SỐNG LỜI CHÚA TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN-A

0
50

THỨ HAI TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

Mt 14,13-21

CHÚA GIÊSU HÓA BÁNH RA NHIỀU LẦN THỨ NHẤT

Tường thuật về phép lạ hóa bánh ra nhiều của thánh Matthêu chứa nhiều ngụ ý:

  1. Tấm lòng của Chúa Giêsu:“Ngài thấy dân chúng đông đảo thì thương xót họ, và chữa những người bệnh tật trong họ” và sau đó còn giảng dạy cho họ và làm phép lạ cho họ có bánh ăn.
  2. Mô tả Chúa Giêsu là Mô-sê mới nuôi dân mới bằng thứ lương thực trổi vượt hơn Manna ngày xưa.
  3. Tiên báo về bí tích thánh thể.
  4. Vẽ lên hình ảnh Giáo hội: Chúa Giêsu ở giữa, các Tông đồ ở kề bên Ngài, và dân chúng ở chung quanh.

Rất nhiều lần Tin Mừng ghi nhận rằng khi Chúa Giêsu thấy dân chúng thì Ngài chạnh lòng thương. Tuy họ không phải là bà con, bạn hữu hay là những người quen biết với Ngài, nhưng thấy họ thì cảm xúc đầu tiên của Ngài là thương, và vì thương nên Ngài chữa bệnh, giảng dạy và cho họ ăn. Ai cũng là đối tượng của tình thương Chúa. Đó là thái độ và hành động của người mục tử lý tưởng mà Ngôn sứ Ezechiel đã nói trước; đồng thời cũng mô tả Chúa Giêsu là Môisê mới nuôi dân mới bằng thứ lương thực trổi vượt hơn Manna ngày xưa trong sa mạc Xinai, đàng khác báo hiệu tiệc Thánh thể sau này.

Khi các Tông đồ nói với Chúa Giêsu “xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn”. Cách giải quyết vấn đề của các Tông đồ rất tự nhiên và bình thường. Tự dân chúng tìm đến đây thì tự họ phải lo thức ăn cho họ thôi. Các Tông đồ đâu có trách nhiệm gì về chuyện đó. Đây là suy nghĩ tự nhiên; nhưng Chúa Giêsu bảo họ: “các con hãy cho họ ăn”. Đây là suy nghĩ của tình thương.

Lúc đó Anrê giới thiệu với Chúa Giêsu ở đây có đứa trẻ có năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng ngần ấy thì có thấm thía vào đâu. Nhưng Chúa Giêsu bảo “hãy đem lại đây cho Thầy”: Ngài muốn các môn đệ Ngài không được làm theo suy nghĩ tự nhiên mà phải suy nghĩ của tình thương; Ngài không muốn người ta ai ai cũng ích kỷ lo cho riêng mình. Ngài dạy vừa phải quảng đại vừa phó thác vào Ngài để Ngài làm phép lạ giúp ích cho nhiều người.

Con người phải hết sức có thể để giúp đỡ đồng loại, nhưng với sức riêng con người không thể giải quyết được vấn đề quá lớn lao ấy, họ cần có sự trợ lực từ bên trên, thật thế, chúng ta cần phải có những việc làm cụ thể, vì “đức tin không có việc làm là đức tin chết”.

Tự sức mình với năm chiếc bánh và hai con cá, các môn đệ không thể nuôi sống trên 5000 người, thế nhưng, xem chừng Chúa Giêsu không thể làm phép lạ, nếu không có năm chiếc bánh và hai con cá. Năm chiếc bánh và hai con cá do đóng góp và san sẻ của chúng ta cần phải đi đôi với niềm tin và lời cầu nguyện. Với niềm tin và lời cầu nguyện, chúng ta hãy xác tín bằng cách nào đó, Chúa sẽ nhận lời chúng ta và chắc chắn phép lạ luôn diễn ra.

Mẹ Têrêsa Calcutta đã kể lại câu chuyện một lần kia Mẹ đi ngang qua một gia đình Hinđu đã đói nhiều ngày, Mẹ cầm theo một ít gạo cho gia đình ấy. Điều xảy ra sau đó làm Mẹ kinh ngạc, đó là:

– Không chút lưỡng lự, người mẹ trong gia đình đã chia số gạo ra làm hai phần. Rồi bà đem một nửa cho gia đình nhà bên cạnh, tình cờ là những người theo Hồi giáo.

– Thấy điều đó, Mẹ Têrêsa nói với bà mẹ “Bà còn lại được bao nhiêu? Liệu có đủ cho gia đình bà không?”

– “Nhưng họ cũng nhịn đói nhiều ngày rồi”, người đàn bà ấy trả lời.

Lòng quảng đại như thế làm chúng ta phải trở nên khiêm nhường.

Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức được Chúa là bánh nuôi sống con và đó là ân phúc vượt trên mọi điều con đang mong ước. Và xin cho con được là bánh tan hòa với anh em.

THỨ BA TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

Mt 14,2236

CHÚA GIÊSU ĐI TRÊN BIỂN

Chúa Giêsu đi trên mặt nước: câu chuyện xẩy ra sau phép lạ nhân bánh ra nhiều gợi lại cho chúng ta hai sự việc trong Cựu ước:

– Thiên Chúa tỏ uy quyền trên hỗn mang nguyên thủy để tạo dựng trời- đất

– Và việc Thiên Chúa khống chế biển đỏ để Môsê giải thoát dân Ngài khỏi cảnh nô lệ Ai cập.

Như thế: việc Chúa Giêsu đi trên mặt nước không những Chúa Giêsu tỏ mình là Đấng Mêsia (Đấng Thiên Sai), như trong chuyện hóa bánh ra nhiều, mà hơn nữa, Ngài còn cho thấy phần nào Ngài hành động như Thiên Chúa. Cựu uớc nhiều lần nói đến việc đi trên mặt nước nhưng đều gán vào cho Thiên Chúa. Cảnh tượng của những kẻ ở trong thuyền lúc đó, vì họ bái lạy Ngài và tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa. Theo văn mạch tước hiệu này mang ý nghĩa sâu xa hơn là Mêsia (con Vua Đavit).

Thiên Chúa tỏ ra là một nhà giáo dục đại tài: Ngài luôn tôn trọng tự do, tư tưởng, dự định của con người, nhưng với thời gian và qua dòng lịch sử, Ngài thanh lọc, kiện toàn những gì không phù hợp với Nước Trời. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người cũng đi theo đường lối ấy, như chúng ta có thể thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Tin Mừng Gioan cho chúng ta biết thêm là sau phép lạ hóa bánh ra nhiều dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu lên làm vua. Chúa Giêsu không muốn môn đệ mình bị lây nhiễm quan niệm lệch lạc của họ về Đấng thiên sai, nên buộc các môn đệ lên đò sang bờ bên kia. Giải tán dân chúng xong, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện một mình. Các môn đệ vâng lời Thầy ra đi, nhưng có lẽ các ông không được hài lòng. Các ông đã hết sức kiên nhẫn chờ đợi ngày Chúa Giêsu làm vua, cơ hội đó hôm nay đã đến, nhưng Chúa Giêsu lại từ chối. Chán nản, thất vọng và mệt nhọc lại phải chèo chống ngược với sóng gió làm các ông như ngã lòng. Chính lúc đó Ngài đi trên mặt biển để đến với các ông. Mới đầu các ông hốt hoảng bảo nhau:“Ma đấy”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy yên tâm, Thầy đây đừng sợ”. Phêrô liền được Chúa Giêsu cho đi trên mặt nước đến với Ngài. Việc Phêrô đi trên mặt nước có thể so sánh với Ngôn sứ Elia dùng áo choàng đập xuống nước, nước cũng rẽ làm hai cho ông đi qua. Về sau Êlisê dùng áo choàng của Thầy Elia của mình mà đập xuống nước, nước cũng rẽ làm hai cho Êlisê đi qua. Nghĩa là Êlisê đã nhận được thần lực của thầy mình. Trong chuyện này Phêrô cũng nhận được thần lực của thầy mình; nhưng có điểm khác biệt là: Êlisê nhận được thần lực của thầy mình qua một vật dụng là tấm áo, còn Phêrô nhận được thần lực của thầy chỉ nhờ lòng tin: bao lâu ông tập trung tâm trí vào Chúa Giêsu, thì ông khống chế được sóng gió và biển khơi; nhưng khi ông rời xa Chúa, ông liền bị chìm.

Khi bị chìm, Phêrô xin Chúa Giêsu cứu thì được Ngài nâng lên. Lúc Chúa Giêsu vào thuyền  tức thì sóng gió đều yên lặng.

