SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN C

0
56

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 28 Thường Niên - C 2016 (Lm. Đinh Minh Tiên)Thứ hai, 10/10/2016

Đề tài: MỘT CÁI CỚ ĐỂ KHỎI TIN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca  (Lc 11,29-32)

29Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. 30Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. 31Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. 32Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.

SUY NIỆM:

1/ Trong cuộc sống của chúng ta có rất nhiều dấu hiệu, dấu hiệu nào cũng có ý nghĩa riêng của nó. Ví dụ: Chuồn chuồn liệng thì nắng, chim én liệng thì mưa, đèn giao thông bật màu đỏ thì phải dừng lại,…

2/ Người Do Thái xưa kia đã nhìn thấy rất nhiều dấu lạ do chính Chúa Yesus làm, thế nhưng họ vẫn không tin Chúa Yesus là con Thiên Chúa. Dân Ai Cập với mười tai ương do Thiên Chúa sai Moisen làm, nhưng họ vẫn không sợ chỉ vì họ quá cứng lòng.

3/ Chính vì không tin Chúa Yesus là con Thiên Chúa, không tin vào lời Chúa dạy, nên không sám hối, và vẫn cứ ăn chơi sa đọa, sống gian dối, giả hình, độc ác.

4/ Họ chỉ mong xem thấy phép lạ để thỏa mãn tính hiếu kỳ. Chúa quá rành điều này nên đã không chìu theo ý họ, ngược lại Chúa còn gọi họ là phường xấu xa, gian ác.

5/ Cho dù hôm nay chúng ta đang sống cách họ những 2000 năm, nhưng chúng ta cũng vẫn là những con người mà Chúa Yesus quở trách, là những con người gian ác, chuyên ăn gian nói dối, lừa đảo, tham lam, chuyên gây bất công.

6/ Xưa kia dân Do Thái rất thích xem dấu lạ nên họ thường thách thức những ai tự xưng mình là bậc thầy, là sứ giả, là ngôn sứ của Thiên Chúa. Họ muốn xem thấy dấu lạ để minh chứng cho những sứ điệp mà những người này rao giảng.

7/ Đối với Chúa Yesus cũng thế, khi Chúa rao giảng Tin Mừng cứu độ, Chúa cũng không thoát khỏi thông lệ bị dân Do Thái thách thức để minh chứng cho sứ điệp, nhất là để minh chứng cho con người của Ngài.

8/ Khi đòi xem dấu lạ, dân Do Thái muốn kết nối những dấu lạ với niềm tin tôn giáo. Thế nhưng trên bình diện tôn giáo thì sở thích này lại là một sai lầm. Tại sao?

9/ Họ quan niệm rằng: Thiên Chúa chỉ xuất hiện trong các công việc Ngài làm ở những hoàn cảnh xa lạ, bất thường, mà quên rằng: Thiên Chúa đang ở bên cạnh mình, và thường tỏ mình ra trong mọi hoàn cảnh .

10/ Vả lại, sau khi Thiên Chúa sai Con Một nhập thể làm người, Ngài sống một cuộc sống nhân loại trong lòng xã hội loài người, nên Ngài chẳng cần phải xuất hiện ở những nơi đặc biệt như ý người Do Thái mong muốn. Hơn nữa Thiên Chúa chỉ Mạc Khải cho những kẻ khiêm tốn, bé mọn.

11/ Cũng kể từ khi con Thiên Chúa nhập thể, thì chính Chúa Yesus là dấu lạ của Thiên Chúa, những dấu lạ khác không thể lớn lao hơn. Và sau cùng là: Những dấu lạ khác chỉ là để minh chứng cho dấu lạ “con Thiên Chúa làm người”, hay nói chính xác hơn : Ngài là “Tình yêu Thiên Chúa đối với con người”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, người Do thái thấy nhưng lại không tin, trong khi người ngoại giáo chỉ nghe thôi nhưng lại tin. Xin Chúa giúp con có được sự khôn ngoan để nhận ra điều nào đáng tin và điều nào không nên tin. Amen .**R

 

Thứ ba, 11/10/2016

Đề tài:  LÀM SAO ĐỂ PHÂN BIỆT SẠCH DƠ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 11,37-41)

37Đức Giê-su đang nói, thì có một ông Pha-ri-sêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn. 38Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu lấy làm lạ vì Người không rửa tay trước bữa ăn. 39Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng: “Thật, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. 40Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao?41Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.

