SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN C

0
51

hay-nang-doc-kinh-mcTHỨ HAI TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Lc 10,25-35

AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TÔI

1./ Ai là người thân cận của tôi? Câu hỏi này của vị Luật sĩ phản ảnh phần nào chiều hướng của ông:

Ông muốn tìm một câu định nghĩa về “người thân cận”. Người Do Thái thời đó hiểu “người thân cận” chỉ là đồng bào Do Thái với mình.

2./ Dụ ngôn người Samari phản ảnh chiều hướng của Chúa Giêsu:

Định nghĩa về “người thân cận” không quan trọng bằng thực thi bác ái với người thân cận. Người thân cận là bất cứ ai.

  Trong thế chiến vừa qua, một sĩ quan Anh thấy một sĩ quan Đức bị trọng thương, đang oằn oại bên hàng rào kẽm gai. Bom đạn ầm ầm, khói lửa ngút trời, nên không thể đưa người thương binh vào chỗ an toàn. Cuối cùng người sĩ quan Anh tự nhủ: “mình không đành lòng nhìn một người đau đớn khốn khổ như vậy!” Thế là anh phóng ra giữa lửa đạn, vác người thương binh lên vai và đưa sang phần đất mà quân Đức chiếm đóng. Khi trận chiến tạm dừng, một sĩ quan Đức bước ra khỏi chiến hào, tháo chiếc thánh giá bạc treo trên ngực và gắn cho người sĩ quan Anh.

Ta có thể nói người sĩ quan Anh có lòng nhân đạo trong câu chuyện là hình ảnh người Samaritanô nhân hậu được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay.

Người Samaritanô nhân hậu trong Tin Mừng hôm nay là chính Chúa Giêsu. Dĩ nhiên, các tư tế, lêvi có lý do của họ: họ đã sống đúng luật, không dám đụng chạm vào người bị nạn vì sợ bị ra ô uế. Chính óc vụ luật làm ngăn cản tình bác ái thương người của thầy lêvi và tư tế. Còn Chúa Giêsu đã vượt qua luật lệ và hướng tâm hồn lên cao đi vào chiều sâu của luật bác ái. Ngài không đứng xa nhìn con người đương đầu với những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Như người Samaritanô nhân hậu, Ngài đã đến gần bên con người, Ngài nhìn họ với ánh mắt đầy trắc ẩn, cảm thông. Ngài cúi xuống băng bó các vết thương của họ và còn tình nguyện trả nợ cho họ bằng giá máu của Ngài khi chấp nhận cái chết trên thập giá để cứu sống và đưa họ về quê trời.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta theo gương mẫu của người Samaritanô nhân hậu là hình ảnh của chính Chúa. Sống ở trên đời, ai ai cũng có lúc tối lửa tắt đèn, có lúc lá rách cần lá lành, có lúc chị ngã em nâng. Sống ở đời, ai ai mà không cần đến tình yêu, nhưng ít người thực hiện tình yêu. Hay nếu có, lại chỉ vỏn vẹn trong một khung cảnh gia đình hay trong một lũy tre xanh chật hẹp. Cho nên cũng vì vậy mà trần gian mất đi nhiều nguồn vui thật.

Lời kinh thánh quả quyết: “Ai không yêu mến thì ở trong sự chết”. Chỉ khi yêu mến Chúa, thương xót anh em, chúng ta mới ra khỏi bản thân, tư lợi ra khỏi những đòi hỏi của riêng mình, để mở rộng tâm hồn và đặt mình vào chỗ những người đau khổ, bần cùng, yếu hèn, bị xã hội bỏ rơi mà yêu thương những con người đáng được yêu thương ấy. Có thể chúng ta không có tiền bạc, nhưng một lời nói một nụ cười, một cử chỉ một việc làm tốt cũng có sức xoa dịu và cảm thông với những khổ đau của đồng loại.

Ngày 30.09.1978, một chuyến xe lửa đi Colombia bị trật đường rầy. Tai nạn làm 10 người chết, nhiều người bị thương. Trong số hành khách có một vị linh mục bị gãy chân, một phần ruột bị lòi ra khỏi bụng. Nhận ra Ngài, các y tá chạy đến ân cần săn sóc, nhưng cha ra hiệu bảo họ đi chăm sóc các hành khách khác và Ngài lấy khăn băng phần ruột. Nói xong cha xin người ta đưa đến những nạn nhân bị thương nặng đang hấp hối để giải tội cho những ai muốn xưng tội. Làm xong công tác mục vụ cha nói với các y tá: “Cám ơn Chúa đã cho tôi thi hành chức vụ linh mục đến giây phút cuối cùng, giờ đây có thể mang xác tôi đi”. Người ta chở cha tới nhà thương, nhưng chỉ vài giờ sau cha trút hơi thở cuối cùng khi tuổi đời chưa tròn 36.

Nguyện xin Chúa tăng thêm lòng bác ái nơi chúng con: Một lòng bác ái biết tìm đến, dừng lại, xoa dịu những nỗi khổ đau của người khác; xin cho chúng con ghi sâu vào tâm hồn lời mà Chúa dạy trong bài giảng trên núi; “phúc cho ai có lòng thương xót vì họ sẽ được thương xót”.

THỨ BA TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Lc 10,38-42

MACTA- MARIA

Câu chuyện có 3 vai

– Vai chính là Chúa Giêsu

– Hai vai phụ là Macta và Maria

Mỗi người phục vụ Chúa một cách khác nhau.

– Macta lăng xăng lo tiếp đãi Chúa

– Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe Ngài dạy

Macta khó chịu xin Chúa Giêsu bảo Maria tiếp mình. Nhưng Chúa Giêsu nói: “chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi” đó là việc Maria đang làm tức là ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Chúa.

  Tin Mừng hôm nay có thể được lắng nghe và suy niệm với nỗi thao thức. Chúa Giêsu hẳn không làm một cuộc so sánh về hai thái độ: một của Macta tất bật với việc tiếp đãi khách và một Maria ngồi bên chân khách để trò chuyện. Trong thực tế, cả hai thái độ này đều cần thiết, tinh thần hiếu khách được biểu lộ cụ thể và tích cực qua việc chuẩn bị bữa ăn, nhưng cũng được thể hiện không kém qua sự hàn huyên ân cần. Chúa Giêsu đề cao thái độ của Maria nhưng không hề hạ giảm thái độ của Marta. Ngài chỉ muốn  hình ảnh của Maria đang ngồi dưới chân Ngài để nói lên thái độ cơ bản mà con người phải có đối với Thiên Chúa, đó là thái độ lắng nghe và chiêm niệm.

– Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đào sâu về giá trị lời Chúa trong đời sống chúng ta. Trước nhất lời Chúa có giá trị đổi mới tâm hồn và đời sống của con người: Thành Ninivê đã thành tâm sám hối, đã trở về với Thiên Chúa nhờ lời giảng của ngôn sứ Giôna, nhờ đó họ được đón nhận ơn tha thứ của Chúa và đổi mới được nếp sống của họ.

– Lời Chúa đem lại sự sống và hạnh phúc đích thực cho con người: “vì người ta sống không chỉ nhờ bánh, nhưng là nhờ vào lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” và nhờ lời tuyên tín của Phêrô “lạy Thầy, chúng con sẽ bỏ đi theo ai, Thầy mới có lời ban sự sống đời đời”.

Chính vì thế mà Chúa ân cần nhắc nhở Macta hãy ý thức và biết lựa phần tốt nhất trong đời sống đó là lắng nghe lời Chúa.

Điều cần thiết nhất của người Kitô hữu không phải là ta cần phải làm gì cho Chúa, nhưng là ta để Chúa làm được gì cho ta vì: “Macta ơi, chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi”, đó chính là cô Maria cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Ngài dạy. Ngồi bên chân Chúa là biểu thị tư thế khiêm tốn, gần gũi gắn bó, trầm lắng và bình an. Trong khoảnh khắc ấy, tâm tình của người Kitô hữu có thể là tạ ơn, sám hối, van xin. Đó là điều Chúa rất ưa thích và đẹp lòng Chúa. Vì thế, đối với người Kitô hữu phải biến mọi sinh hoạt thành lời cầu nguyện nối dài, thành hy tế trên bàn thờ. Chính qua sinh hoạt ấy, chúng ta gặp gỡ, lắng nghe, thực hành ý Thiên Chúa.

Khuynh hướng của con người thời đại hôm nay là thích nói hơn là thích nghe, thích hoạt động hơn suy nghĩ, thích bầu khí náo động hơn thầm lặng. Nhưng Lời Chúa hôm nay nhắn nhủ chúng ta đừng sao lãng việc ngồi dưới chân Chúa vì đó là phần tốt nhất.

Vậy muốn trở thành người môn đệ thì cần phải để dành thời giờ lắng nghe, học hỏi, suy niệm và sống lời Chúa mỗi ngày, bởi vì lời Chúa chiếm giữ một vị trí quan trọng trong đời sống chúng ta. Chúng ta đừng để cho những lo lắng, những bận tâm những sinh hoạt của đời sống làm cho Lời Chúa bị chết nghẹt.

Nguyện xin Chúa nung nấu sự khát khao trong tâm hồn chúng ta, để chúng ta luôn hướng về Ngài, tìm kiếm Ngài và kết hiệp với Ngài. Nguyện xin Mẹ Maria là đấng luôn cất giữ và suy niệm mọi sự trong lòng, hướng dẫn chúng con trong cung cách cầu nguyện và chiêm niệm của Mẹ.

 

THỨ TƯ TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Lc 11,1-4

KINH LẠY CHA

Cả hai thánh sử Matthêu và Luca đều cung cấp cho chúng ta một bài giáo huấn về sự cầu nguyện.

Nhưng Matthêu viết cho Kitô hữu gốc Do Thái và chú trọng đến việc sửa chữa những khuyết điểm của họ trong khi cầu nguyện.

Còn Luca thì viết cho Kitô hữu gốc dân ngoại, là người thực tế chưa biết gì về cầu nguyện và cần được khuyến khích nhiều trong việc cầu nguyện.

  Các tác giả Tin Mừng tuy không cho ta biết thời khóa biểu của một ngày sống của Đức Kitô, nhưng cũng cho chúng ta thấy cách rõ ràng: Ngài là một người cầu nguyện, trước mọi biến cố trong đời.

– Khi bắt đầu sứ vụ công khai, Ngài vào sa mạc ăn chay cầu nguyện suốt 40 ngày đêm.

– Trước khi chọn 12 Tông đồ Ngài đã cầu nguyện suốt đêm.

– Khi đứng trước những người nghèo khó Ngài đã cầu nguyện.

– Khi quằn quại trong vườn Giệtsimani và sắp trút hơi thở cuối cùng Ngài đã cầu nguyện.

Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, Ngài cũng đã rất nhiều lần tìm đến nơi thanh vắng để sống những giờ phút thân tình với Chúa Cha trong cầu nguyện.

Chính bởi Ngài là người cầu nguyện và việc cầu nguyện của Ngài chắc đã tạo nên nơi Ngài một vẻ gì đó thật hấp dẫn đối với môn đệ, nên họ đã đến xin với Ngài: “lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” và Chúa Giêsu đã dạy họ rằng: “khi cầu nguyện, các con hãy nói lạy cha, nguyện danh cha cả sáng, nước cha trị đến, ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời…” Khi dạy họ cầu nguyện như thế, Chúa Giêsu đã không cung cấp cho họ một mớ những lời xin mà Ngài đã đưa họ vào trong mối tương quan mới với Thiên Chúa.

Như thế cầu nguyện không phải là học thuộc một mớ những công thức mà là đi vào trong tương quan Cha-con với Thiên Chúa, để như Chúa Giêsu ta cũng có thể nói: mọi sự của Thiên Chúa đều là của ta, và quan tâm của Thiên Chúa cũng chính là quan tâm của ta.

Cầu nguyện cũng là nhập cuộc, là dấn thân vào sự sống của Thiên Chúa hay nói khác đi, cầu nguyện là hành động ta để Thiên Chúa đến, sống với và làm chủ đời ta. Nếu Thiên Chúa đã một lần chiếm hữu và làm chủ trái tim ta, Ngài sẽ mãi mãi ở lại với ta. Nước của Ngài sẽ nhen nhúm và phát triển ngay trong đời ta. Khi ấy, đời ta sẽ không bị phân chia thành những giờ cầu nguyện, giải trí, làm ăn nữa, mà đời ta trở thành một đời cầu nguyện. Vì khi ấy ta đang sống, làm việc cho Thiên Chúa, đang yêu thương như Thiên Chúa để Nước Trời sẽ có mặt ngay trong ta và sẽ lan tỏa sang những người xung quanh ta. Qua Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã mạc khải tình cha con và tình anh em sống với Cha trong tình phó thác, với anh em trong tình bác ái.

Nếu cầu nguyện là hành động ta để Thiên Chúa đi vào trong đời ta, làm chủ trái tim ta, thì đỉnh cao của cầu nguyện phải là thánh lễ. Khi tham dự thánh lễ, ta được nên một với Đức Kitô, chính khi tham dự thánh lễ là lúc ta mời Ngài làm chủ đời ta.

Một vị Giám Mục trên đường kinh lý Giáo Phận, ghé thăm một bà lão. Người ta nói bà là tấm gương cho cả làng noi theo. Trong khi thăm Đức Giám Mục hỏi:

– Bà thường đọc sách đạo đức nào nhất?

– Thưa Đức Cha con không biết đọc – bà cụ trả lời.

Nghe thế, vị Giám Mục hỏi: “Nhưng bà hay cầu nguyện cơ mà?”. Thấy vị Giám Mục muốn biết bí quyết của mình, bà thật thà thưa:

– Thưa Đức Cha con chỉ biết tràng hạt thôi: Kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Kinh Tin Kính. Mỗi ngày con khởi sự đọc tới 10 lần. Nhưng thường thì con không đọc xong.

– Tại sao thế?

– Bà cụ thưa: “Tại vì khi bắt đầu đọc: Lạy Cha chúng con, con không hiểu tại sao Chúa có thể tốt lành đến mức cho phép một bà già hèn mọn như con được gọi Ngài là Cha. Điều đó làm cho con bật khóc và rồi con không thể nào đọc tiếp hết chuỗi được”.

Nghe thuật lại kinh nghiệm trên vị Giám Mục khuyến khích:

– À này bà cụ, đó là lời cầu nguyện giá trị bằng tất cả những lời cầu nguyện của chúng tôi. Bà cứ tiếp tục cầu nguyện theo câu đó nhé.

Lạy Cha, xin cho chúng con biết dùng lời nguyện của Cha như kim chỉ nam để sống mỗi ngày tốt hơn.

THỨ NĂM TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Lc 11,5-13

HIỆU LỰC CỦA LỜI CẦU NGUYỆN

Dạy các môn đệ cách cầu nguyện qua Kinh Lạy Cha xong, Chúa Giêsu nêu ra hai điều kiện để lời cầu xin được hiệu nghiệm, là kiên nhẫn và tin tưởng. Để diễn tả sự kiên tâm trong khi cầu nguyện, Chúa đã dùng dụ ngôn “người bạn quấy rầy” và để diễn tả sự tin tưởng trong lời cầu xin thì Chúa nhắc nhủ “cứ xin thì sẽ được”.

Có một tác giả kể lại câu chuyện sau đây: một hôm ông theo đoàn đánh cá ra khơi, trời thật đẹp, nhưng đến trưa, gió thổi mạnh và cơn bão rất lớn ập tới. Đoàn người chống chọi quyết liệt nhưng vô ích, nước đã tràn vào đầy tàu. Lúc ấy viên thuyền trưởng ra lệnh: “các bạn hãy cầu nguyện” người phụ tá bảo: “sao lại cầu nguyện? mây che kín bầu trời rồi, Chúa chẳng nghe thấy đâu”. Nhưng viên thuyền trưởng dứt khoát: “chúng ta cứ cầu nguyện”.