Qua phép lạ này Chúa Giêsu cho các ông hiểu rằng Ngài có quyền năng trên các tạo vật, Ngài có chương trình của Ngài và Ngài sẽ thực hiện chương trình ấy khi giờ của Ngài đến; đồng thời, Chúa Giêsu cũng muốn huấn  luyện các môn đệ để giúp họ tiến bước trên  cuộc hành trình đến đức tin.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đặt tất cả tin tưởng vào quyền năng của Chúa. Ngài có chương trình cho mỗi người chúng ta. Điều quan trọng không phải là chúng ta, để rồi khi không được như ý nguyện, chúng ta tỏ ra buồn phiền, than trách Chúa. Trái lại, chúng ta hãy đặt hết  tin tưởng vào Chúa, Ngài vẫn hiện diện để sẵn sàng cứu giúp chúng ta. Hãy phó thác vào quyền năng yêu thương của Ngài và như thế tâm hồn chúng ta sẽ được bình an.

Câu chuyện sau đây như minh họa cho lòng cậy trông phó thác trong sự quan phòng của Thiên Chúa, có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa đó ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hy vọng học được bí quyết để sống bình tân và hạnh phúc.

Bà hỏi:

– Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao?

– Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao.

Lời Chúa: “Hãy yên tâm, Thầy đây đừng sợ”

– Xin cho chúng con luôn có Chúa ở bên chúng con.

– Xin cho chúng con vững tin vào Chúa.

– Xin cho chúng con biết nương tựa vào Chúa trong những lúc khó khăn và hiểm nguy.

THỨ TƯ TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

Mt 15,2128

ĐỨC GIÊSU CHỮA CON GÁI NGƯỜI ĐÀN BÀ CANAAN

Trong Tin Mừng hôm nay, Matthêu cho ta thấy rằng Chúa Giêsu âm  thầm lui về miền ngoại giáo Tia và Xiđôn, có thể là để tránh sự nhòm ngó của nhóm Pharisêu, cũng như sự nồng nhiệt của quần chúng sau vụ hóa bánh ra nhiều (Ga 6,15). Nhưng chủ ý của Matthêu ở đây là muốn nói lên ý nghĩa thần học từ những địa danh này đó là: Dân Do Thái chối từ ơn cứu độ thì dân ngoại được hưởng.

– Điển hình là Chúa Giêsu đáp lại lời xin của một phụ nữ Canaan. Có một số điểm đáng để chúng ta lưu ý :

  1. Về thân phận của bà này: bà là một người bị xã hội Do Thái  khai trừ vì bà vừa là phụ nữ vừa là người ngoại.
  2. Về sự thử thách mà bà gặp phải: thân phận bị khai trừ, Chúa Giêsu lại làm ngơ trước lời bà xin, lại còn nói nặng lời ví bà là chó. Nhưng bà đã kiên trì vượt qua mọi thử thách ấy.
  3. Kết quả: Chúa Giêsu khen bà “có lòng tin mạnh” và còn nói “bà muốn sao thì được vậy”.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cao lòng tin của người đàn bà xứ Canaan, tức là một người ngoại giáo. Lúc sinh thời, Chúa Giêsu chỉ giảng cho người Do Thái: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc nhà Israel”. Khi sai các môn đệ đi, Chúa cũng giới hạn việc rao giảng của họ trong lãnh thổ Israel. Đó là lý do Chúa Giêsu không đáp lời van xin của bà ngay ban đầu. Ngài im lặng để tăng cường lòng tin của bà. Nhưng khi các môn đệ can thiệp “xin Thầy thương ban ơn để cho bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi” Chúa Giêsu trả lời: “không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con”. (Mt 15,26). Nhưng bà Canaan van nài: “vâng lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn chủ rơi xuống”. Thấy lòng tin khiêm tốn của bà, Chúa Giêsu đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật, bà muốn sao thì được như vậy”. Từ giờ đó, con gái bà được khỏi. (Mt 15,2)

Người đàn bà Canaan này có lẽ không biết nhiều về luật Môsê, nhưng đã sống niềm tin của mình một cách mãnh liệt. Lòng tin đó được thể hiện qua việc phó thác hoàn toàn vào quyền năng của Chúa Giêsu.

Trong cuộc hành trình đức tin, không ai là không gặp phải thử thách về đức tin. Nhiều khi gặp cuộc thử thách rất nặng nề. Nhưng là môn đệ của Chúa Giêsu chúng ta không được nản lòng thất vọng, nhưng hãy vững niềm tin, trông cậy phó thác trong tay Chúa. Bởi vì “lửa thử vàng, gian nan thử đức”“gió lung mới biết tùng bá cứng, có ngọn lửa lừng mới biết vàng thức cao”.

Trong hoàn cảnh mà cái nhìn của con người có thể cho là tuyệt vọng, người tín hữu hơn bao giờ hết được mời gọi nêu cao niềm tin của mình: tin vào sự hiện diện quyền năng của Thiên Chúa trong cuộc sống, tin vào tình yêu vô biên của Ngài, tin vào ý nghĩa của cuộc sống và tình người… chính trong niềm tin đó,  con người gặp gỡ Chúa Giêsu.

Trong một cuộc sống chỉ có nghi kỵ và hận thù, người tín hữu được mời gọi để đốt lên ngọn đuốc của yêu thương. Trong một xã hội bị gặm nhấm bởi chán nản tuyệt vọng, họ được mời gọi để mang lại niềm hy vọng, chỉ khi nào giữ đúng vai trò đó, người tín hữu mới thực sự xứng đáng với danh hiệu của mình.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một tâm hồn khiêm tốn như người đàn bà xứ Canaan này, để chúng con có thể đi trọn con đường Chúa muốn và phát triển thêm lòng tin của mình một cách vững mạnh hơn. Amen.

THỨ NĂM TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

Mt 16, 1319

PHÊRÔ TUYÊN XƯNG ĐỨC GIÊSU LÀ CON THIÊN CHÚA

Đoạn Tin Mừng này cho ta thấy ba mức độ hiểu biết về Chúa Giêsu:

  1. Mức độ của dân chúng: nói chung là chỉ biết Ngài như là một ngôn sứ thôi.
  2. Mức độ của các Tông đồ và của Phêrô: được ơn Chúa soi sáng, Phêrô hiểu Chúa Giêsu là Đức Kitô Con Thiên Chúa. Mặc dù ông Phêrô chưa hiểu biết hết ý nghĩa của lời mình nói, nhưng đây vẫn là một lời mạc khải của Thiên Chúa, mà Đức  Giêsu gọi là Cha của mình.
  3. Mức độ Chúa Giêsu đòi hỏi nơi người môn đệ: hiểu biết Chúa Giêsu cộng thêm sự từ bỏ và vác thập giá đi theo  Ngài.

Chúa Giêsu đã loan báo về cái chết của Ngài, đồng thời mời gọi các môn đệ Ngài cũng vác thập giá của mình để tiến bước theo Ngài. Theo Chúa Giêsu, đó là lời mời gọi cốt yếu của Kitô giáo. “lúc đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ… rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Ông Phêrô liền kéo riêng Ngài ra mà trách: “xin Thiên Chúa thương  đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”. Nhưng Chúa Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “đồ quỉ Satan, xéo đi cho khuất mắt Thầy! con cản lối Thầy, vì tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa”. Vì sự nghiệp, vì lý tưởng, người ta có thể hy sinh tất cả cuộc đời của mình, ngay cả mạng sống nữa; thế nhưng điểm chính yếu của Tin Mừng lại là một con người, đó là Chúa Giêsu Kitô. Đời sống người Kitô giáo chỉ có thể là đời sống, nếu nó được tiếp tục nuôi dưỡng bởi Chúa Giêsu Kitô như là nguồn mạch của sự sống.

Chúng ta ghi dấu thánh giá trên người chúng ta, chúng ta mang thánh giá trong người chúng ta, đó không là dấu hiệu của sự chết, nhưng là biểu  dương của một sức sống của Đấng đã chết, đã phục sinh và đang tác động trong chúng ta. Nói như thánh Phaolô; “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Chúa Kitô sống trong chúng ta để tiếp tục và hoàn tất công trình cứu rỗi của Ngài.

Sứ mệnh căn bản của mỗi Kitô hữu là họa lại dung nhan của Đức Kitô nơi cuộc sống và tâm hồn của mình. Để đạt được điều đó chúng ta phải gọt dũa, loại bỏ tất cả những gì là gồ ghề, thô nháp, những thói hư tật xấu và phải cầu xin để có một đức tin vững mạnh.

Hàng ngày chúng ta phải đối mặt với biết bao biến cố, biết bao vấn đề của cuộc sống: chúng ta có nhiều cách để khước từ thập giá khi không tiếp nhận cuộc sống như ân ban, bán đứng lương tâm vì chút lợi lộc vật chất, đóng kín niềm tin trong các buổi phụng vụ mà quên rằng sống đạo là sống niềm tin Kitô trong từng phút giây cuộc sống, là giãi sáng dung nhan Chúa qua mọi hành vi của đời sống con người.

Lạy Chúa, xin cho lời Chúa và sức sống của Chúa nâng đỡ chúng con, để giữa những đau khổ, thử thách của cuộc sống hiện tại, chúng con kiên vững và an vui.

THỨ SÁU TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

Mt 16,2428

ĐIỀU KIỆN ĐỂ THEO CHÚA  GIÊSU

– Sau khi quở trách Phêrô vì đã ngăn cản Ngài đi con đường thập giá, Chúa Giêsu nói thêm rằng con đường ấy là con đường mà bất cứ ai muốn làm môn đệ Ngài đều phải đi theo: “Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24)

– Khi giải thích ý nghĩa con đường thập giá ấy, Chúa Giêsu đưa ra một tuyên bố có tính cách nghịch lý kiểu Do Thái: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ được sống. (Mt 16,25)

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về những điều kiện để được làm môn đệ Ngài: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Từ bỏ mình, vác thập giá, và đi theo Chúa Giêsu. Cả ba kiểu nói đều đồng nghĩa với nhau, và đều nói lên cái cốt yếu của đời sống Kitô hữu. Đó là đón nhận khổ đau như chính Chúa Giêsu đã đón nhận cuộc khổ nạn và cái chết dành cho Ngài.

Chúa không ép chúng ta theo Ngài, Chúa không buộc chúng ta bỏ mình và vác thập giá. Ngài chỉ mời chúng ta thôi vì Ngài tôn trọng tự do của chúng ta. Nếu chúng ta muốn làm môn đệ Ngài thì hãy bỏ mình và vác thập giá mà theo Ngài.

Nhưng vì thương chúng ta, nên Ngài cho biết những sự lợi hại: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ được sống, và “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình thì được ích gì?”

Chúa không bảo chúng ta đi tìm thập giá, nhưng là hãy vác lấy thập giá mình. Một cách nào đó, không ai có thể thoát khỏi thập giá trong cuộc sống. Đau khổ không phải là một đầy đọa mà con người phải gánh chịu, mà là một phương thế nên thánh. Mỗi người một thập giá, mỗi ngày một thập giá. Ai trong chúng ta cũng đang chịu một đau khổ nào đó. Đau khổ sẽ thanh luyện chúng ta để mỗi lúc được kết hiệp với Chúa mật thiết hơn.

Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một thái độ mẫu mực, Ngài không bao giờ lý giải về nguồn gốc của đau khổ, nhưng Ngài đón lấy đau khổ và biến nó thành cội nguồn của yêu thương, thành biểu tượng của tình yêu. Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá, không phải để đề cao đau khổ, mà chính là để biểu lộ tình yêu tột đỉnh của Ngài. Như vậy, chính trong mầu nhiệm thập giá, chúng ta đón nhận khổ đau; chính trong mầu nhiệm thập giá Chúa Giêsu mà thái độ đón nhận đau khổ của chúng ta mang lấy ý nghĩa.

Bức tượng Mẹ Maria bồng xác Chúa Giêsu trên tay, do danh họa Michel-Angelo thực hiện và hiện được đặt tại đền thờ thánh Phêrô ở Roma, là một trong những kiệt tác về sự đau khổ. Mẹ ôm xác Chúa trong vòng tay Mẹ, không gì buồn thảm bằng, thế nhưng đó cũng là một trong những kiệt tác về yêu thương. Tất cả đều tùy thuộc vào thái độ của con người trước đau khổ. Con người có thể trốn chạy khổ đau, con người có thể suốt một đời phàn nàn về khổ đau. Nhưng con người cũng có thể biến khổ đau thành một hành động yêu thương; đó là thái độ của Chúa Giêsu và cũng phải là thái độ của tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài.

Chính lúc hủy mình ra không, Chúa Giêsu cho thấy Ngài là thế đó, là Thiên Chúa tình yêu. Ngài đã hủy mình vì tình yêu, tình yêu với Chúa Cha, và tình yêu với con người.

Lạy Chúa, xin dạy con hiểu được: chính lúc quên mình là lúc con gặp lại bản thân, chính lúc cho đi là con nhận lãnh, chính lúc chết đi là con được sống muôn đời.

 

THỨ BẢY TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

Mt 17,1419

CHÚA GIÊSU CHỮA ĐỨA TRẺ BỊ KINH PHONG

– Lúc Chúa Giêsu và ba môn đệ thân tín đang ở trên núi (biến cố biến hình) thì ở dưới núi, người ta đem đến cho các môn đệ một đứa trẻ bị quỉ ám mắc kinh phong, nhưng các ông không chữa được. Khi Chúa Giêsu trở lại, Ngài nói lý do thất bại là thiếu lòng tin.

Câu chuyện các môn đệ bất lực trước tình trạng đứa trẻ bị kinh phong do quỉ ám làm Chúa Giêsu liên tưởng đến thái độ của dân Israel nói chung:  Ngài chua xót phàn nàn vì họ cứng lòng đối với lời giảng và các phép lạ Ngài lam: “ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà!” hãy đem cháu lại đây cho Ta. Chúa Giêsu quát mắng tên quỉ, quỉ liền xuất, và đức trẻ khỏi ngay từ giờ đó.

Câu chuyện tập trung tất cả vào lòng tin. Lòng tin phải trọn vẹn, sâu xa, bao gồm cả sự tín nhiệm hoàn toàn vào Thiên Chúa. Phép lạ xẩy ra luôn đòi lòng tin. Và lòng tin là điều kiện để được cứu rỗi. Thánh Augustinô nói: “Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người”. Sở dĩ như vậy là vì Thiên Chúa dựng nên con người có tự do bao hàm sự lựa chọn tin nhận hoặc khước từ Thiên Chúa. Đức tin cần thiết cho con người, không những để được cứu rỗi, mà còn để biết vui tươi đón nhận những biến cố trong đời sống theo thánh ý Chúa.

Trong bất cứ phép lạ nào, Chúa Giêsu cũng đòi hỏi con người phải tin, hoặc chính đương sự hoặc cha mẹ hay người bảo trợ. Là  Đấng cứu thế, Chúa Giêsu yêu thương và muốn cứu chữa con người khỏi mọi bệnh tật; nhưng mỗi khi thực hiện phép lạ để chữa một người nào, Ngài cũng đòi phải có đức tin. Và để được cứu rỗi trong thời cứu độ viên mãn, đức tin còn cần thiết biết chừng nào !

Sở dĩ các môn đệ Chúa Giêsu thất bại trong việc chữa đứa trẻ bị kinh phong do quỉ ám, vì yếu lòng tin. Con người dễ mắc phải cám dỗ cậy vào sức riêng mình và do đó dễ gặp thất bại trong cuộc sống. Chính các môn đệ cũng không tránh khỏi cám dỗ đó. Chúa Giêsu muốn các ông nhận thức giới hạn của mình khi để các ông thất bại trong việc trừ quỉ câm. Trước đây, nhờ quyền năng Chúa, các ông đã xua trừ được nhiều quỉ. Có lẽ các ông đã bắt đầu quên điều đó, quên rằng mình chỉ là dụng cụ của Thiên Chúa. Bởi đó, sau khi để các ông nhận thức rõ sự thất bại của mình, Chúa giải thích cho các ông biết rằng để thành công, các ông cần có đức tin dù chỉ là đức tin nhỏ bé. Chúa Giêsu nói với các môn đệ : “nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì cũng có sức mạnh chuyển núi rời non, các con làm việc gì cũng được”. Đức tin làm cho chúng ta từ con người tội lỗi trở thành con cái Thiên Chúa; đức tin giúp cho những việc làm tầm thường trong đời sống trở thành có giá trị vĩnh cửu; đức tin cho chúng ta cái nhìn lạc quan tin tưởng vào mọi biến cố cuộc sống; đức tin giúp con người làm được những điều mà người không có đức tin không thể hiểu nổi: các thánh tử đạo can đảm chấp nhận cái chết đau thương, các thánh hiển tu đã từ bỏ tất cả để hoàn toàn sống theo Chúa.

Chúng ta hãy ghi nhớ lời tâm sự của thánh Phaolô: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng là sức mạnh của tôi”, vì “khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh”. Lạy Chúa xin thêm đức tin cho chúng con.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho