Sự sống muôn đời- Suy niệm Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời

0
662

Sự sống muôn đời- Suy niệm Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời

Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, dân chúng tiếp tục tìm đến Đức Giêsu. Ngài biết họ tìm Ngài chỉ vì được ăn bánh no nê. Con người ngày nay cũng thế, cơm áo gạo tiền là vấn đề trên hết: người nghèo thì bị hút vào công việc lam lũ nhọc nhằn, để thoả mãn cái đói cấp bách của thân xác; người giàu thì mê mải với bao tiện nghi và thú vui đang mời gọi. Rốt cuộc, kẻ nghèo người giàu đều có nguy cơ như nhau: là đánh mất cái đói khát tinh thần, chỉ mãn nguyện với những no thỏa vật chất.

Bên ngoài xem ra là như thế, nhưng thật ra bên trong con người còn có những nhu cầu sâu xa hơn: người nghèo không chỉ cần cơm bánh, mà còn cần tình thương; người giàu dư cơm bánh nhưng lại cần lẽ sống. Bao nhiêu bạn trẻ dư thừa mọi sự, nhưng lại thất vọng chán chường và thậm chí rơi vào trụy lạc. Họ có tất cả, nhưng vẫn thấy thiếu cái gì đó. Thiếu cái này thì mọi cái khác trở thành thừa. Có khi cuộc sống sa đoạ lại là cách họ biểu lộ cơn đói khát vô cùng về sự thiện hảo. Chúa Giêsu tiếp tục khơi dậy khát vọng đó nơi lòng người. Ngài không chỉ ban Manna cho sự sống tạm thời của con người, nhưng còn ban bánh bởi trời:“Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”.

Đó là một mạc khải vô cùng lớn lao mà ngay một số người Kitô hữu cũng khó lòng tin, nên chưa thể sống với lòng đầy hy vọng. Ai có lòng tin mới yêu quí và say mê bữa tiệc Thánh Thể. Trên giường hấp hối, thánh Monica đã nhắn nhủ con mình là Augustinô như sau: “Mẹ chỉ xin con một điều là hãy nhớ đến mẹ khi tới bàn tiệc thánh”. Chắc chắn thánh nữ đã từng cảm nghiệm sức sống linh thiêng từ Mình Thánh Chúa, và tin chắc đó là linh dược cho sự sống muôn đời của mình, nên mới có lời nhắn nhủ cuối cùng như thế.

Ai cũng mơ ước được sống hoài sống mãi, nhưng chắc không phải là cuộc sống này mà là cuộc sống viên mãn, một cuộc sống không còn đau khổ hay đói khát gì nữa. Để con người không phải mò mẫm trong tối tăm, Chúa Giêsu đã tuyên bố rõ ràng: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”. Lời tuyên bố ấy đã khai nguyên sự sống mới cho nhân loại. Với tư cách là Con Thiên Chúa, Ngài đã chia sẻ thân phận làm người như ta, đón nhận mọi cay đắng và thống khổ, đồng thời cũng chính là Đấng đã chết và đã sống lại vì chúng ta. Thiên Chúa Cha muốn gửi gắm chúng ta cho Chúa Giêsu lo liệu, và Chúa Giêsu cũng đã khẳng định: “Tất cả những kẻ Cha đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”. Như vậy, sự sống vĩnh cửu đã bắt đầu ngay từ đời này, khi chúng ta đến với Giêsu với niềm tin tưởng: “Ai tin vào Người Con, thì được sống muôn đời”.

Giáo Hội dành tháng 11 để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, trong đó có những người thân yêu là ông bà, cha mẹ, anh em, bạn hữu… Anh em Phật Giáo cũng có Mùa Vu Lan hay những ngày giỗ chạp để nói lên lòng hiếu nghĩa. Với đức tin Kitô giáo, chúng ta tin rằng, người chết không cần đồ cúng hay vàng mã, mà là cầu nguyện, hy sinh, việc lành, cách riêng là thánh lễ. Trong mầu nhiệm các thánh thông công, đó mới là những điều cần thiết cho các linh hồn trong luyện ngục, là những người đang mong mỏi được tình yêu Chúa thanh luyện, để các ngài sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa trong hạnh phúc muôn đời.

Sớm muộn gì thì tất cả chúng ta cũng sẽ gặp lại nhau qua cái chết, là điểm hẹn chung cho mọi người. Tin tưởng vào Thiên Chúa hằng sống, nên điều quan trọng không phải ta sẽ chết như thế nào, mà ta đã sống như thế nào, nên ta hãy sống trọn vẹn cuộc đời mình hôm nay cho Thiên Chúa và tha nhân. Quá khứ đã là lịch sử. Tương lai là một mầu nhiệm. Còn hiện tại là một tặng phẩm vô giá của Thiên Chúa. Chính khi sống trọn vẹn giây phút hiện tại là ta đang sống cái vĩnh cửu. Chính trong hiện tại mà ta đón đợi và gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng sẽ tỏ mình hoàn toàn cho ta trong sự sống mới muôn đời.

Cầu nguyện

Lạy Chúa! Dù tin hay không tin,
dù là người hữu thần hay vô thần,
ai cũng sẽ lần lượt được đưa tiễn,
để ra đi về miền “vĩnh viễn”,
cái chết vẫn là điểm hẹn chung,
cho mọi người ở giây phút cuối cùng.

Bao người đã đặt ra vấn đề,
tại sao mình phải chết?
Chết rồi sẽ ra sao?
Bên kia cái chết sẽ thế nào?
Nếu chết là hết thì sống có ý nghĩa gì?

Con người vẫn bị giày vò và sợ lo,
bởi thấy đời mình chỉ còn là nắm tro,
dù biết rằng là “sinh ký tử quy”,
nhưng vẫn khắc khoải và sầu bi,
“chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà”.

Tạ ơn Chúa đã mạc khải tất cả,
về cuộc sống hôm nay và cái chết ngày mai,
giúp cho con một tâm thái vững vàng,
để luôn sống bình an qua năm tháng.

Dẫu biết sự chết vẫn là một mầu nhiệm,
vì rằng chẳng ai có kinh nghiệm,
nhưng đã ẩn tiềm ngay trong sự sống,
vì mỗi cuộc đời không ngẫu nhiên mà có,
không như mưa gió đương nhiên mà thành,
không tất nhiên như hoa cành mà kết thúc.

Nhưng Chúa đã định cho có lúc,
hết giây phút đời này thì đến lúc đời sau,
điều quan trọng là con sống thế nào,
để hoàn thành một cuộc đời độc đáo,
bằng đức tin và lòng mến dạt dào,
để con có thể bước vào đời sống mới,
qua bên kia trong thế giới rạng ngời,
hưởng nhan Chúa đến muôn đời hạnh phúc. Amen.

Lm Thái Nguyên