ với ánh mắt hiếu kỳ, mong xem thấy những điều lạ lùng.
Cũng với một lòng tin mạnh mẽ, người mù đã vượt qua mọi thử thách và những “rào cản” để đến với Chúa. Khi biết Chúa Giêsu đang đi tới, anh đã kêu to : “Hỡi ông Giêsu, Con Vua Đavit, xin thương xót tôi”. Mọi người nạt nộ, đe dọa để anh im tiếng, nhưng anh càng kêu to hơn lời cầu xin thống thiết. Và Chúa đã đáp lời anh. Anh đã vượt qua mọi thử thách, từ bỏ cả tấm áo choàng là vật thiết thân để đến với Chúa.
Cũng với lòng tin thiết tha, anh mù đã dốc hết nỗi lòng khao khát của mình, mong được Chúa Giêsu ban ơn cho được sáng mắt : “Lạy Thầy, xin cho con được thấy”. Chúa Giêsu đã cho anh được khỏi mù lòa. Và chính ánh sáng đức tin đã soi dẫn anh để anh quyết tâm đi theo Chúa là nguồn sáng cao cả của đời anh.
“Lạy Thầy, xin cho con được thấy” cũng phải là lời cầu xin của chúng ta hàng ngày. Vì có thể chúng ta đang “sáng đôi mắt” nhưng lại “mù tâm hồn”, khiến cuộc đời chúng ta vẫn mãi đắm chìm trong bóng tối thê lương.
Ánh sáng niềm tin
Người mù thành Giêricô quả là người thật hạnh phúc. Vì sau khi được chữa lành, cuộc đời anh tràn ngập ánh sáng của thể xác lẫn tâm hồn. Nhưng để đạt được niềm hạnh phúc ấy, anh đã phải có một niềm tin mạnh mẽ như lời xác quyết của Chúa Giêsu “Đức tin của anh đã chữa anh”. Đức tin chính là chìa khóa giúp anh mở tung cánh cửa đã giam hãm anh trong bóng tối tuyệt vọng. Như thế, đức tin chính là ánh sáng cần thiết cho mọi người, không những về phương diện thể lý mà còn về phương diện tinh thần.
“Lạy Chúa, xin cho con được thấy” đó là lời cầu nguyện hằng ngày của chúng ta, xin Chúa mở đôi mắt đức tin cho chúng ta luôn nhận thấy Chúa đang hiện diện trong cuộc đời chúng ta, nhất là nhận ra Chúa đang hiện diện nơi những anh chị em nghèo hèn bất hạnh, để chúng ta biết giúp đỡ và chia sẻ. Chúng ta xin Chúa mở đôi mắt đức tin cho chúng ta nhìn thấy rõ bản thân mình với những khuyết điểm và lỗi lầm để canh tân đổi mới chính mình. Chúng ta cũng xin Chúa mở đôi mắt đức tin cho chúng ta biết nhìn ngắm những điều tốt lành trong thiên nhiên và vũ trụ, và nhờ vậy, biết cảm tạ hồng ân Chúa và nâng tầm hồn lên đến Chân, Thiện, Mỹ.
Chúng ta còn xin Chúa mở đôi mắt đức tin cho chúng ta nhận ra chúng ta rất giống dân chúng đi theo Chúa trong bài Tin Mừng. Họ là những người sáng mắt nhưng thực ra, lại mù lòa. Và thật đáng thương, họ đã không hay biết điều ấy. Trong khi đó, người mù thành Giêricô tuy mù lòa nhưng lại sáng mắt nên nhận ra thân phận tối tăm của mình để cầu xin Chúa : “Lạy Thầy, xin cho con được thấy”.
Trong bài đọc I, ngôn sứ Giêrêmia nói tiên tri về thời Thiên Sai. Khi đó, Thiên Chúa dẫn đưa dân chúng từ chốn lưu đày trở về quê hương : tất cả những người đau khổ, nhất là những người mù què, tàn tật sẽ được cứu chữa. Mỗi ngày, ta cũng hãy xin Chúa dẫn đưa ta từ “chốn lưu đày” là đời sống tội lỗi hoang đàng, biết trở về với Chúa để được Chúa chữa lành.
Sau cùng, ta cũng hãy mở to đôi mắt yêu thương để nhìn thấy những anh em đang sống trong cảnh mù lòa tăm tối của đời sống thiêng liêng. Ta hãy đồng hành với họ và dẫn đưa họ về nguồn sáng cao cả là chính Chúa.
Trước đây, trong một cuốn sách luận văn dành cho chương trình tiểu học có một bài văn vần tả lại câu truyện một đôi bạn tàn tật thật cảm động : Một anh què ngồi bên vệ đường xin ăn thật tội nghiệp. Ngày kia, một anh mù lần mò bước tới làm bạn. Hai người gặp gỡ nhau trong cùng một cảnh ngộ thương tâm. Họ sáng nghĩ ra một cách để cộng tác với nhau cùng đi kiếm sống. Anh mù khỏe chân thì cõng anh què trên lưng. Anh què sáng mắt thì chỉ đường cho anh mù bước đi.
Đó là câu chuyện của hai con người luôn biết nhìn xem bằng trái tim và bước đi bằng tấm lòng. Chớ gì chúng ta cũng luôn có cặp mắt và đôi chân yêu thương như vậy, để luôn nhìn thấy rõ những người khổ đau bên cạnh và sẵn sàng đồng hành với họ trên đường đời chông gai.
Logos năm B