SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN THÁNH

0
39

 

THỨ HAI TUẦN THÁNH

THỨ BA TUẦN THÁNH

THỨ TƯ TUẦN THÁNH

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

THỨ BẢY TUẦN THÁNH

 

 THỨ HAI TUẦN THÁNH

Bài Ðọc I: Is 42, 1-7

“Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai, không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gãy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người sẽ xét xử trong công lý. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, cho đến khi đặt công lý trên mặt đất, vì các đảo mong đợi lề luật người.

Chúa là Thiên Chúa đã phán như thế, Người là Ðấng đã tác tạo và mở rộng các tầng trời, đã củng cố mặt đất và các sản phẩm của nó, đã ban hơi thở cho dân sống trên mặt đất và ban sức sống cho những kẻ trên đó. Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm.”

Phúc Âm: Ga 12, 1-11

“Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến làng Bêtania, nơi Ladarô đã chết được Người cho sống lại. Tại đây người ta dọn bữa cho Người ăn. Martha hầu bàn. Còn Ladarô cũng là một trong những kẻ đồng bàn với Người. Bấy giờ Maria lấy một cân dầu thơm, dầu cam tùng hảo hạng, và xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Hương thơm toả đầy nhà. Một môn đệ là Giuđa Iscariô, kẻ sẽ phản nộp Người, liền nói: “Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó?” Hắn nói thế không phải vì lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền, nên bớt xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó. Vậy Chúa Giêsu nói: “Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta. Vì các ngươi sẽ có người nghèo luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi đâu”.

Có đám đông người Do-thái biết Người đang ở đó, nên tuôn đến, không những vì Chúa Giêsu, mà còn để thấy Ladarô, kẻ đã chết được Người cho sống lại. Thế là các Thượng tế quyết định giết luôn cả Ladarô, vì tại ông mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin theo Chúa Giêsu.”

Suy niệm

Phụng vụ lời Chúa của ngày đầu Tuần Thánh cho chúng ta thấy một sự thinh lặng nội tâm để nhường chỗ cho tình yêu lên tiếng, nhưng không phải ồn ào, mà chỉ là những lời thì thầm của con tim.

Bài ca người tôi tớ của trong bài đọc thứ nhất giới thiệu cho chúng ta hình ảnh người tôi trung của Thiên Chúa không phải bằng vẻ đẹp hùng tráng, nhưng bằng một sự thầm lặng: “Người sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường” (Is 42, 2).

Bài Tin Mừng làm rõ nét hơn tình yêu thầm lặng đó qua hình ảnh của cô Maria. Cô đã âm thầm quỳ dưới chân Chúa, “Lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá mà xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau” (Ga 12, 3). Không vồn vã, không nức nở nghẹn ngào, không muốn ghì chặt người mình yêu… mà chỉ muốn dành cho người mình yêu những gì là quan trọng nhất.

Có những người không chấp nhận thái độ của Maria vì họ tiếc của. Họ đánh giá “một cân dầu thơm hảo hạng” này nhiều tiền lắm, làm vậy là phí. Họ xem tiền bạc trọng hơn tình nghĩa.

Có những người không thấy được tình yêu của cô Maria dành cho Chúa Giêsu vì họ còn bận tâm những chuyện khác. Họ lo dò xét Ngài. Họ lo tìm cách làm hại Ngài. Họ muốn giết Ngài. Tệ hại hơn, vì muốn giết Ngài nên giết cả những người liên quan đến Ngài: “Các thượng tế quyết định giết cả anh Lazarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do thái đã bỏ họ mà tin vào Đức Giêsu” (Ga 12, 11).

Đây là những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu trên thế gian này, những ngày cuối cùng bên cạnh những người Ngài thương mến. Vì vậy tình cảm của Ngài rất dạt dào. Nhưng chúng ta không hề thấy nó dâng trào, mà chỉ thấy nó thầm lặng trong thương mến.

Từ đó tôi nhìn lại tình yêu của tôi dành cho Chúa. Nhiều khi tôi lúc tôi hăng hái tham gia mọi hoạt động trong họ đạo, hội đoàn nào cũng tham gia, nhóm nào cũng sinh hoạt… tham gia, sinh hoạt riết muốn mệt mỏi, không còn hơi để thở… Nhưng cũng có những lúc tôi ù lì, thụ động, không tham gia, sinh hoạt gì cả, mà ngồi nhìn xem thử người ta làm thế nào? Một cái nhìn dò xét, một cái soi mói… Hoặc có có những lúc chúng ta chán nản người lãnh đạo nên không muốn làm gì hết, kể cả việc giữ đạo một cách cơ bản như đi lễ, đọc kinh, cầu nguyện…

Lạy Chúa, xin cho con đừng ồn ào, náo động, mà tĩnh lặng trong sâu thẳm cõi lòng để dâng cho Chúa tất cả tình yêu của con. Chính tình yêu sâu lắng, trầm lặng đó sẽ hướng dẫn đời sống đạo của con, để con biết phải làm gì cho vừa lòng Chúa và vừa sức với con. Điều quan trọng là dành cho Chúa tất cả tình yêu và khả năng của con.

THỨ BA TUẦN THÁNH

 

Bài Ðọc I: Is 49, 1-6

“Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây; hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Chúa đã kêu gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, đã nhớ đến tên tôi khi tôi còn ở trong bụng mẹ. Người đã làm cho miệng tôi nên như lưỡi gươm sắc bén, đã bảo vệ tôi dưới bóng cánh tay Người, đã làm cho tôi nên như mũi tên nhọn, và đã ẩn giấu tôi trong ống đựng tên. Và Người đã phán cùng tôi: “Hỡi Israel, ngươi là tôi tớ Ta, vì Ta sẽ được vinh hiển nơi ngươi”. Và tôi thưa: “Tôi đã vất vả mất công vô cớ, tôi đã phí sức vô ích; nhưng công lý của tôi ở nơi Chúa; và phần thưởng của tôi ở nơi Thiên Chúa”. Và bây giờ Chúa phán: “Người là Ðấng đã tác tạo tôi thành tôi tớ Người, khi tôi còn trong lòng mẹ, để đem Giacóp về cho Người, và quy tụ Israel chung quanh Người. Tôi được vinh hiển trước mặt Chúa, và Thiên Chúa là sức mạnh tôi. Người đã phán: “Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta ban cho đến tận bờ cõi trái đất”.

Phúc Âm: Ga 13, 21-33. 36-38

“Khi ấy, (Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ), tâm hồn Người bị xao xuyến, nên Người tuyên bố: “Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Các môn đệ nhìn nhau phân vân không biết Người nói về ai. Có một môn đệ được Chúa Giêsu yêu quý, đang ở bàn ăn gần lòng Chúa Giêsu. Vậy Phêrô làm hiệu cho môn đệ ấy và nói: “Hỏi xem Thầy nói về ai đó”. Môn đệ ấy nghiêng mình sát ngực Chúa Giêsu và hỏi Người: “Thưa Thầy, ai vậy?” Chúa Giêsu trả lời: “Thầy chấm miếng bánh trao cho ai là người đó”. Và Người chấm một miếng bánh trao cho Giuđa, con Simon Iscariô. Ăn miếng bánh rồi, Satan nhập vào hắn. Chúa Giêsu nói với hắn: “Con tính làm gì thì làm mau đi”. Nhưng những người đang ngồi ăn không một ai hiểu được vì sao Người lại nói với hắn như vậy. Có nhiều người tưởng tại Giuđa giữ túi tiền, nên Chúa Giêsu bảo hắn: Hãy mua những gì chúng ta cần dùng trong dịp lễ, hoặc Người bảo hắn bố thí cho người nghèo. Vậy sau khi nhận miếng bánh đó, Giuđa liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối. Khi Giuđa đi rồi, Chúa Giêsu phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính Mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển! Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa. Các con sẽ tìm Thầy, và như Thầy đã nói với người Do-thái: “Nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được”, nay Thầy cũng nói với các con như vậy”.

Simon Phêrô hỏi Người: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Nơi Thầy đi, nay con chưa thể theo tới đó được, nhưng sau này con sẽ theo Thầy”.

Phêrô thưa lại: “Tại sao con lại không theo Thầy ngay bây giờ được! Con sẽ liều mạng sống con vì Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Con liều mạng sống vì Thầy ư? Thật, Thầy nói thật cho con biết: trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần”.

Suy niệm

Qua đoạn Tin mừng hôm nay tôi nhớ lại lời của Tổng Giám Mục Dom Helter Camara:“Không phải chỉ có một định nghĩa về thánh thiện mà đã có cả hàng chục hàng trăm . Thế nhưng có một định nghĩa mà tôi thích nhất: sống thánh thiện là phải chỗi dậy ngay khi bị ngã, chỗi dậy với lòng khiêm nhường và vui mừng. Không phải có ý nói là không bao giờ được sa ngã theo đàng tội lỗi, mà muốn nói lên ý nghĩa là ta có thể nói: ‘Vâng lạy Chúa con đã sa ngã một ngàn lần, và nhờ ơn Chúa giúp con đã chỗi dậy một ngàn lẻ một lần’. Tất cả ý nghĩa là như vậy. Tôi thích suy nghĩ về điều đó”.

Chúa biết rõ tính cách của từng con người một. Cả Giuđa và Phêrô đều là môn đệ của Chúa, hơn thế nữa còn thuộc nhóm 12, những con người luôn gần gũi, luôn được Chúa yêu thương và dạy dỗ. Chúa biết Giuđa hay tính toán nên giao cho ông làm quản lý dù nhiều khi ông cũng hay gian dối, lọc lừa. Chúa biết Phêrô bốc đồng, nhưng được cái có nhiệt tình, nên giao cho ông sứ mạng đứng đầu…

Hơn thế nữa, cả hai đều được Chúa luôn nhắc nhở, cảnh báo về những chuyện sấu của họ. Đối với Giuđa, Chúa Giêsu đã nói: “Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp thầy”. Hoặc sau khi trao miếng bánh cho ông, Chúa Giêsu cũng đã nhắc khéo: “Anh làm gì thì làm mau đi!”… Còn Phêrô, sau lời quyết tâm theo Thầy, Chúa Giêsu đã báo trước cho ông ta biết:“Gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần”…

Cả Giuđa và Phêrô đều là những con người bất xứng, đều đã sa ngã. Nhưng Giuđa thì đã thất vọng tìm đến cái chết, còn Phêrô thì biết chỗi dậy sau cái nhìn của Chúa.

Chúa vẫn dành những tình cảm đặc biệt cho Giuđa như tin tưởng giao cho ông chức quản lý, trao bánh cho ông… Nghĩa là tình yêu vẫn lên tiếng gọi mời ông, nhưng ông đã không lấy tình yêu đáp trả lại tình yêu.

Còn Phêrô sau khi chối Thầy: “Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông… ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Lc 22, 61-62).

Điều quan trọng là biết sai để sửa sai, biết mình ngã để chỗi dậy. Giá trị của con người không hệ tại ở bao nhiêu việc đạo đức tốt lành, nhưng hệ tại ở chỗ họ đã nhận ra được bao nhiêu sự sai trái của mình và đã sửa đổi được bấy nhiêu? Một việc tốt tự nhiên sẽ dễ làm hơn là cố gắng mỗi ngày để bỏ đi được một tính xấu. Ví dụ người có lòng thương cảm, tự nhiên thấy người nghèo là muốn giúp đỡ, và giúp đỡ là chuyện quá dễ đối với họ. Nhưng có người thích soi mói, hôm nay biết được chuyện xấu của người khác. Lẽ ra họ sẽ tận dụng để tấn công người anh em mình, nhưng họ đã cố gắng để im lặng… Như vậy giữa việc bố thí và việc thinh lặng, việc nào dễ hơn?

Lạy Chúa xin cho con luôn đặt mình trước tình yêu của Chúa, để thấy dù con có như thế nào đi chăng nữa Chúa vẫn tin tưởng và yêu thương con. Chúa không muốn con thất vọng, không muốn con phải chết, nhưng muốn con thấy mình còn có những bất toàn, thấy mình yếu đuối tội lỗi, và quan trọng nhất là “muốn con ăn năn sám hối và được sống”.  Xin cho con trỗi dậy mỗi lần sa ngã và mạnh dạn ngã vào lòng Chúa để được Chúa ôm ấp vỗ về. Xin cho con biết quay trở về mỗi khi biết mình đã đi hoang.

THỨ TƯ TUẦN THÁNH

 

Bài Ðọc I: Is 50, 4-9a

“Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu, tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được, chúng ta hầu toà. Ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?”

 

Phúc Âm: Mt 26, 14-25

“Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và thưa với họ: “Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?” Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người.

Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn Bánh không men, các môn đệ đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con sửa soạn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua ở đâu?” Chúa Giêsu đáp: “Các con hãy vào thành đến với một người kia, và nói rằng: Thầy bảo, giờ Ta đã gần, Ta sẽ mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ tại nhà ông”. Các môn đệ làm như Chúa Giêsu đã truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua.

Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Và khi các ông đang ăn, Người nói: “Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: “Thưa Thầy, có phải con không?” Người trả lời: “Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy. Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!”

Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có phải con chăng?” Chúa đáp: “Ðúng như con nói”.

 

Suy niệm

Ngày cuối cùng bên cạnh các môn đệ, có rất nhiều những tình cảm vui buồn lẫn lộn, có rất nhiều những phân vân lo lắng, có rất nhiều những ưu tư hoạch định… Nói chung là những thao thức của Chúa Giêsu. Nhưng thao thức làm cho Chúa đau xé con tim nhân tính của Ngài chính là:“Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Mt 26, 21). Câu nói này làm cho“các môn đệ buồn rầu quá sức”. Quả thật đây là chuyện động trời. Các môn đệ không thể ngờ một người cùng chia sẻ buồn vui với Thầy, với anh em trong suốt 3 năm trời lại có thể đối xử tệ bạc với Thầy như vậy. Chính Chúa Giêsu cũng đau đớn xác nhận: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (Mt 26,24).

Đó không phải chỉ là câu chuyện xảy ra cho một mình Giuđa cách đây hơn 2000 năm, mà nỗi đau của Chúa vẫn còn âm ỉ, trái tim Chúa vẫn còn thao thức cho đến tận bây giờ, khi có những người, trong đó có chính bản thân tôi vẫn còn những lần phản bội Chúa. Mức độ không đến nỗi như Giuđa, nhưng ở với Chúa bao lâu nay tôi vẫn ngấm ngầm ý đồ phản bội trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Nhiều khi đã thực sự phản bội Chúa khi không đi theo đường lối Chúa. Tôi “đồng sàng nhưng dị mộng” với Chúa. Là con cái Chúa nhưng tôi đã không sống đúng với tư cách một người con cái Chúa. Là một gia trưởng, hiền mẫu nhưng tôi sống chưa đúng với một người chồng, người cha, người vợ, người mẹ…

Hậu quả sẽ thật tệ hại nếu tôi không nghe lời nhắc nhở của Chúa, của Hội thánh và của những người xung quanh để quay trở về hiệp thông với Chúa. Có lẽ Chúa cũng sẽ nói với tôi và những ai trong những lần sai lỗi mà vẫn còn cố chấp: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn”.

Lạy Chúa, mùa Chay là thời gian nhắc nhở con quay trở về với Chúa. Mỗi ngày trong cuộc sống là một lời mời gọi của Chúa. Cả cuộc đời con là một mùa Chay để con ý thức mình phải luôn luôn quay trở về. Xin cho con đừng như Giuđa, không biết trân trọng tình yêu của Chúa, giả bộ làm môn đệ để thực hiện ý đồ riêng của mình. Xin cho con đừng như Giuđa, dù được Chúa nhắc nhở vẫn cố chấp trong tội của mình. Xin cho con quay trở về với Chúa, vì bao lâu còn ý thức sám hối là bấy lâu con còn cơ hội để được sống hạnh phúc với Chúa.

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

 

Bài Ðọc I: Xh 12, 1-8. 11-14

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê và Aaron ở đất Ai-cập rằng: Tháng này các ngươi phải kể là tháng đầu năm, tháng thứ nhất. Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel rằng: “Mùng mười tháng này, ai nấy phải bắt một chiên con, mỗi gia đình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con chiên, thì phải mời người láng giềng đến nhà cho đủ số người để ăn một con chiên. Chiên đó không được có tật gì, phải là chiên đực, được một năm. Có bắt dê con cũng phải làm như thế. Vậy phải để dành cho đến ngày mười bốn tháng này, rồi vào lúc chập tối, toàn thể cộng đồng con cái Israel sẽ giết nó, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Ðêm ấy sẽ ăn thịt nướng với bánh không men và rau đắng. Phải ăn như thế này: Phải thắt lưng, chân đi dép, tay cầm gậy và ăn vội vã: vì đó là ngày Vượt Qua của Chúa. Ðêm ấy Ta sẽ đi qua xứ Ai-cập, sẽ giết các con đầu lòng trong xứ Ai-cập, từ loài người cho đến súc vật, và Ta sẽ trừng phạt chư thần xứ Ai-cập: vì Ta là Chúa. Máu bôi trên nhà các ngươi ở, sẽ là dấu hiệu; và khi thấy máu, Ta sẽ đi qua mà tha cho các ngươi, và các ngươi sẽ không bị tai ương tác hại khi Ta giáng hoạ trên xứ Ai-cập. Các ngươi hãy ghi nhớ ngày ấy, làm lễ tưởng niệm, và phải mừng ngày đó trọng thể kính Thiên Chúa. Các ngươi sẽ lập lễ này để mừng vĩnh viễn muôn đời”.

 

Bài Ðọc II: 1 Cr 11, 23-26

Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, và phán: “Chén này là Tân ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến”.

 

Phúc Âm: Ga 13, 1-15

Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?” Chúa Giêsu đáp: “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. Phêrô thưa lại: “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”. Chúa Giêsu bảo: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”. Phêrô liền thưa: “Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa”. Chúa Giêsu nói: “Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”. Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: “Không phải tất cả các con đều sạch đâu”.

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: “Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con”.

 

Suy niệm

Chiều hôm nay có thể gọi một cách văn hoa là “chiều ly biệt”. Nhưng tôi thích gọi là “buổi chiều xé nát con tim”. Quả thật buổi chiều hôm nay làm cho con tim của Chúa phải nhiều lần chết nghẹt vì xúc động. Tất cả chỉ vì Ngài quá yêu thương: “Đức Giêsu biết giờ của người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thượng họ đến cùng” (Ga 12, 1).

Trước tiên là sự kiện Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Đây là sáng kiến độc nhất vô nhị trong toàn thể vũ trụ này. Chỉ một mình Thiên Chúa với tình yêu thương mới có thể nghĩ ra cách thức để được ở lại với con người. Đây là một tình yêu hiến mình.

Kế đến là việc Chúa Giêsu lập bí tích Truyền chức thánh để thông ban chức linh mục cho một số người Chúa tuyển chọn, với mục đích có người là hình ảnh của Chúa ở trần gian này, và thực hiện hành động ban phát lương thực là chính Mình Máu Ngài để nuôi sống những con người yêu thương, muốn sống gắn bó với Ngài. Đây là một tình yêu trao ban.

Cuối cùng là hành động quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ như một người đầy tớ phục vụ cho chủ mình. Chúa muốn để lại cho các môn đệ và mỗi người chúng ta bài học về tình yêu phục vụ.

Lạy Chúa, đứng trước tình yê hiến mình, tình yêu trao ban và tình yêu phục vụ, con được mời gọi đáp trả lại tình yêu của Chúa để trở nên giống Chúa trong việc hy sinh hiến mình, trong việc trao ban tình yêu và phục vụ tha nhân. Con hy sinh cho gia đình con. Con trao ban hết tình yêu của con cho những người mà con gặp gỡ, nhất là những người thân trong gia đình. Con phục vụ hết thảy mọi người trong môi trường con đang sống. Lạy Chúa xin cho con biết lấy tình yêu đáp đền tình yêu. Cũng xin cho con biết lấy tình yêu xóa bỏ hận thù và khơi thông tình thương mến.

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

 

Suy niệm

Con là ai trong hành trình thương khó của Chúa?

Con có phải là những Thượng tế, những biệt phái và Pharisêu muốn tiêu diệt Chúa để đừng làm phiền, đừng ai nhắc nhở những sai trái của con không?

Con có phải là dân chúng bàng quang, hoặc có tâm lý hùa theo đám đông mà không dám nói lên chính kiến của mình, để sẵn sàng làm ngơ hoặc hùa theo để kết án người khác?

Con có phải là những tên lính đã đánh đòn, đóng đinh, hành hạ Chúa cho hả cơn giận của con, mặc dù con biết Chúa không có tội gì. Có những bực bội, bức bối gì, về nhà con đổ trên đầu những người thân mà con có vẻ “trên cơ” họ?

Con có phải là những người phụ nữ thành Giêrusalem khóc thương chỉ vì tội nghiệp Chúa chứ chưa biết phải làm sao để cho Chúa hết đau?

Con có phải là tên trộm oán trách cuộc đời và thách thức Chúa: “Ông là con Thiên Chúa thì tự cứu mình và cứu chúng tôi với”?

Hay con là Simon sẵn sàng vác lấy thánh giá Chúa bằng cách san sẻ nỗi đau với người khác?

Hay con là Đức Mẹ, mạnh dạn, can trường bước theo con đường đau khổ của Chúa, không một vẻ yếu nhược, không một lời than thở, không một chút kêu than?

Hay con là Gioan đón lấy sứ mạng của Chúa để sẵn sàng hiến thân mình cho những chương trình, hoạch định của Chúa?

Có lẽ, lạy Chúa, xin cho con giống như viên đại đội trưởng: “Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 23, 47). Đã biết bao lần con ngước nhìn lên Chúa bị đóng đinh, nhưng con đã xác tín niềm tin vào Chúa chưa? Câu hỏi này tiếp tục vang vọng trong tâm hồn con. Vang mãi, vang mãi cho đến chết.

THỨ BẢY TUẦN THÁNH

 

Suy niệm

Sứ điệp của Đấng Phục Sinh trong đêm nay là “Đừng sợ”.

Trong khi quân lính: “Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi” (Mt 28, 4). Thì thiên thần Chúa trấn an các phụ nữ: “Này các bà, đừng sợ!” (Mt 28, 5). Những lời đầu tiên của Đấng Phục Sinh cũng là: “Chị em đừng sợ” (Mt 28, 10).

Lính canh sợ hãi vì họ vừa hành hình một con người vô tội, nay thấy người đó sống lại. Điều này thật khủng khiếp, với cái nhìn bình thường thì đây là ma quỷ hoặc oan hồn, về để hãm hại mình.

Còn mấy người phụ nữ trong bài Tin mừng hôm nay lại háo hức, chờ đợi đến sáng để được gặp một con người mình thương mến, để làm những cử chỉ thương mến cuối cùng. Cử chỉ này có lẽ bình thường chúng ta không dám làm, đặc biệt là các bà: Ra mộ vào sáng sớm tinh sương, tìm người lăn tảng đá ra, ướp lại xác chết cho cẩn thận hơn… Các bà chỉ mong trọn tình vẹn nghĩa trong giây phút cuối cùng cho xong.

Thế nhưng Đấng Phục Sinh đã cho các bà niềm vui sâu xa và vĩnh cửu, là cho các bà được gặp gỡ Đấng Phục Sinh. Nhưng muốn gặp gỡ Đấng Phục Sinh các bà phải vượt qua được nỗi sợ hãi. Chính vì vậy mà Đấng Phục Sinh chẳng những sai thiên thần, mà đích thân Ngài cũng đã trấn an các bà: Đừng sợ.

Trong cuộc sống hiện tại có nhiều nỗi sợ hãi khiến tâm hồn tôi không được bình an. Mà một khi không bình an thì chắc chắn không thể có niềm vui trong tâm hồn.

Sợ hãi vì kinh tế của gia đình. Sợ hãi không biết tôi có sống trọn lời cam kết trong bí tích Hôn phối không? Sợ hãi vì việc giáo dục con cái ngày hôm nay khó khăn quá. Sợ hãi vì có nhiều cám dỗ khiến đức tin của tôi bị lung lay…

Chúa đã Phục Sinh và Ngài cũng sẽ nói với tôi: Đừng sợ! Vì có Chúa luôn ở bên. Nếu tôi vững tin vào Chúa thì chắc chắn tôi sẽ vượt qua được tất cả những nỗi sợ hãi trong cuộc sống đang ám ảnh tôi.

Lạy Chúa, xin cho con tin tưởng vào mầu nhiệm Tử Nạn- Phục Sinh của Đức Kitô, để con cũng biết chết đi con người của mình mỗi ngày, hầu có thể đón nhận niềm vui Phục Sinh trong Chúa. Lúc đó con sẽ không còn sợ hãi bất cứ điều gì, vì con đã chiến thắng được chính bản thân con bằng sức mạnh của Ngài.

Lm. Giuse Trực