VINH QUANG CỦA CHÚA- Suy niệm Lễ Các Đẳng Linh Hồn

0
137

Tại nghĩa trang TP. Hà Nội thời Pháp thuộc có ghi dòng chữ: “Người sẽ chết tưởng niệm người đã chết”. Hôm nay chúng ta, những người sẽ chết quy tụ nơi đây, tại đất thánh này để tưởng niệm những người đã chết. Sự quy tụ của chúng ta là để tuyên xưng đức tin và thể hiện sự hiệp thông trong Hội Thánh: Chúng ta tuyên xưng Chúa là sự sống lại và là sự sống, chúng ta hiệp thông với những người đã qua đời bằng thánh lễ cầu nguyện cho họ. Khi quy tụ nơi đây, trước hết chúng ta tìm hiểu về nguồn gốc của lễ Các Linh hồn, sau đó hãy để phụng vụ lời Chúa soi sáng vào cách sống của chúng ta hầu chuẩn bị cho cuộc sống mai sau.

  1. NGUỒN GỐC LỄ CÁC LINH HỒN

Vào năm 998, thánh viện phụ Ôđilô đã viết một văn kiện ra lệnh cho tất cả các linh mục thuộc dòng của ngài phải dâng thánh lễ để cầu nguyện cho những anh em trong dòng và những ân nhân của nhà dòng đã qua đời. Sau đó lễ này được lan rộng rất nhanh, vượt biên giới của nhà dòng. Đến giữa thế kỷ thứ 10, lễ này đã được ĐGH Gioan 14 cho cử hành trong khắp Giáo Hội Rôma. ĐGH Bênêđictô 15 đã cho phép các Linh mục riêng ngày lễ các Linh hồn được phép dâng 3 thánh lễ, 1 để cầu cho các Linh hồn, 1 để cầu nguyện theo ý ĐGH và một để cầu theo ý chỉ của Linh mục.

Việc cầu cho các Linh hồn là việc làm đúng đắn vì hợp với Kinh Thánh. Sách Macabê có kể câu chuyện ông Giuđa Macabê quyên góp được một số tiền rất lớn, gởi về Giêrusalem để xin dâng hy lễ cầu nguyện cho các chiến binh của ông. Nếu ông không tin vào sự sống đời sau thì ông đâu có làm như thế. Nhưng bởi vì ông tin vào phần thưởng Thiên Chúa hứa ban cho những con người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức nên ông mới làm như thế.

Cầu cho các Linh hồn cũng là điều hợp với GLHTCG, bởi vì Giáo lý xác quyết: “Những ai qua đời trong ân nghĩa Chúa mà chưa được thanh tẩy một cách trọn vẹn thì mặc dù đã được bảo đảm sự sống đời đời, nhưng vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết để đạt được sự thánh thiện cần thiết trước khi vào Nước Trời” (GLHTCG 1030). Sự thanh luyện của họ sẽ trở nên mau mắn nhờ sự trợ giúp của những người còn sống.

Việc cầu cho các Linh hồn cũng phù hợp với tư tưởng của các thánh giáo phụ. Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Nếu các con ông Gióp được thanh tẩy nhờ hy lễ của cha họ, thì tại sao chúng ta hoài nghi những của lễ chúng ta dâng cầu cho những người chết lại không đem đến sự an ủi cho họ. Vậy chúng ta đừng ngần ngại cứu giúp những người đã ra đi”. Thánh Augustinô thì nói: “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ”. Tóm lại, việc cầu nguyện cho những người đã chết là một việc làm đúng đắn, có nền tảng từ Thánh kinh, Giáo Lý và thánh truyền. Nếu chúng ta biết sống mầu nhiệm các thánh thông công này cho đúng đắn thì sẽ ích lợi trước hết cho thân thể mầu nhiệm của ĐK, cho các Linh hồn, sau đó còn cho chính bản thân của chúng ta nữa.

Sau khi đã biết nguồn gốc của lễ các Linh hồn, chúng ta hãy để cho lời Chúa soi dẫn hầu có thểsống theo lời Chúa mà đạt được hạnh phúc Nước Trời.

  1. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

Bài Tin Mừng theo thánh Gioan là lời nguyện hiến tế của Chúa Giêsu. Sau lời nguyện này Ngài đi vào cuộc khổ nạn và đỉnh cao là cái chết trên thập giá. Điều hết sức kỳ diệu là đứng trước giờ phút khủng khiếp đó, những lời nói cuối cùng của Chúa Giêsu không phải là lời tuyệt vọng, bi quan nhưng là những lời đầy hy vọng và vinh quang. Lời đó là gì? Thưa lời đó là: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu thì chúng cũng ở đấy với con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con”. Có nhà chú giải khi đọc câu kinh thánh này đã phải thốt lên: “Ôi sự vinh hiển của Kitô hữu thật lớn lao biết bao”.

Chúng ta phải biết đâu là vinh quang của Đức Kitô? Có ba cách nói về vinh quang của Đức Kitô, đó là thập giá của Ngài, là vâng lời Chúa Cha một cách trọn vẹn, là qua đời sống của Ngài mà mọi người nhìn thấy được mối liên hệ mật thiết giữa Ngài với Chúa Cha.

Ý tưởng nỗi bật mà đoạn Tin Mừng này muốn gởi đến chúng ta là khi chúng ta tham dự vào vinh quang của Đức Kitô là chúng ta được tham dự vào sự sống của Ngài. Những người đã chết, khi còn sống nếu sống với vinh quang của Chúa thì bây giờ chắc chắn đang hưởng sự sống của Chúa. Chúng ta là những người sẽ chết nếu tham dự vào vinh quang của Đức Kitô thì chắc chắn cũng sẽ được thông phần sự sống với Ngài. Từ đó chúng ta hãy tìm hiểu để sống với vinh quang của Chúa.

III.            VINH QUANG CỦA CHÚA

  1. Thập giá là vinh quang của Chúa

Chúa Giêsu không nói đến việc Ngài bị đóng đinh, nhưng nói đến việc Ngài được tôn vinh. Do đó trước tiên và trên hết, vinh hiển của một Kitô hữu là thập giá mà người ấy phải vác. Chịu khổ vì Chúa là một vinh dự và vinh quang. Đừng bao giờ nghĩ rằng thập giá của chúng ta là hình phạt, nhưng phải hiểu nó là vinh quang. Khi lãnh một nhiệm vụ càng nặng nề, thì vinh dự của người ấy càng lớn lao. Trở nên một Kitô hữu rất khó, nhưng đó là vinh quang, danh dự mà Chúa ban cho chúng ta. Giữ đạo, một cách cụ thể giữ những điều luật của Chúa không phải là chuyện dễ dàng, bởi vì nếu dễ thì chắc chắn không có chuyện bỏ ngày Chúa Nhật, không có chuyện bài bạc, không có chuyện tham lam, trộm cắp, lường gạt, gian dối… Bởi vì có khó khăn, gian khổ, mà chúng ta phải vượt qua như vậy thì chúng ta mới thấy được giá trị Nước Trời mà Chúa hứa ban quý giá biết là chừng nào; chúng ta mới thấy được vinh quang mà chúng ta đạt được lớn lao biết là dường bao.

  1. Vâng lời Chúa Cha một cách trọn vẹn

Thứ hai, vâng lời Chúa Cha một cách trọn vẹn là vinh hiển của Chúa Giêsu. Chúng ta chỉ tìm thấy vinh quang, sự sống của chúng ta không phải do làm theo những điều mình thích, mà do vâng theo ý Chúa. Khi cố gắng làm theo những điều mình thích như phần đông vẫn cố làm, chúng ta chỉ chuốc lấy đau khổ, rắc rối cho mình và cho người khác. Sự vâng lời càng trọn vẹn thì vinh quang càng lớn lao. Con người thì ai cũng thích tiền bạc, vì vậy mà có người mãi mê kiếm tiền, bất chấp thủ đoạn, quên hết những bổn phận với Chúa. Trong khi đó Chúa muốn chúng ta sống gắn bó với Chúa, tuân giữ những điều luật của Ngài. Đến một lúc nào đó, những người theo sở thích của mình, lo chạy theo tiền bạc mà bỏ Chúa cũng sẽ thở dài, hỡi ôi, tiền bạc của cải chỉ là phù vân!

  1. Đời sống phản chiếu vinh quang Chúa Cha.

Thứ ba, vinh quang của Chúa Giêsu nằm trong sự kiện nhờ đời sống của Ngài mà người khác nhìn thấy được sự liên hệ đặc biệt với Chúa Cha. Vinh quang của người Kitô hữu ở chỗ người khác thấy được vinh quang Thiên Chúa nơi cuộc sống của họ. Khi tiếp xúc với chúng ta trong gia đình, trong khu xóm, trong họ đạo… người khác nhận thấy nơi chúng ta toát ra một sự gắn bó với Chúa, một tình yêu thương dành cho mọi người không phân biệt một ai, một sự quan tâm đến đời sống, nhất là đời sống đức tin của họ.

Tóm lại, phụng vụ lời Chúa hôm nay nhấn mạnh và mời gọi chúng ta sống vinh quang của Chúa. Mà vinh quang của Chúa là thập giá trong đời sống đức tin, là làm theo ý Chúa một cách tuyệt đối, là phản chiếu vinh quang của Chúa qua đời sống của chúng ta. Khi sống được như vậy là chúng ta đang thông phần sự sống của Chúa và bảo đảm cho chúng ta sự sống mai sau. Đứng trước những ngôi mộ của người thân, ngoài việc cầu nguyện cho những người đang an nghỉ ở đó, chúng ta còn phải nghĩ đến số phận mai này của chúng ta cũng như vậy mà thôi. Nhưng may mắn hơn là chúng ta còn có giờ để chuẩn bị cho sự sống mai sau của mình bằng cách sống với vinh quang của Đức Kitô: vác thập giá mỗi ngày, sống theo thánh ý Chúa và phản  chiếu vinh quang của Chúa.

Hãy sống trong vinh quang của Đức Kitô để được bước vào trong vinh quang của Ngài.

Lm. Giuse Trực