SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN IV PHỤC SINH

0
32

 

Thứ Hai

Thứ Ba

Thứ Tư

Thứ Năm

Thứ Sáu

Thứ Bảy

Thứ Hai

Bài Ðọc I: Cv 11, 1-18

Trong những ngày ấy, các tông đồ và anh em ở Giuđêa nghe tin rằng cả dân ngoại cũng đã đón nhận lời Thiên Chúa. Khi Phêrô lên Giêrusalem, các người đã chịu cắt bì trách móc người rằng: “Tại sao ngài vào nhà những kẻ không chịu cắt bì và ăn uống với họ?” Phêrô trình bày cho họ sự việc từ đầu đến cuối theo thứ tự sau đây: “Tôi đang ở tại thành Gióp-pê, lúc cầu nguyện, trong một thị kiến, tôi thấy một vật gì giống chiếc khăn lớn túm bốn góc, từ trời thả xuống sát bên tôi. Tôi chăm chú nhìn và thấy những con vật bốn chân, những mãnh thú, rắn rết và chim trời. Tôi nghe tiếng phán bảo tôi: “Phêrô, hãy chỗi dậy giết mà ăn”. Tôi thưa: “Lạy Chúa, không được, vì con không khi nào bỏ vào miệng con những đồ dơ nhớp hay bẩn thỉu”. Tiếng từ trời nói lần thứ hai: “Vật gì Thiên Chúa cho là sạch, ngươi đừng nói là dơ nhớp”. Ba lần xảy ra như thế, và mọi sự lại được kéo lên trời.

“Và ngay lúc đó, ba người từ Cêsarêa được sai đến nhà tôi ở. Thánh Thần truyền dạy tôi đừng ngần ngại đi với họ. Sáu anh em cùng đi với tôi, và chúng tôi vào nhà một người. Anh thuật lại cho chúng tôi biết: anh đã thấy thiên thần hiện ra thế nào; thiên thần đứng trong nhà anh và nói với anh rằng: “Hãy sai người đến Gióp-pê tìm Simon có tên là Phêrô; người sẽ dạy ngươi những lời có sức làm cho ngươi và cả nhà ngươi được cứu độ”. Lúc tôi bắt đầu nói, Thánh Thần ngự xuống trên họ như ngự trên chúng ta lúc ban đầu. Bấy giờ tôi nhớ lại lời Chúa phán: “Gioan đã rửa bằng nước, còn các con, các con sẽ được rửa bằng Thánh Thần”. Vậy, nếu Thiên Chúa ban cho họ cũng một ơn như đã ban cho chúng ta, là những kẻ tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà có thể ngăn cản Thiên Chúa?”

Nghe những lời ấy, họ thinh lặng và ca tụng Thiên Chúa rằng: “Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn ăn năn sám hối để được sống”.

Phúc Âm: Ga 10, 1-10

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ”.

Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”.

Suy Niệm

Khi Phêrô rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu thì những người ngoại giáo cũng tin và chính Ông là người làm phép rửa cho họ. Trước đó các Tông đồ chỉ rao giảng Tin Mừng cho người Do-thái, đây là việc thu nhận những người ngoại giáo đầu tiên vào Giáo Hội và như thế là khai mở cuộc truyền giáo cho dân ngoại. Nhưng những bước đầu này rất khó khăn. Khó khăn không phải từ phía dân ngoại mà từ trong nội bộ các tín hữu gốc Do-thái. Sức mạnh của truyền thống Do-thái và định kiến về người ngoại giáo quá mạnh. Họ đã lên án Phêrô xúc phạm đến truyền thống và luật của tổ tiên khi biết ông đồng bàn ăn uống với dân ngoại.

Hơn nữa, do đầu óc cục bộ của người Do-thái, họ chỉ muốn Thiên Chúa là của họ, ơn cứu độ chỉ dành riêng cho dân tộc họ. Chính vì thế mà Thiên Chúa phải can thiệp vào như lời biện minh của Phêrô : “Lúc tôi bắt đầu nói, Thánh Thần ngự xuống trên họ như ngự trên chúng ta lúc ban đầu”. Hành vi của Phêrô là do Thánh Thần chứ không phải do sáng kiến của ông. “Nghe những lời ấy, họ thinh lặng và ca tụng Thiên Chúa rằng: Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn ăn năn sám hối để được sống”. Từ đây Hội Thánh đoạn tuyệt với Do-thái giáo về nghi thức, và do đó Hội Thánh mới có tính phổ quát, có khả năng qui tụ mọi người thuộc mọi dân nước.

Bài Tin Mừng cũng cho thấy Chúa Giêsu là cánh cửa luôn mở ra cho tất cả mọi người bước vào nguồn sự sống, nguồn tình yêu. Qua Ngài, con người đến nơi an toàn và hạnh phúc : đó là sự sống đời đời, vì Ngài là con đường và là sự sống. Ngài “đến để cho chiên được sống và được sống dồi dào”.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến trần gian là để cứu độ mọi người, không phân biệt tôn giáo, màu da, chủng tộc…Xin cho con tấm lòng như Chúa, luôn mở ra để đón nhận mọi người. Amen.

Thứ Ba

Bài Ðọc I: Cv 11, 19-26

Trong những ngày ấy, vì cơn bách hại xảy ra nhân dịp Têphanô bị giết, có nhiều người phải sống tản mác, họ đi đến Phênixê, Cyprô và Antiôkia, họ không rao giảng lời Chúa cho một ai ngoài những người Do-thái. Nhưng một ít người trong họ quê ở Cyprô và Xyrênê; khi đến Antiôkia, họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp nữa. Và tay Chúa ở với họ; nên có đông người tin trở về với Chúa. Tin đó thấu tai Hội Thánh Giêrusalem, nên người ta sai Barnaba đến Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa; Barnaba vốn là người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin. Và có đoàn người đông đảo tin theo Chúa. Vậy Barnaba đi Tarxê tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia. Cả hai ở lại tại Hội Thánh đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các môn đồ lần đầu tiên nhận tên là Kitô hữu.

Phúc Âm: Ga 10, 22-30

Khi ấy, người ta mừng lễ Cung Hiến tại Giêrusalem. Bấy giờ là mùa đông. Chúa Giêsu đi bách bộ tại đền thờ, dưới cửa Salômôn. Người Do-thái vây quanh Người và nói: “Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Ðức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết”. Chúa Giêsu đáp: “Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi, làm chứng về Tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi. Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Ðiều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một”.

Suy Niệm

            Đoạn sách Tông Đồ Công Vụ trên đây trình bày về việc thành lập Hội Thánh tại Antiôkia. Đây là một bước tiến lịch sử của Giáo Hội. Chính tại nơi đây mà những người theo Chúa Giêsu được gọi là Kitô hữu. Nhưng có một điểm đặc biệt ở đây là những người rao giảng Tin Mừng cho những người dân ngoại (ở đây là người Hy – Lạp) lại không phải là các Tông đồ, mà là những tín hữu giáo dân. Tên họ là gì, bao nhiêu tuổi… không ai biết, chỉ biết họ quê ở Cyprô và Xyrênê. Tên tuổi của họ không được ghi vào sổ sách, nhưng chắc chắn những người ấy đã được vĩnh viễn ghi vào sách sự sống của Chúa. Họ đã đi vào lịch sử với tư cách là những người tiền phong vô danh của Đức Kitô.

Theo tâm lý tự nhiên của con người, khi ta làm được một việc gì đáng kể thì ta luôn muốn được người ta chú ý và xưng danh mình. Còn nếu không được ai khen ngợi, ca tụng… ta thường có thái độ buồn phiền, chán nản, có khi bất mãn không cộng tác nữa. Đây là thái độ thỉnh thoảng ta cũng bắt gặp nơi các Họ đạo.

Đức Giêsu khi đi rao rảng Ngài cũng chẳng xưng danh mình. Việc Người làm là “để Chúa Cha được tôn vinh”. Chính vì thế mà người Do-thái luôn thắc mắc về Người : “Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Ðức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết”.

Lạy Chúa Giêsu, “Chúa vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” (Pl 2, 6 – 7). Xin cho con biết sống khiêm hạ như Chúa, không mỏng mỏi điều gì cho mình, mà chỉ mong cho Danh Chúa được cả sáng. Amen.

Thứ Tư

Bài Ðọc I: Cv 12, 24 – 13, 5a

Trong những ngày ấy, lời Chúa được lan rộng và tiến triển. Nhưng Barnaba và Saolô, sau khi hoàn tất sứ mạng, đã rời Giêrusa-lem, đem theo Gioan cũng gọi là Marcô.

Bấy giờ trong Hội Thánh Antiôkia có những tiên tri và tiến sĩ, trong số đó có Barnaba, Simon cũng gọi là Nigê, Luxiô người thành Xyrênê, Manahê bạn của vua Hêrôđê lúc còn thơ ấu, và Saolô. Ðang khi các ông làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo các ông rằng: “Hãy để riêng Saolô và Barnaba cho Ta, để làm công việc mà Ta đã chỉ định”. Vậy sau khi ăn chay cầu nguyện, họ đặt tay trên hai ông và tiễn đưa hai ông lên đường.

Ðược Thánh Thần sai đi, hai ông xuống Xêlêucia, rồi từ đó vượt biển sang Cyprô. Khi đến Salamina, hai ông rao giảng lời Chúa trong các hội đường Do-thái.

Phúc Âm: Ga 12, 44-50

Khi ấy, Chúa Giêsu lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào Ta thì không phải là tin vào Ta, nhưng là tin vào Ðấng đã sai Ta. Và ai thấy Ta là thấy Ðấng đã sai Ta. Ta là sự sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự tối tăm. Nếu ai nghe lời Ta mà không tuân giữ, thì không phải chính Ta xét xử người ấy, vì Ta đã đến không phải để xét xử thế gian, nhưng là để cứu độ thế gian. Ai khinh dể Ta, và không chấp nhận lời Ta, thì đã có người xét xử: lời Ta đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. Bởi vì Ta đã không tự mình nói ra, nhưng Cha là Ðấng sai Ta, chính Người đã ra lệnh cho Ta phải nói gì và phải công bố gì. Và Ta biết rằng lệnh của Người là sự sống đời đời. Những điều Ta nói, thì Ta nói theo như Cha đã dạy”.

Suy Niệm

Tin mừng Đức Kitô ngày càng được lan rộng đến thế giới ngoại giáo. Ở đây, hai gương mặt truyền giáo nổi bật nhất là Phaolô và Barnaba. Nhưng đây không phải là sáng kiến của hai ông mà là việc của Thánh Thần: “được Thánh Thần sai đi”. Như vậy, việc truyền giáo là công việc của Chúa Thánh Thần. Chính Ngài đóng vai chủ động, còn các tông đồ chỉ là những người cộng tác.Các ông không làm điều mình muốn, nhưng luôn làm điều Chúa muốn các ông làm.

Chúa Giêsu khi đến trần gian rao giảng cũng vậy, Ngài không làm theo ý mình nhưng hoàn toàn theo ý Chúa Cha: “Ta đã không tự mình nói ra, nhưng Cha là Ðấng sai Ta, chính Người đã ra lệnh cho Ta phải nói gì và phải công bố gì.”(Ga 12, 49).

Trong thời đại của chúng ta hôm nay, Chúa Thánh Thần cũng vẫn đóng vai chính và mỗi người Kitô hữu cũng được mời gọi cộng tác với Ngài để đem Tin Mừng Chúa Kitô đến cho mọi người. Điều quan trọng là ta phải biết lắng nghe Thánh Thần hướng dẫn. Nhưng làm sao để nghe được Thánh Thần? Luca diễn tả: “Ðang khi các ông làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo các ông”. Như vậy, để nghe được Thánh Thần ta cần phải cầu nguyện, không có cầu nguyện ta chỉ làm theo ý ta muốn, mà ý ta muốn thường ngược lại ý Chúa muốn. Thánh Augustino nói “Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta ân sủng của Người, nhưng chỉ ban cho những ai xin Người”.  Chúa Giêsu đã dạy các Tông đồ “Hãy xin thì sẽ được”. Vì thế, các ông đã cùng nhau kiên trì trong cầu nguyện để chờ đợi Chúa Thánh Thần và Chúa Thánh Thần đã đến với các ông.

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết tìm ý Chúa trong mọi sự. Vì ngoài ý Chúa chẳng có gì là tốt đẹp cho con. Amen.

Thứ Năm

Bài Ðọc I: Cv 13, 13-25

Rời Paphô, Phaolô và các bạn vượt biển đến Perghê xứ Pamphy-lia; còn Gioan từ biệt các ngài, và trở về Giêrusalem. Hai ngài sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày Sabbat, các ngài vào ngồi trong hội đường. Sau khi đọc sách luật và các tiên tri, những thủ lãnh nhà hội đường sai người đến nói với các ngài rằng: “Hỡi anh em, nếu ai trong anh em có lời khuyên bảo dân chúng, xin hãy nói”.

Phaolô đứng lên, giơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng và nói: “Hỡi người Israel và những kẻ kính sợ Thiên Chúa, hãy nghe đây. Thiên Chúa dân Israel đã chọn Tổ phụ chúng ta, Người đã thăng tiến dân Người khi họ còn cư ngụ trong nước Ai-cập và Người ra tay mạnh mẽ đưa cha ông chúng ta ra khỏi nước ấy. Trong thời gian bốn mươi năm, Người chịu đựng thói xấu họ trong hoang địa; và sau khi đã tiêu diệt bảy dân tộc trong đất Canaan, Người đã cho họ chiếm đất của các dân tộc ấy gần bốn trăm năm mươi năm; và sau đó, Người ban cho họ các thẩm phán cho đến tiên tri Samuel. Kế đó, họ xin một nhà vua và Thiên Chúa cho Saolê, con ông Cis, thuộc chi họ Bengiamin, cai trị họ bốn mươi năm. Sau khi loại bỏ Saolê, Chúa đã đặt Ðavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính Người đã phán: “Ta đã gặp được Ðavít con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta”.

“Bởi dòng dõi Ðavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Ðức Giêsu làm Ðấng Cứu Ðộ, Ðấng mà Gioan đã báo trước khi người đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ngài tuyên bố: “Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người”.

Phúc Âm: Ga 13, 16-20

Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu phán với các ông: “Thật, Thầy bảo thật các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ, kẻ được sai không trọng hơn đấng đã sai mình. Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc. Thầy không nói về tất cả các con, vì Thầy biết những kẻ Thầy đã chọn, nhưng lời Thánh Kinh sau đây phải được ứng nghiệm: Chính kẻ ăn bánh của Ta sẽ giơ gót lên đạp Ta. Thầy nói điều đó với các con ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy đến, để một khi xảy đến, các con tin rằng: Thầy là ai. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Ðấng đã sai Thầy”.

Suy Niệm

            Để Tin Mừng Chúa Giêsu được mọi người biết đến, Phaolô và Barnaba đã không ngại gian khổ. Gioan Marco có lẽ không chịu được vất vả và nguy hiểm nên đã đào ngũ. Bởi lẽ thành phố Antiôkia xứ Pisiđia nằm trên một cao nguyên cao hơn mặt biển khoảng 1200m. Từ Perghê đến đó phải đi bộ hơn 500 km, đường khó đi và nổi tiếng về trộm cướp.

            Một điều đáng chú ý ở đây là từ trước đến giờ Barnaba luôn được Luca đặt trước Phaolô, nghĩa là ông là người lãnh đạo phái đoàn. Nhưng bắt đầu từ đây Phaolô lại được trước Barnaba, Phaolô chính thức đảm nhận việc lãnh đạo phái đoàn này. Điều hết sức tốt đẹp nơi Barnaba là ông không hề thốt ra lời phàn nàn nào. Ông sẵn sàng đứng đàng sau, miễn sao Tin Mừng được rao giảng. Một thái độ khiêm tốn, hạ mình rất đáng cho mọi người kính trọng.

            Chính Chúa Giêsu đã khiêm tốn hạ mình phục vụ cho các Tông đồ. Người giải thích cho các ông : “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13, 15). Barnaba đã học rất thuộc bài học này. Còn mỗi người chúng ta thì sao, chúng ta phục vụ với tinh thần nào?

            Lạy Chúa Giêsu, con đường khiêm hạ là con đường Chúa đến với nhân loại. Xin cho con cũng biết hạ mình xuống để xóa đi mọi ngăn cách trong cuộc sống này, hầu làm tươi mới rạng ngời tình yêu Chúa. Amen

Thứ Sáu

Bài Ðọc I: Cv 13, 26-33

Trong những ngày ấy, khi Phaolô đến Antiôkia thuộc xứ Pisiđia, ông lên tiếng trong hội đường rằng: “Thưa chư huynh, con cháu Abraham, và những người kính sợ Thiên Chúa ở giữa chư huynh, lời cứu độ đó đã được rao giảng cho chư huynh. Những người cư ngụ ở Giêrusalem và các thủ lãnh của họ đã không nhìn nhận Ðức Giêsu và các lời tiên tri mà họ đọc mỗi ngày Sabbat; thế mà họ đã làm ứng nghiệm lời tiên tri khi lên án Người. Và dầu không thấy nơi Người lý do nào đáng phải chết, họ cũng xin Philatô cho giết Người. Và khi đã hoàn tất mọi điều đã chép về Người, họ đã tháo Người xuống khỏi cây thập giá và mai táng Người trong mồ. Nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết vào ngày thứ ba. Và trong nhiều ngày, Người đã hiện ra với những kẻ đã cùng với Người từ Galilêa lên Giêrusalem. Bây giờ những kẻ đó là những chứng nhân của Người trước mặt dân chúng.

“Phần chúng tôi, chúng tôi loan báo cho chư huynh hay rằng: lời hứa ban cho tổ phụ chúng ta, Thiên Chúa đã làm hoàn tất cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Ðức Giêsu sống lại, như đã chép trong thánh vịnh thứ hai rằng: ‘Con là Con Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con’ “.

Phúc Âm: Ga 14, 1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”. Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

Suy Niệm

Đoạn sách Công vụ Tông đồ trên đây là một phần trong bài giảng của Phaolô tại hội đường Antiôka. Qua bài giảng này ta thấy Phaolô là người rất am tường về Thánh Kinh. Ông đưa vài nét về lịch sử cứu độ, từ cuộc tuyển chọn Abraham và cuộc xuất hành khỏi Ai-cập cho đến Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu, Đấng cứu độ được tuyên hứa (c.16-25). Bấy giờ ông mới hướng cách cầu khẩn và mời gọi đến “anh em” của mình (c.26), con cái Abraham. Cho đến hôm nay và bây giờ, họ vẫn đáng hưởng “Lời cứu độ”: Tin Mừng về Chúa Giêsu, Đức Kitô, Đấng được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết. Trong câu 27, Phaolô giải thích mầu nhiệm vượt lên trên lịch sử của Israel: những người cư ngụ ở Giêrusalem và những người lãnh đạo của họ đã kết án Chúa Giêsu, họ đã làm trọn lời tiên báo của các tiên tri mà họ không biết.

Phaolô muốn nói với những người Do-thái chỉ cần đọc Thánh Kinh cách đúng đắn, họ sẽ thấy tất cả những điều viết về Đức Giêsu đã được báo trước. Đặc biệt là sự phục sinh của Chúa Giêsu, sự phục sinh là bằng chứng dứt khoát rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Chính sự gặp gỡ Đấng Phục Sinh mà Phaolô đã hoàn toàn thay đổi, từ một người bắt bớ những ai tin nhận Đức Giêsu, ông trở thành người loan báo về Đức Giêsu một cách hăng say và nhiệt thành.

Phần chúng ta, chúng ta có đọc Thánh kinh chưa ? đọc với thái độ nào ? nhất là chúng ta có cảm nhận được Đức Giêsu phục sinh trong cuộc sống của mình chưa ?

Lạy Chúa, xin cho con biết noi gương Phaolô, cố gắng học hỏi Lời Chúa, nhất là cảm nghiệm Chúa Giêsu phục sinh trong mọi biến cố cuộc đời mình. Để con cũng biết loan báo và làm chứng cho Chúa phục sinh. Amen.

Thứ Bảy

Bài Ðọc I: Cv 13, 44-52

Ðến ngày Sabbat sau, hầu hết cả thành đều đến nghe lời Thiên Chúa. Các người Do-thái thấy đám đông dân chúng, thì đâm ghen tương, nói lộng ngôn, chống lại các điều Phaolô giảng dạy. Phaolô và Barnaba can đảm nói rằng: “Phải giảng lời Thiên Chúa cho các ngươi trước tiên, nhưng vì các ngươi từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại; vả lại Chúa đã truyền lệnh cho chúng tôi rằng: Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất”. Nghe vậy, các dân ngoại hân hoan ca tụng lời Chúa; những ai được Chúa tiền định hưởng sự sống đời đời, thì tin theo, nên lời Chúa được rao giảng khắp cả vùng.

Những người Do-thái xúi giục các phụ nữ khá giả đã tòng giáo, các thân hào trong thành, bắt bớ Phaolô và Barnaba, rồi trục xuất hai ngài ra khỏi ranh giới xứ họ. Còn hai ngài, sau khi phủi bụi chân lại cho họ, hai ngài đi đến Icôniô. Còn các môn đồ thì đầy hân hoan và Thánh Thần.

Phúc Âm: Ga 14, 7-14

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người”.

Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Philipphê, Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin, vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm; người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho”.

Suy Niệm

            Qua đoạn sách Tông Đồ Công vụ trên đây một lần nữa cho ta thấy đầu óc kỳ thị dân ngoại của người Do-thái. Khi những người ngoại giáo được ơn đức tin, họ chú tâm đến Tin Mừng do Phaolô và Barnaba đem tới, thì những người Do-thái đâm ra ghen tức. Họ chỉ muốn chiếm giữ đặc quyền riêng cho họ. Họ muốn ân ban này chỉ dành riêng cho dân tộc họ. Họ đã không đón nhận lời Thiên Chúa nhưng lại tỏ ra tức tối khi dân ngoại đón nhận Tin Mừng. Họ không muốn chia sẻ Thiên Chúa cho bất cứ dân tộc nào.

            Ngày nay, thái độ kỳ thị trên bình diện sắc tộc như người Do-thái ngày xưa có thể ta ít thấy. Tuy nhiên chuyện ganh ghét, đặc quyền đặc lợi không phải là không có. Thỉnh thoảng ta cũng bắt gặp đâu đó nơi hội đoàn này, hội đoàn nọ, nhóm này, nhóm kia…trong một họ đạo vẫn có những tình trạng này. Cho dù không to tát gì, nhưng cũng làm mất sự hiệp thông trong họ đạo và gây gương mù gương xấu cho những người xung quanh.

Cộng đoàn nơi tôi đang sống, hội đoàn tôi đang tham gia, cộng tác… có tình trạng ganh tỵ, độc chiếm này không ? Hãy nhớ rằng Thiên Chúa không bao giờ phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, hội đoàn này, hội đoàn nọ, nhóm này, nhóm kia…và ân ban của Ngài là để san sẻ chứ không phải để chiếm giữ.

            Lạy Chúa, xin giúp con luôn ý thức rằng tình yêu và lòng thương xót của Chúa luôn chan hòa cho mọi hạng người, trong đó có cả con nữa. Để từ đó con không mang thái độ so bì hơn thua hay độc chiếm cho riêng mình. Xin cho con luôn biết nhận ra ơn Chúa ban, để con cũng biết chia sẻ cho mọi người. Amen.

  Vs. Phạm Vũ Thanh Quang