Suy niệm hằng ngày Tuần II Mùa Chay
CHÚA NHẬT II MC
(St 12,1-4a; 2Tm 1,8b-10; Mt 17,1-9)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
St 12,1-4a: Abraham, người cha Dân Chúa, được kêu gọi.
Tv 33,22: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.
2 Tm 1,8b-10: Thiên Chúa kêu gọi và chiếu soi chúng ta.
Mt 17,1-9: Mặt Người chiếu sáng như mặt trời.
Các bài đọc hôm nay cung cấp những hiểu biết sâu sắc về niềm hy vọng, tình yêu và lối sống trong hành trình Mùa Chay của chúng ta. Bài đọc sách Sáng Thế cho biết Thiên Chúa gọi Abram rời bỏ nhà cửa để theo Người. Rồi Người ban cho Abram một chút hiểu biết về mục đích của cuộc hành trình đó. Thư của Phaolô khuyến khích Timôthê cũng như chúng ta mang lấy những gánh nặng bằng sức lực mà Chúa sẽ ban cho. Thánh vịnh nhắc nhở rằng Chúa luôn dõi theo chúng ta, quyền năng giải thoát của Người ở gần, lòng nhân từ và thương xót của Người đáng tin cậy. Phúc âm Matthêu trình bày Sự Biến Hình của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu mời các môn đồ thân cận nhất của Ngài là Phêrô, Giacôbê và Gioan đến chứng kiến cuộc gặp gỡ thần bí với Môsê và Elia.
Abram không biết ý của Chúa. Phêrô, Giacôbê và Gioan gặp phải những điều bí ẩn mà họ không hiểu. Những người tốt lành này không thể hiểu ngay những gì Chúa muốn gửi đến họ, nhưng sự lắng nghe, tin tưởng và chờ đợi của họ có thể là một bài học tuyệt vời cho ta. Trong khi chờ đợi, ta cũng được khuyến khích bằng cách nhớ rằng chương trình của Chúa dành cho ta thật kỳ diệu. Chúa kêu gọi và soi sáng cho ta.
Thứ Hai
(Đn 9,4b-10;Lc 6,36-38)
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Mở đầu tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Các ngươi hãy ở nhân từ như Cha các ngươi là Đấng nhân từ” và Ngài đưa ra hàng loạt những điều để mời gọi chúng ta sống nhân từ: đừng xét đoán, đừng kết án, hãy tha thứ, hãy cho đi.
Thế nhưng, theo sức mình, những con người mỏng dòn, yếu đuối, chúng ta có thể ở nhân từ như Chúa Cha là Đấng nhân từ được hay không? Nghĩa là rập khuôn, ngang bằng giống như Chúa Cha, Chúa Cha nhân từ làm sao thì chúng ta nhân từ làm vậy, có được hay không? Thưa không thể nào chúng ta có thể ở nhân từ như Chúa Cha được, có thể là chúng ta thực hiện được những điều mà Chúa Giêsu mời gọi nhưng ở mức độ nào đó thôi chứ không thể nào mà có lòng nhân từ như Chúa Cha được.
Như vậy, chúng ta không thể nhân từ theo như Chúa Cha được, vậy chẳng lẽ lời mời gọi của Chúa Giêsu là lời mời gọi phi lý?
Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy nhớ lại dụ ngôn những nén bạc: “Có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! “ Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!” Ông chủ đáp: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt 25,14-30).
Dụ ngôn này cho thấy, tùy theo khả năng của mình mà ông chủ giao cho họ những yến bạc và cũng tùy theo khả năng của mình mà họ sinh lợi, người năm nén sinh lợi 5 nén, người 2 nén sinh lợi 2 nén, còn người một nén không sinh lợi thì bị ông chủ phạt.
Như vậy, Lời dạy của Chúa không phải là phi lý, nhưng chúng ta phải hiểu theo cái nhìn của dụ ngôn mà chúng ta vừa chia sẻ, đó là tùy theo khả năng của mỗi người để thực thi lời Chúa dạy là hãy có lòng nhân từ, để mỗi ngày mỗi trở nên giống như Chúa Cha là Đấng nhân từ.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để mỗi ngày mỗi cố gắng tùy theo khả năng của mình để thực thi lời dạy của Chúa. Amen.
Thứ Ba
(Is 1,10.16-20; Mt 23,1-12)
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Chúng ta thường nghe một câu nói dạy về tầm quan trọng của việc làm gương lành: “Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo,” và ai trong chúng ta cũng phải xác nhận như vậy và dựa vào đó làm tiêu chuẩn để mình noi gương bắt chước.
Hôm nay, Chúa Giêsu dạy mỗi người chúng ta một cái nhìn mới, đó là ngoài việc để cho mình được gương lành lôi kéo, thì chúng ta buộc phải để mình được lôi kéo bởi lời nói của những người được đặt lên làm lãnh đạo, nghĩa là những người có năng quyền trên chúng ta. Chúa nói: “Các Luật Sĩ và những người Biệt Phái ngồi trên tòa Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm.”
Tại sao Chúa Giêsu dạy mỗi người chúng ta hãy để mình được lôi kéo bởi lời của những người được đặt lên làm lãnh đạo?
Bởi vì không ai trong chúng ta là hoàn hảo trước mặt Chúa. Trước khi chịu chức phó tế hay linh mục, Đấng bản quyền sẽ hỏi một cha phụ trách các thầy: “Cha có biết những thầy này xứng đáng không?” và cha phụ trách trả lời: “Sau khi tham khảo ý kiến giáo dân và những người hữu trách biểu quyết, con chứng nhận các thầy này được coi là xứng đáng.” Cụm từ “được coi là xứng đáng” nghĩa là không ai là hoàn hảo, là xứng đáng trước mặt Chúa cả.
Nhưng chỉ có lề luật của Chúa được cho là hoàn hảo, là xứng đáng. Chính Chúa Giêsu đã xác nhận điều này: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5,17-18). Nên những ai có năng quyền để giảng dạy thì chúng ta buộc để để mình được lôi kéo để thi hành những gì luật dạy qua miệng của người có năng quyền hướng dẫn chúng ta.
Hiểu được như vậy, chúng ta thấy chỉ có những vấn đề liên quan đến lề luật, liên quan đến phong hóa đức tin mới buộc chúng ta tin và làm theo thôi, còn ngoài vấn đề lề luật, phong hóa đức tin, chẳng hạn như vấn đề khoa học, thì dù cho người đó có đứng trên tòa Môsê để mà giảng dạy, chúng ta không buộc phải để mình bị lôi kéo, vì nó không thuộc về khả năng của họ, nên nó chưa chắc đã chính xác hoàn hảo.
Một điểm nữa, chúng ta có thể suy ra được để hiểu vì sao Chúa dạy hãy nghe lời họ nói, đừng noi theo hành vi họ làm? Thưa vì chúng ta mang tư tưởng “lời nói lung lay gương lành lôi kéo,”nghĩa là chúng ta chỉ nghiêng chiều chú trọng đến vấn đề luân lý, mà nếu chỉ quá nghiêng chiều về vấn đề đó, chúng ta sẽ đánh mất đi rất nhiều cơ hội để có thể có được những điều tốt lành từ những anh em chưa hoàn hảo xung quang chúng ta.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để mình được lôi kéo bởi những điều tốt lành xung quanh chúng ta, để mỗi ngày một trưởng thành hơn trong đời sống đức tin, cũng như trong đời sống thường ngày. Amen.
Thứ Tư
(Gr 18,18-20; Mt 20,17-28)
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày việc Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn lần thứ 3: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy.”
Sau đó, Tin mừng trình bay việc bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến xin Chúa Giêsu: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Đức Giê-su bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.” Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó, điều này chứng tỏ là họ cũng ham mê quyền lực như hai môn đệ kia mà không có cơ hội bộc phát ra.
Tại sao các môn đệ lại không nhận ra sứ điệp mà Chúa muốn loan báo, mặc dù Chúa loan báo không chỉ một mà đến ba lần?
Để trả lời, chúng ta đọc kỹ lại Tin mừng. Bà mẹ của hai con ông Dêbêđê xin Chúa cho hai con một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Chúa trong Nước Chúa, nghĩa là họ ham mê quyền lực, nhưng nguyên do nào làm cho họ ham mê quyền lực như thế? Thưa vì họ hiểu sai căn tính của Chúa Giêsu, mà tại sao họ hiểu sai căn tính của Chúa Giêsu? Thưa vì họ bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Do thái về Đấng Mêsia.
Chúng ta biết, sau khi ông bà nguyên tổ sa ngã phạm tội, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng cứu độ: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15), và dân chúng vẫn trông ngóng ơn cứu độ mà Chúa hứa ban, thế nhưng do thời cuộc, do bị các đế quốc khác bóc lột, bắt đi lưu đày, thì từ niềm trông cậy Đấng Cứu Thế theo nghĩa thiêng liêng, nó bị biến dạng thành Đấng Cứu Thế theo nghĩa trần thế, và các môn đệ là người Do thái nên họ bị ảnh hưởng bởi tư tưởng này.
Hiểu được như thế, chúng ta thấy được rằng do tư tưởng ban đầu của các môn đệ như vậy, nên họ không thể đón nhận được mạc khải của Chúa về cuộc khổ nạn mà chỉ lo tìm vinh quang trần thế.
Nhìn lại cuộc đời, mỗi người chúng ta đôi khi cũng thế, đôi khi chúng ta cũng giống như các môn đệ, chúng ta bị những tư tưởng, bị những tác động bên ngoài tác động, làm cho chúng ta không nhận ra Chúa, không nhận ra những dấu chỉ, không nhận ra những dụng cụ tốt lành mà Chúa gởi đến, không những thế, mà đôi khi còn có cái nhìn tiêu cực về Chúa, về anh chị em của mình.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết thay đổi tư tưởng, để có thể nhận ra Chúa, nhận ra những dấu chỉ, nhận ra những dụng cụ mà Chúa gửi đến, có như thế cuộc đời của mỗi người chúng ta mới được biến đổi, đời sống đức tin cũng như đời sống thường ngày của chúng ta ngày càng trưởng thành hơn như ý Chúa muốn. Amen.
Thứ Năm đầu tháng
(Gr 17,5-10; Lc 16,19-31)
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày hai hoàn cảnh khác nhau, hoàn cảnh của ông nhà giàu và hoàn cảnh của anh hành khất Ladaro. Khác nhau không chỉ ở đời sống trên trần gian: một người thì giàu, một người thì nghèo, mà sau khi chết, số phận của hai người cũng khác nhau: anh Ladaro thì được đưa vào lòng tổ phụ Apraham, còn ông nhà giàu thì sa hỏa ngục.
Chúng ta không nói đến khía cạnh tại sao số phận ở trần gian khác nhau, nhưng chúng ta sẽ chia sẻ với nhau tại sao hai số phận của hai người lại đảo ngược sau cái chết.
Tin mừng không nói ông nhà giàu làm gì có tội, và cũng chẳng cho thấy anh Ladaro có công gì, vậy tại sao hai số phận lại khác nhau sau khi chết?
Tin mừng Luca chương 10 thuật lại: có một người thông luật đứng dậy hỏi Chúa Giêsu: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Thay vì trả lời, Chúa lại đặt ra cho ông ta câu hỏi: “trong luật đã chép như thế nào? Ông đọc được gì trong đó.” Ông trả lời: “ngươi phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi và ngươi hãy yêu người thân cận như chính mình.” Chúa Giêsu nói ông trả lời đúng lắm, hãy làm như vậy thì ông có sự sống đời đời.
Hay trong trình thuật phán xét khi Chúa tách biệt chiên với dê, chiên bên phải, dê bên trái, đối với người bên phải thì Chúa nói: “hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa, vì xưa ta đói, các ngươi đã cho ăn, ta khát các ngươi đã cho uống, ta trần truồng các ngươi đã cho mặc… những người này nói: lạy Chúa có bao giờ chúng ta thấy Chúa đói mà cho ăn khát mà cho uống…. Chúa nói, mỗi lần các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ đây là các ngươi đang làm cho chính ta vậy.” Ngược lại những người ở bên trái cũng vậy: Họ nói có bao giờ chúng con thấy Chúa đói, thấy Chúa khát, mà cho ăn, mà cho uống đâu… nhưng Chúa nói: “mỗi lần các người không làm cho một trong những người bé mọn nhất là các ngươi đã không làm cho chính ta vậy” (x. Mt 25, 31-46).