SUY NIỆM:

1/ Con người thời đại nào cũng thế, họ thường trọng hình thức hơn là nội dung. Một cái mả tô vôi, một ngôi nhà thật khang trang nhưng bên trong chỉ là vay mượn, một con người ăn diện bảnh bao nhưng bên trong lại là một tên móc túi chuyện nghiệp, một chiếc đồng hồ mạ vàng sáng chóe nhưng cứ chạy ba hồi nhanh, lắm lúc lại chậm…

2/ Cái đáng trách không nằm ở bên ngoài nhưng chính là những thứ bên trong. Để biết rõ nguồn gốc mọi sự thì con người cần phải nhìn kỹ mọi thứ bên trong, không nên chỉ đánh giá bằng những thứ mình thấy bên ngoài.

3/ Người Phariseu thuở xưa họ lầm khi nghĩ rằng: Để trở nên thánh thiện thì bên ngoài phải thật sạch sẻ, vì thế nên họ cố gắng rửa tay, bát đĩa cho thật sạch.

4/ Chúa Yesus muốn chỉ rõ cho họ thấy là họ sai lầm. Quả thật nếu tay chân hay bát đĩa sạch mà tâm hồn lại chất chứa đầy những ý tưởng gian ác, thì cho dù họ có qua mắt được thiên hạ do thói giả hình, thì họ cũng không thể nào lừa được Thiên Chúa. Vì Ngài thấu suốt mọi bí ẩn, rốt cuộc họ cũng chỉ là những kẻ xấu xa.

5/ Trong cuộc sống của chúng ta vẫn thường thấy những con người không thể phân biệt được đâu là chính yếu, đâu là phụ thuộc. Vì thế họ thường nhầm lẫn / thay vì quan tâm vào cái chính yếu thì họ lại đi quan tâm vào những cái phụ thuộc.

6/ Chúng ta thấy người Phariseu thường mắc vào căn bệnh này. Họ để ý, dò xét, hạch xách, bắt bẻ Chúa hoặc các Môn Đệ của Ngài về những chi tiết vụn vặt liên quan đến lề luật như là vấn đề rửa tay trong bài Tin Mừng hôm nay.

7/ Một hôm, họ mời Chúa dùng bữa, trước các cử tọa đông đảo, Chúa bước thẳng tới bàn ăn mà không rửa tay như luật Lêvi dạy. Hành động của Chúa làm cho người Phariseu ngạc nhiên đến khó chịu, chống đối. Vì họ cho rằng có giữ được bàn tay sạch thì mới đẹp lòng Thiên Chúa.

8/ Họ quên rằng: Thiên Chúa chỉ đặt nặng về vấn đề nội tâm, là trong tâm hồn, trong con tim trước hết, đây mới là nền tảng đức tin và luân lý được bộc lộ ra bên ngoài bằng những hình thức. Cho nên thái độ bên trong mới quan trọng.

9/ Người đời vẫn quan niệm: “Nhà sạch thì mát”, thế nhưng nếu bát sạch mà không có gì ăn thì thử hỏi có no bụng hay không, hay chỉ là lo lắng. Ngược lại nếu bưng bát cơm đầy mà lòng không vui thì cũng đâu có ngon cơm.

10/ Để có được một tâm hồn trong sạch, Chúa đưa ra một lời khuyên đích thực và cụ thể là các việc lành phúc đức. Cụ thể là việc làm phúc, là bố thí, là chia sẻ cơm áo. Tôn giáo có 3 trụ cột để sống: cầu nguyện, ăn chay và bố thí; là tỏ tình bác ái bằng cách chia sẻ.

11/ Bài Tin Mừng trên đây, Chúa muốn nhắn nhủ chúng ta 2 điều: Cũng cần có hình thức bên ngoài, nhưng đừng dùng hình thức quá lố để biểu lộ sự giả hình; mà phải thích ứng với một tâm hồn tốt lành, và tâm hồn tốt lành ấy phải được kiểm chứng bằng đời sống bác ái yêu thương.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con cách sống chân thực để mỗi khi con nói, con làm đều biểu lộ lòng con mến Chúa tha thiết, và quảng đại yêu thương anh em. Amen.**R

 

Thứ tư, 12/10/2016

Đề tài: HÃY CHỌN LÀM ĐIỀU ĐÚNG NHẤT .

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 11,42-46)

42 Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ.43 Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng.44 Khốn cho các người! Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.”

45 Một người trong số các nhà thông luật lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa! “46 Đức Giê-su nói: “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.

SUY NIỆM:

1/ Muốn trở thành bác sĩ, các sinh viên y khoa phải phải giỏi toán-hóa-sinh; muốn làm hướng dẫn viên du lịch, học viên phải giỏi sinh ngữ; muốn làm thầy cô giáo, sinh viên phải giỏi môn sư phạm; muốn thành nhạc sĩ, sinh viên phải giỏi nhạc lý.

2/ Ai muốn trở nên thánh thiện thì luyện tập nhân đức, loại bỏ những nết xấu. Người Phariseu muốn mọi người coi mình là những Rabbi gương mẫu, nên họ giữ luật chi ly từng chút, thậm chí cầu nguyện nhiều ở nơi công cộng.

3/ Không những thế, họ còn bắt những người khác phải nộp nhiều loại thuế. Điều này trở nên gánh nặng cho những người nghèo, vì họ không kham nỗi tiền thuế.

4/ Nộp thuế cho đền thờ là điều tốt. Tuy nhiên Chúa Yesus muốn nhắc cho họ nhớ rằng: Muốn nên thánh không phải là nộp nhiều thuế, nhưng là thực thi bác ái và sống yêu thương, vì thế nên họ không bao giờ đạt được sự thánh thiện đích thực.

5/ Bài Tin Mừng ghi lại những điều mà Chúa Yesus trách người Phariseu và các Kinh Sư. Ba điều Chúa trách Phariseu, còn một điều Chúa dành để tránh Kinh Sư.

6/ Điều đáng trách thứ nhất, Chúa Yesus dành cho người Phariseu: Chỉ sốt sắng trong việc nhỏ mà bỏ việc lớn. Lề luật chỉ buộc nộp thuế thập phân về những loại ngũ cốc chính, nhưng người Phariseu lại kêu nộp thuế cả những thứ rau cỏ nữa, và họ coi đó là việc bác ái. Dĩ nhiên đó là những việc xem ra tốt, nhưng đáng trách là họ lấy cái phụ làm cái chính để mong khỏa lấp những điều lỗi phép công bằng khác do họ gây ra .

7/ Ý Chúa muốn dạy họ: Đừng lấy cái ô bác ái mà che lấp mất đức công bằng. Nếu chưa có công bằng thì làm sao có bác ái, phải sống công bằng trước đã. *

8/ Điều đáng trách thứ hai: Họ làm mọi việc chỉ vì hám danh hơn là phục vụ. Họ chỉ thích ngồi ở chỗ quan trọng, ưa được người khác chào mình ngoài đường phố, đồng nghĩa với việc họ chỉ tìm vinh dự và luôn vênh vang ở những nơi họ đang thi hành chức vụ, mà ngay cả ở ngoài phố, là nơi mà họ chẳng có chút chức vụ gì để phân biệt với người khác. Như vậy chứng tỏ họ làm mọi sự chỉ vì tính kiêu căng thôi.

9/ Điều đáng trách thứ ba: Người Phariseu chỉ thích giả hình. Giả hình hay là hình nộm, hình không thật. Đó là cách sống che đậy, giấu giếm, không khác gì thứ mồ mả tô vôi, chỉ đẹp ở bên ngoài mà bên trong thì đáng ghê tởm.

10/ Giả hình là cách sống đạo đóng kịch. Nói một đàng làm một nẻo, trống đánh xuôi kèn thổi ngược; vẻ bề ngoài không thể che dấu điều xấu xa bên trong. Cho nên Chúa bảo: “Hãy sống thành thật”.

11/ Khi nghe Chúa trách các Phariseu thì mấy ông Kinh Sư có tật giật mình nên mới nói: “Phải chăng thầy đang nhục mạ cả chúng tôi nữa”.

12/ Chúa Yesus quả quyết: “Đúng thế, cả các ông nữa, chỉ giỏi khắc khe với người khác, còn các ông thì không giữ thứ gì cả, chỉ giỏi chất gánh nặng cho người khác, còn các ông thì không động tới móng tay”.

13/ Chúng ta hãy xét xem chúng ta có gây bất công cho ai không? Có kiêu căng tự phụ và coi thường kẻ khác không? Có sống đạo giả hình không? Có hạch sách người khác khi chân mình thì đầy những lỗi lầm. Hãy nhớ: “Cái nết đánh chết cái đẹp”.**R

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết sống gương mẫu, biết giữ luật công bình và thực thi bác ái đối với hết mọi người. Amen.

 

Thứ năm, 13/10/2016

Đề tài: BIỆT PHÁI XỬ SỰ MÙ QUÁNG

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc  11,47-54)

47 “Khốn cho các người! Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy!48 Như vậy, các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng. 49 “Vì thế mà Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã phán: “Ta sẽ sai Ngôn Sứ và  Tông Đồ đến với chúng: chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia.50 Như vậy, thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa,51 từ máu ông A-ben đến máu ông Da-ca-ri-a, người đã bị giết giữa bàn thờ và Thánh Điện. Phải, tôi nói cho các người biết: thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu.52 “Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản. 53 Khi Đức Giê-su ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện,54 gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng.

SUY NIỆM:

1/ Nói một đàng làm một nẻo là lời chỉ trách dành cho các lãnh đạo có những quyết định sai lầm, khiến cho dân chúng phê phán, chỉ trích, và bỏ phiếu tín nhiệm thấp.

2/ Đây cũng là những ý nghĩ của Đức Yesus dành cho các nhà thông luật trong bài Tin Mừng hôm nay. Vào thời Chúa Yesus, các nhà thông luật là những người được đào tạo riêng để họ nắm được kiến thức về đạo Chúa, để rồi họ giảng cặn kẽ hơn , giúp cho người khác hiểu hơn về đạo Chúa và trở nên thánh thiện.

3/ Chính vì điều này nên Chúa Yesus gọi họ là những người nắm giữ chìa khóa tri thức. Nhưng thay vì hướng dẫn người khác, thì họ lại dùng sự hiểu biết đó để bắt người khác phục vụ mình.

4/ Hơn thế nữa, qua cách sống gương mù của họ khiến cho người khác hiểu lầm về đạo Chúa và càng xa lìa Chúa hơn.

5/ Xã hội chúng ta đang sống được phân biệt thành 2 loại người: người tốt, người xấu; hoặc là bạn hữu hay thù địch. Kẻ xấu đáng cho mọi người xa lánh, kẻ thù thì dễ bị người ta ghét bỏ. Sự phân chia và sống chung chạ như thế khiến cho xã hội thật khó sống.

6/ Sống cạnh nhau mà luôn phải gạn lọc, dè chừng nhau, luôn phải đề phòng, dòm trước ngó sau để đề phòng kẻ xấu, người thù. Sống như thế chỉ thêm căng thẳng, dễ gây buồn chán, bởi vì khi chúng ta loại bỏ người khác thì cũng có nghĩa là chúng ta dần sống trong cô đơn, buồn chán, sợ hãi.

7/ Chúa Yesus có ý muốn dạy chúng ta: Cái kiểu sống của Biệt Phái cần phải loại bỏ, vì thế Chúa muốn đánh đổ đầu óc Biệt Phái bằng cách kéo theo những người tội lỗi trở thành bạn bè chung quanh Ngài. Chúa đã nhìn mọi người bằng cặp mắt thông cảm yêu thương, và Ngài chỉ nhìn thấy qua những con người ấy là hình ảnh đáng kính mến của Thiên Chúa.

8/ Qua cách nhìn này, Chúa đã tháo gỡ, loại bỏ những định kiến tốt xấu, thù bạn. Và trong cái nhìn của Chúa Yesus thì mọi người đều đáng yêu và cùng là anh em với nhau.

9/ Chúa đưa ra lời khiển trách Kinh Sư, Biệt Phái vì họ đã không chỉ bảo, hướng dẫn người khác, mà còn cản trở không muốn cho ai vào, còn chính bản thân họ thì họ cũng không vào.

10/ Chúa Yesus nói rất rõ: Lương thực của tôi là làm theo ý của Cha tôi, tôi đến trần gian không phải để kết án nhưng là để cứu giúp, giải thoát. Chúa không chúc dữ, cũng chẳng kết tội ai, nhưng Chúa không chấp nhận cách sống giả dối và thiếu đức ái. Vì thế Chúa đã dùng những lời lẽ nặng nề mà chỉ trích họ.

11/ Chúa muốn chúng ta nhìn anh em bằng chính cái nhìn của Chúa, giữa một xã hội luôn ngăn cách, tách biệt giữa tốt và xấu, thì Chúa muốn chúng ta cần thể hiện tinh thần yêu thương của Chúa Yesus.

12/ Cho dù thế gian có lừa lọc, cắn xé, phản bội thì bàn tay của chúng ta luôn chìa ra để bắt tay tha thứ, hòa giải san sẻ bằng chính cái nhìn khoan dung, tha thứ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con sống tốt như lời Chúa dạy, như ý Chúa muốn. Lạy Chúa, cách rao giảng tốt nhất là sống gương sáng, xin Chúa giúp con luôn làm chứng cho Chúa bằng hành động. Amen.**R

 

Thứ sáu, 14/10/2016

Đề tài: HÃY SỐNG NGAY THẲNG, CHÂN THẬT

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 12,1-7)

1 Trong lúc ấy, đám đông tụ họp hàng vạn người, đến nỗi giẫm lên nhau. Bấy giờ Đức Giê-su bắt đầu nói, trước hết là với các môn đệ: “Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu, tức là thói đạo đức giả. 2 Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. 3 Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà. 4 “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. 5 Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Đấng ấy. 6 Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. 7 Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

SUY NIỆM:

1/ Giáo hội Kito giáo vào thời sơ khai, trong ngày lễ ngũ tuần, các Ngài không sợ khi rao giảng về Chúa Kito Phục Sinh, các Ngài còn rất vui tươi hớn hở khi phải chịu đòn vọt tù đày vì Chúa.

2/ Ngày xưa Chúa Yesus cũng mời gọi mọi người sống công chính như đang đi giữa ban ngày. Bởi vì không có thứ gì che dấu mà không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người khác không biết.

3/ Người sống công chính càng không sợ những lời dèm pha, nói hành nói xấu, càng không sợ phải công khai việc mình làm.

4/ Tuy nhiên muốn sống ngay chính, không sợ hãi, con người cần nhờ ơn Chúa trợ giúp. Khi con người mở rộng cửa để đón Chúa Kito, khi con người để cho Chúa hoạt động trong linh hồn mình, lúc đó con người luôn sống ngay chính, có nghĩa là không làm việc gì mờ ám xấu xa, vì không sống mờ ám nên chẳng còn gì phải sợ hãi.

5/ Hôm nay Chúa Yesus đưa ra hai lời khuyên: Thứ nhất hãy đề phòng cách sống giả hình của Phariseu. Thứ hai đừng sợ bất cứ người phàm nào, hãy vững tin vào Chúa.

6/ Cho dù ở bất cứ nơi đâu, người Phariseu thường biểu lộ cách sống giả hình. Lời nói việc làm của họ thường mâu thuẫn nhau, lòng đạo đức chỉ mang tính cách giả dối, mọi việc làm của họ chỉ là hình thức bề ngoài, cái lòe loẹt bề ngoài không đủ để che dấu những điều xấu xa bên trong.

7/ Giả hình giống như đóng kịch, cho nên kịch hạ màn thì mọi người cũng sẽ biết các mặt mộc của họ , trước sau gì người ta cũng sẽ biết. Cho nên Chúa nói: không có thứ gì che dấu mà không bị bại lộ, không có gì bí mật mà người ta không biết.

8/ Chữ giả đi trước, nên những chữ đi theo sau đều mang tính xấu xa, đều xấu như nhau và đều cần phải loại bỏ, sửa chữa.(giả đò, giả bộ ,giả nhân ,giả nghĩa ,giả dối ,giả hình ….)

9/ Chúng ta không thích giao du với thứ hạng người đó, cho nên Thiên Chúa càng không ưa gì những người đó. Họ chỉ sống sao để mong đánh lừa được người khác, nhưng việc đó không thể tồn tại được lâu, thế nào cũng lòi mặt chuột, càng không thể đánh lừa được Thiên Chúa. Vậy ta hãy cố gắng sống chân thật .

10/ Lời khuyên thứ hai Chúa bảo: chúng ta đừng sợ gì cả, phản ứng của con người trước những khó khăn thử thách là lo sợ. Chúa khuyên chúng ta hãy can đảm làm chứng cho Chúa.

11/ Chúa Yesus muốn nhắc nhở chúng ta: trung thành với sự thật đôi khi chúng ta phải trả giá đắc, có khi bằng chính mạng sống của mình. Chúa cũng nhắc chúng ta đừng sợ những kẻ chỉ có thể giết hại thân xác mà không thể làm gì được linh hồn.

12/ Tất cả mọi sự ở đời này, Chúa bảo chúng ta đừng sợ, vì con người chúng ta cao quý hơn bất cứ thứ gì ở trần gian này. Một con chim sẻ còn được Chúa chăm sóc huống chi con người.

13/ Khi ý thức mình luôn được Chúa chăm sóc, chúng ta cần phải biết ơn và dấn thân nhiều hơn nữa để làm chứng cho vinh danh Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn can đảm và khôn ngoan, để con nhận ra mình là một tạo vật cao cấp ,giống hình ảnh Chúa, để con luôn biết ơn và sống chỉ vì vinh danh Chúa thôi . Amen.**R

SUY NIỆM:

Đức tin phải biểu tỏ bằng việc làm.

Con người được trở nên công chính khi vẫn còn là tội nhân; nhưng khi đã được Thiên Chúa cho trở nên công chính, con người phải cải quá tự tân con người mình, để có thể sống cuộc đời cách tốt đẹp hơn. Nhiều người cho việc làm tốt đối với thánh Phaolô là chuyện không cần thiết; nhưng nói như vậy là hiểu sai thánh Phaolô và những lời dạy dỗ của Đức Kitô.

1/ Hãy biểu tỏ niềm tin vào Thiên Chúa bằng cách sống theo sự thật: Mặc dù các kinh-sư là những người hiểu biết và tuyên xưng đức tin của họ nơi Thiên Chúa, nhưng cuộc sống giả hình của họ đã không chứng minh sự hiểu biết và niềm tin của họ vào Ngài. Nếu họ hiểu biết Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự thì làm sao họ có thể giấu Ngài lối sống gỉa hình của họ. Vì thế, Chúa Giêsu dặn các môn đệ phải đề phòng: “Anh em phải coi chừng men Pharisees, tức là thói đạo đức giả. Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà.” Một cuộc sống giả hình như thế là đánh lừa Thiên Chúa, đánh lừa tha nhân, và tự đánh lừa mình; làm sao có thể đạt tới cuộc sống đời đời được?

2/ Hãy tin và kính sợ Thiên Chúa: Bản năng của con người là ham sống và sợ chết; nhưng nếu con người hiểu những gì sẽ xảy ra sau khi chết, con người sẽ dễ dàng chấp nhận cái chết hơn. Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ biết những điều này: “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Đấng ấy.” Vì thế, nếu phải chấp nhận cái chết để làm chứng cho Chúa, thì con người cũng phải làm vì biết họ sẽ nhận lại cuộc sống trong Vương Quốc đời sau. Các thánh tử đạo cũng là những con người yếu đuối như chúng ta; nhưng niềm tin và ơn thánh của Thiên Chúa đã cho họ can đảm để sẵn sàng chết làm chứng cho Thiên Chúa.

3/ Hãy tin vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa: Ngòai cái chết, con người còn lo sợ về thiếu những nhu cầu để sinh sống hay bệnh tật. Chúa Giêsu dạy các môn đệ cũng phải vứt đi những lo sợ này và tin tưởng hòan tòan nơi tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài bảo các ông: “Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta được trở nên công chính là hoàn toàn do công trạng của Đức Kitô và niềm tin của chúng ta vào Ngài; nhưng một khi đã được trở nên công chính, chúng ta cần chứng tỏ đức tin nơi Thiên Chúa bằng các việc làm cụ thể để mưu cầu lợi ích cho chính chúng ta và góp phần vào việc mở mang Nước Chúa.

– Chúng ta cần học hỏi để hiểu biết sự Quan Phòng và Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa. Có những điều xảy ra trong cuộc đời trong sự Quan Phòng của Thiên Chúa, nhưng ngòai sự kiểm sóat của con người: bệnh tật, già yếu, sự chết… Con người có lo sợ cũng chẳng thóat khỏi, chi bằng phó thác hòan tòan vào tình yêu Thiên Chúa và Kế Họach Cứu Độ của Ngài.

 

Thứ bảy, 15/10/2016

Đề tài: HÃY CAN ĐẢM TUYÊN XƯNG NIỀM TIN

KÍNH THÁNH TÊRÊSA GIÊSU – TRINH NỮ – TIÊN SĨ HT

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 12, 8-12)

8 “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. 9 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. 10 “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha. 11 “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, 12 vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.”

SUY NIỆM:

1/  Thánh Augustino bị vua bắt giam để tra tấn buộc Ngài phải bỏ đạo, nếu không chịu thì phải bị thú dữ phanh thây. Nhưng trước mặt vua, thánh nhân nói: “Tôi chỉ tôn thờ một mình Chúa Yesus Kitô thôi”. Sau đó Ngài đã được phúc tử đạo.

2/  Tuyên xưng danh Chúa trước mặt quan quyền là một hành động can đảm minh chứng đức tin. Vì thế trung thành với niềm tin của mình, ta có thể sẽ bị giết chết như các Thánh tử đạo, như thánh Augustino thành Antiokia.

3/  Việc chúng ta tuyên xưng niềm tin chẳng mang lại ơn ích nào cho Chúa, bởi vì Thiên Chúa là đấng hoàn hảo. Tuy nhiên khi chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Người thì đã đủ để Thiên Chúa ban cho chúng ta được hưởng hạnh phúc nước trời với Chúa, với các Thần Thánh.

4/  Chúa Thánh Thần là Thần chân lý, công việc của Ngài là Mạc Khải, là dạy dỗ mọi người về chân lý, giúp con người đi tìm sự thật và gặp được chân lý.

5/  Khi Chúa Yesus về trời, thì Chúa Thánh Thần đã đến trên các tông đồ để hướng dẫn các ông. Nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn, các Tông Đồ mới hiểu được việc Chúa Yesus đã nói, đã làm. Cũng nhờ ơn Chúa Thánh Thần, các ông mới mạnh dạng ra đi rao giảng Tin Mừng như lời Chúa Yesus căn dặn.

6/  Khởi đầu công cuộc rao giảng, ngay từ buổi đầu tiên các ông đã gặt hái thành công với 3000 người ăn năn trở lại liền ngay sau bài giảng của Phê-rô vào dịp lễ ngũ tuần.

7/  Thế nhưng liền sau đó, các ông đã gặp biết bao nhiêu sự chống đối bách hại. Dù gặp muôn ngàn gian lao thử thách như thế, nhưng các ông vẫn cứ hiên ngang rao giảng. Vì đó chính là lệnh truyền, là lời mời gọi của Chúa Yesus, và cũng là một điều kiện trao đổi: “Ai nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ nhận họ trước mặt Cha Thầy”.

8/  Khi ra đi rao giảng: các ông không đơn độc, không đi một mình, trong mọi gian nan thử thách luôn có Chúa Thánh Thần hiện diện bên cạnh.

9/  Chúa Thánh Thần sẽ dạy các ông phải nói gì khi bị điệu ra trước nhà cầm quyền vì danh Chúa Yesus. Chính vì có sự hiện diện gần gũi với Chúa Thánh Thần như vậy, khiến cho tội phạm đến Chúa Thánh Thần trở thành tội không thể tha thứ.

10/ Không được tha không phải vì Chúa Thánh Thần quá nghiêm khắc, luôn muốn trừng phạt chúng ta. Nhưng Ngài mãi là Thiên Chúa tình yêu, đầy lòng khoan dung, từ bi, nhân hậu, là đấng nâng đỡ, an ủi, vỗ về các linh hồn. Việc này đồng nghĩa với việc Chúa Thánh Thần không phải là không muốn tha, nhưng là vì con người cố chấp không chịu ăn năn sám hối.

11/ Trong mỗi con người, ai cũng có khát vọng về chân lý, nhưng vì nghe theo lời xúi dục của ma quỷ nên họ luôn bịt tai nhắm mắt trước sự thật, đã khiến cho con người mất đi khả năng cảm nhận được sự thật. Nên đối với một tâm hồn chai đá, thì sự thật chẳng có giá trị gì; đứng trướcnhững  con người như vậy, Chúa Thánh Thần phải bó tay. Không chịu tìm đến nguồn chân lý thì làm sao họ có thể lãnh nhận được ơn tha thứ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con bảy nguồn ơn, để con có thể tìm ra Chúa và yêu mến Chúa suốt đời con . Amen.**R