Suy niệm Lời Chúa hằng ngày tuần XXIV Thường Niên

0
75

Suy niệm Lời Chúa hằng ngày tuần XXIV Thường Niên

Thứ Hai – Tuần XXIV Thường Niên

(1Tm 2,1-8; Lc 7,1-10)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Trong Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy tình thương của viên sĩ quan dành cho người đầy tớ của mình, yêu thương đến nỗi khiêm nhường hạ mình: “Tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà, nhưng xin Thầy phán một lời thì người đầy tớ tôi sẽ lành mạnh”, mà chúng ta biết ông lại là người dân ngoại.

Hình ảnh đó cho chúng ta thấy, chính mỗi người chúng ta là người Công giáo cũng phải yêu thương nhau, Chúa Giêsu đã nói: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, nghĩa là Chúa yêu thương tất cả mọi người không loại trừ ai, thì chúng ta cũng vậy, yêu thương không loại trừ, ngay cả yêu thương luôn cả thù đích với mình.

Nói như vậy, không phải là chúng ta hơn thua giữa chúng ta với người dân ngoại, giữa chúng ta với nhau, nếu yêu thương mà mang tính chất hơn thua thì không phải là yêu thương thật sự, mà đó là yêu thương giả dối, không bền vững, thậm chí sinh ra đố kỵ.

Nên chúng ta phải yêu thương bằng chính trái tim chân thành của mình, chứ không phải chỉ là những thứ bên ngoài.

Có ba phụ nữ cùng tuổi vốn là bạn học cũ. Họ chơi với nhau rất thân thiết và tất cả đều có con gái.

Con gái của người mẹ thứ nhất đã lấy bằng thạc sĩ ở nước ngoài. Con gái của người mẹ thứ hai cũng có một vị trí rất tốt trong chính phủ và con gái của người mẹ thứ ba vẫn đang trong quá trình cố gắng gây dựng sự nghiệp.

Khi ba bà mẹ hẹn nhau nói chuyện, hai bà mẹ đầu tiên nói câu nào là khen ngợi con mình câu đó. Người mẹ thứ ba chỉ yên lặng nghe họ nói, vừa cười vừa đưa mũi kim đan len trên tay…

Cô con gái của người mẹ thứ ba thường hay về nhà và hôm đó bất ngờ nghe được câu chuyện của mẹ và các bạn, cô xót xa cho mẹ của mình.

Đợi hai bạn của mẹ ra về, cô ôm mẹ nói: “Mẹ, con xin lỗi mẹ, con không giỏi giang, không để mẹ được sống hạnh phúc như các dì ấy.”

Người mẹ nghe con gái nói vậy liền dừng tay, xoa vào đôi tay vì làm việc vất vả mà trở nên thô ráp của con gái, nói:

“Con ngốc ạ, con phải nhớ rằng trong lòng mẹ, con là ưu tú nhất. Hạnh phúc là một dạng cảm giác, ngày nào cũng nhìn thấy con là mẹ thấy đủ rồi, con đem đến cho mẹ một thứ hạnh phúc khác với họ.”

Ba năm sau, người mẹ thứ nhất không còn khoe thành tựu của con gái ở nước ngoài nữa mà bây giờ, bà trách rằng suốt 3 năm, bà chờ đợi con về thăm mình nhưng cô gái không về lấy một lần.

Qua điện thoại, con gái bà nói với mẹ rằng ở nước ngoài, cạnh tranh trong công việc rất gay gắt, cô không thể tranh thủ về thăm mẹ được.

Người mẹ thứ hai cũng không còn khoe công việc chốn quan trường của con gái như trước. Bà trách rằng trong suốt 3 năm qua, ngày nào bà cũng phải đưa đón cậu cháu ngoại đi học, tan trường, thậm chí còn phải chăm sóc cuộc sống cho con gái.

Còn con gái của bà mẹ thứ ba lại khác, vẫn như xưa, cô thường xuyên ở bên cha mẹ. Và chỉ có người mẹ thứ ba thường xuyên tươi cười, hạnh phúc, hiền hòa.

Trong 3 năm qua, con gái bà không chỉ thành lập được công ty của riêng mình mà còn thực hiện nghiêm túc một quy định do chính cô đặt ra, là chỉ không cần không đi công tác, cô sẽ tranh thủ thời gian về thăm mẹ, dù chỉ là một lúc. Cô luôn muốn ở bên cạnh mẹ, và những lần cô về, mẹ cô đều chuẩn bị rất nhiều đồ con gái thích ăn.