Chúng ta thấy, tuy rằng ông nhà giàu không làm gì nên tội, bởi ông đâu có đụng chạm đến ai, ông không bóc lột ai nhưng ông vẫn bị xuống hỏa ngục là vì ông đã không yêu người thân cận như chính mình, ông không làm cho một trong những người bé mọn, ông vô cảm với nỗi đau của người anh em mình, mà lý do ông không yêu người thân cận, ông vô cảm với người thân cận là vì ông không có lòng yêu mến Chúa, ông vô cảm đối với Chúa, thì làm sao có được sự sống đời đời được.
Còn Ladaro, tại sao lại được lên thiên đàng, anh có làm điều gì phúc đức không, chẳng lẽ nghèo được lên thiên đàng, giàu không được lên thiên đàng?
Thưa, sở dĩ Ladaro được lên thiên đàng là vì anh trông cậy vào Chúa, và thường là những người nghèo trong Kinh thánh luôn là như thế, vì họ không biết cậy dựa vào ai, nên chỉ có Chúa là thạch động cho họ náu thân.
Như vậy, Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy không phải chúng ta không làm điều gì hại người khác là chúng ta không có tội, nhưng tội chúng ta cũng có thể hiểu là vô cảm đối với anh chị em mình.
Hiểu được như thế, chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta có lòng yêu mến Chúa, để biết nhạy bén với những nhu cầu của anh chị em mình.
Bên cạnh đó, xin cho chúng con cũng biết cậy dựa vào Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, dù là giàu có hay nghèo khó, khá giả hay trung bình, vì chỉ có Chúa mới là thạch động, là núi đá cho mỗi người chúng con nượng tựa và náu thân, có như thế, trong ngày sau hết chắc chắn mỗi người chúng con sẽ được Chúa ban ơn chúc phúc và cho được ở với Chúa trên Nước Thiên Đàng. Amen.
Thứ Sáu đầu tháng
(St 37,3-4.12-13a.17b-28; Mt 21,33-43.45-46)
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Khi đọc dụ ngôn những tá điền sát nhân, nhất là ở câu cuối: “Nghe những dụ ngôn Người kể, các thượng tế và người Pha-ri-sêu hiểu là Người nói về họ. Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ,” thì điều đầu tiên mà chúng ta nghĩ là gì?
Thưa có thể hình ảnh hiện lên trong chúng ta là hình ảnh của những người Do thái giết các ngôn sứ mà Chúa sai đến, và trong thời sau hết là giết luôn cả con một của Thiên Chúa là Chúa Giêsu, và điều này đã được ứng nghiệm, không có gì sai cả.
Nhưng bên cạnh cách hiểu đó, còn có một cách hiểu khác, là cách hiểu theo truyền thống Cựu Ước. Theo đó, dân của Chúa được ví như vườn nho, nên việc những tá điền giết các đầy tớ được chủ sai đến hay ngay cả người con của chủ để cướp vườn nho, thì đồng nghĩa với việc họ muốn cướp dân của Chúa.
Và chúng ta biết những tá điền sát nhân nhằm mục đích cướp dân của Chúa là hình ảnh của những người được Chúa đặt lên làm lãnh đạo dân Chúa, muốn cướp dân Chúa làm của riêng mình, để trục lợi cá nhân cho riêng mình.
Vậy ai là những người được đặt lên làm lãnh đạo dân Chúa? Theo cái nhìn Cựu Ước là các thủ lãnh, các vua, các ngôn sứ, còn theo cái nhìn ngày ngay là các giám mục, linh mục. Và chúng ta có thể mở rộng ra là những người làm chủ gia đình, những người được Chúa ban cho những tài năng tùy theo khả năng của mình.
Vậy nguyên nhân nào mà những người Chúa đặt lên làm lãnh đạo dân lại muốn cướp dân của Chúa làm của riêng mình để trục lợi? Thưa chỉ có một nguyên nhân là họ không có lòng yêu mến Chúa thật sự.
Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện Chúa Giêsu hiện ra ở biển hồ Tibêria, Chúa đã hỏi thánh Phêrô: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” Người lại hỏi: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21, 15-17).
Và chúng ta để ý câu nói của Chúa Giêsu: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy,” Chúa không nói chiên nào, như vậy, nếu không có lòng yêu mến Chúa thì sẽ chọn lựa chiên để mà săn sóc.
Từ ý hướng đó, chúng ta thấy sở dĩ những người lãnh đạo dân của Chúa muốn chiếm dân làm của riêng mình, vì mục đích vụ lợi, không mưu ích cho dân là vì họ không có lòng yêu mến Chúa. Nếu có lòng yêu mến Chúa thì họ sẽ ý thức đây là dân của Chúa, để mưu ích cho dân, chăm sóc tốt cho dân để dân hướng về Chúa, chứ không phải hướng về mình.
Hiểu được như thế, chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho những người được Chúa trao quyền lãnh đạo, những người được Chúa trao phó cho khả năng phục vụ cộng đoàn, có lòng yêu mến Chúa, để họ biết sử dụng tốt những gì mà Chúa ban để phục vụ và mưu ích cho cộng đoàn. Amen.
Thứ Bảy đầu tháng
(Mk 7,14-15.18-20; Lc 1,1-3.11-32)
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tại sao Chúa Giêsu lại kể dụ ngôn người cha nhân hậu? Thưa vì những người biệt phái và luật sĩ lẫm bẩm kêu trách: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng.” Và Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn người cha nhân hậu hay còn gọi là dụ ngôn người con hoang đàng để cho họ thấy rằng dù con người có như người con cả, hay người con thứ thì Chúa vẫn là một người cha nhân hậu luôn luôn hy vọng, luôn luôn chờ đợi con người trở lại với Ngài.
Chúng ta thấy vấn đề không phải ở Chúa, mà ở nơi con người, vì Chúa trước sau vẫn vậy, vẫn yêu thương con người, nói như sách ngôn sứ Isaia thì: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15).
Tại một vùng nông thôn nước Mỹ, có hai anh em nhà kia vì quá đói kém, bần cùng đã rủ nhau đi ăn cắp cừu của nông dân trong vùng. Không may hai anh em bị bắt. Dân trong làng đưa ra một hình phạt là khắc lên trán tội nhân hai mẫu tự “ST” nghĩa là quân trộm cắp (viết tắt từ chữ stealer).
Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống hòng chôn chặt dĩ vãng. Thế nhưng anh chẳng bao giờ quên được nỗi nhục nhã mỗi khi ai đó hỏi anh về ý nghĩa hai chữ “ST” đáng nguyền rủa này.
Còn người em tiếp tục ở lại làng của mình, cậu tự nhủ: “Mình sẽ sửa lại sai lầm của quá khứ.” Cậu làm việc chăm chỉ, chỉ tập trung vào hiện tại, sẵn sàng giúp đỡ mọi người với tất cả những gì cậu có thể. Chẳng mấy chốc anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như tiếng thơm là một người nhân hậu, tử tế. Tuy nhiên, cho dẫu thời gian có qua đi, hai ký tự “ST” vẫn còn in dấu trên trán anh.
Ngày kia, có một người hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa hai ký tự này. Cụ già suy nghĩ một hồi rồi trả lời: “Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là Thánh nhân (Saint).”
Như vậy, chúng ta thấy vấn đề đâu phải ở bên ngoài, bên ngoài chỉ là yếu tố phụ mà thôi, nhưng vấn đề thật sự là ở bên trong, nơi mỗi người chúng ta, nếu chúng ta biết thay đổi theo chiều hướng tích cực, thì mọi sự tốt đẹp sẽ đến với mỗi người chúng ta.
Cũng vậy trong đời sống đức tin, nếu chúng ta biết đặt hy vọng vào Chúa, ăn năn sám hối trở về với Chúa sau những giây phút lầm lỗi, chắc chắn Chúa sẽ ban ơn biến đổi cuộc đời của mỗi người chúng ta, như người cha trong dụ ngôn đã phục hồi lại tư cách làm con của người con thứ khi anh ta trở lại với cha của mình. Amen.