SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN C

0
74

31.10.2016

THỨ HAI TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

Lc 14,12-14

Lời Chúa:

“Đừng mời bạn bè, nhưng hãy mời những người nghèo khó, tàn tật.” (Lc 14,12-13)

Câu chuyện minh hoạ:

Người ta kể hạnh tích thánh Martin, trước khi được Rửa tội, trong giấc ngủ, ngài đã được nhìn thấy Chúa Kitô. Chúa mặc chiếc áo choàng quan chức Rôma, chiếc áo mà trước đó Martin đã tặng cho một người nghèo khó. Martin nhận ra chiếc áo của mình và nghe Chúa Giê-su nói với các thiên thần chung quanh: Martin mới là một dự tòng, nhưng xem ông này, ông ấy đã cho Ta chiếc áo choàng của ông ấy. Martin còn nghe Chúa phán: Quả thật, Ta nói với con, điều con làm cho những anh em bé mọn nhất của Ta là con đã làm cho chính Ta. Giấc mơ này đã khiến Martin tràn ngập hy vọng và bình an. Không bao lâu sau đó, ngài đã được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy.

Suy niệm:

Trong đoạn Tin Mừng  thánh Luca hôm nay, Chúa Giê-su đã dùng việc mời khách dự tiệc để dạy bài học phục vụ vô vị lợi, đó là: “Hãy mời những những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”. Chúa Giê-su dùng ba hạng người “tàn tật, què quặt và đui mù” để diễn tả những con người nghèo nhất, vì họ thường bị khinh miệt nhất và không được phép tham dự những lễ nghi trong Đền thờ (2Sm 5,8; Lv 21,18).

Thế nhưng, tại sao Chúa khuyên chúng ta mời những người nghèo như thế? Thưa vì họ không có gì đáp lại và cũng không có khả năng đáp lại. Khi đó chính Thiên Chúa sẽ thay họ mà thưởng công cho những ai đã mời họ. Phải chăng những người nghèo thì có phúc hơn những người giàu có? Người nghèo mà Chúa muốn nói ở đây là những con người khiêm tốn, họ ý thức thân phận của mình, sẵn sàng đón nhận những gì được ban cho…

Lạy Chúa, xin giúp con khiêm tốn nhận mình nghèo để nhận lãnh, can đảm nhận mình giàu để quảng đại trao ban và phục vụ tha nhân cách vô vị lợi, để chúng con được Chúa thưởng công, bằng chính hạnh phúc Nước Trời. Amen.

01.11.2016

THỨ BA TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

Các thánh nam nữ

Mt 5,1-12a

Lời Chúa:

“Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5,7)

Câu chuyện minh hoạ:

Dưới triều Cảnh Công nước Tề, có một lần bão tuyết ba ngày không tạnh. Vua Cảnh Công ngồi trong điện, mặc áo lông ấm áp. Án Tử vào chầu, Cảnh Công bảo:

Lạ thay! mưa tuyết ba ngày rồi mà trời không rét nhỉ!

Án Tử hỏi lại:

Trời không rét ư?

Cảnh Công cười.

Án Tử nói:

Án Tử này cũng thường nghe nói các bậc vua hiền trong thiên hạ lúc no biết người khác đói, lúc ấm biết người khác rét, lúc nhàn hạ biết người khác vất vả. Nay nhà vua lại không biết thế!

Cảnh Công đáp:

Án Tử nói phải lắm! Quả nhân có lỗi, xin nghe lời.

Rồi vua Cảnh Công cho điều tra ai đang đói rét để phân phát cơm gạo và quần áo cho dân.

Suy niệm:

Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta bí quyết của hạnh phúc là tám mối phúc, và đó cũng là con đường giúp mỗi người chúng ta nên thánh. Ngày ngày xung quanh chúng ta có rất nhiều cơ hội để tỏ lòng thương xót: những bàn tay đói run đang cần ta giúp, những ánh mắt tha thiết đang cần một nụ cười cảm thông, một tấm lòng chân thành đang cần sự tha thứ…

Hôm nay, Chúa Giêsu muốn đánh thức mỗi người chúng ta về tấm lòng của chúng ta đối với tha nhân, vì khi chúng ta mở lòng đón nhận tha nhân thì chúng ta dễ dàng đón nhận Thiên Chúa. Các Thánh mà chúng ta mừng lễ hôm nay chắc hẳn không khỏi đi qua con đường tám mối phúc mà Chúa Giêsu đã vạch ra. Vì thế, mỗi người chúng ta cũng hãy thực thi lòng thương xót ấy ngay trong cuộc sống hằng ngày.

Lạy Chúa, con đường nên thánh ngang qua cuộc sống mỗi ngày, xin cho con ý thức điều đó để con sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn, và ở gần Chúa hơn nữa trong mối tương quan với anh chị em con.