Chúng ta thấy yêu thương thật sự là như vậy, chỉ cần tình yêu thương mà thôi, chứ không cần gì khác nữa, xin cho chúng ta hiểu được điều đó để biết dành thời gian cho nhau, vợ chồng dành thời gian cho nhau, con cái dành thời gian cho cha mẹ, cha mẹ dành thời gian cho con cái, và quan trọng là chúng ta biết dành thời gian cho Chúa, có như thế mới có tình yêu và hạnh phúc thật sự Amen.

Thứ Ba – Tuần XXIV Thường Niên

(1Tm 3,1-13; Lc 7,11-17)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu chữa lành cho con trai của bà góa thành Nain, nhưng tại sao Chúa Giêsu lại chữa lành? Vì Chúa Giêsu chạnh lòng thương. Tại sao Chúa Giêsu chạnh lòng thương? Thưa vì Chúa Giêsu thấy, nhưng tại sao Chúa Giêsu thấy? Thưa vì Chúa Giêsu đi đến một thành gọi là Nain.

Đó là cái nhìn của Tin mừng hôm nay, nhưng nếu Chúa Giêsu không đi đến, Chúa Giêsu có thấy không, có biết không? Thưa biết, vì Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi.

Trong thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Côrintô có viết lại: “Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.” (1Cr 3, 6-8).

Hay trong Tin mừng Gioan khi Nathanaen đến với Chúa thì Chúa nói: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối”. Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi”.

Như vậy chúng ta thấy, Chúa Giêsu Ngài là Đấng toàn năng, Ngài biết tất cả, nhưng Chúa vẫn ra đi, vẫn đi đến để cảm thông, để chia sẻ với những nỗi đau khổ của con người, vì đó là sứ vụ của Chúa.

Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt trong một bài giảng mang tên: “THIÊN CHÚA TÌNH YÊU”, ngài chia sẻ như thế này:

Có một bạn trẻ hỏi tôi: “Thưa Cha, tại sao đạo Phật khi xây chùa thì chọn những nơi rừng núi thâm u, xa hẳn thị thành, còn đạo Công giáo khi xây nhà thờ lại chọn những nơi dân cư đông đúc, phồn hoa đô hội?”

Tôi trả lời: “Bạn quả là có con mắt nhận xét. Việc xây cất chùa chiền, nhà thờ như vậy, thực ra, phát xuất từ quan niệm nền tảng của đạo. Đạo Phật là đạo xuất thế. Đức Phật vì thấy những cảnh khổ ở đời trong sinh, lão, bệnh, tử nên đã tìm một con đường mong giải thoát chính mình và nhân loại khỏi cảnh khổ não ở đời. Vì thế Ngài đã từ giã cung đình, rũ sạch bụi trần, xa lánh phồn hoa.

Trái lại đạo Công giáo là đạo nhập thế. Thiên Chúa thấy con người trầm luân khổ ải nên chạnh lòng thương, đã sai Con Một là Chúa Giêsu xuống trần để cứu độ chúng sinh. Chúa Giêsu xuống trần không chỉ là nhập thế, mà còn hoá thân một người nghèo sống giữa người nghèo, người tội lỗi để đưa mọi người về với Chúa, đó là nhập thể. Có thể nói đạo Công giáo diễn tả việc Thiên Chúa đi tìm con người.

Mỗi người chúng ta là con cái của Chúa, cần sống tinh thần của Chúa, chúng ta cũng được mời gọi ra đi để đến với anh chị em của mình để cảm thông cho nỗi đau khổ của anh chị em, để đưa những anh chị em đó về với Chúa. Amen.

Thứ Tư Tuần XXIV Thường Niên
Thánh Anrê Kim Têgôn, Phaolô Chong Hasang và các bạn, tử đạo. Lễ nhớ.

(1Tm 3,14-16; Lc 7,31-35)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy thái độ của Chúa Giêsu trước con người của thời đại, không thể hiểu nổi. Ngài ví họ giống như lũ trẻ ngoài chợ và dùng hình ảnh cụ thể của Gioan Tẩy Giả, cũng như của chính Chúa để nói: “Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo: “Ông ta bị quỷ ám. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.

Ngày nay, chúng ta thấy tâm tính con người có như vậy không? Thưa vẫn như vậy, chứ không khác gì mấy.

Tôi có đọc được một bài chia sẻ của linh mục Bênadô Nguyễn Xuân Hải, chia sẻ về Chúa Nhật Thứ 6 Phục sinh A, trên trang Facbook cá nhân, được đăng ngày 13.05.2023: “Trong diễn đàn về Mùa đông dân số ở Châu Âu vừa diễn ra cách đây ít hôm, ĐGH Phanxicô kể lại rằng: Trong buổi tiếp kiến chung, một phụ nữ khoảng 50 tuổi chào ngài và xin chúc lành cho đứa nhỏ của bà. Tuy nhiên, đứa trẻ mà bà nói là một con chó nhỏ. Với tất cả kiên nhẫn, ngài nói: Thưa bà, biết bao đứa trẻ còn đang đói…

…và lần kia, trong một hàng dài những người đang chờ tuyển việc làm, đến lượt một phụ nữ nọ. Chị ta trình giấy tờ theo yêu cầu. Nhân viên tuyển nhân sự nói với chị: 600 euro một tháng, làm 11 tiếng mỗi ngày. Chị ta phân vân: 600 euro và 11 tiếng làm sao người ta có thể sống? Người ấy đáp: Này chị, biết bao người đang chờ, nếu chị thích thì làm, không thích thì chết đói…”

Trong đời sống đức tin của mỗi người chúng ta cũng thế, có những giá trị bị đảo ngược chẳng hạn khi nói về Đức Mẹ. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, trong cuốn “Tự Thuật”, cũng đã than phiền rằng có những nhà giảng thuyết và thần học mô tả sự thánh thiện và các nhân đức của Mẹ Maria với những thành ngữ cao vời quá đến độ các tín hữu cảm thấy nản chí không dám noi theo mẫu gương của Mẹ nữa.

Vài ngày trước khi qua đời, thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã thốt lên: “Ôi, tôi yêu mến Đức Mẹ dường nào! Giả sử tôi là linh mục, tôi sẽ nói mọi sự tốt đẹp về Mẹ… Người ta thường trình bày Đức Mẹ như một nhân vật siêu phàm không thể đến gần được. Cần trình bày Ngài như một vị mà chúng ta có thể noi gương bắt chước được. Ngài là người Mẹ hơn là Nữ vương! Tôi đã nghe có người nói vinh quang của Mẹ làm lu mờ tất cả các thánh, giống như mặt trời khi mọc lên làm biến tan các vì sao! Trời ơi, điều đó kỳ quặc quá! Một người Mẹ lại làm biến tan vinh quang của con cái mình sao! Tôi nghĩ ngược lại và tôi tin rằng chính Mẹ là người càng làm tăng vinh quang của các tín hữu con cái Ngài… Tôi nghĩ cuộc đời của Đức Mẹ rất đơn sơ” (Truyện một tâm hồn”, chương 12).

Tất cả những điều đó, cho chúng ta thấy từ đời sống thường ngày, cho đến đời sống đức tin, mọi giá trị đều bị đảo ngược, để thỏa mãn đam mê cá nhân của mình.

Hiểu được như thế, chúng ta không được chạy theo những giá trị đảo ngược đó, mà chúng ta phải sống đúng với những gì Chúa và giáo hội đã dạy chúng ta, để giúp người khác nhận ra được đâu là giá trị chân chính mà Chúa và giáo hội muốn mỗi người chúng ta hướng tới. Amen.

Thứ Năm Tuần XXIV Thường Niên
Thánh Matthêô, tông đồ, Tác giả sách Tin Mừng. Lễ kính

(Ep 4,1-7.11-13; Mt 9,9-13)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy ơn gọi của thánh Matthêu, qua mời gọi chúng ta xác tín lại lời của Chúa Giêsu đã nói: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 14,16).

Thật vậy, chính Chúa Giêsu đã chọn gọi Matthêu làm tông đồ của Chúa, Chúa là người chủ động đến tìm ông và kêu gọi ông, vì ông là người tội lỗi, nên mặc cảm không dám tiếp xúc với người khác, cũng như người khác cũng ngại tiếp xúc với ông.

Chúng ta biết sau khi kêu gọi Matthêu, Chúa Giêsu và các môn đệ đã dùng bữa ở nhà Matthêu, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”. Chỉ có Chúa mới có thể biến đổi một con người từ tội lỗi trở nên công chính, biến đổi một con người cứng lòng trở nên mềm dẻo trước mặt Chúa, chỉ có Chúa mới làm được điều này mà thôi.

Trong sách công vụ tông đồ có kể câu chuyện Phaolô và Sila được cứu thoát một cách lạ lùng: “Khi đã đánh nhừ tử, họ tống hai ông vào ngục, và truyền cho viên cai ngục phải canh giữ cẩn thận. Được lệnh đó, người này tống hai ông vào phòng giam sâu nhất và cùm chân lại. Vào quãng nửa đêm, ông Phao-lô và ông Xi-la hát thánh ca cầu nguyện với Thiên Chúa; các người tù nghe hai ông hát. Bỗng nhiên có động đất mạnh, khiến nền móng nhà tù phải rung chuyển. Ngay lúc đó, tất cả các cửa mở toang và xiềng xích của mọi người buột tung ra. Viên cai ngục choàng dậy và thấy các cửa ngục mở toang, liền rút gươm định tự tử, vì tưởng rằng các người tù đã trốn đi. Nhưng ông Phao-lô lớn tiếng bảo: “Ông chớ hại mình làm chi: chúng tôi còn cả đây mà! ” Viên cai ngục bảo lấy đèn, nhảy bổ vào, run rẩy sấp mình dưới chân ông Phao-lô và ông Xi-la, rồi đưa hai ông ra ngoài và nói: “Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu độ? ” Hai ông đáp: “Hãy tin vào Chúa Giê-su, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ.” Hai ông liền giảng lời Chúa cho viên cai ngục cùng mọi người trong nhà ông ấy. Ngay lúc đó, giữa ban đêm, viên cai ngục đem hai ông đi, rửa các vết thương, và lập tức ông ấy được chịu phép rửa cùng với tất cả người nhà. Rồi ông ấy đưa hai ông lên nhà, dọn bàn ăn. Ông và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa. (Cv 16, 23-34).

Chỉ có Chúa mới có thể biến đổi được con người, chỉ có Chúa mới có thể phá tan xiềng xích để giải thoát con người khỏi sức mạnh thế gian. Nhưng điều quan trọng là người được biến đổi có mở lòng ra đón nhận hay không.

Chúng ta xin Chúa mở lòng chúng ta để đón nhận sự biến đổi của Chúa, và xin Chúa biến đổi chúng ta mỗi ngày, để trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Amen.

Thứ Sáu Tuần XXIV Thường Niên

(1Tm 6,2c-12; Lc 8,1-3)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Khi xem phim kiếm hiệp Kim Dung có nhiều người đưa ra thắc mắc tại sao các cao thủ giang hồ suốt ngày đi đánh nhau, chè chén… vậy mà trong túi lúc nào cũng rủng rỉnh tiền bạc. Họ kiếm tiền bằng cách nào? Người ta trả lời rằng, ngoài Cái Bang – nghề đi ăn xin ổn định, còn có những bang phái khác có tiền do thu nhận đệ tử, do thừa hưởng gia tài của cha mẹ, có người lãnh lương từ biên chế nhà nước, có người làm nghề bảo kê…., đó là cách nhìn trong những tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung.

Thế thì có bao giờ chúng ta thắc mắc Chúa Giêsu và các môn đệ lấy tài chính từ đâu để duy trì hoạt động truyền giáo không? Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết có các người phụ nữ đã lấy của cải mình để giúp cho Chúa Giêsu và các môn đệ.

Bên cạnh đó, Chúa Giêsu và các môn đệ cũng được người này người kia mời dùng tiệc miễn phí, chẳng hạn như Simon biệt phái, nhà của bà chị em Matta, Giakêu, Lêvi… nhưng cái chính là vẫn nhờ vào sự trợ giúp của các người phụ nữ. Nên chúng ta thấy được tầm quan trọng của người phụ nữ trong hành trình truyền giáo.

Không những thế, trong đời sống gia đình, người phụ nữ cũng đóng vai trò quan trọng Chẳng hạn, mẫu gương của bà vợ ông Philatô, bà vợ của Philatô sai người đến nói với ông: “Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, tôi chiêm bao thấy mình phải khổ nhiều vì ông ấy.” (Mt 27,19), thế bà chiêm bao điều gì?

Có một “truyền thống” nói rằng bà Claudia Procula, vợ quan Phôngxiô Philatô, đã nằm mơ thấy cả tỉ người hát đi hát lại câu “(dưới) thời quan Phôngxiô Philatô” (sub Pontio Pilato). Điều mà bà nghe chính là câu hát ngày nay chúng ta vẫn lập lại trong kinh Tin Kính: “Người đã chịu đóng đinh thời quan Phôngxiô Philatô”. Nếu bình thường mà tự nhiên tên của chồng mình được cả hàng tỉ người réo gọi tôn vinh như thế chắc vui lắm. Nhưng trong trường hợp quan tổng trấn Philato đã để cho Đấng vô tội chịu đóng đinh dưới thời mình đang nắm quyền lại là một xỉ nhục, một tai tiếng mãi mãi.

Có một bài viết mang tên Phụ Nữ Đòi Bình Đẳng chia sẻ:

Tôi nghĩ phụ nữ thật ngốc khi họ cho rằng họ bình đẳng với đàn ông. Thực ra họ luôn luôn là người vĩ đại hơn. Bất cứ cái gì đưa cho phụ nữ, họ cũng sẽ tạo ra những giá trị cao hơn.

Khi các ông đưa cho họ một căn nhà, họ sẽ tạo ra một tổ ấm.

Nếu các ông đưa cho họ thực phẩm, họ sẽ tạo cho bạn một bữa ăn ngon.

Nếu bạn tặng họ nụ cười, họ sẽ tặng các ông trái tim yêu.

Phụ nữ luôn nhân lên, tạo ra những giá trị lớn hơn bất cứ thứ gì các ông trao cho họ. Nhưng nếu bạn trao cho họ những thứ xấu xa thì hãy coi chừng, các ông sẽ nhận lại những trái đắng.

Xin cho mỗi người chúng ta biết được vai trò, của người phụ nữ trong đời sống đức tin cũng như trong đời sống thường ngày, để chúng ta trao gởi cho họ những giá trị tốt lành, để họ cộng tác, giúp nhân giá trị tốt lành đó lên, đạt được hiệu quả như ý Chúa muốn. Amen.

Thứ Bảy Tuần XXIV Thường Niên
Thánh Piô Pietrelcina, linh mục. Lễ nhớ

(1Tm 6,13-16; Lc 8, 4-15)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn người gieo giống và Người giải thích dụ ngôn người gieo giống cho các môn đệ hiểu.

Trong dụ ngôn này, chúng ta chú ý đến lời giải thích của Chúa Giêsu, Chúa nói: “Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. Hạt rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.”

Nhưng chúng ta để ý, đó là dù đất tâm hồn sỏi đá, vệ đường, đầy gai góc, tốt lành, tất cả đều chịu sự tác động của điều kiện ngoại tại bên ngoài hay không? nghĩa là tất cả 4 loại đất vừa kể trên có chịu ma quỷ cám dỗ, có chịu thử thách, có chịu những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc của cuộc đời hay không?

Thưa là vẫn phải chịu tác động từ những lý do ngoại tại bên ngoài, như bị ma quỷ cám dỗ, bị những khó khăn thử thách, bị những thú vui, sự giàu có, sự lo nghĩ tác động, chứ không phải là tâm hồn tốt lành là không bị tác động.

Chính Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa, xuống thế làm người, giống con người về mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi, nghĩa là Chúa Giêsu ví như mảnh đất tốt lành, nhưng vẫn bị ma quỷ cám dỗ về cơm bánh, về quyền lực, về tiền bạc (Lc 4,1-13), vẫn bị người đời cám dỗ, trong phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình. (Ga 6,15)

Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân trong thư chung gởi cho quý cha Giáo phận Xuân Lộc trong đại dịch Covid lần thứ 4, ngài nói: “Có bao giờ mà cuộc đời hết gian truân… nhưng ta cố công ‘làm người’ trong chính những gian truân ấy.”

Nhưng sở dĩ những tác động đó không làm lung lay, không làm ảnh hưởng đến mảnh đất tâm hồn tốt lành, vì họ biết giữ lấy Lời Chúa và kiên nhẫn trong Lời Chúa, nhờ đó cuộc đời sinh hoa kết quả.

Như vậy, để chúng ta có được mảnh đất tâm hồn tốt lành, chúng ta cần phải nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì sinh hoa kết quả, vì cuộc đời này không bao giờ hết gian truân. Nếu chúng ta bỏ cuộc, nếu chúng ta không kiên nhẫn, nếu chúng ta không quảng đại nghe Lời Chúa, thì những tác động bên ngoài nó sẽ ảnh hưởng đến mảnh đất tâm hồn của chúng ta, sẽ làm cho tâm hồn chúng ta trở nên sỏi đá, trở nên vệ đường, trở nên bụi gai. Amen.