SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN 20 THƯỜNG NIÊN

0
70

Thứ Hai

BÀI ĐỌC I
Tl 2,11-19
Trong những ngày ấy, con cái Israel làm điều gian ác trước mặt Chúa và phụng thờ các thần Baal. Chúng lìa bỏ Chúa là Thiên Chúa các tổ phụ chúng, Đấng đã dẫn chúng ra khỏi đất Ai-cập, mà theo các thần ngoại, những thần các dân tộc cư ngụ chung quanh chúng, và thờ lạy các thần ấy, khiêu khích cơn nghĩa nộ Chúa, chối bỏ Người, và phụng thờ thần Baal và Astaroth. Chúa thịnh nộ Israel, trao chúng vào tay bọn cướp. Bọn này bắt chúng mà bán cho quân thù ở chung quanh chúng, chúng không sao chống lại được địch thù của chúng. Dù chúng muốn đi nơi nào, tay Chúa vẫn đè trên chúng, như Người đã phán và đã thề với chúng, như thế chúng phải chịu khổ cực nặng nề.
Chúa khiến các vị thủ lãnh đứng ra giải thoát chúng khỏi tay những người bóc lột, nhưng chúng cũng chẳng muốn nghe theo các vị thủ lãnh. Chúng hướng lòng về các thần ngoại và thờ lạy các thần ấy. Chúng đã vội bỏ đường lối các tổ tiên chúng đã đi, dù chúng có nghe biết các điều răn của Chúa, nhưng chúng vẫn làm mọi điều trái nghịch. Khi Chúa khiến các vị thủ lãnh đứng ra, Người tỏ lòng thương xót chúng, nghe lời những kẻ khốn cực kêu van, và giải thoát chúng khỏi tay những người bóc lột sát hại. Nhưng sau khi vị thủ lãnh chết, chúng lại đổi lòng, làm những điều xấu xa hơn cha ông chúng đã làm, theo các thần ngoại, phụng sự và thờ lạy các thần ấy. Chúng không từ bỏ những điều chúng bày đặt ra và đường lối quá ương ngạnh chúng quen đi.
PHÚC ÂM
Mt 19,16-22
Khi ấy, có một người đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm việc lành gì để được sống đời đời?” Người bảo kẻ ấy rằng: “Sao ngươi hỏi Ta về việc lành? Chỉ có một Đấng nhân lành là Thiên Chúa. Nếu ngươi muốn vào nơi hằng sống, ngươi hãy tuân giữ các giới răn”. Người ấy hỏi rằng: “Những giới răn nào?” Chúa Giêsu đáp: “Ngươi chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối. Hãy thảo kính cha mẹ, và yêu thương kẻ khác như chính mình”. Người thanh niên thưa lại rằng: “Tất cả những điều đó tôi đã giữ từ khi còn niên thiếu, vậy tôi còn thiếu sót gì nữa chăng? Chúa Giêsu bảo anh: “Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Ta”. Khi người thanh niên nghe lời đó thì buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều sản nghiệp.
SUY NIỆM
Có thời gian để đọc lại và học hỏi lịch sử cứu độ thời Cựu Ước, rất dễ nhận ra dân tộc Do Thái ngày xưa là một dân tộc rất khó ưa, thậm chí là ngỗ nghịch trước mặt Chúa. Hết lần này tới lần khác, họ phạm tội, sa ngã, bị đánh phạt, kêu xin, thống hối, Chúa tha thứ, rồi tiếp tục một thời gian sau lại chứng nào tật nấy. Trích sách Thủ Lãnh trong bài đọc I hôm nay là một điển hình.
Vấn đề ở đây không phải là Chúa không quan tâm chăm sóc họ. Chúa vẫn ở bên họ, gửi đến họ những thủ lãnh để dạy dỗ, dẫn dắt họ đi theo đường lối Chúa, nhưng họ chẳng nghe theo. Họ cứ muốn sống theo lối sống mà họ đặt ra theo ý muốn của họ: “dù chúng có nghe biết các điều răn của Chúa, nhưng chúng vẫn làm mọi điều trái nghịch”.(Tl 2, 17)
Trên thế giới này, bên cạnh những điều bất công trái ý, vẫn luôn tồn tại những hình ảnh đẹp của những tấm lòng cao thượng. Biết bao tấm gương sống tốt lành thánh thiện vẫn hiện hữu. Và đó chính là những bài học mà Chúa dành cho chúng ta. Việc của chúng ta là lựa chọn, lành dữ, tốt xấu, …và cụ thể nhất là qua Lời Chúa mỗi ngày, biết bao điều cao đẹp mà Lời Chúa gửi đến chúng ta. Tại sao chúng ta không dựa vào đó mà sống?
Thật ra chúng ta biết hết những gì mình phải làm, phải sống; sống thế nào cho đúng với phẩm giá của một con người, hơn nữa là một người con Chúa, một người Công Giáo. Nhưng vì chúng ta ít quan tâm, ít chú trọng, thậm chí là phớt lờ với những chân lý sống. Cho nên những gì Chúa dạy qua cuộc sống, qua con người, qua các biến cố dường như không có hiệu quả trên chúng ta.
Người ta đố vui: “Mức độ điếc nặng nhất là gì?” Thưa: “Mức độ điếc nặng nhất là không muốn nghe”. Và đó chính là lý do tại sao nhiều người muốn sống tốt, muốn được biến đổi đời sống, muốn được thế này thế kia,… nhưng không thể làm được.
Anh thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay cũng tương tự như thế. Chúa cũng nói rõ với anh điều anh cần phải làm để đạt được điều anh muốn. Thế nhưng anh có chịu làm đâu! Thật sự nếu chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của anh, tôi tin chắc rằng phần đông cũng bỏ đi.
Lạy Chúa, con người chúng con được Chúa dựng nên thật cao quý, trong chúng con luôn có ước muốn sống tốt, ước muốn vươn lên mỗi ngày; thế nhưng, con người này cũng yếu đuối mỏng giòn, dễ nuông chiều theo những ham mê hưởng thụ, che lấp đi những ước muốn tốt. Xin Chúa tha thứ cho chúng con và xin ban thêm nghị lực, để chúng con luôn biết chọn Chúa là gia nghiệp. Amen!

Thứ Ba

BÀI ĐỌC I
Tl 6,11-24a
Trong những ngày ấy, Thiên thần Chúa đến ngồi dưới gốc cây sồi ở đất Êphra, thuộc sở hữu của ông Gioas, tổ gia tộc Abiêzer. Khi ấy, Giêđêon, con trai của ông, đang đập và rê lúa trong nhà ép nho để tránh mắt quân Mađian, thì Thiên thần Chúa hiện ra với ông và nói rằng: “Hỡi người dũng sĩ, Chúa ở cùng ngươi”. Giêđêon thưa lại rằng: “Thôi, xin Ngài, nếu Chúa ở cùng chúng tôi, tại sao chúng tôi phải chịu tất cả những sự này? Nào đâu những việc kỳ diệu của Chúa mà cha ông chúng tôi đã kể lại cho chúng tôi mà rằng: ‘Chúa đã dẫn chúng ta ra khỏi Ai-cập’? Nhưng nay Chúa lại bỏ rơi chúng tôi và trao chúng tôi vào tay quân Mađian”. Chúa nhìn ông mà phán rằng: “Ngươi hãy mạnh mẽ tiến đi mà giải thoát Israel khỏi tay quân Mađian: chính Ta sai ngươi đó”. Ông thưa lại rằng: “Thôi, xin Chúa, con dựa vào đâu mà giải thoát Israel? Đây gia đình con là gia đình rốt hết trong chi tộc Manassê, và con là con út trong nhà cha con”. Chúa phán cùng ông rằng: “Ta sẽ ở cùng ngươi: ngươi sẽ đánh ngã quân Mađian như đánh một người vậy”. Ông thưa rằng: “Nếu con đẹp lòng Chúa, thì xin Chúa ban cho con một dấu chứng rằng chính Chúa phán dạy con. Xin Chúa chớ lìa khỏi nơi đây cho đến khi con trở lại cùng Chúa, mang theo của lễ dâng lên Chúa”. Chúa đáp lại rằng: “Ta sẽ đợi ngươi trở lại”.
Vậy Giêđêon vào nhà làm thịt một con dê đực, lấy một đấu bột làm bánh không men: để thịt vào giỏ, đổ nước thịt vào nồi, mang các món đó đến dưới cây sồi mà dâng cho Chúa. Thiên thần Chúa bảo ông rằng: “Ngươi hãy đem thịt và bánh không men đặt trên tảng đá kia, rồi đổ nước thịt lên trên”. Khi ông làm như vậy, thì Thiên thần Chúa giơ cây gậy Người cầm trong tay lên và chạm đến thịt và bánh không men, tức thì có lửa từ tảng đá bốc lên thiêu đốt thịt và bánh không men. Thiên thần Chúa liền biến đi khuất mắt ông. Giêđêon nhận biết đó là Thiên thần Chúa, liền thưa rằng: “Ôi, lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con đã nhìn thấy Thiên thần Chúa nhãn tiền”. Chúa phán cùng ông rằng: “Bình an cho ngươi. Đừng sợ, ngươi không chết đâu”. Giêđêon liền dựng một bàn thờ dâng kính Chúa, và gọi bàn thờ đó là “Bình an của Chúa”.
PHÚC ÂM
Mt 19,23-30
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo thật các con: Người giàu có thật khó mà vào Nước Trời. Thầy còn bảo các con rằng: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời”. Các môn đệ nghe vậy thì bỡ ngỡ quá mà thưa rằng: “Vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu nhìn các ông mà phán rằng: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”. Bấy giờ Phêrô thưa Người rằng: “Này đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?” Chúa Giêsu bảo các ông rằng: “Thầy bảo thật các con: Các con đã theo Thầy, thì trong ngày tái sinh, khi Con Người ngự trên toà vinh hiển, các con cũng sẽ ngồi trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel. Và tất cả những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con, ruộng nương vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời. Nhưng có nhiều kẻ trước hết sẽ nên sau hết, và kẻ sau hết sẽ nên trước hết”.
SUY NIỆM
“Ở cùng”
Suy niệm bài đọc I trích sách Thủ Lãnh hôm nay, điều làm cho tôi được đánh động chính là cụm từ “Ở cùng”, hai lần thiên thần Chúa nói với Giêđêon. Cụm từ này Chúa cũng nói với Môsê (Xh 3, 12), Giêrêmia (Gr, 8. 19), Isaia (Is 41,8-10; 43,5) và gần gũi hơn hết là chọn gọi Phaolô, Đức Mẹ Maria khi Thiên Chúa kêu mời thực thi sứ vụ của Ngài. Cụm từ: “Ở cùng” như là lời bảo đảm cho sứ vụ của những người thực thi sứ mạng Chúa giao. Hầu như ai cũng ý thức thân phận của mình quá thấp bé trước sứ mạng của Chúa. Ông Môsê thì cứ chối miết, nào là con ngọng nghịu, con dỡ,… Ông Giêrêmia thì tự thấy mình bất tài, quá trẻ, không biết ăn nói. Ở đây, ông Giêđêon cũng vậy, ông khước từ ngay: “Thôi, xin Chúa, con dựa vào đâu mà giải thoát Israel? Đây gia đình con là gia đình rốt hết trong chi tộc Manassê, và con là con út trong nhà cha con”(Tl 6, 15). Thế nhưng, có Thiên Chúa “ở cùng” thì mọi sự đều “ok” hết.
Nhìn vào đời sống con người nói chung, đặc biệt qua hành trình theo Chúa chắc hẳn nhiều người cũng đã cảm nghiệm sâu sắc lời bảo đảm đó. Và có thể nói, nguồn động lực chính yếu cho chúng ta luôn bám vào mỗi khi gặp thử thách, gian nan chính là lời bảo đảm này; xác tín rằng Chúa luôn hiện diện, luôn ở cùng và luôn đồng hành trong cuộc đời.
Thật sự như vậy, Chúa hiện diện không chỉ qua những niềm vui, hạnh phúc hay thành công; nhưng còn qua những nổi buồn, đau khổ và thất bại. Đây cũng chính là điều mà mỗi Kitô hữu phải luôn luôn xác tín, coi là kim chỉ nam cho đời sống của mình.
Lạy Chúa, cuộc sống với biết bao điều lo toan vất vả, khiến chúng con nhiều khi cảm thấy ngao ngán và dễ dàng chán nản thất vọng. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng, dù cuộc sống có thế nào thì chúng con vẫn có Chúa luôn ở cùng, ở bên, luôn đồng hành cùng chúng con. Amen!

Thứ Tư

BÀI ĐỌC I
Tl 9,6-15
Khi ấy, mọi người Sikem và tất cả các gia tộc thành Mêllô tụ họp lại, rồi kéo nhau đến gần cây sồi ở Sikem, và tôn Abimêlech lên làm vua.
Khi ông Giotham nghe tin ấy, liền đi lên đứng trên đỉnh núi Garizim, lớn tiếng kêu lên rằng: “Hỡi người Sikem, hãy nghe ta, để Thiên Chúa cũng nghe các ngươi. Các cây cối đều đến xức dầu phong một vị vua cai trị chúng, và nói cùng cây ôliu rằng: ‘Hãy đi cai trị chúng tôi’. Cây ôliu đáp lại rằng: ‘Chớ thì ta có thể bỏ việc sản xuất dầu mà các thần minh và loài người quen dùng, để được lên chức cai trị cây cối sao?’ Các cây cối nói cùng cây vả rằng: ‘Hãy đến cầm quyền cai trị chúng tôi’. Cây vả trả lời rằng: ‘Chớ thì ta có thể bỏ sự ngọt ngào của ta, bỏ hoa trái ngon lành của ta, để được lên chức cai trị các cây cối khác sao?’ Các cây cối nói với cây nho rằng: ‘Hãy đến cai trị chúng tôi’. Cây nho đáp rằng: ‘Chớ thì ta có thể bỏ việc cung cấp rượu, là thứ làm cho Thiên Chúa và loài người được vui mừng, để được lên chức cai trị các cây cối khác sao?’ Tất cả những cây cối nói với bụi gai rằng: ‘Hãy đến cai trị chúng tôi’. Bụi gai trả lời rằng: ‘Nếu các ngươi thật lòng đặt ta làm vua các ngươi, thì các ngươi hãy đến nghỉ dưới bóng ta. Nhưng nếu các ngươi không muốn thì sẽ có lửa từ bụi gai phát ra thiêu huỷ các cây hương nam núi Liban'”.
PHÚC ÂM
Mt 20,1-16a
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông.
“Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: ‘Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng’. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.
“Đến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: ‘Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?’ Họ thưa rằng: ‘Vì không có ai thuê chúng tôi’. Ông bảo họ rằng: ‘Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta’.
“Đến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: ‘Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết’. Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn; nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Đang khi lãnh tiền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: ‘Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?’ Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: ‘Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?’
“Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.
SUY NIỆM
Bài đọc I hôm nay thực sự buồn cười, giống như một đám trẻ đang chơi nhà chòi nói chuyện với nhau. Thế nhưng đó lại là hình ảnh rất phù hợp để nói về nhóm người Israel tại Sikhem lúc bấy giờ.
Sau khi được an bình 40  năm dưới thời ông Giêđêon, con cái Israel lại tiếp tục chứng nào tật nấy. Họ lại lãng quên những lời hứa với Thiên Chúa, đi theo các thần ngoại bang. Và tệ hại hơn nữa,họ dễ dàng nghe theo lời đứa con ngỗ nghịch của ông Giêđêon, tôn nó lên làm vua và giết hết những người con khác của ông Giêđêon cũng là anh em mình, để rồi chính Giôtham, đứa con may mắn trốn thoát đã lên tiếng để nhắc nhở dân.
Câu chuyện trong bài đọc I cũng tương tự câu chuyện của con người ngày nay. Họ dễ dàng nhận ai đó làm vua của mình, đặc biệt là thanh thiếu niên khi thần tượng một ai đó, thần tượng rồi thì cũng dễ dàng hướng mọi suy nghĩ hành động của mình theo như thần tượng, làm sao cho thật giống, từ kiểu cách đi đứng, ăn mặc, đến lối sống.
Tôi có một người em bà con, từ nhỏ học giáo lý và lãnh nhận các bí tích đàng hoàng. Đến khi lập gia đình thì có chuyện. Người vợ mang bệnh hiểm nghèo, chạy chữa nhiều nơi không khỏi, tình cờ gặp được thầy thuốc trong chùa và được khỏi. Từ những lời nói hấp dẫn của bên vợ, anh tìm hiểu phật giáo và đến nay anh đã có pháp danh. Anh không công khai bỏ Chúa, nhưng những hiểu biết của anh về Chúa không được sâu sắc . Đó là hậu quả của niềm tin ba mớ, niềm tin lơ mơ.
Nhìn lại đời sống đạo của mỗi Kitô hữu chúng ta, với niềm tin yếu ớt, niềm tin lang mang, chúng ta dễ dàng nghe theo những thói mê tín dị đoan, dễ dàng bỏ Chúa. Cụ thể nhất là khi nghe có sự lạ, nghe những lời nói êm tai.
Lạy Chúa, đức tin là một ân ban mà chúng con cần phải biết trân trọng giữ gìn mỗi ngày. Xin cho chúng con luôn biết chạy đến với Chúa nhiều hơn, để cùng với ơn Chúa, niềm tin vào Chúa nơi chúng con ngày càng thêm vững vàng hơn. Amen!

Thứ Năm

BÀI ĐỌC I
Tl 11,29-39a
Trong những ngày ấy, Thần Trí của Chúa ngự trên ông Giéphtê, ông liền đi quanh đất Galaad, Manassê, (rồi) Maspha (của) Galaad, và từ đó tiến sang đánh con cái Ammon. Ông thề hứa với Chúa rằng: “Nếu Chúa trao con cái Ammon vào tay con, thì khi con từ đất con cái Ammon trở về bình an, hễ người nào ra khỏi nhà con và đón tiếp con trước hết, con sẽ dâng nó cho Chúa làm của lễ toàn thiêu”.
Ông Giéphtê liền trẩy sang đánh con cái Ammon, Chúa đã trao chúng trong tay ông. Ông đã đánh phá hai mươi thành trong một trận ác liệt, từ Arôê đến cửa thành Mennith, và đến Abel Kêramim. Con cái Ammon bị con cái Israel hạ nhục. Khi ông Giéphtê trở về nhà ở Maspha, người con gái duy nhất ra với hội hát trống phách đón rước ông, vì ông chẳng có người con nào khác. Khi thấy đứa con gái, ông liền xé áo mình ra mà kêu lên rằng: “Con ơi, con làm khổ cha, con cũng khổ nữa, vì cha đã khấn hứa cùng Chúa, và cha không thể làm gì khác được”. Người con gái đáp: “Cha ơi, nếu cha đã khấn hứa cùng Chúa, thì cha cứ làm cho con mọi điều cha đã thề hứa, vì Chúa ban cho cha được trả thù và thắng kẻ thù của cha”. Cô lại nói với cha rằng: “Con chỉ xin cha điều này: xin cha cho con hai tháng, để con cùng các bạn con đi quanh núi đồi mà than khóc tuổi thanh xuân của con”. Người cha đáp: “Con cứ đi”. Và ông đã cho cô đi hai tháng. Khi cô ra đi làm một với bạn nghĩa thiết của cô, thì cô than khóc tuổi thanh xuân của cô trên núi đồi. Sau hai tháng, cô trở về nhà cha cô, và ông đã thi hành như ông đã thề hứa.
PHÚC ÂM
Mt 22,1-14
Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: “Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: ‘Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới’. Nhưng những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán, những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: ‘Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới’. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.
Đoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: ‘Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?’ Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: ‘Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng!’ Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít”.
SUY NIỆM
Bài đọc I nghe như câu chuyện cổ tích hấp dẫn, nhưng câu chuyện cổ tích này kết thúc không có hậu. Lời hứa của ông Giéphte trước khi đánh trận với con cái Ammon phải được thực hiện, người con gái duy nhất của ông phải trở thành của lễ toàn thiêu dâng cho Chúa.
Khi nghe điều này có lẽ nhiều người đặt vấn đề: nỡ lòng nào Thiên Chúa lại bắt ông Giéphte phải giữ lời hứa. Hơn nữa ông chỉ lỡ lời trong lúc chưa suy nghĩ đắn đo!
Đó là suy nghĩ, cái nhìn của con người chúng ta. Thật sự khi đọc lại lịch sử cứu độ thời Cựu Ước, có nhiều câu chuyện còn khó hiểu hơn nữa về hành động và ý muốn của Thiên Chúa. Có những câu chuyện cho thấy một Thiên Chúa thật tàn ác, toàn thấy đánh phạt, giết chóc,… Chẳng hạn như trong điều luật của Môsê có lệnh truyền của Thiên Chúa cho dân Israel phải thi hành gọi là ÁN TRU HIẾN VÀ BIỆT HIẾN. Cc sinh vật của kẻ thù đều phải bị tiêu diệt hiến tế dâng mạng sống cho Thiên Chúa (tru hiến); các đồ vật phải được dành riêng dùng vào việc thờ phượng trong nơi thánh (biệt hiến). Biệt hiến cũng mang nghĩa là một là lời khấn, qua đó người ta tình nguyện dâng hiến dứt khoát (không thể hồi lại) một vật gì đó (như: người, súc vật hay của cải) cho Thiên Chúa. Và đây chính là trường hợp của con gái ông Giéphte trong bài đọc I hôm nay.
Như vậy, chỉ xin tóm lại một điều: “Đây là một chủ đề tôn giáo nhằm đề cao sự tinh ròng của niềm tin vào Thiên Chúa, sự trung tín với giao ước; nó cho thấy một sự suy tư hậu thời về các biến cố đã xảy ra rất lâu trong quá khứ, và như vậy nó mang tính lý thuyết hơn là đã xảy ra trong thực tế lịch sử. Sau nhiều thế kỷ sống chung với các dân ngoại, dân Israel nhiều lần đã bị sa ngã vào tội thờ tà thần của họ và bắt chước lối sống vô luân của họ, nên tác giả hai sách Đệ Nhị Luật và Giôsuê muốn nêu cao lối sống nghiêm nhặt của cha ông là tuyệt đối không chấp nhận ảnh hưởng của dân ngoại. Điều này giống như một lý tưởng tôn giáo được đề ra để dạy dân Israel trong các thời đại sau này mà thôi.”
Trở lại với câu chuyện trong bài đọc, chúng ta có thể thấy được lòng trung tín của ông Giéphte và người con gái ông. Ông chấp nhận đánh đổi tất cả, dù là đứa con gái duy nhất của mình để tỏ lòng trung tín với Thiên Chúa.
Lạy Chúa, chúng con giật mình khi nhìn lại đời sống đạo của mình, có biết bao điều chúng con hứa hẹn với Chúa, nhưng ít khi chúng con nhớ mà tuân giữ; chúng con vội hứa rồi cũng vội quên. Chúng con xin lỗi Chúa, xin Chúa thứ tha. Amen!

Thứ Sáu

BÀI ĐỌC I
R 1,1.3-6.14b-16.22
Khi các quan án cầm quyền, thì dưới thời một quan án kia, trong xứ xảy ra nạn đói kém. Có một người thành Bêlem, thuộc chi tộc Giuđa, đem vợ và hai con sang cư ngụ trong miền Môab.
Và Elimêlech, chồng bà Nôêmi, qua đời, để bà lại với hai con. Hai con bà cưới hai thiếu nữ Môab làm vợ: một tên là Orpha, còn người kia tên là Ruth. Họ chung sống ở đó được mười năm, thì cả hai người chồng là Mahalon và Kêlion cũng qua đời, còn lại mình bà Nôêmi không chồng con. Bấy giờ bà Nôêmi cùng với hai nàng dâu định bỏ đất Môab trở về quê hương, vì nghe nói Chúa thương dân Người, và ban cho họ lương thực.
Bà Orpha hôn mẹ chồng và ở lại đó. Còn bà Ruth thì đi theo mẹ chồng. Bà Nôêmi bảo bà Ruth rằng: “Kìa, chị dâu con đã ở lại với dân mình và các thần minh của họ, con hãy ở lại với chị con”. Bà Ruth thưa lại rằng: “Xin mẹ đừng bắt con bỏ mẹ mà ở lại, vì mẹ đi đâu thì con cũng đi theo đó. Dân tộc của mẹ là dân tộc của con, và Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con”.
Vậy bà Nôêmi cùng nàng dâu người Môab là bà Ruth, từ nơi di cư trở về thành Bêlem, vào đầu mùa gặt lúa.
PHÚC ÂM
Mt 22,34-40
Khi ấy, những người biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại. Đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?” Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy, là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể lề luật và sách các tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”.
SUY NIỆM
Dân tộc của mẹ là dân tộc của con, và Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con”.
Nói về người phụ nữ Việt Nam, chắc hẳn phải nhắc đến Tam Tòng và Tứ Đức:
Tam tòng: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.
Tứ Đức: Công, Dung, Ngôn, Hạnh.
Ở đây, Bà Ruth còn hơn thế nữa. Câu trả lời của bà nghe thật cảm động: “Xin mẹ đừng bắt con bỏ mẹ mà ở lại, vì mẹ đi đâu thì con cũng đi theo đó. Dân tộc của mẹ là dân tộc của con, và Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con” (R 1, 16).
Có không ít người vợ đạo mới sống đạo rất tốt, thậm chí là tốt hơn cả người chồng đạo gốc. Và đó chính là một ơn Chúa ban cho gia đình. Bởi thực tế không phải dễ chút nào, đòi hỏi người chồng, người cha người mẹ trong gia đình chồng phải thực sự sống gương mẫu.
Đọc tiếp câu chuyện Bà Ruth chúng ta càng thấy rõ hơn sự cao đẹp của bà. Kết quả là bà và mẹ chồng đã được Thiên Chúa thưởng công xứng đáng.
Thiên Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của chúng ta. Đây thực sự là điều mà chúng ta phải luôn xác tín trong lòng. Cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn sống với Chúa hết lòng và cũng yêu tha nhân hết long. Chắc chắn Thiên Chúa sẽ ban thưởng cho chúng ta muôn ơn lành của Ngài.
Lạy Chúa, mong ước hoàn thiện mỗi ngày là mong ước chung của mọi Kitô hữu chúng con; thế nhưng thân phận mỏng dòn yếu đuối của con người nhiều lúc làm cho chúng con sống ngược lại; không còn là họa ảnh nhưng là phản ảnh hình ảnh của Chúa. Xin cho chúng con luôn biết đặt Chúa lên trên hết, luôn biết chọn Chúa trên hết mọi sự. Amen!

Thứ Bảy

Đức Maria Trinh Vương
BÀI ĐỌC I
Is 9,2-4.6-7
Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết. Chúa đã làm cho dân tộc nên vĩ đại, há chẳng làm vĩ đại niềm vui? Họ sẽ vui mừng trước nhan Chúa, như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt lúa, như những người thắng trận hân hoan vì chiến lợi phẩm, khi đem của chiếm được về phân chia. Vì cái ách nặng nề trên người nó, cái gông nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức. Chúa sẽ nghiền nát ra, như trong ngày chiến thắng Mađian. [Bởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo nhuộm đẫm máu đào, sẽ bị đốt đi và trở nên mồi nuôi lửa.]
Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng tôi, và một người con đã được ban tặng chúng tôi. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên Người là “Cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa huy hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình”.
Người sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận; Người sẽ ngự trên ngai vàng của Đavít và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. Lòng ghen yêu của Chúa thiên binh sẽ thực thi điều đó. Đó là lời Chúa.
PHÚC ÂM
Lc 1,26-38
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một Trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, Trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà Trinh nữ và chào rằng:
“Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”. Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”
Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế, Đấng Bà sinh ra sẽ là Đấng Thánh, và đưọc gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.
Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt Bà.
SUY NIỆM
Suy niệm về con người Đức Maria, trước hết trong thân phận một con người, chắc hẳn phải thừa nhận rằng, Mẹ là người phụ nữ tuyệt vời nhất của mọi thời trong lịch sử loài người. Và có thể nói, mọi vinh quang, mọi tước hiệu và vinh dự cao nhất đều có thể gắn cho Đức Mẹ. Còn trong lịch sử cứu độ, có lẽ Mẹ chỉ đứng sau Chúa mà thôi; đúng như lời của một linh mục: “Không ai cùng chịu đau khổ với Chúa Giêsu đến mức như Đức Maria, cũng như không ai được tôn vinh bên Chúa Giêsu bằng Đức Maria”.
Thật vậy, con người của Mẹ quá tuyệt vời, đáng cho chúng ta phải tự hào và hãnh diện; đặc biệt nhất là về niềm tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Chúa. Dường như cả cuộc đời Mẹ đều dành riêng cho Chúa, thuộc trọn về Chúa.
Lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương hôm nay giúp Kitô hữu chúng ta tái xác nhận vai trò cao quý của Đức Mẹ trong lịch sử cứu độ. Mẹ là Nữ Vương của toàn thể vũ trụ. Và đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại mình trong vài trò là con của Mẹ, cùng noi gương Mẹ sống với Chúa, vì Chúa và cho Chúa trong cuộc đời trần thế này.
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho chúng con một người mẹ quá tuyệt vời là Đức Maria, nhờ gương sống và công nghiệp của Mẹ mà chúng con được hưởng nhờ muôn vàn ơn phúc của Chúa. Xin cho chúng con luôn biết nhìn vào gương sống của Mẹ mà hết lòng sống gắn bó với Chúa mỗi ngày, để mai ngày cũng được hưởng hạnh phúc cùng với Mẹ trên nước Thiên Đàng. Amen!