Sửa Lỗi Cho Người và Cả Của Mình- Suy niệm Chúa Nhật XXIII Thường Niên- A

0
121
Sửa Lỗi Cho Người và Cả Của Mình- Suy niệm Chúa Nhật XXIII Thường Niên- A
Dân tộc nào cũng có lúc thịnh lúc suy, lúc thăng lúc trầm. Lịch sử cho rằng đó là vận mệnh đất nước. Riêng Dân Do Thái, trong 4000 năm qua, ngoài thời kỳ bị nô lệ Ai cập  (#1800-1500 BC) đã có thêm hai lần bị xâm lăng và lưu đày.
 Miền Bắc Israel bị Assyria xâm lăng lưu đày năm -721 tới nay chưa có hồi hương. Miền Nam bị Babylon xâm chiếm và mang đi biệt xứ (586-538 BC). Theo  Nhóm Ký Lục của trường phái gọi Chúa là Giavê sưu tập, thời gian trước tai họa nầy, Chúa đã cho xuất hiện Tiên Tri Ê-dê-ki-ên (622-570 BC) để cảnh tỉnh chính quyền và dân chúng hầu cho Giêrusalem tránh xụp đổ. Nhưng một chim én Êdêkiên không làm nên mùa xuân. Rồi Chúa sai Tiên Tri  theo dân lưu đày. Ông sống trên bờ sông Chebar, vùng Tel Abid và gởi thân tại miền đất của chủ nô, để làm cột trụ nâng đỡ và chuẩn bị đổi  mới một dân còn sót lại cho ngày về xứ.  
Sáu thế kỷ sau Chúa Giêsu đã đến và đưa  ra lộ đồ sửa đổi anh em phạm lỗi một cách có tình có lý. Để được Chúa thêm soi sáng, xin đọc ba bài Thánh Kinh dưới đây mà Lịch Phụng vụ dành cho Chúa Nhật 23 Thường Niên hay Quanh Năm A, tức ngày 06/09/2020 nầy.
 

Bài Ðọc I:  

Trích sách Tiên tri Êdêkiel 33, 7-9

Ðây Chúa phán: “Hỡi con người, Ta đã làm cho ngươi trở nên người lính canh nhà Israel: vậy khi nghe lời miệng Ta nói, ngươi hãy loan báo cho chúng thay Ta. Khi Ta phán cùng kẻ gian ác rằng: “Hỡi kẻ gian ác, mi sẽ phải chết”; nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi. Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống ngươi”.

Bài Ðọc II 

 Thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma 13, 8-10 .

Anh em thân mến, anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật. Ðó là: “Chớ ngoại tình; chớ giết người; chớ trộm cắp; chớ làm chứng gian; chớ mê tham”, và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: “Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình”. Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật.

Phúc Âm:  

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu18, 15-20

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.

“Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.

Đôi dòng ghi chú và tâm tình. 
  • Chúa đã đặt cả gánh mặng lên vai Tiên tri. Ông còn là đại diện cho mọi người mọi thời nữa. Chúa thách đố bằng chính sinh mạng của Ông, để Ông phải siêng năng và tích cực làm tròn trách nhiệm giúp cho kẻ xấu từ bỏ gian ác mà khỏi phải chết.
  •  Thiên Chúa muốn Ngôn Sứ chỉ cảnh giác dân, mà không tố cáo,  để “chỉnh chu” (tu sửa cho hoàn chỉnh, từ ngữ mới của giới trẽ) ý thức về dân tộc mới và đạo lý mà chuẩn bị cho ngày hồi hương năm 538 BC.
  • Qua tới bài Phúc Âm, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ, theo Bản  Anh Ngữ Công giáo “If your brother sins against you, go and tell him his fault between you and him alone… : nếu anh em ngươi phạm tội (lỗi) chống lại ngươi, hãy đi nói với nó về tội/lỗi của nó chỉ giữa ngươi và nó thôi.   Còn bản Việt Ngữ “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi Câu sau có thể giúp nhớ lời răn dạy thường được đọc tại nhiều nhà thờ, trước Thánh Lễ Chúa Nhật, là Thương Linh Hồn Bảy Mối: thứ nhất lấy lời lành mà khuyên người, thứ hai mở dạy kẻ mê muội, thứ ba  an ủi kẻ âu lo, thứ bốn răn bảo kẻ có tội … dù cho những tội lỗi đó không gây thiệt hại gì tới mình.
  •  Chúa biết nhân vô thập toàn. Con người nào cũng thường có tự ái to hơn quả núi, ít ai chịu chấp nhận hay thấy mình có lỗi lầm chi, dù được nói nhỏ riêng tư trong tình huynh đệ tỉ muội và lòng bác ái.  Nên Chúa mới chỉ cho bước thứ hai.
  • Nhờ hai hay ba nhân chứng  cùng làm việc chung với người phạm lỗi, đúng theo luật Moisen trong Sách Lêvi 19:17 và Đệ Nhị Luật 19:8.
  • Nếu không kết quả mới đưa ra cộng đoàn định luận. Nếu anh em đó không nghe cộng đoàn thì hãy coi nó,  bản văn dùng từ ngữ mang ý loại trừ khinh miệt của 2000 năm trước, là người ngoại giáo và thu thuế.  Ngày nay coi như kẻ phạm lỗi mà cố chấp, bị dứt phép thông công cho dễ hiểu; nhưng chỉ tạm thời tới khi kẻ có lỗi quay trở lại, theo luật bái ái của Chúa Giêsu.
  • Tiếp theo, Chúa bảo thật  “những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ“. Chúa đã xác nhận có vẻ quyết liệt để kẻ có lỗi biết hồi tâm, hối cải mà đề phòng gương xấu, xa hơn có thể.
  • Câu trên trong Mt. 18:18 từ đây đã trở thành như khuôn phép làm cho Giới Lãnh Đạo Công Giáo có ảnh hưởng rất mạnh trong thời gian dài hàng ngàn năm tới hầu hết mọi sinh hoạt chính trị, xã hội và các lảnh vực khác. Sau Hiệp Ước Milan năm 313, Hoàng Đế Roma Constantin (272-337) cho phép Công Giáo được tự do và trở thành quốc giáo trên cả Đế Quốc La Mã Đông Tây và hầu hết Âu Châu sau đó.  Thí dụ vua chúa những quốc gia Công Giáo nầy phải cầu phong xin Đức Giáo Hoàng đặt vương niệm cho vua và hoàng Hậu trong ngày lễ Đăng Quang. Tới năm 1076-1077 Vua Henri IV của Germany (Đức hiện nay)  lại muốn thử thách uy quyền của Giáo Hoàng. Ông tự ý lên ngôi vua mà không cầu phong từ Vị Đại Diện cho quyền hạn trên trời dưới đất. Ông còn muốn tự chọn Giám Mục cho nước ông. Nên Ông bị Giáo Hoàng dứt phép thông công. Hậu quả là thần dân trong nước không nghe ông nữa. Nên Ông phải thân hành tới Lâu Đài Canossa vào mùa đông khắc nghiệt, Bắc nước Ý, quì gối xin Đức Giáo Hoàng Gregory VII giải vạ tuyệt thông, để dân chúng tùng phục. Nhưng rồi Hoàng Đế Napoléon (1769-1821) của Pháp đã tự ý phong vương và tách quyền hạn của Nhà Nước ra khỏi quyền hạn của Nhà Thờ từ đó tới nay.  Ngày nay Giáo Hội khôn ngoan của Chúa cả và trời đất uy quyền sang trọng, chỉ cầm buộc tháo gở trong phạm vi đức tin và luân lý.
  • Cuối đoạn Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn con dân của Ngài, hai người trở lên, tụ họp trong đoàn kết và tin yêu để cùng cầu nguyện. Chính Chúa đã hứa sẽ đến chứng giám để làm bằng chứng cho đàn con, được Cha nhận lời.
  • Tóm lại. 
    Tương tự như trong tác phẩm Gia Huấn Ca của Nhà Chiến Tranh Chính Trị Nguyễn Trãi (1380-1442) Bài Dạy con ở cho có đức, câu 313: “thương người như thể thương thân”. Còn Bài đọc II, thư gởi tín hữu Roma 13:8-11 của Thánh Phaolô đã gói ghém tất cả  ý nghĩa từ lệnh Thiên Chúa truyền cho Tiên Tri Êzêkiel.  Và bốn bước của Chúa Giêsu giải quyết lỗi lầm cho nhau, thành một dân mới, của lề luật mới, được Chúa Giêsu kiện toàn, là làm mọi sự đều nhằm mục tiêu: yêu người như chính mình vậy.
Đôi dòng tâm kinh
Con thường tự ái ngút trời Chúa ơi. Không mấy khi chịu chấp nhận  sai lầm dù được anh em thành thật kiên nhẫn thân tình chỉ bảo.
Con cũng thường chết nhát không dám khuyên bảo ai, sợ bị liện luỵ, bị làm phiền, bị quấy rầy, bị chưởi đổng và cả sợ mất công một cách ích kỷ.
Cũng có những lúc việc người thì sáng, mà việc mình thì quáng, con lại ngứa miệng độc địa chỉ trích lung tung thay vì lấy lời lành mà khuyên nhủ kẻ mê lầm như Chúa dạy con.
xin cho con quả tim mới với con người mới, can đảm chấp nhận lỗi phạm tới người và biết tha thứ cho người những sai phạm tới con, như Chúa đã dạy trong kinh lạy Cha vậy.
vô hạ
nguồn: WGPCT