Trách nhiệm với tha nhân – Suy niệm Lời Chúa Chúa nhật XXIII thường niên – Năm A

0
35

Trách nhiệm với tha nhân – Suy niệm Lời Chúa Chúa nhật XXIII thường niên – Năm A

Con người không sống đơn lẻ trên đời, nhưng sống với, sống cùng, sống nhờ và sống cho người khác. Khi ý thức được điều này, chúng ta sẽ nhận ra những giới hạn của bản thân, cùng với sự phụ thuộc của chúng ta vào người khác, đồng thời dễ dàng cảm thông với anh chị em, khi họ có điều không phải với chúng ta. Cuộc sống “công nghiệp” trong xã hội chúng ta như một vòng xoáy, trong đó, mỗi người chỉ sống cho riêng mình, ít quan tâm đến người khác, kể cả những người ruột thịt trong gia đình. Không ít những người già bị bỏ rơi, người bệnh tật bị quên lãng, và người nghèo phải chìm trong sầu khổ. Những người này vừa thiếu thốn vật chất vừa thiếu thốn tình cảm.

Khi có trách nhiệm đối với tha nhân, chúng ta có thể giúp họ nên hoàn thiện. Trên đời này, có ai sinh ra đã hoàn thiện bao giờ? Tiến trình “thành nhân” là một chuỗi những cố gắng liên lỉ, kèm theo những hy sinh của bản thân, cùng với sự giúp đỡ đồng hành của người xung quanh. Trong Cựu ước, Đức Chúa trao cho ngôn sứ Ê-dê-ki-en trách nhiệm phải góp ý sửa sai người khác. Ông là một ngôn sứ sống ở miền Nam (Giu-đê-a) vào thế kỷ thứ VI. Đối tượng mà ông được trao để sửa sai không chỉ là cá nhân, mà là cả một dân tộc. Trách nhiệm này nặng lắm. Nếu vị Ngôn sứ ngậm miệng làm thinh trước sự dữ, thì bao tai hoạ của dân chúng, một mình vị Ngôn sứ sẽ lãnh hết. Nếu vị Ngôn sứ trung thành chuyển tải sứ điệp của Chúa, thì ông vô tội, dù người ta không lắng nghe và sửa mình. Trong thực tế, nhiều khi ông Ê-dê-ki-en nói mà dân chúng đâu có chịu nghe. Không những thế, có lần họ còn nổi xung và chống lại ông. Theo truyền thống Do Thái, ông bị kết án tử hình bởi một vị thẩm phán đã từng bị ông khiển trách nặng nề. Giống như Ê-dê-ki-en, ngôn sứ Giê-rê-mi-a cũng phải trải qua nhiều thử thách và bách hại như thế. Dù khó khăn, Ê-dê-ki-en vẫn can đảm kiên trung. Giữa một dân chúng đang hoang mang và lầm lạc, ông vẫn loan báo niềm hy vọng. Ê-dê-ki-en là một trong bốn vị ngôn sứ mà truyền thống Thánh Kinh gọi là “những ngôn sứ lớn”: I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en, Đa-ni-en.

Chính Đức Chúa đã gọi Ê-dê-ki-en là “người canh gác cho nhà Israel”. Đây là lối nói tượng trưng. Với vai trò “Người canh gác”, ông có trách nhiệm phát hiện, cảnh báo và bảo vệ dân Israel khỏi mọi thói tục ngoại lai, đồng thời trung thành với truyền thống của tiền nhân và tuân giữ Lề Luật. Suốt cuộc đời, Ê-dê-ki-en đã trung thành với sứ mạng Chúa trao, bất chấp những gian nan khốn khổ.

Nội dung Tin Mừng Chúa nhật này như một tổng hợp ba giáo huấn của Chúa Giê-su. Đó là việc sửa lỗi anh em, lòng quảng đại bao dung đối với mọi người và tình liên đới hiệp thông trong lời cầu nguyện. Cả ba giáo huấn này đều có chung một nội dung duy nhất: đó là bác ái. Góp ý sửa lỗi anh chị em phải được thực hành trong sự bác ái trước hết, để vừa giúp người ấy nên hoàn thiện, vừa không mất đi một người bạn. Theo văn mạch, ý tưởng “ràng buộc và tháo cởi” ở đây, khác với quyền “ràng buộc và tháo cởi” mà Chúa Giê-su trao cho ông Phê-rô, sau khi ông tuyên xưng đức tin (Mt 16,19), vì khi nói với Phê-rô cùng với việc trao chìa khoá, Chúa trao quyền bính cho ông Phê-rô và cho Giáo hội. “Ràng buộc và tháo cởi” ở đây, hiểu một cách cụ thể, là cố chấp hay là tha thứ. Điều này được soi sáng bởi lời kết thúc dụ ngôn liền sau đó về người mắc nợ không biết thương xót: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35). Ý tưởng này cũng là âm hưởng của kinh Lạy Cha: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6,12). Giáo huấn thứ ba trong bài Tin Mừng, đó là tình hiệp thông giữa những người tin Chúa. Hiệp thông vừa là cùng nhau hướng về Chúa để thực thi lời Ngài dạy, vừa là thể hiện tình mến đối với nhau để cùng nhau thực hiện tình mến đối với những người khác. Hình ảnh hai hay ba người họp nhau cầu nguyện, chính là bằng chứng nói lên sự tâm đầu ý hợp giữa họ. Lời cầu nguyện xuất phát từ con tim yêu thương và lòng mến chân thành sẽ được Chúa Cha nhận lời. Chúa Giê-su hứa ngự giữa những người đang cầu nguyện, dù họ ở bất cứ nơi nào và trong bối cảnh nào. Lời dạy của Chúa giúp chúng ta cảm nhận được tính thiêng liêng của lời cầu nguyện. Chúa Giê-su hiện diện giữa chúng ta và như thế, mà lời cầu nguyện của chúng ta có hiệu lực mạnh mẽ. Nhờ Chúa Giê-su hiện diện và cùng cầu nguyện với chúng ta mà lời cầu nguyện ấy được đẹp lòng Chúa Cha và được Chúa Cha nhận lời.

Đức bác ái cũng là lời khuyên của thánh Phao-lô gửi cho tín hữu Rô-ma (Bài đọc II). “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái, vì ai yêu người thì đã chu toàn lề luật”. Điều này cho thấy tình yêu thương có sức mạnh kỳ diệu và có giá trị thay thế Lề Luật. Nói các khác, tất cả Lề Luật đều quy về tình yêu thương, nên khi ta yêu thương, thì chính là ta đang giữ Lề Luật một cách trọn vẹn. Chúng ta hãy nghe thánh Augustino viết về sức mạnh kỳ diệu của tình yêu“Tình yêu có đôi chân đến với người nghèo. Tình yêu có đôi mắt để thấy bất hạnh và thiếu thốn. Tình yêu có đôi tai để nghe được tiếng than thở của tha nhân”. Sống bác ái, đó là sống có trách nhiệm đối với tha nhân.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên