Phút lắng đọng Lời Chúa từ ngày 25.04 đến ngày 30.04.2022

0
24

Phút lắng đọng Lời Chúa từ ngày 25.04 đến ngày 30.04.2022

25.04.2022

THỨ HAI TUẦN II PHỤC SINH

Thánh Marcô, tác giả sách Tin mừng

Mc 16,15-20

Lời Chúa:

“Các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông,…” (Mc 16,20)

Câu chuyện minh họa:

Một cậu bé tình cờ bắt được một con chim bồ câu xinh đẹp. Cậu bé đặt con chim vào trong cái chuồng nhỏ bằng gỗ trên cây, trong khi cậu bé và mẹ ở trong một túp lều bên bờ sông. Mỗi buổi sáng, chim bồ câu đến đậu trên cửa sổ để được cậu bé tặng cho những mẩu bánh mì, hoặc mấy hạt bắp khô.

Một hôm, có chiếc thuyền lớn của dân du mục người Ả Rập, tấp vào bờ sông. Ông thuyền trưởng ra lệnh cho quân lính tha cho nhà hai mẹ con nghèo khổ, nhưng phải bắt cho được con chim bồ câu hiếm ấy. Họ bắt chim bỏ vào lồng rồi trẩy sang tận bờ biển bên kia. Ngày ngày, cậu bé khóc thương con chim yêu quý của nó. Mẹ nó dỗ dành hứa sẽ mua con chim khác nhưng cậu bé chỉ muốn lại được con chim bồ câu xinh đẹp của nó thôi.

Chim bồ câu được đem sang tận nước Thổ Nhĩ Kỳ và dâng tặng cho vua. Nhà vua vui mừng vì được con chim hiếm, và đặt chim vào trong cái chuồng thật lớn, ngay giữa khu vườn xinh đẹp phía trên một cái hồ; với đủ loại cá màu, lương thực dư thừa. Nhưng con chim lúc nào cũng ủ rũ dập cánh vào lồng muốn thoát vì nhớ ông chủ nhỏ bé của nó nơi phương trời xa. Cuối cùng, nhà vua động lòng thương mở cửa chuồng cho con chim được tự do bay đi. Lập tức, con chim cất cánh bay thẳng qua biển trở về đậu trên cửa sổ của cậu bé. Cậu bé nhận ra chim xinh đẹp của mình và lập tức mở cửa cho nó vào. Cậu bé ẵm chim trên tay, nâng niu âu yếm rồi chạy đến khoe với mẹ:

– Mẹ ơi, chim bồ câu của con đã trở về. Nhưng làm sao chim có thể định hướng trở về, và có thể bay qua biển xa như vậy?

Mẹ cậu vui mừng nói:

– Loài chim hiếm có này có cái la bàn trong trái tim nó.

Suy niệm:

Lời của Chúa Giêsu là chiếc la bàn dẫn người Kitô hữu trở về với Chúa, và hướng dẫn chúng ta đi đến chân lý. Nếu chúng ta yêu mến Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng tuân giữ Lời Chúa và làm chứng cho Chúa. Mẹ Maria đã luôn ghi nhớ và suy niệm Lời Chúa trong lòng. Lời Chúa trở thành nhịp đập của trái tim, thành hơi thở của Mẹ. Thật vậy, việc tuân giữ Lời Chúa không phải trên từng câu chữ nhưng thể hiện qua đời sống và việc làm của chúng ta. Khi những mảnh đời bất hạnh đang cần chúng ta giúp đỡ, chúng ta có đưa tay ra nâng đỡ họ không? Ánh mắt của những người bên vệ đường đang cần đến lòng thương xót của chúng ta, chúng ta có thể hiện lòng bác ái với họ không?

Lạy Chúa Giêsu, để tuân giữ lời Chúa, chúng con phải có lòng yêu mến Chúa nhiều. Xin cho chúng con biết đi sâu vào tình yêu của Chúa trong chiêm ngắm và cầu nguyện, để Lời Chúa đi vào cuộc đời chúng con như lương thực nuôi dưỡng đời sống chúng con mỗi ngày.

26.04.2022

THỨ BA TUẦN II PHỤC SINH

Ga 3,7b-15

Lời Chúa:

Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?”. (Ga 3,9)

Câu chuyện minh họa:

Một tập san Công giáo Hoa Kỳ có đăng câu chuyện sau: Có đôi vợ chồng nọ chung sống với nhau đã được ba mặt con. Người chồng cũng là người Công giáo nhưng chủ trương trong đời chỉ đến nhà thờ hai lần: dịp lễ cưới, và ngày chết. Bà vợ trái lại là một tín hữu ngoan đạo và luôn lưu tâm cầu nguyện cho chồng. Thế nhưng lời cầu nguyện của bà hầu như vô vọng khi chồng bà đi làm ăn nơi xa và sống trong sa đọa trụy lạc. Dù vậy, bà vẫn không quên cầu nguyện cho chồng. Một đêm kia, bà bỗng nhận được điện thoại của chồng: “Em yêu dấu, đây là lần đầu tiên anh đã quì gối cầu nguyện, không phải trong nhà thờ, mà ngay tại chốn ăn chơi. Các bạn anh cười nhạo vì tưởng anh đã hóa khùng. Có thể đúng, anh đang khùng, nhưng là khùng vì Chúa Kitô. Anh đã trở về với Ngài”.

Suy niệm:

Lòng tin vào Thiên Chúa của người đàn bà trong câu chuyện như một sự an ủi bà; và trong tình thế dường như không còn cứu vãn, thì lúc đó Chúa lại ra tay cứu bà. Một sự đáp trả thật bất ngờ. Dù trong đêm tối của đức tin, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi con người, có một ánh sáng dẫn đường đó chính là Chúa Giêsu. Như xưa Môsê treo con rắn đồng trong sa mạc để dân Chúa được chữa lành, thì nay Con Một Thiên Chúa cũng bị giương cao để mọi người được cứu thoát. Nhưng để được như thế, điều kiện căn bản phải có chính là niềm tin. Niềm tin là chiếc cầu đưa con người từ đất lên trời: niềm tin là ngọn đèn soi tỏ ý nghĩa của mọi sự vật và mọi biến cố xảy đến.

Lạy Chúa, xin Chúa thêm đức tin nơi mỗi người chúng con, để những việc Chúa muốn làm nơi chúng con được hoàn tất.

27.04.2022

THỨ TƯ TUẦN II PHỤC SINH

Ga 3,16-21

Lời Chúa:

“Kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa”. (Ga 3,21)

Câu chuyện minh họa:

Tại Florence thuộc nước Italia, có một ngôi đại giáo đường, được kiến trúc rất đặc biệt. Ngôi đại giáo đường này có một vòm cầu lớn. Trên vòm cầu này có một lỗ nhỏ được ghép kính.

Kiến trúc sư vẽ kiểu ngôi đại giáo đường này, đã khéo léo tính toán thế nào, để cứ đến ngày 21 tháng 6 hàng năm, ánh sáng mặt trời sẽ chiếu vào lỗ nhỏ kia, rồi dọi xuống một miếng bạc, được ghép ở dưới nền giáo đường.

Người ta chỉ cần nhìn vào ánh sáng chiếu xuống từ mặt trời, qua lỗ nhỏ trên vòm cầu kia, rồi dọi xuống nền giáo đường là biết được độ nghiêng của ngôi giáo đường để mà sửa chữa, vì ngôi đại giáo đường này được xây trên một khu vực mà trước đây là vùng xình lầy.

Suy niệm:

Chúa Giêsu chính là ánh sáng chiếu soi thế gian để soi rọi những lầm lạc của con người. Thế nhưng thế gian lại không tiếp nhận ánh sáng ấy. Cũng như ngôi đại giáo đường để cho ánh sáng của mặt trời dọi vào làm cho chúng ta nhận ra độ nghiêng của nó, thì ánh sáng Giêsu cũng dọi vào thế gian, làm cho người ta thấy được những khiếm khuyết, tội lỗi của thế gian. Đời sống của chúng ta cũng cần có những cái vòm như ngôi giáo đường này để ánh sáng Chúa soi rọi vào tâm hồn, giúp chúng ta hoàn thiện mình hơn.

Lạy Chúa là ánh sáng muôn ngàn đời, xin soi sáng cõi lòng con để con luôn bước đi trong đường ngay nẻo chính mà đến cùng Chúa.

28.04.2022

THỨ NĂM TUẦN II PHỤC SINH

Ga 3,31-36

Lời Chúa:

“Người làm chứng về những gì Người đã thấy, đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người.” (Ga 3,32)

Câu chuyện minh họa:

Có một ông nhà giàu kia. Ông có thú vui sưu tầm các bức danh họa trên thế giới. Những người đến thăm ông đều phải trầm trồ trước những bức tranh của Picassos mà ông đã không tiếc tiền mua chúng về treo. Ông có một đứa con trai duy nhất. Khi đến tuổi trưởng thành, chàng trai bị gọi nhập ngũ. Trong một trận chiến, anh đã anh dũng hy sinh khi cố gắng cứu mạng cho một đồng đội. Nhớ ơn anh, và biết người cha là một người thích tranh, người đồng đội được cứu sống đã vẽ lại bức tranh ghi lại hình ảnh hào hùng của người con để tặng cho người cha.

Một thời gian sau, người cha cũng qua đời và người ta bán đấu giá những tài sản của ông. Nhiều người từ khắp nơi trên thế giới tuốn đến mong có thể mua được những danh họa có một không hai.

Người trọng tài trong cuộc đấu giá bắt đầu bằng cách nói: “Chúng ta hãy khởi đầu từ bức tranh của người con”.

Một sự im lặng khó chịu bao trùm căn phòng đấu giá. Một tiếng nói cất lên: “Bỏ qua chuyện đó đi. Bức tranh đó do một tay hoạ sĩ nghiệp dư vẽ có đáng gì mà đấu giá. Đấu mấy bức của Picassos hay Rembrandts đi”.

Tuy nhiên, người trọng tài vẫn không nhượng bộ: “Không, chúng ta phải bắt đầu bằng bức tranh người con trước. Ai muốn lấy bức tranh của người con”.

Cuối cùng, một giọng nói cất lên từ cuối phòng: “Mười đồng”. Đó là tiếng người làm vườn già nua. Mười đồng là tất cả khả năng mà người làm vườn có thể trả nổi.

“Có người trả mười đồng. Có ai trả hơn không? Có ai trả hai mươi đồng không?”

Một sự im lặng nặng nề lại bao trùm, hy vọng bức tranh được bán cho mau để chuyển qua những món khác.

“Mười đồng lần thứ nhất. Mười đồng lần thứ hai. Mười đồng lần thứ ba. Bán”.

Người trọng tài gõ búa xuống. Ông xé một bao thư đi kèm với bức tranh. Đọc xong, ông tuyên bố với mọi người: “Cám ơn quý vị đã đến đây hôm nay. Cuộc đấu giá đã kết thúc”. Người trọng tài giải thích: “Nội dung bức thư của chủ nhân dặn rằng hễ ai mua bức tranh người con thì sẽ được tất cả tài sản, đất đai, tiền bạc và tất cả các bức tranh. Người cha đã muốn trao tặng tất cả cho những ai chấp nhận người con”.

Suy niệm:

Những khát vọng của con người không gì có thể lắp đầy được. Có những vị thánh đã đánh đổi cuộc đời để được Đức Kitô là tất cả, vì đối với họ chỉ có Đức Kitô mới có thể làm thỏa mãn những khát vọng.

Những người tham gia buổi đấu giá trên đây, nếu biết nội dung bức thư nói gì thì họ sẽ tìm mọi cách để giành cho được bức tranh ấy. Còn mỗi người chúng ta, biết rõ ý định của Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Kitô, chúng ta có dám đánh đổi tất cả để được Người không?

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin cho con mạnh dạn loan báo tình yêu Chúa, dấn thân phuc vụ những bàn chân rã rời kiệt sức, cứu vớt những thân phận heo hắt đang bị hất hủi bỏ rơi,… để qua đó, con làm chứng cho niềm tin của mình.

29.04.2022

THỨ SÁU TUẦN II PHỤC SINH

Thánh Catarina Siêna, trinh nữ, TSHT

Ga 6,1-15

Lời Chúa:

“Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.” (Ga 6,15)

Câu chuyện minh họa:

Vào một đêm không trăng, không sao, bóng điện đang hãnh diện tỏa ra thứ ánh sáng chói ngời.

Nó lia những tia sáng kiêu kỳ rạng rỡ đi khắp gian nhà. Chợt nó dừng lại ở góc bếp vì nhận thấy một vật gì nhỏ bé, đen đúa với khuôn mặt bám đầy mạng nhện đang đứng ở đó. Đó là Đèn Dầu. Bóng điện liền kênh kiệu hỏi: “Này tên kia, mi là ai thế, sao mi nhỏ bé, xấu xí hôi hám nữa? Mi nhìn ta đây này, vừa to lớn, vừa rực rỡ lại cực kỳ sang trọng. Ta thấy mi chướng mắt quá. Mi cút khỏi đây ngay!”

Đèn Dầu thản nhiên đáp lại: “Tôi biết mình nhỏ bé, bụi bặm, nhưng tôi không hèn mọn, không khoe khoang hống hách. Một ngày nào đó tôi sẽ cho anh thấy tôi là người hữu dụng, mọi người sẽ ưu ái tôi”.

Và một đêm kia, cũng lại là một đêm không trăng không sao nhưng cúp điện. Mọi người chẳng thấy Bóng điện đâu cả mà chỉ thấy một Đèn Dầu đang thầm lặng tỏa ra thứ ánh sáng cần thiết cho căn nhà nhỏ, tỏa ra những tia sáng tí tách reo ca. Bóng điện chết lặng trong bóng tối vì hổ thẹn, nó ngẫm ra rằng: Không ai hoàn hảo cả và cũng không nên lấy cái tốt của mình mà chế giễu cợt đùa phần chưa tốt của người khác. Cuộc đời này là những sự bù đắp diệu kỳ!

Suy niệm:

Chúa Giêsu lo lắng về vật chất cũng như tinh thần của con người. Ngài nhạy cảm với nhu cầu của con người. Để lắng nghe Ngài, họ cần phải no bụng. Đối với các môn đệ, đây cũng là bài học Ngài muốn các ông ngoài việc giảng dạy, các ông cần phải lo cho nhu cầu vật chất của dân Chúa nữa. Thế nhưng, Chúa cũng làm gương cho chúng ta, Người biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình. Trong thực tế, nhiều khi chúng ta cũng bị cuốn hút bởi những kết quả mình đạt được và vui thú với chúng, chúng ta quên đi mục đích chính của mình là phục vụ vì yêu thương.

Dưới ánh sáng của Chúa phục sinh, chúng ta hãy nhìn lại những việc bác ái của chúng ta, chúng ta làm với mục đích gì? Chúng ta có khiêm tốn như Thầy Chí thánh đã nêu gương chưa?

30.04.2022

THỨ BẢY TUẦN II PHỤC SINH

Ga 6,16-21

Lời Chúa:

“…Các ông hoảng sợ. Nhưng Người bảo các ông: “Thầy đây mà, đừng sợ!” (Ga 6,19-20)

Câu chuyện minh họa:

Khi nhà triết học Đức nổi tiếng Sô-pân-hau-ơ hấp hối, trong cơn đau đớn, người không tin vào Chúa này đã la lên:

– “Ôi, Chúa ơi!”

Vị bác sĩ hỏi:

– “Có chỗ của Chúa trong triết lý của ngài không?”

Triết gia trả lời:

– “Khi mà ông đau đớn, nếu không có Chúa, triết học chẳng tích sự gì cả!”

Suy niệm:

Trước nỗi sợ kinh hoàng, các ông đã nhận được lời an ủi từ Chúa Giêsu “Thầy đây mà, đừng sợ!” Một lời an ủi đúng lúc và cần thiết, đã làm xua tan nỗi sợ nơi các ông. Chắc hẳn qua nỗi sợ này, Chúa muốn các ông biết chạy đến với Chúa, nhận ra Ngài và ở lại với Ngài, vì Ngài luôn mở rộng cửa đón đợi từng người chúng ta, và luôn thấu hiểu tâm tư mỗi người.

Giữa những hoang mang của cuộc đời, tôi có biết kêu cầu Chúa chưa? Tôi có nhận ra Chúa trong mọi biến cố cuộc đời chưa?

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin hãy mở mắt tâm hồn con để luôn nhìn thấy Chúa đang đồng hành với con, để giữa những thăng trầm cuộc đời con luôn an tâm vì có Chúa ở cùng con.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho