Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 2XXVII Thường niên-B và Lễ Mân Côi

0
21

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 2XXVII Thường niên-B và Lễ Mân Côi

MẸ ĐẦY ÂN SỦNG

Ngày 07 Tháng 10 – Lễ Đức Mẹ Mân Côi : Lc 1, 26-38

Suy niệm

Về với Tháng Mười, Giáo Hội mời gọi chúng ta sốt sắng hơn trong chuỗi lần Mân Côi, để ta chiêm ngắm tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa trên cuộc đời của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu và cũng là Mẹ của chúng ta. Cần buông xuống mọi lo toan tính toán và gánh nặng cuộc đời, để mỗi ngày ta được thanh thản dâng lên lời kinh nguyện: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc…“. Đó là lời chào của sứ thần Gabriel khi truyền tin cho Mẹ, mời gọi Mẹ hãy vui lên vì ơn cứu độ đã gần kề.

Mẹ đầy ơn phúc vì đã được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn. Tình thương ấy đã chở che Mẹ ngay từ lúc chưa chào đời, qua việc giữ gìn Mẹ khỏi vết nhơ nguyên tội, và còn bao bọc Mẹ mãi vẹn toàn, để nhờ đó Mẹ góp phần lớn lao nhất vào công trình cứu độ loài người, vì được tuyển chọn để làm Mẹ Ðấng Cứu Thế. Từ suối nguồn ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta cũng được dự phần vào niềm vui và ân phúc của Mẹ, cũng được Chúa yêu thương và tuyển chọn qua việc tẩy xóa tội nguyên tổ để trở nên con người mới trong Đức Kitô.

Mẹ đầy ơn phúc vì có Thiên Chúa ở cùng. Sự cao trọng nhất của một con người là có Thiên Chúa ở cùng. Trong Cựu Ước, những người có Thiên Chúa ở cùng là những người được kêu gọi và sai đi thực hiện Thánh ý Người. Nhưng Thiên Chúa ở cùng Mẹ vượt trên hết mọi người khác, vì được tràn đầy Thánh Thần và cưu mang Ngôi Lời. Mẹ trở nên như Hòm Bia, như Ðền Thánh, nơi vinh quang Thiên Chúa hiện diện giữa con người. Không lạ gì mà bà Êlisabét ca ngợi Mẹ: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ.” (Lc 1, 42). Mẹ đã sinh  Đức Kitô cho nhân loại, nhờ Mẹ mà chúng ta mang danh hiệu Kitô hữu, là những người có Chúa ở cùng như lời chúc của linh mục trong mỗi thánh lễ.

Mẹ thật có phúc vì đã tin Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với Mẹ (Lc 1, 45). Mẹ không hiểu hết con đường mình sắp đi. Có biết bao trắc trở, khó khăn, mờ tối. Nhưng qua hai tiếng “Xin vâng”, Mẹ đã hoàn toàn phó thác đời mình trong tay Chúa, để Chúa dẫn đi ngay trong đêm tối của đức tin. Mọi tín hữu đều được mời gọi sống hành trình đức tin như Mẹ, để được chung hưởng hạnh phúc với Mẹ, như lời Chúa phán:“Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29).

Sau một cuộc đời dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, Mẹ Maria đã được Người tôn vinh, được Giáo Hội tôn kính với biết bao danh hiệu rạng ngời. Để giờ đây, chúng ta thì thầm lời kinh: “Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời…”. Tại Lộ Đức, trong 18 lần hiện ra với Bernadetta, Đức Mẹ luôn cầm trong tay một tràng chuỗi bạc, và khuyên con cái Mẹ hãy lần hạt. Đức Mẹ nói với Bernadette như sau: “Mẹ không hứa cho con hạnh phúc đời này, nhưng hạnh phúc đời sau”. Tuy nhiên, hạnh phúc cũng đã bắt đầu chớm nở ở đời này cho những ai lần chuỗi Mân côi, cải thiện đời sống và tôn sùng trái tim Đức Mẹ.

Đối với người trẻ hôm nay đang sống trong một thời đại tốc độ, nghĩ rằng đọc kinh như thế thật mất giờ. Đó là một suy nghĩ cạn cợt và hời hợt, chưa đi sâu vào chính nội tâm mình, vì đang bị vây bủa bởi những bon chen và lợi lộc vật chất. Thật ra, cuộc sống mỗi người chúng ta ít nhiều cũng đang bị nhiều thứ chế ngự, phân rẽ, năng lực bị tản mác, khó lòng tìm thấy bình an. Chính qua việc lần chuỗi, ta thống nhất con người toàn diện là thân, tâm, trí: tay cầm chuỗi, miệng thì thầm, tâm thì niệm, trí thì suy, để chìm sâu vào trong các mầu nhiệm mân côi, là cả cuộc đời Chúa Giêsu bên cạnh sự hiện diện của Đức Mẹ.

Chỉ những ai tin vào lòng thương xót Chúa qua chuỗi kinh mân côi, người đó mới có khả năng tái tạo cuộc sống tốt đẹp hơn; có sức mạnh kiên trì để vượt qua những thử thách; có đầy an ủi và nâng đỡ để đón nhận những đau thương; có niềm vui và phấn khởi để nâng cao và sáng tạo cuộc đời mình theo ý định của Thiên Chúa. Chỉ những ai sốt sắng lần chuỗi mân côi mới khám phá ra năng lực kỳ diệu của lời kinh.

Lời nguyện

Maria, lạy Mẹ đầy ơn phúc!
lòng con yêu mến và cảm phục,
vì Mẹ được Thiên Chúa ở cùng,
là nữ tỳ rất mực tôi trung,
để cho nhân thế mãi tôn sùng.

Vì thương nhân loại sống lầm than,
giữa thế gian khốn khó nguy nàn,
nên Mẹ muốn đem đến những ân ban,
để thế giới hưởng bình an của Chúa.

Mẹ đã thương nhiều lần xuất hiện,
mời gọi chúng con biết hướng thiện,
biết quay về nẻo chính đường ngay,
tìm đến Chúa trong đời sống hằng ngày.

Bằng chuỗi lần Mân Côi Mẹ chỉ dạy,
cùng với lòng sám hối kể từ nay,
trong tình yêu mến Mẹ dâng đầy,
để con luôn được ở trong tay Từ Mẫu.

Xin cho con buông xuống mọi lo âu,
đừng để cho tội lỗi gây buồn sầu,
nhưng để cho tình yêu luôn nung nấu,
để tình Mẹ thẩm thấu trái tim con.

Xin cho con thôi tranh chấp hơn thua,
đừng đặt nặng danh lợi và tiền của,
mất sự hiện diện của Chúa nơi con,
và ân sủng bình an cũng chẳng còn.

Cho con luôn cận kề bên Mẹ,
niềm vui nỗi buồn con thỏ thẻ,
xin Mẹ cùng chia sẻ với con,
này đây xác hồn con dâng trọn,
thì thầm lời kinh nguyện từng chiều,
kinh Kính Mừng với tất cả tình yêu. Amen.

NÊN MỘT HUYẾT NHỤC

Chúa Nhật 27 Thường Niên năm B : Mc 10, 1-12

Suy niệm

Trong xã hội và Do Thái giáo thời Đức Giêsu, người phụ nữ không có quyền bình đẳng với nam giới, vì vợ là một thứ tài sản thuộc sở hữu của người chồng. Chỉ người vợ mới phạm tội ngoại tình đối với chồng, và chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ. Đức Giêsu không chấp nhận như thế, vì “Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ”, nghĩa là có sự bình đẳng giữa đôi bên, và hôn nhân là một khế ước cam kết trọn đời, vì vợ chồng sẽ trở nên một huyết nhục.

Buồn thay, số vụ ly hôn nơi Kitô hữu ngày càng gia tăng đáng kể, và để lại một hậu quả khốn đốn cho thế hệ tương lai. Ở đây, chúng ta có thể lấy làm lạ tại sao việc ly dị đã được luật Môsê cho phép (Đnl 24,1) mà người Pharisêu còn “hỏi thử” Chúa Giêsu có chấp nhận hay không. Nếu đã cho phép thì cứ theo luật mà thực hành, hà tất phải đặt vấn đề? Khoa chú giải Thánh Kinh cho biết trong nội bộ phái Pharisêu bấy giờ quả thực đang có tranh cãi kịch liệt về vấn đề này. Phải chăng tự thâm tâm người ta vẫn ray rứt khi họ “phân ly những gì Thiên Chúa đã kết hợp”? Chúa Giêsu cho biết hiện trạng của luật Môsê chỉ là một sự nhân nhượng, vì “lòng chai dạ đá” của họ. Ngài nhắc lại nguyên lý đã có ngay từ đầu: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”, để dứt khoát xoá bỏ quan điểm mập mờ cũng như lối thực hành phóng khoáng của luật cũ, đồng thời cho thấy hôn nhân là điều cao quí và thánh thiện.

Hôn nhân Kitô giáo còn có một ý nghĩa siêu vượt, đó là sự phản chiếu tình yêu thần diệu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh Ngài. Thánh Phaolô đã ân cần nhắc nhở:“Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội Thánh”. (Ep 5, 25). Tình yêu là hy sinh, không hy sinh thì chẳng có tình yêu, hoặc đó chỉ là tình yêu trá hình và vị kỷ.

Cốt lõi của tình yêu còn là lòng trung thành: trung thành khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan; khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu; khi buồn chán và thất vọng về nhau; khi yếu đuối và vấp ngã; khi đổ vỡ quá lớn tưởng như không sao hàn gắn được… Nhưng không có gì là không giải quyết được trong đời sống vợ chồng: chỉ cần bớt một chút ích kỷ tự ái, thêm một chút khiêm hạ yêu thương; bớt một chút tự do đam mê, thêm một chút hy sinh tha thứ, thì có thể trung thành với nhau, và đem lại cho nhau an vui và hạnh phúc.

Hôn nhân là quà tặng của Thiên Chúa cho con người, nhưng con người phải góp phần để gìn giữ và tô điểm thêm luôn. Chính Chúa đã thiết lập giao ước hôn nhân thì chính Ngài cũng ban ơn để vợ chồng có thể “yêu thương và kính trọng nhau suốt đời”. Đó là yếu tố cơ bản để các Kitô hữu có thể tân Phúc-Âm-hoá gia đình mình và đồng thời góp phần Phúc-Âm-hoá các gia đình lương dân.

Để thực hành lời cam kết trong bí tích hôn nhân, vợ chồng cần có thời giờ ngồi lại với nhau để trao đổi những khúc mắc trong cuộc sống hằng ngày. Va chạm với nhau trong đời sống vợ chồng là điều không thể tránh khỏi, nhưng va chạm là điều cần thiết để hiểu nhau hơn, để nhìn thấy sự thật, để biết sửa sai, đưa tới hòa hợp và yêu thương nhau hơn, chứ không phải tìm cách để hơn thua khiến cho nghĩa vợ tình chồng ngày càng thêm sứt mẻ và khó mà hàn gắn.

Cần tìm hiểu lý do sâu xa của vấn đề và đặt mình trong tình cảnh của nhau, để có sự đồng cảm và thương mến nhau hơn sau những lần va chạm và sứt mẻ. Vợ chồng cần ngồi lại với nhau và với Chúa trong giờ kinh tối trong bầu khí giao hòa và nối kết lại yêu thương, xóa bỏ mọi thành kiến và nghi kỵ, để tiếp tục làm mới lại tình yêu ban đầu của mình, với tâm tình tha thiết cầu nguyện cho nhau. Vợ chồng biết sống trung thành với Chúa thì càng biết sống trung thành với nhau. Lòng yêu mến Chúa và quyết tâm xây dựng một gia đình tốt đẹp là động lực để vợ chồng dám vượt qua tất cả để sống cho nhau, vì nhau. Đó là điều kiện thiết yếu để đem lại bình an và hạnh phúc cho gia đình trong cuộc sống xã hội ngày càng có những phức tạp.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Chúng con cảm tạ Chúa sao cho vừa,
về ơn gọi Chúa ban cho tình yêu đôi lứa,
để nâng đỡ nhau trên đường hoàn thiện,
đạt tới thiên đường mơ ước ở cõi Thiên.

Hôn nhân đâu phải là chuyện tình cao hứng,
mà là dấu chứng của tình trời với đất
là khế ước để yêu thương và hợp nhất,
mà Thiên Chúa đã tác hợp cho con người.

Tình yêu vợ chồng có nhiều hoan lạc,
nhưng cũng kèm theo bao thử thách,
và xem ra hạnh phúc thật mong manh,
biết bao nhiêu ước hẹn đã không thành.

Nhưng con tin trong gia đình Kitô hữu,
dù tình yêu có khi nhạt nhòa như nước lã,
thì Chúa Giêsu vẫn làm lại thật đậm đà,
biến nước thành rượu như tiệc cưới Cana.

Ước chi mọi gia đình Kitô hữu,
phản ảnh tình yêu Đức Kitô và Hội Thánh,
như thể bức tranh luôn tươi sáng rạng ngời,
để đem lại cho các gia đình cuộc sống mới,
cuộc sống trọn đời vẹn thuỷ chung,
cuộc sống tín trung đẹp mãi đến vô cùng.

Xin cho các bạn đang hướng đến hôn nhân,
chuẩn bị cho mình một hành trang tinh thần,
biết siêng cầu nguyện và tìm hiểu học hành,
biết lãnh trách nhiệm và sống trưởng thành,
để xây dựng một Hội Thánh tại gia,
theo mô mẫu của gia đình thánh Cả.

Xin Thánh Thần luôn soi đường dẫn lối,
để gia đình nên hình ảnh Chúa Ba Ngôi. Amen.

Lm. Thái Nguyên