SUY NIỆM TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN Năm C

0
70

THỨ HAI

THỨ BA

THỨ TƯ

THỨ NĂM

THỨ SÁU

THỨ BẢY

THỨ HAI

BÀI ĐỌC I: Gc 3, 13-18

Trong anh em, ai là người khôn ngoan hiểu biết? Người ấy hãy dùng lối sống tốt đẹp mà chứng tỏ rằng: những hành động của họ phát xuất từ lòng hiền hậu và đức khôn ngoan. Nhưng nếu trong lòng anh em có sự ghen tương, chua chát và tranh chấp, thì anh em đừng có tự cao tự đại mà nói dối, trái với sự thật. Sự khôn ngoan đó không phải từ trời cao ban xuống, nhưng là sự khôn ngoan của thế gian, của con người tự nhiên, của ma quỷ. Thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính.

PHÚC ÂM: Mc 9, 14-29

Khi Đức Giê-su và ba môn đệ trở lại với các môn đệ khác, thì thấy một đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông. Thấy Đức Giê-su, lập tức tất cả đám đông kinh ngạc. Họ chạy lại chào Người. Người hỏi các môn đệ: “Anh em tranh luận gì với họ thế? ” Một người trong đám đông trả lời: “Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám. Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi.” Người đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi.” Người ta đem nó lại cho Người. Vừa thấy Người, quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép. Người hỏi cha nó: “Cháu bị như thế từ bao lâu rồi? ” Ông ấy đáp: “Thưa từ thuở bé. Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi.” Đức Giê-su nói với ông ta: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin.” Lập tức, cha đứa bé kêu lên: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi! ” Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giê-su quát mắng tên quỷ: “Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa! ” Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói: “Nó chết rồi! ” Nhưng Đức Giê-su cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên. Khi Người vào nhà, các môn đệ mới hỏi riêng Người: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy? ” Người đáp: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.”

 

SUY NIỆM

Thánh Giacôbê tông đồ đã đưa ra cho chúng ta 2 loại khôn ngoan: khôn ngoan từ trời và khôn ngoan phàm trần.

Khôn ngoan từ trời được thể hiện rõ nơi những người có đời sống tốt lành, trong trắng, ôn hòa, bao dung, nhu mì, lương thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối… Đây là sự khôn ngoan nơi người con cái Thiên Chúa. Sự khôn ngoan này mỗi người chúng ta cần đắc thủ được. Nhưng muốn có được chúng ta phải trãi qua biết bao gian khổ, hy sinh và từ bỏ.

Trái lại sự khôn ngoan theo thế gian mang nặng thú tính và là của ma quỷ, bởi lẽ nó làm cho đời sống con người trở thành con người ích kỷ, thích cãi vã, ghen tương, đố kỵ và dối gạt nhau. Sự khôn ngoan này là sự khôn ngoan phàm trần. Một khi chúng ta quên đi giới luật của Chúa, thì tâm hồn chúng ta sẽ bị bao vây bởi những tà tâm.Điều này càng thấy rõ nơi phần đáp ca TV 18: “luật pháp Chúa hoàn thiện, bồi bổ tâm linh, chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt”.

Lời Chúa ngày hôm nay giúp cho chúng ta xét mình lại, xem chúng ta đang có nơi tâm hồn mình sự khôn ngoan nào: khôn ngoan từ trời cao hay khôn ngoan của phàm trần.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con có được sự khôn ngoan từ trời, sự khôn ngoan mà từng ngày chúng con phải nổ lực khám phá, nổ lực hy sinh và từ bỏ thì chúng con mới đắc thủ được. Xin Chúa giúp sức cho chúng con để chúng con sớm đạt được sự khôn ngoan này. Amen.

 

THỨ BA

BÀI ĐỌC I: Gc 4, 1-10

Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.

Hỡi những kẻ ngoại tình, các người không biết rằng: yêu thế gian là ghét Thiên Chúa sao? Vậy ai muốn là bạn của thế gian thì tự coi mình là thù địch của Thiên Chúa. Hay các người nghĩ rằng lời Kinh Thánh sau đây là vô nghĩa: Thần Khí mà Thiên Chúa đã đặt trong chúng ta, ước muốn đến phát ghen lên? Nhưng ân sủng Người ban còn mạnh hơn; vì thế, có lời Kinh Thánh nói: Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Anh em hãy phục tùng Thiên Chúa. Hãy chống lại ma quỷ; chúng sẽ chạy xa anh em. Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em. Hỡi tội nhân, hãy rửa tay cho sạch; hỡi kẻ hai lòng, hãy tẩy luyện tâm can. Hãy cảm cho thấu nỗi khốn cùng của anh em, hãy khóc lóc than van. Chớ gì tiếng cười của anh em biến thành tiếng khóc, niềm vui của anh em đổi ra nỗi buồn. Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên.

PHÚC ÂM: Mc 9, 30-37

Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.

 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy? ” Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”

SUY NIỆM

Thánh Giacôbe đã giúp chúng ta hiểu rõ nguyên nhân tại sao chúng ta mất tinh thần yêu thương đối với anh em mình. CGS dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau, đó là dấu chỉ để cho người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy”. Khi nào chúng ta hết yêu thương anh em? Thưa, đó là lúc chúng ta cho cái tôi mình làm chủ, để cho đam mê điều khiển, chúng ta quên Chúa trong cuộc sống. Nếu có nhớ đến Chúa, thì cũng xem Chúa như một vị thần và muốn vị thần này chìu theo ý muốn của chúng ta.

Thánh nhân cảnh giác chúng ta, nếu yêu mến thế gian này là chúng ta tự đặt mình làm thù địch với Thiên Chúa. Ngài kêu gọi chúng ta hãy sám hối, hãy bỏ đàng tội lỗi để trở về phục tùng Thiên Chúa. Đừng lo lắng, đừng tìm cách cạnh tranh cãi cọ vì vật chất, nhưng hãy trút cả cho thiên Chúa mọi âu lo, vì Thiên chúa luôn nâng đỡ chúng ta.

Quả thật những điều thánh Giacôbe nói đang thể hiện rõ nơi con người chúng ta, trong cuộc sống chúng ta. Chính vì vậy chúng ta hãy thức tỉnh tâm hồn, hãy thanh luyện tâm can để được Chúa yêu thương nâng đỡ.

Lạy Chúa, xin hãy giúp chúng con nhìn lại cuộc sống mình, nhìn vào tâm hồn mình, để chúng con sửa đổi, để chúng con yêu thương nhau hơn, đừng ganh tị, tranh giành, cãi cọ, vì điều đó làm chúng con xa Chúa, xa anh em mình. Xin cho chúng con biết hạ mình xuống để Chúa nâng đỡ chúng con lên. Amen.

THỨ TƯ

BÀI ĐỌC I: Gc 4, 13-17

Bây giờ, hãy nghe tôi, những kẻ nói: “Hôm nay hoặc ngày mai, chúng ta sẽ đi đến thành nọ thành kia, sẽ ở lại đó một năm và buôn bán kiếm lời”. Trong khi các người không biết cuộc đời mình ngày mai sẽ ra sao. Thật vậy, các người chỉ là hơi nước xuất hiện trong giây lát, rồi lại tan biến đi. Thay vì nói: “Nếu Chúa muốn, chúng ta sẽ sống và làm điều nọ điều kia”, thì các người lại tự phụ vì những chuyện khoác lác của mình. Mọi thứ tự phụ như thế đều xấu. Vậy kẻ nào biết làm điều tốt mà không chịu làm thì mắc tội.

 

PHÚC ÂM: Mc 9, 38-40

Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Đức Giê-su bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

 

SUY NIỆM

“Ai biết điều lành mà không làm thì mắc tội”.

Điều thánh Giacôbê nói quả thật rất đúng khi áp dụng vào đời sống  của một số anh chị em Ki tô hữu chúng ta. một số anh chị em khô khan nguội lạnh, bỏ nhà thờ lâu năm, khi được khuyên nhủ đi nhà thờ thì bảo rằng để cố gắng đi làm ăn thêm một thời gian nữa rồi sẽ trở lại. Thánh nhân nói rất rõ, anh em có biết ngày mai anh em sẽ ra sao? Chính CGS cũng nói: đồ ngốc, nội trong đêm nay người ta đến bắt linh hồn ngươi, vậy mọi của cải ngươi có được để lại cho ai?

Chúng ta biết rằng bỏ Chúa là một trọng tội, nhưng chúng ta vẫn cố tình vi phạm. Chúng ta biết những điều thiện chúng ta cần làm nhưng chúng ta lại bảo lương tâm hãy để ngày mai. Dự tính tương lai có ích gì, giây phút hiện tại mới thật quan trọng.

Chúng ta tưởng rằng mình sống thọ, nhưng ai biết được giờ nào Chúa gọi mình. Tốt nhất hãy sống như hôm nay là ngày cuối cùng đời tôi. Hãy làm và làm ngay hôm nay khi chúng ta có thể. Nếu không chúng ta sẽ mắc tội vì thờ ơ, vì lơ là, và nhất là vì cố tình bỏ qua.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhớ rằng sự sống này là của Chúa ban cho, Chúa sẽ lấy lại bất kỳ lúc nào Người muốn. Xin cho chúng con biết luôn quay lại với Ngài, biết luôn nổ lực thực thi ý Ngài trong cuộc sống, đừng chạy theo bả phù vân mà đánh đổi linh hồn mình. Amen.

 

THỨ NĂM

BÀI ĐỌC I: Gc 5, 1-6

Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các người hãy than van rên rỉ về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các người. Tài sản của các người đã hư nát, quần áo của các người đã bị mối ăn. Vàng bạc của các người đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt các người. Các người đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này. Các người đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các người. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các người, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh. Trên cõi đất này, các người đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các người đã được no đầy thoả mãn trong ngày sát hại. Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người.

 

PHÚC ÂM: Mc 9,41-50

“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.

 “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt. Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối. Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau.”

 

SUY NIỆM

Của cải trần gian Chúa ban cho con người hưởng dùng. Có được của cải là có được sự chúc phúc của Thiên Chúa. Nhưng có được của cải bằng cách nào đó là do cách thực hiện của con người. Có được của cải là điều quý, có được do làm ăn chân chính, lương thiện thì càng quý hơn, bởi đó là ân lộc của Chúa.

Tuy nhiên có một điều ai cũng biết, xã hội thời nào cũng có những người làm ăn bất chính, làm giàu trên xương máu, trên mồ hôi nước mắt người khác và đó chính là điều Thánh Giacôbê đang cảnh giác chúng ta.

Sự công bằng là điều quan trọng, bởi Chúa nói: “anh em sẽ không thể ra khỏi nơi giam cầm cho đến khi trả xong đồng bạc cuối cùng”. Bởi những đồng tiền bất chính ấy đã kêu thấu tới tai Chúa, và những đồng tiền bất chính ấy là bằng chứng tố cáo tội lỗi chúng ta. Bởi Chúa cứ dựa vào những gì chúng ta làm mà luận phạt.

Nếu chúng ta chỉ biết lo hưởng thụ ở đời này mà quên đi còn có hạnh phúc đời sau thì đó là một sai lầm lớn của người Kitô hữu. CGS đã cảnh tỉnh chúng ta qua dụ ngôn người phú hộ và anh Lazaro nghèo khó.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhớ rằng, công bằng bác ái là điều Chúa luôn quan tâm. Của cải trần gian là ân lộc Chúa ban cho chúng con nếu chúng con có được do công sức của mình, nếu không của cải ấy sẽ trở thành bằng chứng cáo tội chúng con. Ý thức được như vậy chúng con sẽ sống xứng đáng là người con của Chúa.

 

THỨ SÁU

BÀI ĐỌC I: Gc 5, 9-12

Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa. Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa. Kìa xem: chúng ta tuyên bố: phúc thay những kẻ đã có lòng kiên trì! Anh em đã nghe nói đến lòng kiên trì của ông Gióp và đã thấy mục đích Chúa nhắm, vì Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.

 Nhưng, thưa anh em, trước hết, đừng có thề, dù là lấy trời, lấy đất, hay lấy cái gì khác mà thề. Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”, như thế, anh em sẽ không bị xét xử.

PHÚC ÂM: Mc 10,1-12

Đức Giê-su bỏ nơi đó, đi tới miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ. Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? ” Họ hỏi thế là để thử Người. Người đáp: ” Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì? ” Họ trả lời: “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” Đức Giê-su nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”

SUY NIỆM

Trong cuộc sống có rất nhiều điều làm trái ý chúng ta, làm cho chúng ta khó chịu, làm cho chúng ta mất quyền lợi. Chúng ta thiếu kiên nhẫn, thiếu đức chịu đựng và thường hay phàn nàn trách móc nhau, trách móc Chúa.

Thánh Giacôbê đưa ra cho chúng ta những gương mẫu của đức nhẫn nại đó là các tiên tri, đó là ông Giop, để nhắc nhở chúng ta rằng những chịu đựng của chúng ta ngày hôm nay chưa thể so sánh với họ. Nhưng các ngài đã vẫn trung thành với luật Chúa và chấp nhận tuân theo thánh ý của Ngài.

Lý do Thánh nhân khuyên nhủ điều đó, có lẽ bởi vì một số tín hữu đã không chịu đựng được gian khổ, không chịu đựng được quyền lợi bị mất đi nên họ đồng lõa với Satan trong việc bóp méo sự thật để được lợi quyền, để được an nhàn.

Vì không thể chấp nhận kiên nhẫn, chịu đựng, nên họ bất chấp giới răn của Chúa về việc tôn trọng sự thật để chấp nhận thề gian thề dối, thề miễn là có lợi cho bản thân.

Điều này có lẽ chính chúng ta cũng thường hay mắc phải. Thánh nhân nhắc nhở chúng ta “có rằng có, không rằng không”. Nếu chúng ta thỏa hiệp thì chúng ta sẽ chịu sự xét xử công thẳng của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn lắng nghe Lời Chúa, lắng nghe lời thánh tông đồ dạy : “ có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỷ. Amen.

THỨ BẢY

BÀI ĐỌC I: Gc 5, 13-20

Ai trong anh em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu nguyện. Ai vui vẻ chăng? Người ấy hãy hát thánh ca. Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa.Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha. Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực. Ông Ê-li-a xưa cũng là người cùng chung một thân phận như chúng ta; ông đã tha thiết cầu xin cho đừng có mưa, thì đã không có mưa xuống trên mặt đất suốt ba năm sáu tháng. Rồi ông lại cầu xin, thì trời liền mưa xuống và đất đã trổ sinh hoa trái.

 Thưa anh em, nếu có người nào trong anh em lạc xa chân lý và có ai đưa người ấy trở về, thì anh em hãy biết rằng: kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình.

 

PHÚC ÂM: Mc 10,13-16

Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

SUY NIỆM

Đây là những lời khuyên cuối cùng trong thư thánh Giacôbê, những lời khuyên này thật sự ý nghĩa và vô cùng quan trọng. Tất cả những gì thánh Giacôbê khuyên nhủ trong thư của ngài tựu trung là là khuyên nhủ cách cư xử giữa người với người, và việc làm có thể minh chứng cho đức tin. Nếu anh em làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình. Quả thật đây là một lời khuyên vô cùng quý giá.

Nhưng điều quan trọng nơi bản thân chúng ta là, nếu chúng ta muốn khuyên bảo được anh chị em mình thì chỉ có một cách là chính chúng ta phải sống và thực hành những gì chúng ta muốn khuyên bảo. Thánh Giacôbê có ý nhắc bảo chúng ta phải sống gương mẫu thì mới có thể giúp ích cho anh em mình. Và khi giúp ích cho anh em mình thì cũng có nghĩa là chúng ta đang giúp cho chính bản thân mình. Bởi vì khi ta đưa anh em trở về cùng Chúa thì chính chúng ta cũng được Thiên Chúa thư tha những lỗi lầm.

Ít ai để ý đến điều này, nên họ chỉ sống cách ích kỷ cho bản thân, và khi ích kỷ cho bản thân thì chính chúng ta đã tự làm thiệt hại cho phần linh hồn mình.

Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức điều này là, muốn giúp anh chị em mình thì chính chúng con phải sống tốt, để qua cách sống chúng con có thể đưa anh chị em về cùng Chúa. Và khi hết tình giúp anh chị em con có nghĩa là con cũng đang tự giúp bản thân mình vậy. Amen.

Lm. Phêrô Trần Trung Dũng