Sử dụng của cải – Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXV Thường niên C

0
134

Sử dụng của cải – Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXV Thường niên C

Sống trên đời, ai cũng cần có tiền bạc. Dù ở bậc sống nào, người ta cũng cần đến của cải. Các đan sĩ trong đan viện, dù mỗi cá nhân long trọng tuyên khấn đức khó nghèo và không có của riêng, nhưng cộng đoàn lại vẫn cần có vật chất để nuôi sống các thành viên của đan viện. Tiền bạc là nguyên nhân dẫn tới xung đột ở mọi cấp độ: gia đình, làng xóm, xã hội. Không ít trường hợp, vì lý do tiền bạc, đã gây ra án mạng tang thương và huynh đệ tương tàn.

Lời Chúa hôm nay mang một thông điệp rất cụ thể: hãy sử dụng của cải như thế nào để đem ích lợi cho bản thân và tha nhân. Nếu ngôn sứ Amos lên án những người giàu có thường lấy tiền bạc để mua người cơ bần, thì người quản gia trong Phúc âm lại gian xảo dùng tiền bạc của chủ để “mua” những anh em. Cả hai trường hợp xem ra đều không chính đáng và hợp pháp. Người quản gia, dù được ông chủ khen, nhưng vẫn bị gọi là “bất lương”. Đương nhiên, Chúa Giêsu không khuyên chúng ta bắt chước người quản gia này.

Khởi đi từ dụ ngôn người quản gia, Chúa Giêsu dạy chúng ta về cách sử dụng của cải. Những gì chúng ta đang sở hữu, thực ra là Chúa trao cho chúng ta giữ gìn và sinh lợi. Chúng ta chỉ là người quản lý, mà Chúa chính là Ông Chủ trao phó gia nghiệp cho chúng ta. Nếu tiền bạc đến dễ dàng, thì cũng sẽ đi cũng mau lẹ. Thực tế đã chứng minh, có nhiều tiền chưa chắc đã là hạnh phúc; mà có ít tiền không hẳn đã là bất hạnh. Một câu nói được người ta truyền miệng nhiều trong thời gian vừa qua, đó là “tiền nhiều mà làm gì?”. Quả vậy, nhiều tiền mà mất hạnh phúc gia đình, bạn bè xa lánh, lương tâm bất an, thì cũng là vô nghĩa. Cuộc sống ở đời ngắn ngủi mong manh, điều quan trọng là làm sao để có cuộc sống thanh thản, an vui quây quần bên những người thân, cảm nhận được những niềm hạnh phúc, tuy nho nhỏ mà đang hiện hữu xung quanh mình.

Nếu chúng ta là những quản gia, thì Chúa đòi nơi chúng ta một đức tính rất quan trọng, đó là lòng trung tín. Không chỉ trung tín trong cách sử dụng tiền bạc, mà còn trong mọi lãnh vực của cuộc sống như gia đình, nghề nghiệp, lý tưởng tu trì, tình huynh đệ, mối tương quan bạn bè. Từ sự trung tín đời thường, Chúa Giêsu dẫn chúng ta đến sự trung tính mang tính quyết liệt hơn, đó là sự trung tín với Chúa. “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ”. Những ai coi tiền bạc là ông chủ, sớm muộn cũng gặp đau khổ và thất bại. Người ta thường nói: “Tiền bạc là ông chủ tồi và là người đầy tớ tốt”. Điều đó có nghĩa, đối với ai tôn thờ tiền bạc, làm mọi cách để có nhiều tiền, bất chấp lương tâm và luật pháp, thì sẽ chuốc lấy thất bại ê chề. Những ai chỉ coi tiền bạc như đầy tớ phục vụ mình, luôn quân bình và sáng suốt trong cách sử dụng tiền bạc, sẽ thành công và vươn xa. Trong cuộc sống hôm nay, nhiều người tuyên bố mình vô thần, nhưng lại đang thờ biết bao thứ thần tượng khác, như tiền bạc, danh vọng, kỹ nghệ. Thiên Chúa không ngự chung bàn thờ với những thứ ngẫu tượng phàm trần. Ngài là Đấng độc tôn. Những ai muốn theo Ngài, phải dành cho Ngài vị trí đặc biệt trong trái tim và trong cuộc đời.

Trong truyền thống Thánh Kinh, người nghèo được Thiên Chúa yêu thương và bảo vệ. Người nghèo vừa là người có ít tài sản. Người nghèo cũng là người khiêm tốn, tin tưởng cậy trông và phó thác theo sự chỉ dẫn của Thiên Chúa. “Nào ca ngợi danh thánh Chúa đi. Người cất nhắc những ai nghèo túng” (Đáp ca). Đức Trinh nữ Maria cũng hát lên trong Kinh tạ ơn: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,52). Đây cũng là nội dung lời tuyên sấm của ngôn sứ Amos, khi ông lên án những người giàu, cậy tiền cậy của mà coi thường nghèo. Nếu Amos sống trong thời đại chúng ta, ông sẽ lên án những người làm hàng giả, những người dùng hoá chất trong thực phẩm rau quả, những người gian dối trong buôn bán thương mại và lừa đảo qua các hình thức công nghệ. Tất cả các hành vi trên, vừa chống lại Thiên Chúa, vừa gây hậu quả nghiêm trọng nơi người khác.

Thánh Phaolô đưa ra những định hướng mục vụ cho người môn sinh của mình là ông Timôthê. Thánh nhân đã diễn tả lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa. Ngài muốn cho mọi người được cứu độ. Những ai sống ngay thẳng trung thực, khi cầu nguyện, có thể giơ cao đôi tay mà không hổ thẹn. Cũng vậy, những người công chính luôn tìm thấy bình an trong tâm hồn cũng như trong cuộc sống.

Tiền bạc là vấn đề thiết thực đối với mỗi người chúng ta, nhưng sử dụng tiền bạc thiếu khôn ngoan sẽ làm con người đau khổ và sa đoạ. Xin Chúa cho chúng ta có cuộc sống ổn định về vật chất, để an tâm theo Chúa, đồng thời có khả năng giúp đỡ những người xung quanh.

+TGM Vũ Văn Thiên