SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO- Suy niệm Chúa Chúa Thăng Thiên

0
43

MỘT BÁC SĨ PHẬT GIÁO TRỞ THÀNH LINH MỤC

Cha Augustinô Nguyễn Viết Chung

Sinh ngày 07/9/1955

Rửa tội ngày 15/5/1994

Thụ phong Linh mục 25/3/2003

Được Chúa gọi về vào ngày 10/5/2017. Hưởng thọ 62 tuổi

“Linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung nguyên là một bác sĩ Phật giáo, chuyên môn về Da Liễu. Khi lên 18 tuổi, nhân đọc một bài báo nói về cái chết của Đức Cha Jean Cassaigne (+1973) tại trại phong Di-Linh, cậu Chung cảm thấy cuộc sống đó quá tốt đẹp và vô tình Đức Cha Jean Cassaigne đã trở thành thần tượng của cậu. Khi nhắc lại đoạn đời đó, cha Chung cho biết là ngài được rao giảng Tin Mừng bằng đời sống, chứ không phải bằng lời nói. Từ đó cậu Chung có ý nguyện học làm bác sĩ để phục vụ bệnh nhân phong như Đức Cha Jean Cassaigne.

Khi bắt đầu học năm thứ nhất y khoa, nhân dịp tham dự Thánh lễ khai khóa của linh mục giáo sư bác sĩ Lischenberg, cậu Chung nhận thấy con người khoa học uyên bác của giáo sư Lischenberg đã biến thành một linh mục khả kính, trang nghiêm siêu thoát, chìm đắm trong cõi phúc lạc thần thiêng… Ơn gọi làm linh mục của cha Chung đã chớm nở từ đó.

Khi bác sĩ Chung phục vụ tại trại phong Bến Sắn, Dì Hai Loan thuộc Tu Hội Nữ Tử Bác Ai là Phó Giám Đốc. Dì là người đã phục vụ ở đây gần 17 năm, bất ngờ ngã bệnh ung thư và mất đi sau mấy tháng. Khi Dì hấp hối, bác sĩ Chung đang sửa soạn để đi với bác sĩ Quang, bác sĩ Bích Vân lên trại phong Di-Linh khám mắt cho bệnh nhân. Vì xe chưa tới, bác sĩ Chung tiếc nuối những giây phút cuối cùng còn lại với Dì Hai Loan nên đã trở lại giường bệnh của Dì. Lúc đó Dì Hai Loan mở mắt ra, nhìn bác sĩ và đôi môi mấp máy như muốn nói điều gì. Dì Mười hiểu được, liền nói: “Chung, Dì Hai Loan nói, tại sao chưa đi?

Khi kể lại kỷ niệm nầy cho tôi, cha Chung đã dùng những ngón tay phải chỉ vào cánh tay trái và cho biết lúc đó cha cảm thấy bị rởn da gà lên. Sau đó, bác sĩ Chung đã về dự tang lễ của Dì Hai Loan và đã quyết định theo đạo. Một năm sau nữa bác sĩ Chung đã vào tu ở Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn và đã nhận lãnh Thánh chức linh mục hơn một năm nay.

Ba vị đã tác động mạnh mẽ trên Ơn Gọi của cha Chung là giám mục Jean Cassaigne, linh mục Lischenberg và Dì Hai Loan. Cả ba cùng có một mẫu số chung – như lời cha Chung – đó là họ đã rao giảng Tin Mừng cho cha bằng cuộc sống chứ không phải bằng lời nói!

Nguyện ước của cha Chung là được phục vụ bệnh nhân phong và bịnh nhân Aids rồi cuối cùng ngã bệnh giữa những bẹnh nhân mà cha yêu thương phục vụ, đúng như lời Chúa Kitô đã phán dạy: “Không có Tình Yêu nào cao trọng cho bằng hy sinh mạng sống mình vì kẻ mình yêu!”….”

(Trích đoạn từ bài viết “Sau ba thập niên” của tác giả Hương Vĩnh)

Đọc lại đoạn trích về cuộc đời của cha Augustinô Nguyễn Viết Chung, tôi chợt nghĩ về sứ mạng loan báo Tin mừng của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, trước khi chấm dứt sự hiện diện hữu hình của mình với các môn đệ, Đấng Phục Sinh đã phán: “Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con”.

  1. Truyền giáo, bản chất của người Kitô hữu:

Sứ mệnh này đã được trao cho  từng người chúng ta vào ngày chúng ta lãnh nhận phép Rửa. Nhờ phép rửa, mỗi người chúng ta trở thành một chi thể trong Nhiệm Thể có Chúa Kitô là Đầu như lời thánh Phaolô trong bài đọc hai “Chúa khiến mọi sự quy phục dưới  chân Ngài, và tôn Ngài làm Đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài”. Vì là chi thể, mỗi người chúng ta có nhiệm vụ đóng góp phần của mình để làm cho cả thân thể ngày càng lớn lên và được sung mãn, nghĩa là làm cho Nước Chúa ngày càng được mở rộng, hay nói một cách khác, mỗi người chúng ta đều có nhiệm vụ truyền giáo. Truyền giáo là một bổn phận đòi buộc của mọi tín hữu, của những người tin vào Đức Kitô, Đấng đã chết và phục sinh để cứu độ chúng ta. Vì thế, Công đồng Vatican II trong Sắc lệnh về truyền giáo số 2 viết: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo”. Khi nói tự bản tính, Công đồng muốn nhấn mạnh với từng người chúng ta rằng, nếu không truyền giáo, thì không còn là Giáo Hội, mà Giáo Hội là do từng người chúng ta, do quý ông bà anh chị em và tôi làm nên. Do đó, nếu chúng ta không truyền giáo, thì chúng ta không còn lý do tồn tại, không phải là một Kitô hữu đúng nghĩa nữa.

Chính vì muốn nhấn mạnh đến sứ mạng truyền giáo này của Giáo Hội, mà sau khi Phục Sinh, Đức Giêsu đã hẹn gặp các Tông đồ, không phải tại Giêrusalem, thủ đô và là thành thánh của người Do Thái, nhưng trên một ngọn núi tại xứ Galilê, một miền đất vẫn được coi là biểu trưng của dân ngoại (x. Mt 4, 12-23). Nếu như trước đây, Ngài đã sai các môn đệ chỉ đi rao giảng cho những chiên lạc nhà Israel (x. Mt 10, 5-6), thì giờ đây, sau khi Phục Sinh, cũng từ nơi miền đất Galilê ấy, và cũng từ chính Đức Giêsu, và cũng một lệnh lên đường ấy, nhưng được mở rộng hơn, không còn giới hạn: “Các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”.

Lệnh truyền giáo được mở rộng vì giờ đây Đức Giêsu ấy sau khi từ cõi chết sống lại, đã được Thiên Chúa “đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa đã khiến mọi sự quy phục Người”. Vâng, chính với quyền năng ấy mà Ngài sai các môn đệ và từng người chúng ta lên đường đến với muôn dân.

Như thế, đoạn Tin mừng theo thánh Matthêu mà chúng ta vừa nghe, nhìn bên ngoài là một đoạn kết thúc, nhưng thực ra, nó chưa kết thúc, nhưng là một đoạn khởi đầu. Khởi đầu một giai đoạn mới trong đời sống Giáo Hội, giai đoạn sống và loan truyền niềm tin vào Đấng Phục Sinh. Và cũng trong tinh thần đó, Giáo Hội đã chọn ngày lễ Thăng Thiên hôm nay làm ngày “Truyền Thông Thế Giới”. Chúng ta cần thông truyền cho cả thế giới và từng người trong thế giới hôm nay biết về Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại và tất cả những ai tin nơi Ngài sẽ nhận được sự sống đời đời.

  1. Việc truyền giáo trong thế giới hôm nay:

Khi nói đến truyền giáo, chúng ta thường nghĩ đến công việc của các nhà Thừa Sai, của các linh mục, tu sĩ, của những người ra đi đến những miền đất xa xôi nào đó, để rao giảng Tin mừng. Và như thế, vô tình, chúng ta đã tách bổn phận truyền giáo ra khỏi đời sống hàng ngày của chúng ta.

Suy nghĩ như thế là chưa đủ. Truyền giáo, trước hết, là bổn phận của từng người chúng ta và đối tượng của việc truyền giáo vừa là những người chưa tin, nhưng cũng lại là chính chúng ta.

