Suy niệm Lời Chúa hằng ngày tuần XIX Thường Niên- A

0
55

Suy niệm Lời Chúa hằng ngày tuần XIX Thường Niên- A

Thứ Hai – Tuần XIX Thường Niên
Thánh Mximilianô Maria Kolbê, linh mục, tử đạo. Lể nhớ.

(Đnl 10,12-22; Mt 17,22-27)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Người Do Thái vào thời Chúa Giêsu phải nộp hai thứ thuế: thứ nhất là thuế dân sự, phần này nộp cho hoàng đế Xêda; thuế thứ hai, nộp thuế nhà thờ, phần này dùng để chi phí trong đền thờ. Ngoại trừ đàn bà, các thiếu niên và các nô lệ, tất cả những ai từ 20 tuổi trở lên đều phải nộp thuế để bảo trì và tu sửa Đền thờ Giêrusalem.

Tin Mừng hôm nay, thánh sử Matthêu thuật lại khi Chúa Giêsu và các môn đệ trở lại Capharnaum, và ở đó, những người thu thuế đến yêu cầu Phêrô nộp thuế. Dĩ nhiên là Phêrô sẵn sàng nộp thuế.

Khi Phêrô về nhà, Chúa Giêsu hỏi đón ông: “Simon con nghĩ sao? Vua chúa trần gian lấy thuế của ai? Con cái mình hay người ngoài? Phêrô đáp: “Thưa người ngoài.” Chúa Giêsu liền bảo: “Thế thì con cái được miễn.”

Chúng ta chú ý đến câu nói của Chúa Giêsu: “Vậy thì con cái được miễn.” Câu nói này gợi lên vấn đề: nếu con cái được miễn tại sao lại bắt đóng thuế cho đền thờ, vậy nếu đóng thuế cho đền thờ tức là không phải là con cái của Chúa?

Như vậy, chúng ta phải hiểu chỗ này như thế nào? Với cái nhìn tự nhiên, theo như lời Chúa Giêsu đã nói thì Ngài không có bổn phận phải đóng thuế vì Ngài là Con Thiên Chúa, nhưng khi đã chấp nhận làm người, Chúa Giêsu đã tôn trọng luật lệ xã hội, để khỏi gây cớ cho người ta vấp phạm, nên người đã bảo thánh Phêrô “Hãy ra biển thả câu, con cá nào bắt được trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng tiền, và hãy lấy đồng tiền đó mà nộp thuế.”

Với cái nhìn cao hơn, thì sở dĩ các môn đệ, cũng như những người Do thái phải nộp thuế, không phải chỉ vì để khỏi gây cớ cho người khác vấp phạm như Chúa Giêsu, nhưng họ nộp thuế vì họ chưa hoàn toàn được giao hòa với Chúa, nghĩa là lời hứa cứu độ của Thiên Chúa chưa được trọn vẹn, Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế mới đến trần gian, chứ chưa chịu chết và sống lại để giao hòa con người với Chúa Cha, nói một cách khác là tư cách làm con Thiên Chúa chưa được phục hồi vì bị ảnh hưởng của tội nguyên tổ.

Hiểu được như vậy, chúng ta mới hiểu được tại sao mà trước câu chuyện nạp thuế cho đền thờ lại là câu chuyện Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn lần thứ hai: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” Sở dĩ có cuộc loan báo về cuộc khổ nạn là để cho các môn đệ biết được rằng để có thể phục hồi tư cách làm Con Thiên Chúa, để con người khỏi phải đóng thuế, thì Chúa Giêsu phải chịu chết và sống lại, để giao hòa Thiên Chúa với con người, để bắc một nhịp cầu giữa Thiên Chúa và con người.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không có bổn phận đóng góp cho nhà thờ, nhưng đóng góp cho nhà thờ với tư cách là con cái của Chúa, đóng góp cho nhà cha của mình, nghĩa là trước kia đóng góp vì bị bắt phải đóng góp, còn sau này đóng góp vì lòng yêu mến, xem nhà Chúa là nhà của mình.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức mình là con cái Thiên Chúa, biết đóng góp cho các nhu cầu cần thiết của hội thánh, không phải chỉ là vật chất, mà cả con người của chúng ta. Amen.

Chiều: Lễ Vọng Đức Mẹ Lên Trời
(1Sb 15,3-4.15-16;16,1-2; 1Cr 15,54-57; Lc 11,27-28)
Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, khi bị bắt như vậy thì họ đem người phụ nữ này đến với Chúa Giêsu, hỏi Chúa Giêsu theo luật thì phải xử lý người đàn bà này như thế nào, Chúa nói: “Ai trong các ông vô tội thì ném đá người đàn bà này trước đi,” thế là họ bỏ đi từ từ bắt đầu từ người lớn tuổi.

Chỉ còn một mình Chúa Giêsu là người vô tội ở lại, nhưng không phải để ném đá mà để giải thoát người phụ nữ một lần nữa, giải thoát khỏi tội lỗi: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi và đừng phạm tội nữa.” Nghĩa là Chúa Giêsu không chỉ giải cứu người phụ nữ rồi bỏ chị bơ vơ giữa dòng đời, để cho chị lưu lạc, nhưng mở cho chị một con đường đi về tương lai, để chị sống tốt hơn trong tương lai của mình.

Chúa của chúng ta là như thế, không phải là một vị Thiên Chúa khép kín, nhưng là vị Thiên Chúa mở ra, nhập thế để mở ra với tất cả mọi người: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4, 43).

Trong lệnh truyền truyền giáo của Chúa Giêsu cũng là một minh chứng cho chúng ta: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).

Tin mừng hôm nay chúng ta cũng thấy được nơi Chúa là một vị Thiên Chúa mở ra, đó là khi Chúa Giêsu đang giảng dạy, thì có một người phụ nữ cất tiếng nói rằng: “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú” nhưng Chúa Giêsu nói: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn.” Nghĩa là Chúa Giêsu không phủ nhận giá trị của mối liên hệ huyết nhục, nhưng ý Chúa muốn nói đến đó là còn có những cái giá trị cao hơn thế nữa, chứ không phải chỉ việc cưu mang và cho bú móm.

Và giá trị đó là gì? Thưa đó là cần nâng tầm nhìn lên và mở rộng tầm nhìn ra, bởi nếu chỉ có người sinh ra Chúa, cưu mang Chúa, nuôi nấng Chúa thì chỉ là một người, chỉ một mình Đức Mẹ mới là người có phúc mà thôi, còn những người khác thì không có phúc.

Nên Chúa mở ra cho con người một hướng đi mới, đó là những ai lắng nghe và sống lời Thiên Chúa, thì cũng là người có phúc nữa, chứ không phải là chỉ người sinh Chúa Giêsu ra mới là người có phúc, nói cách dễ hiểu là ai lắng nghe và thực hành lời Chúa thì đó là người có phúc, đó là cơ hội mở ra cho nhiều người, không có giới hạn.

Và Mẹ Maria là người đã kinh nghiệm được điều này, chính vì Mẹ đã lắng nghe và thực hành Lời Chúa, nên Mẹ đã đón nhận lời sứ thần truyền tin, để Mẹ được phúc sinh hạ Con Thiên Chúa.

Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận có nói: “Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt đời sẽ thánh.”

Còn Đức mẹ thì sao? Có thể nói cuộc đời của Đức Mẹ thay vì là “phút” mà là “phúc,” phúc này nối tiếp phúc kia, phúc lắng nghe và thực hành lời Chúa, phúc cưu mang Con Thiên Chúa, phúc đứng dưới chân thập giá mà không ngã gục, phúc làm mẹ Giáo hội, phúc trọn đời đồng trinh, phúc vô nhiễm nguyên tội, phúc là Mẹ Thiên Chúa, và hôm nay chúng ta mừng lễ Mẹ được phúc hồn xác lên trời, đó là tất cả các phúc của Mẹ, mà mẹ có được nhờ lắng nghe và thực hành lời Chúa.

Xin cho mỗi người chúng ta biết sống lời Chúa dạy, biết lắng nghe và thực hành lời Chúa trong cuộc đời của mình, để mỗi người chúng ta là người có phúc như Mẹ Maria, phúc này nối tiếp phúc kia. Amen.

Thứ Ba – Tuần XIX Thường Niên
Lễ Đức Mẹ Lên Trời. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ)

(Kh 11,19a; 12,1-6a,10ab; 1Cr 15,20-27; Lc 1,39-56)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Sáng thứ Tư ngày 19/7/2023, tại Thánh đường Giáo xứ Kim Thượng, Hạt Gia Kiệm, đã long trọng diễn ra Thánh lễ an táng cho Bà Cố Têrêsa Tạ Thị Ngọt, là thân mẫu của Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân – Giám mục giáo phận Xuân Lộc.

Trong bài cám ơn, Đức Cha có nói đến một chi tiết như thế này: “Có một giản dị mà không bao giờ sai, không ai có thể chối cãi được, là không ai trên đời mà không có mẹ, và chỉ có một mẹ ruột mà thôi, phận làm con phải ghi lòng tạc dạ cái phúc được 9 tháng 10 ngày trong lòng mẹ, 3 năm trong vòng tay mẹ, và suốt đời trong trái tim mẹ, và là tín hữu chúng ta còn xác tín thêm đời đời trong lòng Chúa xót thương, vì Chúa đã nói ta yêu thương con bằng mối tình muôn thuở.”

Nếu mở ra thì trong đời sống đức tin của mỗi người chúng ta, vì là người tín hữu, chúng ta cũng có một mẹ nữa, mẹ luôn đi bên cạnh cuộc đời chúng ta không chỉ là linh hồn mà còn cả thân xác, đó chính là Đức Trinh Nữ Maria.

Chúng ta biết trước khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, Chúa đã trao phó chúng ta cho mẹ: “Này là con của Mẹ” và chúng ta biết không có một người mẹ nào mà không thương đứa con mình mang nặng đẻ đau, và mẹ cũng sinh chúng ta ra trong đau đớn đó là qua cái chết của Chúa Giêsu, chắc chắn mẹ rất yêu thương chúng ta.

Nên chúng ta được mời gọi hãy nhớ đến Mẹ trong suốt cuộc đời của mỗi người chúng ta, hãy siêng năng đến với mẹ không phải để cầu xin Mẹ chuyển cầu, mà còn là để làm cho Mẹ vui lòng vì con cái còn nhớ đến Mẹ, để cho Mẹ có cơ hội được yêu thương chúng ta.

Có một câu chuyện mang tên Vị Giáo Sư Đại Học bắt Mẹ Rửa chén được kể như thế này, để chúng ta thấy chúng ta không được phép lãng quên Mẹ Maria, cũng như không được phép lãng quên chính cha mẹ của mình.

“Khi còn học Đại học, một lần đi thực tập trở về, chúng tôi dẫn cả nhóm về nhà giáo sư liên hoan… Sau khi buổi tối vui vẻ kết thúc, trên bàn mâm chén bày la liệt. Mấy bạn học muốn mang đi rửa, giáo sư vẻ mặt tươi cười ngăn lại nói: “Đừng vội, có người rửa đây này!” Giáo sư đem chén đũa bỏ vào bồn nước, trước tiên dội hết dầu mỡ, sau đó nhẹ nhàng đến bên người mẹ già 70 tuổi nói: “Mẹ, rửa chén đi nhé…”

Học sinh chúng tôi bỗng dưng thấy quá đỗi bất ngờ… Bình thường ông là một giáo sư thanh tao, nho nhã, sao lại có thể đối đãi với người mẹ đã cao tuổi như vậy? Chỉ thấy bà cụ thay đổi hẳn nét ủ rũ nãy giờ trên bàn ăn… Khuôn mặt rạng rỡ, bà đi đến bên cạnh bồn rửa chén, chậm rãi rửa chén, mất khoảng nửa giờ mới xong.

Giáo sư vui vẻ nói với bà cụ: “Mẹ vất vả rồi, nghỉ ngơi một chút nhé!” Ông cầm khăn mặt, lau tay cho mẹ. Sau khi giáo sư đưa mẹ về phòng, lại quay vào bếp, đem chén ra rửa một lần nữa.

Giáo sư nhìn lũ học trò chúng tôi, khi ấy còn đang kinh ngạc không hiểu gì, nói: “Làm mẹ thì lúc nào cũng muốn làm chút gì đó cho con mình. Dù già rồi, nhưng trong mắt mẹ, con mãi mãi cần sự nâng đỡ của mẹ. Để bà rửa chén, bà sẽ cảm thấy con vẫn cần mẹ, một ngày trôi qua sẽ thấy rất phong phú và ý nghĩa. Hiếu kính cha mẹ, ngoại trừ việc giúp đỡ cha mẹ ra, còn phải cho cha mẹ một cơ hội để yêu thương chúng ta.”

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hãy biết chạy đến với Đức Mẹ, chạy đến với cha mẹ của chúng ta, không phải để chúng ta đạt được điều này hay điều kia, mà là để cho Đức Mẹ, cho cha mẹ chúng ta có cơ hội yêu thương chúng ta. Amen.

Thứ Tư Tuần XIX Thường Niên
(Đnl 34,1-12; Mt 18,15-20)
Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta về đời sống cộng đoàn, mà đời sống cộng đoàn thì phải nâng đỡ giúp đỡ nhau qua việc sửa lỗi cho nhau, cầu nguyện cho nhau.

Hôm nay chúng ta chia sẻ một điểm đó là cầu nguyện cho nhau, Chúa nói: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”

Trong bài đọc 2 giờ kinh sách của ngày thứ 2 tuần 27 thường niên, trích trong khảo luận của thánh Ambrosio, giám mục, về Cain và Aben có đoạn như sau: “Bạn được dạy phải cầu nguyện đặc biệt cho dân, nghĩa là cho toàn thân, cho mọi chi thể của Hội Thánh là mẹ bạn, mà đặc trưng là tình tương thân tương ái. Quả thật, nếu bạn xin cho chính mình thì bạn chỉ cầu cho bản thân thôi. Và nếu mỗi người chỉ cầu cho chính mình thì lời cầu nguyện đó là của người tội lỗi, nên không mang lại ân sủng dồi dào như khi người ta chuyển cầu cho kẻ khác. Còn khi mỗi người cầu cho mọi người, thì mọi người cũng cầu cho mỗi người.

Vậy, để kết luận, nếu bạn chỉ xin cho chính mình, thì như đã nói, bạn sẽ chỉ xin cho bản thân mà thôi. Còn nếu bạn xin cho mọi người thì mọi người sẽ xin cho bạn, vì bạn ở trong mọi người. Như vậy, các việc lành phước đức của toàn dân sẽ tăng thêm hiệu lực nhờ từng lời cầu nguyện của mỗi người. Cách cầu nguyện đó không kiêu căng chút nào, khiêm nhường hơn thì có, và lại đạt hiệu quả dồi dào.”

Hiểu được như thế, nên khi cầu nguyện chúng ta phải cầu nguyện cho nhau thì lời cầu nguyện của chúng ta mới có hiệu quả. Và để cầu nguyện cho nhau, chúng ta cần phải xem nhau như anh em. Trong kinh Lạy Cha, Chúa dạy chúng ta cầu nguyện “Lạy Cha chúng con”, Chúa Giêsu muốn nói cho chúng ta biết hai mối tương quan, tương quan hàng dọc là tương quan với Chúa, chúng ta gọi Chúa là Cha. Tương quan thứ hai là tương quan hàng ngang, tất cả mọi người đều là anh chị em với nhau.

Chúng ta thử suy nghĩ, nếu chúng ta không coi nhau như anh em, thì chắc chắn chúng ta cũng chẳng xem Chúa là Cha của mình, nếu xem Chúa là Cha thì phải yêu thương nhau, thánh Gioan tông đồ đã nói: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa” (1Ga 4,7) hoặc “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa”mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20).

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết xem nhau là anh anh em, không loại trừ nhau, nếu loại trừ nhau thì lời cầu nguyện của chúng ta không đúng với ý hướng Chúa dạy, vì Chúa dạy là Lạy Cha chúng con, còn khi chúng ta loại trừ nhau, như thế là mâu thuẫn với lời Chúa dạy, mà cái gì mâu thuẫn thì không đem lại kết quả. Amen.

Thứ Năm Tuần XIX Thường Niên

(Gs 3,7-10a.11.13-17; Mt 18,21-19,1)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày việc Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, khi anh em con xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? có phải bảy lần không? Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con là phải tha đến bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy” và sau đó Chúa Giêsu kể câu chuyện dụ ngôn người đầy tớ mắc nợ không biết tha thứ, để dạy cho biết khi chúng ta biết tha thứ cho nhau thì mới có khả năng đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa.

Nhưng chúng ta thử đặt câu hỏi, đó là tại sao anh em chúng ta lại xúc phạm đến chúng ta để rồi chúng ta phải tha thứ cho họ, nguyên nhân có phải là ở chúng ta?

Tôi có đọc được một câu chuyện mang tên CON ĐOM ĐÓM và CON RẮN được kể như thế này:

Truyền thuyết kể rằng một con rắn đã đuổi theo một con đom đóm để ăn thịt nó. Con côn trùng nhỏ đang cố gắng hết sức để chạy trốn khỏi con rắn.

Trong nhiều ngày, đó là cuộc bức hại dữ dội.

Một thời gian sau, con đom đóm mệt mỏi, kiệt sức dừng lại và nói với con rắn: “Tôi hỏi bạn 3 câu được không?”

– Tao không quen nhượng bộ, nhưng dù sao tao cũng sẽ ăn thịt mày, cứ hỏi đi!

– Câu hỏi đầu tiên: Tôi có thuộc chuỗi thức ăn của anh không?

– KHÔNG!

– Câu hỏi số 2: Tôi đã làm gì có lỗi với anh?

– KHÔNG!

– Câu hỏi số 3: Vậy tại sao anh muốn ăn tôi?

– VÌ MÀY TỎA SÁNG VÀ ĐIỀU ĐÓ LÀM TAO KHÓ CHỊU!

Qua câu chuyện này chúng ta thấy, người ta có thể xúc phạm đến chúng ta khi chúng ta sống tốt hơn họ, chứ không phải chỉ khi chúng ta đụng chạm đến người khác, trở thành kẻ thù của họ rồi họ mới xúc phạm đến chúng ta.

Chúng ta thấy Chúa Giêsu có muốn đụng chạm, có muốn để mình là kẻ thù của người khác không? Thưa không, nhưng Chúa Giêsu đã nói những điều tốt lành, đã sống những điều tốt lành, đã làm những điều tốt lành, thế nhưng vẫn bị người ta thù ghét: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Caipha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11, 47-50).

Thế nhưng, khi bị đóng đinh trên thập giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Như vậy, chúng ta phải làm thế nào, bởi vì nếu sống quá tốt cũng dễ bị người ta xúc phạm, thù ghét? Thưa chúng ta cứ sống tốt lành, cứ là con đom đóm trong đêm, cứ sống như Chúa Giêsu đã sống, đó mới là điều mà Chúa muốn chúng ta thực hiện, vì Chúa đã từng nói: “Này Thầy sai anh em đi như chiên đi giữ bầy sói” (Lc 10,3).

Bên cạnh đó, chúng ta biết không phải khi chúng ta sống tốt lành tất cả mọi người đều thù ghét chúng ta, hay chúng ta an phận ai muốn làm gì thì làm sẽ được nhiều người ưa thích, nhưng trong cuộc đời này, dù có làm thế nào thì vẫn có người thương, người ghét, người chống đối, người bảo vệ. Nhưng, chẳng lẽ chỉ vì sợ bị thù ghét, sợ bị xúc phạm mà chúng ta không sống thật với chính mình, nếu như thế thì mặc dầu chúng ta được lòng mọi người, nhưng sẽ mất lòng Thiên Chúa, là Đấng mời gọi chúng ta sống sự chân thật, sống tốt lành.

Nên xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, cố gắng sống tốt lành, biết tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta, vì lý do này hay lý do khác, có như thế chúng ta mới đáng được hưởng ơn tha thứ của Chúa. Amen.

Thứ Sáu Tuần XIX Thường Niên

(Gs 24,1-13; Mt 19,3-12)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay những người biệt phái đến hỏi Chúa Giêsu: “Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lý do gì hay không?”

Chúa Giêsu trả lời là không, bởi vì đó là luật của Chúa: “Sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly.”

Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao con người khi sống với nhau cơm không lành, canh không ngọt thì trong đầu liền nghĩ đến chuyện ly dị, mà không nghĩ đến chuyện làm thế nào để gìn giữ hạnh phúc gia đình? Thưa vì con người quên đi căn tính của đời sống gia đình, đó là sự chung thủy một một chồng: “Anh sẽ nhận em làm vợ của anh và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh.” Và người vợ cũng nói y như vậy. Nghĩa là người ta coi lời thề hứa chung thủy này như bản hợp đồng, khi nào anh, khi nào em thay đổi, thì đối phương thay đổi.

Điều nữa là họ không có suy nghĩ đến chuyện phải giữ gìn hạnh phúc gia đình, nếu trong đầu không nghĩ đến điều đó thì làm sao khi gặp chuyện lại có thể nghĩ đến phương án là làm thế nào để gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Nên chúng ta thấy vai trò của cha mẹ, của những người xung quanh, của các cha khi dạy giáo lý rất là quan trọng, phải gieo vào trong tư tưởng của người ta những ý hướng tốt lành, những ý hướng tích cực, chứ đừng dạy, đừng khuyên những điều tiêu cực, để giúp cho họ mở những con đường khác mà trước giờ họ chưa bao giờ nghĩ tới.

Có một câu chuyện mang tên TÌNH và NGHĨA được kể như thế này:

Có hai vợ chồng nọ sống với nhau rất nhiều năm. Vào những ngày cuối đời, bà phải nằm trong viện dưỡng lão. Một hôm, khi biết rằng bà sắp phải chia tay với mình, ông hỏi bà có điều gì dặn dò ông không.

Bà đáp: “Ông hãy lấy hộp giày tôi đang để dưới giường. Trong đó tôi cất một món đồ mà lâu nay tôi giấu ông.”

Ông chồng khệ nệ bưng hộp giày lên. Ông hỏi: “Trong đây có gì mà xưa nay, tôi thấy bà luôn đem theo bên mình. Vì tôn trọng nhau nên tôi không mở ra xem.”

Bà đáp: “Trong đây có một con búp bê nhỏ và một số tiền tôi dành dụm được.”

Ông hỏi tiếp: “Tại sao bà lại có con búp bê và số tiền này?”

Bà trả lời: “Trước khi tôi về nhà chồng, mẹ tôi có dặn tôi rằng khi nào tôi giận ông, tôi đừng nói năng chi, chỉ cần đem len ra đan một con búp bê.”

Nghe bà giải thích xong, ông tự tay mở hộp ra và thấy một con búp bê. Nước mắt đầm đìa, ông nói với bà: “Hóa ra mấy mươi năm chung sống với tôi, bà chỉ giận tôi một lần thôi!”

Rồi ông hỏi tiếp: “Còn số tiền này, bà nói đã dành dụm được. Làm sao bà có được số tiền lớn như thế này?”

Bà đáp: “Đó là số tiền tôi bán những con búp bê tôi đan khi giận ông!”

Ông nghe xong, hiểu ngay bà đã giận ông rất nhiều lần, nhưng nhờ nghe lời mẹ dạy, bà không làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta là những người có trách nhiệm, biết gieo vào lòng những người xung quanh chúng ta những ý hướng tốt lành, những con đường mới để hướng về tương lai tươi sáng, chứ đừng gieo vào lòng người khác những ý hướng không tốt lành, những con đường mới mù mịt, có như thế mới giúp cho người khác cụ thể là những người sống trong đời sống hôn nhân trung thành với giao ước hôn nhân của mình. Amen.

Thứ Bảy Tuần XIX Thường Niên

(Gs 24,14-29; Mt 19,13-15)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Ông bà ta thường dạy một câu như thế này: “Ấu bất học lão hàn vi” hay: “Cho con kiến thức trong đầu, để con học cách làm giàu mới hay, cho con nhà cửa đất đai, mà không biết giữ trắng tay có ngày” để cho chúng ta biết được tầm quan trọng của sự học, học để giúp ích cho đời, để giúp ích cho mình.

Có một câu chuyện mang tên Độc chiêu của chuột già được kể như thế này, để cho thấy nhờ học mà cứu được mạng của mình.

Một đêm tối đen như mực, thủ lĩnh chuột già dẫn đầu đàn chuột nhắt ra ngoài kiếm ăn. Chúng mò vào bếp của một gia đình, trong thùng rác nhà họ có cơ man nào là đồ ăn thừa. Với lũ chuột mà nói, việc này chẳng khác là bao so với việc con người phát hiện ra kho báu.

Đúng lúc lũ chuột đang ra sức bới trong thùng rác và khu vực lân cận thì đột nhiên, từ xa vọng lại một âm thanh khiến tất cả run rẩy sợ hãi, đó là tiếng kêu của một con mèo hoa rất lớn.

Quá khiếp đảm, lũ chuột tháo chạy tứ phía để bảo toàn tính mạng. Thế nhưng con mèo hoa không có ý định nương tay, nó quyết truy đuổi đến cùng. Cuối cùng, 2 con chuột nhắt vì không kịp chạy thoát nên bị mèo hoa vồ được.

Lại đúng lúc mèo hoa đưa chúng lên miệng định ăn tươi nuốt sống thì bất ngờ, tiếng chó sủa ầm ĩ gớm ghiếc vang lên không dứt. Mèo hoa thất thần rồi vội vã tháo chạy.

Mèo đi rồi, thủ lĩnh chuột già mới thong dong từ trong thùng rác đi ra, nói: “Ta đã sớm nhắc các con rồi, học thêm một ngôn ngữ nữa chỉ có lợi, không có hại, nhờ việc này mà ta vừa cứu được mạng hai đứa đấy.”

Đó là trong đời sống thường ngày, còn trong đời sống đức tin chúng ta cũng cần phải học, học biết về Chúa, học những bài học từ Chúa, Chúa nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).

Và hôm nay Chúa Giêsu cũng muốn dạy các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta một bài học đó là bài học về sự khiêm nhường, đón nhận trẻ nhỏ, vì Chúa nói: “Vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.”

Và chúng ta được mời gọi hãy trở nên giống như trẻ thơ, để có thể được vào Nước Trời.

Hiểu được như vậy, chúng cần phải học suốt đời, học từ Chúa, học từ những dụng cụ tốt lành của Chúa, những bài học đắt giá cho chúng ta để đời sống thường ngày, cũng như đời sống đức tin của chúng ta sinh được nhiều hoa trái. Amen.