Tất cả đều sốt sắng cầu nguyện, bỗng dưng từ đám mây đen nghịt ấy lóe ra một tia sáng xanh trong vắt viên thuyền trưởng la lên: “cửa trời đã mở, Chúa đã nghe lời chúng ta, và tia sáng đó là ánh mắt nhân từ Ngài nhìn xuống chúng ta. Hãy tiếp tục cầu nguyện”. Và rồi sau đó, sóng gió im lặng và trời càng sáng rõ, các thủy thủ tạ ơn Chúa và tàu đã cập bến an toàn.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta: “cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì cửa sẽ mở cho”. Ngài đưa ra hai dụ ngôn để nhắc nhở chúng ta kiên tâm và tin tưởng trong lời cầu nguyện. Ngài đoan hứa Thiên Chúa là người Cha tốt lành sẽ ban cho chúng ta những gì chúng ta cầu xin, đặc biệt Ngài sẽ ban cho chúng ta món quà tuyệt hảo là Thánh Thần, nhờ đó chúng ta sẽ tìm được hạnh phúc đích thực.

Nhưng có những lúc chúng ta bị rơi vào tình trạng khủng hoảng niềm tin: nghi ngờ tình yêu Chúa, chán nản không còn muốn cầu nguyện. Qua dụ ngôn “người bạn quấy rầy”, Chúa Giêsu muốn chúng ta kiên tâm cầu nguyện, vì Ngài muốn chúng ta ý thức sâu sa về thân phận yếu hèn và bất lực của mình trước những nhu cầu và khát vọng của đời sống, nhờ đó chúng ta càng đặt niềm tin bền vững vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa hơn.

Qua kiểu nói: “Hãy xin thì sẽ được”, Chúa mời gọi chúng ta: khi cầu xin thì phải biết tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng tốt lành, Chúa Giêsu dùng hình ảnh người cha trần thế đối xử với con cái để làm nổi bật sự tốt lành của Thiên Chúa, là Cha trên trời: “ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó?, hoặc nó xin trứng lại cho nó con bọ cạp?. Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành phương chi Cha trên trời, Ngài sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Ngài”.

Sự kiên trì, bền đỗ và tin tưởng là điều kiện để Lời Chúa được hiệu nghiệm, vì ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ.

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu viết: “Mạnh mẽ thay lời cầu nguyện! Thật là một bà hoàng được tự do lui tới hoàng thượng, kêu xin gì cũng được. Cầu nguyện để được đắt lời, không cần phải đọc sách nọ kinh kia đã soạn sẵn cho trường hợp nào đó. Nếu cần phải như thế mới là cầu nguyện thì ôi con phải phàn nàn biết là chừng nào! Với con cầu nguyện chỉ là một cõi lòng sốt sắng, một liếc mắt nhìn trời, một tiếng kêu tri ân, một lời nói tình nghĩa giữa lúc phải gian nan cùng cực, cũng như khi được bình an sung sướng, và nữa cầu nguyện là một cái gì cao thượng, siêu nhiên, cởi mở lòng, phơi giãi tâm hồn, trao đi đổi lại tâm tình, để kết hiệp cùng Chúa cách chí thiết.

Nguyện xin Chúa củng cố chúng con trong đời sống và tâm tình cầu nguyện, cho chúng con biết xin những gì đẹp lòng Chúa và phó thác tất cả cho tình yêu thương quan phòng của Chúa.

THỨ SÁU TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Lc 11,15-26

ĐỨC GIÊSU VÀ QUỈ VƯƠNG BÊENDÊBUN

Bài Tin Mừng hôm nay được thánh Luca ghi lại theo thứ tự những vấn đề sau đây:

1./ Đức Giêsu và quỉ vương Bêendêbun: Chúa Giêsu đến để diệt trừ ma quỉ để xây dựng một vương quốc mới thuộc về Thiên Chúa.

2./ Không theo Chúa Giêsu là chống lại Ngài: phải có thái độ dứt khoát chọn Chúa hay chọn ma quỉ.

3./ Quỉ phản công: diễn tả số phận đáng thương của người bị rơi vào tay ma quỉ.

  Tin Mừng hôm nay thuật lại: sau khi chữa lành một người bị quỉ câm ám hại, Chúa Giêsu bị một số người mạ lỵ, nói rằng Ngài đã dùng quyền Bêendêbun mà trừ quỉ. Khi nói thế, người Do Thái đã cố tình vu cáo cho Chúa Giêsu là một người bị quỉ ám, một người thuộc về ma quỉ.

Trước những lời phỉ báng ấy của họ, thái độ của Chúa Giêsu thật đáng phục. Ngài bình thản đưa ra một qui luật tự nhiên giải thích cho họ: “các ông nói thế mà nghe được à! một nước mà có hai phe chống đối nhau có thể đứng vững được chăng?”. Với lập luận ấy, Chúa Giêsu đã khẳng định với thính giả của Ngài rằng Ngài đã dùng quyền năng của Thiên Chúa mà trừ quỉ thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông rồi.

Kinh Thánh vẫn thường coi ma quỉ là những kẻ chống đối Thiên Chúa, phá vỡ kế hoạch yêu thương của Người. Là những tên cám dỗ, luôn lừa dối loài người. Ngay từ thuở tạo dựng, chúng đã đánh ngã Adam, Evà, làm họ trở nên mù quáng dám coi mình bằng Thiên Chúa.

Thời của ma quỉ đã thực sự chấm dứt, mãnh lực của chúng đã hoàn toàn bị bẻ gãy và vô hiệu hóa trước Chúa Giêsu. Ngài đã chiến thắng Satan bằng hy sinh mạng sống mình chết cách nhục nhã, thảm thương trên thập giá để vâng lời Chúa Cha. Thế nên, cám dỗ và hành động của ma quỉ nhằm tách loài người khỏi Thiên Chúa đã trở nên hoàn toàn vô hiệu và bất lực trước Chúa Giêsu. Hậu quả của việc tách mình ra khỏi Thiên Chúa là sự chết đời đời nay cũng đã hoàn toàn bị phá hủy trước chiến thắng của Ngài. Chính vì thế mà thánh Phaolô đã hân hoan công bố: “Đức Ki-tô đã chuộc ta khỏi án chúc dữ. Nhờ Ngài ta được lãnh lấy ơn đã hứa là Thánh Thần”.

Như thế với chiến thắng của Đức Ki-tô trên Satan, Nước Thiên Chúa đã thực sự đến trên chúng ta.

Qua bài Tin Mừng hôm nay Chúa đã khơi dậy trong mỗi người chúng ta một sự chọn lựa cho bản thân: một là theo Chúa hay bỏ Chúa mà chạy theo thế gian. Nhiều lúc chúng ta chỉ biết đến với Chúa trong những lúc gặp khó khăn; đồng thời gợi lên trong chúng ta thấy được những thói hư tật xấu đều phát xuất từ cõi lòng của mỗi người chúng ta, vì muốn diệt trừ tội ác, thì phải cải hóa lòng mỗi người chúng ta. Vì vậy mỗi người tín hữu cần phải chấp nhận những đau khổ và thử thách, biết cởi bỏ con người cũ để sống theo gương biết cởi bỏ con người cũ để sống theo gương biết cởi bỏ con người cũ để sống theo gương Chúa: yêu thương và phục vụ tha nhân.

Mỗi lần tham dự thánh lễ là mỗi lần ta quyết tâm hơn nữa đẩy Satan ra khỏi đời ta. Ước gì, khi Chúa Giêsu đến với ta hôm nay, Ngài sẽ nói với ta: “Nước Thiên Chúa đã đến trên thế gian này” và hạnh phúc Nước Trời sẽ bừng lên trong ta.

 

THỨ BẢY TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Lc 11, 27-28

CƯU MANG LỜI CHÚA

(THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC THỰC SỰ)

Giữa đám đông đang nghe Đức Giêsu giảng, có một phụ nữ, vì cảm kích trước việc Chúa Giêsu làm phép lạ trừ quỉ câm (Lc 11,15-16) ngây thơ không biết bày tỏ sự cảm phục Chúa như thế nào, đã thốt ra lời khen ngợi Mẹ Ngài: phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm.

Con cái luôn luôn là niềm tự hào của cha mẹ. Con càng thành công, cha mẹ càng hãnh diện.

Thành công của con cái là niềm vinh dự lới nhất của cha mẹ, vì thế ta không lạ gì khi có một bà nào đó, trước thành công của Chúa Giêsu, đã cất tiếng ca ngợi mẹ Ngài: “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy”. Ta cũng không khỏi ngạc nhiên trước phản ứng của Chúa Giêsu đối với lời khen ngợi ấy: “đúng hơn phải nói rằng: phúc cho kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Chúa”.

Không phải chỉ có lần này, Đức Giêsu có vẻ như phủ nhận vinh dự của mẹ Ngài. Và một lần khác nữa khi Đức Maria và một số anh em Ngài đến với Ngài lúc Ngài đang giảng dạy. Vì dân chúng vây quanh Ngài quá đông, nên người ta đã phải tin vào cho Ngài biết là có mẹ Ngài tới. Lúc ấy, Chúa Giêsu như thể không màng gì tới mẹ Ngài cả, mà lại nhìn các môn đệ và những người đang nghe Ngài rồi nói: “Ai là mẹ, là anh em Ta? Mẹ Ta và anh em Ta là những người nghe và giữ lời Thiên Chúa”. Thật thế không ai nghe và giữ lời Thiên Chúa cho bằng Mẹ. Chúa Giêsu đã kín đáo và gián tiếp ca tụng mẹ Ngài.

Lời khen Mẹ là người có phúc của người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay rất phù hợp với lời bà Elizabeth nói về Đức Mẹ: “Em được Chúa chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” (Lc 1,42) và lời Đức Maria hát mừng tạ ơn Chúa (Lc 1,48): “từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi có phúc…”. Mẹ được chúc phúc không những vì sinh ra Chúa Giêsu, nhưng vì Mẹ đã biết trọn đời tuân theo ý Chúa: “Vâng tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

Ở đây, Chúa Giêsu không những đã không coi thường, không chối bỏ mẹ mình, mà trái lại, Ngài đã nâng Đức Mẹ lên một địa vị siêu phàm, địa vị làm mẹ Thiên Chúa, vì:

– Nếu Mẹ chỉ là người sinh ra Chúa Giêsu, là ruột thịt, máu mủ với Ngài ở trần gian này, mà không được cùng hưởng vinh quang đời đời với Ngài thì nào có vinh dự, có lợi lộc gì!.

– Vả lại, khi đến trần gian, Chúa Giêsu đã không nhằm thiết lập một tương quan huyết thống, không nhằm xây dựng một nước thuộc thế gian này. Nhưng Ngài đã đến để làm cho mọi người nên một với Ngài, được mặc lấy Ngài, được thuộc về Ngài, để nên con Thiên Chúa với Ngài. Mà đã được nên con Thiên Chúa với Ngài thì cũng được hưởng sự sống, vinh quang và hạnh phúc với Ngài. Đó mới là vinh dự, là nguồn hạnh phúc đích thực của những ai được là mẹ, là anh emcủa Ngài.

Điều kiện để nên mẹ, nên anh chị em của Ngài là nghe và giữ lời Thiên Chúa. Chính việc nghe và giữ lời Thiên Chúa của Mẹ đã đưa Thiên Chúa vào tận trong lòng Người để loài người cũng được vào tận cung lòng Thiên Chúa.

Trong vườn, một gốc nho héo úa giữa bao nhiêu cây xanh tươi mơn mởn. Tưới bao nhiêu phân cũng chẳng thấy khá hơn. Cuối cùng, người chủ đào gốc lên xem, thì thấy có miếng gỗ nằm chặn ngang gốc nho. Có lẽ đời ta cũng vậy, nếu không đâm rễ sâu vào lòng đất là Lời Chúa, đời ta cũng sẽ tàn úa.

Ước chi chúng ta hãy biết thực thi những gì Chúa dạy chúng ta, để chứng tỏ chúng ta thực sự là những người con cái của Chúa.

Lm Giuse Phạm Thanh Minh

Nguồn: Web Gp. Mỹ Tho