Truyền giáo là làm cho mọi người trở thành môn đệ của Đức Kitô, làm cho Tin mừng của Đức Kitô thấm nhập vào cuộc sống  hàng ngày của chúng ta.  Như thế, việc truyền giáo không chỉ là nói về Thiên Chúa, về Đức Kitô, nhưng quan trọng hơn, đó là dẫn đưa mọi người về với Đức Kitô bằng chính đời sống chứng tá của từng người chúng ta. Đó là điều mà chính Đấng Phục Sinh trước khi về Trời đã căn dặn các tông đồ và cũng là với tôi và quý ông bà anh chị em: “Các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy”.

Tuy nhiên, để có thể làm chứng cho Đức Kitô, và làm cho mọi người trở thành môn đệ của Ngài, tôi thiết nghĩ, từng người chúng ta, tôi và quý ông bà anh chị em cần có những cảm nghiệm riêng tư của mình về Đức Kitô, cần nhận ra được tình yêu của Đức Kitô đang bao phủ cuộc đời mình, cần có một xác tín về sự quan phòng của Ngài trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta cần có một cảm nghiệm về sự bình an và niềm vui của một người đang có Chúa ở cùng. Có được như thế, chúng ta mới có thể chia sẻ kinh nghiệm này với các người khác, và dạy họ tuân giữ các giới luật của Đức Giêsu, mà thực ra chỉ tóm gọn lại trong một giới luật là tình yêu. Khi nói về việc rao giảng Tin mừng trong thế giới hôm nay, thì chúng ta không thể không nhắc đến Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan – Phaolô II thân yêu của chúng ta. Với một đức tin sâu sắc và một cuộc sống luôn gắn bó với Chúa trong lời cầu nguyện, Đức Thánh Cha đã không ngần ngại khi phải lên tiếng xin lỗi về những lỗi lầm của Giáo Hội trong quá khứ, nhưng cũng thật kiên quyết khi phải lên tiếng để bảo vệ các chân lý của Thiên Chúa. Ngay khi nghe tin Đức Thánh Cha vừa qua đời, Thủ Tướng nước Anh, Tony Blair đã phát biểu: “Ngay cả nếu bạn không phải Công Giáo, hay không phải là Kitô hữu, thậm chí không có chút niềm tin nào, điều mà người ta có thể thấy nơi Đức Giáo Hoàng Gioan – Phaolô II là một đức tin chân thật và sâu sắc về tinh thần, một tấm gương sáng chói cho thấy đức tin là gì”.

Như thế, để việc truyền giáo trong thế giới hôm nay thực sự trở nên sống động và hiệu quả, thì lời rao giảng của chuùng ta cần phải đi đôi với chính đời sống chứng nhân của chúng ta. Thí dụ, cùng sống trong cùng một khu xóm, nhưng nếu mọi người thấy quý ông không nhậu nhẹt say sưa, không cờ bạc, không la vợ, đánh con, nhưng biết chăm sóc gia đình chu đáo, đồng thời còn dành thời giờ để đến thăm nom, an ủi, giúp đỡ, chia sẻ với những người già yếu bệnh tật, cô đơn; hay thấy quý bà không ngồi lê đôi mách, nói hành nói xấu, nhưng biết lo lắng tần tảo, yêu thương chồng con, vui vẻ với làng xóm; hay thấy các bạn trẻ trong giáo xứ sống lành mạnh, biết kính trên nhường dưới, không đua đòi, không nghiện ngập, không ăn nói tục tằn, nhưng chăm chỉ học hành, sẵn sàng giúp đỡ cha mẹ, nhiệt thành với công việc chung … thì hẳn những người xung quanh phải đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta sống được như vậy ở giữa đời? Và khi đi tìm câu trả lời, họ sẽ tìm đến được với Đức Kitô, Đấng đã dạy chúng ta sống như vậy, thì đó quả là một lời rao giảng hiệu nghiệm nhất, và từng người chúng ta sẽ là những nhà truyền giáo đúng nghĩa nhất.

Ngày nay, Đức Giêsu vẫn là Đấng Emmanuel, Ngài vẫn đang hiện diện và ở giữa nhân loại, nhất là trong bí tích Thánh Thể. Chớ gì nhờ việc hiệp lễ, mỗi người chúng ta thực sự cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời chúng ta, để đến lượt chúng ta sống và làm cho những người chưa tin Chúa, nhận ra và tin theo Ngài. Amen.

Lm. Pet. Trần Thanh Sơn