02.11.2016

THỨ TƯ TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

Lễ các đẳng, cầu cho các tín hữu đã qua đời

Ga 6,37-40

Lời Chúa:

“Chúa phán: Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống”. (Ga 6,25)

Câu chuyện minh họa:

Người ta kể rằng: Có một người duy nhất sống sót trong một tai nạn đắm tàu và trôi dạt trên một hoang đảo nhỏ. Kiệt sức, nhưng cuối cùng anh đã gom được những mẫu gỗ trôi dạt và tạo cho mình một túp lều nhỏ để trú ẩn và cất giữ một vài đồ đạc còn sót lại. Ngày ngày anh nhìn về chân trời cầu mong được cứu thoát, nhưng dường như vô ích.

Thế rồi một ngày, như thường lệ anh rời khỏi chòi để tìm thức ăn trong khi bếp lửa trong lều vẫn cháy. Khi anh trở về thì túp lều nhỏ đã ngập trong lửa, khói cuộn bốc lên trời cao. Điều tồi tệ nhất đã xảy đến. Mọi thứ đều tiêu tan thành tro bụi. Anh chết lặng trong sự tuyệt vọng: “Sao mọi việc lại thế này lại xảy đến với tôi hở trời!”.

Thế nhưng, rạng sáng hôm sau, anh bị đánh thức bởi âm thanh của một chiếc tàu đang tiến đến gần đảo. Người ta đã đến để cứu anh. “Làm sao các anh biết được tôi ở đây?” – Anh hỏi những người cứu mình. Họ trả lời: “Chúng tôi thấy tín hiệu khói của anh”.

Suy niệm:

Các linh hồn đã qua đời luôn trông mong nơi những người còn sống nhớ đến họ và cứu họ thoát sự trầm luân, bằng những hy sinh, lời cầu nguyện và lòng quảng đại. Ngọn lửa vô tình bốc cháy của người thanh niên đã trở thành dấu hiệu cho người lái tàu đến cứu anh. Cũng vậy, Giáo hội dành tháng 11 như dấu hiệu để chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho các linh hồn, các riêng trong ngày lễ hôm nay. Họ là những người thân của chúng ta, đang tha thiết trông chờ những lời kinh, hy sinh, thánh lễ… của chúng ta mỗi ngày. Đó cũng là cách chúng ta đền ơn họ, báo hiếu công ơn cha mẹ, những người thân yêu của chúng ta đã qua đời.

Lạy Chúa, xin thánh hóa những hy sinh, những công việc chúng con làm hôm nay như của lễ dâng lên Chúa, và xin Chúa thương cứu rỗi các linh hồn.

03.11.2016

THỨ NĂM TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

Lc 15,1-10

Lời Chúa:

“Trên trời ai nấy sẽ vui mừng, vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,7)

Câu chuyện minh hoạ:

Một văn sĩ nọ đã kể lại câu chuyện ngắn về cậu bé David trong câu chuyện có tựa đề là: “Người Con Của Ai Đó” như sau:

David đã bỏ nhà ra đi, nó viết thư về cho mẹ như sau: Thưa Mẹ, vài ngày nữa con sẽ đi ngang qua nhà, con sợ cha lắm, nếu cha tha thứ cho con thì mẹ hãy xin cha cột một dây vải trắng nơi cây xoài trước nhà, nhìn thấy dấu hiệu này con biết là cha đã tha thứ và con sẽ về lại.

Vài ngày sau, David lấy vé xe lửa về quê. Đường xe lửa đi ngang qua trước nhà, cậu nghĩ, nếu cậu thấy được sợi dây vải trắng cột trên cây xoài thì cậu sẽ xuống trạm xe kế bên và đi về nhà, nếu không thì sẽ đi luôn sang nơi khác.

Cậu David rất hồi hộp khi xe gần đến nhà, sợ mình có thể nhìn lầm hay không kịp nhìn, cậu nhờ một người bên cạnh cùng nhìn phụ. Xe chạy ngay qua địa điểm, không những là cậu mà cả người bạn cũng nhìn thấy, người bạn hỏi cậu:

– Tại sao cây xoài nhà đó lại đầy những tấm vải trắng treo trên khắp các cành cây như vậy?

David mỉm cười không trả lời, cậu chỉ giữ lấy ý nghĩa của dấu hiệu đó cho riêng mình mà thôi và hân hoan xuống trạm xe kế tiếp.

Suy niệm:

Thấy Chúa Giê-su gần gũi với những người tội lỗi, nhóm Pharisêu và kinh sư trách Chúa: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15,2). Nên Chúa Giê-su đã dùng hai dụ ngôn: con chiên lạc và đồng tiền bị mất, để nói cho họ biết Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Ngài xót xa khi một người lầm đường, sa lầy tội lỗi. Do đó, Chúa tha thiết tìm cách cứu người tội lỗi và khi cứu được một người tội lỗi, Ngài rất vui mừng, như lời Chúa Giêsu nói: “giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,10).

Chúa Giêsu là người luôn đi bước trước, Ngài đi tìm con chiên lạc để đưa về cho Thiên Chúa, vì đối với Chúa mỗi người đều quý giá, và độc đáo, dù con người có tội lỗi đến đâu. Ngài luôn chờ đợi chúng ta, và ngài luôn mong chúng ta sám hối quay trở về với Ngài.

Lạy Chúa, xin cho chúng con thấy tình thương và lòng thương xót của Chúa dành cho chúng con, để mỗi ngày con biết làm lại cuộc đời trong tin tưởng và hy vọng. Amen.

04.11.2016

THỨ SÁU TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

Lc 16,1-8

Lời Chúa:

“Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.” (Lc 16,8)

Câu chuyện minh hoạ:

Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên rất giàu. Khi chết, ông còn ôm túi vàng theo mình đi sang cuộc sống bên kia. Đi một hồi ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường, liền ghé vào, ông hỏi người chủ quán:

– Một tô cơm giá bao nhiêu?

– Chỉ một đồng thôi.

Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô. Nhưng người chủ quán bảo:

– Ở đây chỉ xài loại tiền cho-đi thôi. Ông có không?

Ông khách chỉ vào túi vàng của mình. Nhưng chủ quán nói:

– Đó là thứ tiền lấy-vào. Ở đây không xài được.

– Thế tiền cho-đi là tiền gì?

– Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng thì ông được ban lại bấy nhiêu đồng loại tiền cho – đi.

Ông nhà giàu lục lọi khắp nơi trong mình nhưng chẳng có đồng nào thuộc loại tiền cho – đi cả. Thế là ông phải nhịn đói.

Bao nhiêu đồng tiền cho – đi là bấy nhiêu đồng tiền để dành cho đời sau vậy.

Suy niệm:                                                            

Lời Chúa trong Tin Mừng thánh Luca hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người quản gia bất lương để dạy mọi người bài học: phải biết khôn ngoan sử dụng tiền của đời này để mưu ích cho phần rỗi đời sau. Thật vậy, tiền bạc, của cải mà chúng ta đang nắm trong tay, chúng ta chỉ là người quản lý thôi, chính Thiên Chúa mới là chủ. Đã là quản lý thì phải sử dụng của cải của chủ theo đúng ý chủ chứ không phải theo ý riêng mình.

Chúa Giêsu cũng đã chỉ cho chúng ta cách sử dụng tiền bạc khôn ngoan, là hãy biết dùng nó để nhận lãnh Nước Trời bằng những việc lành phúc đức, bác ái và bằng những chia sẻ của cải vật chất với người nghèo khổ.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sử dụng của cải, tiền bạc để làm sáng danh Chúa và sống bác ái với tha nhân. Amen.

05.11.2016

THỨ BẢY TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

Lc 16,9-15

Lời Chúa:

“Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?” (Lc 16,11)

Câu chuyện minh họa:

Ông chủ vườn chôm chôm giàu có, sáng nọ thấy hai em nhỏ đứng ngoài cổng nhìn vào một cách thèm thuồng. Ông là người yêu trẻ nên cho gọi hai em đến và bảo:

– Hai em cứ việc vô vườn ăn, nhưng không được đem trái nào ra.

Trước khi các em đi về, ông đã khám túi và hài lòng vì không thấy một trái chôm chôm nào cả. Nhưng ông lấy làm lạ vì thấy hai em đi theo bờ dậu, cúi xuống như lượm một cái gì đó. Đoán được mưu của hai em, ông cho gọi lại và hỏi. Hai em bèn phải thú thực rằng mình có ném mấy quả ra ngoài hàng rào, để rồi sẽ lượm về cho em. Ông khen hai em đã hành động khôn ngoan và cho phép hai em đem những quả chôm chôm ấy về.

Suy niệm:

Ngay sau dụ ngôn người quản gia bất trung, thánh Luca thuật lại những lời bình luận của Đức Giê-su về dụ ngôn trên và khuyên chúng ta nên dùng tiền của đời này để mua lấy những giá trị đời sau. Chúa Giê-su không kết án tiền của, Ngài cũng không loại trừ người giàu. Ngài chỉ lên án những hạng người tôn thờ của cải làm chúa của mình. Ngài đã nói rõ: “không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của” (Lc 16,13).

Chúa không chấp nhận chúng ta tôn thờ tiền bạc, nhưng muốn dùng nó như phương tiện giúp ta trở nên hạnh phúc hơn, khi chúng ta biết trao ban và biết nhạy cảm trước nhu cầu của người khác để sẻ chia, nhất là những anh chị em gần chúng ta.

Lạy Chúa, xin đừng để của cải, vật chất giam hãm cuộc đời chúng con và làm cho chúng con đui mù trước những giá trị của Tin Mừng như sự chia sẻ, tình liên đới, lòng quảng đại với tha nhân. Amen.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho