Phút lắng đọng Lời Chúa từ ngày 17.10 đến ngày 22.10.2022

0
23

Phút lắng đọng Lời Chúa từ ngày 17.10 đến ngày 22.10.2022

17.10.2022

THỨ HAI TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

Thánh Ignatiôchia, giám mục, tử đạo

Lc 12,13-21

Lời Chúa:

“Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12,21)

Câu chuyện minh họa:

TOLSTOI kể rằng một bác nông dân kia tên là Pakhom rất thích có một mảnh đất làm tài sản riêng. Sau một thời gian làm lụng cực nhọc, anh ta rất mừng khi tậu được một mảnh đất rộng tới 40 mẫu tây. Nhưng rồi sau đó, anh lại muốn sở hữu một mảnh đất khác rộng hơn. Anh liền chịu khó làm lụng vất vả, rồi bán đi mảnh đất cũ, cộng thêm tiền để dành, và cuối cùng đã mua được một mảnh đất 80 mẫu tây. Nhưng anh vẫn chưa cảm thấy thoả mãn, muốn có một mảnh đất khác rộng hơn nữa. Có người mách bảo rằng ở vùng bên kia núi có một bộ lạc mà dân chúng sống rất đơn giản, họ có rất nhiều đất, ai muốn mua bao nhiêu cũng được. Ngay sáng hôm sau, anh nông dân liền đi sang vùng đất phía bên kia núi. Vị tù trưởng bộ lạc nói: “Anh chỉ cần đặt cọc trước 1000 rúp là có thể sở hữu được vùng đất mà anh đi vòng quanh được trong ngày hôm đó. Nhưng phải nhớ kỹ điều kiện này là phải xuất phát từ 6 giờ sáng và đến đúng 6 giờ chiều phải quay trở lại điểm đã xuất phát. Nếu về không kịp một giây thì không những anh sẽ không được gì mà còn mất trắng luôn số tiền đã đặt cọc 1000 rúp kia nữa !”

Đêm hôm đó anh nông dân cảm thấy thật sung sướng không sao ngủ được. Vừa rạng sáng anh đã có mặt để nhờ người đánh dấu điểm xuất phát rồi bắt đầu đi. Càng đi anh càng sung sướng khi nhìn thấy phần đất của mình mỗi lúc một rộng ra thêm. Anh cứ đi và đi mãi quên cả dừng lại dọc đường để nghỉ ngơi ăn uống. Khi thấy mặt trời bắt đầu xuống núi anh liền hốt hoảng quay trở về. Nhưng vì đã đi quá xa sợ về không kịp nên anh cắm đầu chạy. Khi chạy về tới điểm đã xuất phát thì anh bị ngã gục xuống. Vị tù trưởng đến chúc mừng: “Xin chia vui với anh. Từ trước tới nay tôi chưa gặp được người nào đi xa được như anh. Anh hãy nhận phần đất của anh”. Nhưng người nông dân kia đã không thể đứng dậy được nữa để nhận lấy phần đất của mình, vì anh đã chết!

Suy niệm:

Của cải, vật chất, tiện nghi đời này chỉ là tạm bợ, nó chỉ phục vụ cho lợi ích con người nhưng nó không đảm bảo hạnh phúc đời sau. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết sử dụng nó như phương tiện thì nó sẽ giúp chúng ta đem hạnh phúc cho người khác. Có một thứ mang lại hạnh phúc cho con người là hạnh phúc nơi Chúa, khi chúng ta biết chia sẻ, trao ban, yêu thương… Bởi vì tất cả những gì chúng ta có được là do Chúa ban. Chúng ta hãy nghe và thực hành lời Chúa đã phán dạy:“Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được” (Mt 6,20). Thật vậy, khi chúng ta cho đi là lúc chúng ta nhận lãnh.

Lạy Chúa, Chúa không bảo chúng con phải sống mà không có của cải, nhưng Chúa muốn chúng con không bám víu vào nó mà quên đi hạnh phúc mãi mãi là chính Chúa. Xin cho chúng con chỉ biết tìm kiếm Chúa trên hết mọi sự vì Ngài là hạnh phúc vĩnh cửu cho mọi tâm hồn.

18.10.2022

THỨ BA TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

Thánh Luca, tác giả sách Tin Mừng

Lc 10,1-9

Lời Chúa:

“Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.” (Lc 10,1)

Câu chuyện minh họa:

Cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều tiên trước đây là một cuộc chiến tranh tàn khốc. Một ngôi làng nhỏ rơi vào dưới làn đạn của trọng pháo. Trong làng có một ngôi nhà thờ Công giáo, bên ngoài nhà thờ có một bệ cao, bên trên có đặt một bức tượng Đức Kitô. Tuy nhiên, khi cuộc chiến tranh qua, rồi bức tượng đã biến mất. Bức tượng đã bị hất ra khỏi bệ vỡ ra từng mảnh trên mặt đất.

Một hôm lính Mỹ đã giúp vị linh mục thu thập những mảnh vụn. Một cách cẩn thận, họ đã ráp lại pho tượng. Họ tìm thấy tất cả các mảnh vỡ, trừ đôi bàn tay. Họ đề nghị khi trở về Mỹ họ sẽ đặt làm đôi bàn tay ấy. Nhưng vị linh mục đã từ chối. Ngài nói:

– Tôi có một ý tưởng hay hơn: Chúng ta hãy để pho tượng không có bàn tay. Và chúng ta sẽ ghi vào chân đế lời này: BẠN ƠI, BẠN HÃY CHO TÔI MƯỢN ĐÔI BÀN TAY CỦA BẠN” (Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật B, tr. 494).

Suy niệm:

Mỗi Kitô hữu chúng ta là bàn tay của Chúa để thi ân giáng phúc cho người khác. Những ơn lành chúng ta nhận được cũng là do Chúa ban, vì thế chúng ta cũng biết trao ban những ân huệ ấy.

Hôm nay Chúa sai 72 môn đệ ra đi để mang Tin mừng đến cho muôn người, cách nào đó chúng ta là những người được Chúa chọn gọi làm ngôn sứ của Chúa chứ không phải chỉ có 12 môn đệ mà thôi. Chúng ta có nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa bằng việc làm cụ thể, bằng gương lành, đời sống tốt lành, thánh thiện và bằng cả đời sống cầu nguyện nữa. Khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội là chúng ta mang nơi mình sứ mạng loan báo Tin mừng, giới thiệu Chúa cho người khác. Ngày nay việc nhận biết Chúa rất cần thiết và cấp bách vì còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa. Vì thế, mỗi người chúng ta tùy hoàn cảnh và tùy theo cách của mình mà có những hành động, việc làm cụ thể để loan báo Tin Mừng trong môi trường mình sống.

Lạy Chúa, loan báo Tin mừng là bổn phận của mỗi Kitô hữu chúng con, xin Chúa cho chúng con ý thức sứ mạng của mình mà thi hành sứ vụ cao cả của người môn đệ Chúa, để Tin mừng của Chúa được lan rộng khắp nơi.

19.10.2022

THỨ TƯ TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

Lc 12,39-48

Lời Chúa:

“Chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Lc 12,40)

Câu chuyện minh họa:

Danh họa Ý Leonard de Vinci có kể một dụ ngôn: Giữa một ngôi vườn xinh tươi, có một cây sồi cao, chung quanh là một rừng cây. Cây sồi ngày một lên cao ngạo nghễ. Một hôm, từ trên nhìn xuống, nó ra lệnh cho người làm vườn đốn những cây chung quanh, vì chúng làm vướng víu, quấy rầy và che bóng của nó. Và như thế, cây sồi loại hết mọi cây cỏ để chỉ còn một mình bá chủ ngôi vườn. Thế nhưng một ngày kia, một trận cuồng phong nổi lên, không còn cây cối chung quanh chống đỡ cho bớt gió, cây sồi ngã rạp giữa vườn và chết một cách thê thảm.

Suy niệm:

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức để chờ đón ngày Chúa đến. Vì ngày ấy bất ngờ, và không ai đoán được. Chính sự bất ngờ ấy mang lại niềm vui cho những người tỉnh thức. Tuy nhiên, ngày ấy trở nên bất hạnh đối với những ai không trung tín, không trung thành với sứ mạng của mình. Vậy, chúng ta tỉnh thức như thế nào? Đâu là thái độ sẵn sàng của chúng ta? Chúng ta cần sống niềm tin tưởng vào Chúa, trung thành với bổn phận, song song đó, chúng ta không thể tránh khỏi những thử thách, khó khăn trong đời sống đức tin. Vì thế, chúng ta cần đến ơn Chúa và lòng cậy trông, phó thác vào Chúa.

Lạy Chúa, một tâm hồn luôn tỉnh thức là tâm hồn luôn đón nhận thánh ý Chúa và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống. Xin cho mỗi Kitô hữu chúng con biết nhận ra thánh ý Chúa và thi hành trong vui tươi để mỗi sự việc xảy đến như một cơ hội để chúng con làm vinh danh Chúa.

20.10.2022

THỨ NĂM TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

Lc 12,49-53

Lời Chúa:

“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!.” (Lc 12,49)

Câu chuyện minh họa:

Một nữ tu đang phục vụ trong chương trình phát thanh bằng tiếng Đại Hàn, của đài phát thanh Chân Lý Á Châu, đã có lần cho biết, gia đình của chị là một gia đình chịu ảnh hưởng của Khổng Giáo một cách hết sức sâu đậm. Lòng hiếu thảo chi phối mọi quyết định và sinh hoạt của con cái trong gia đình.

Thế nhưng ngày kia niềm tin Kitô đã đến với người anh của chị. Điều này đã làm cho gia đình của chị xáo trộn. Người cha già của chị đã cực lực phản đối việc trở lại Công Giáo của người con trai duy nhất của ông.

Sự phản đối còn đi xa hơn nữa, khi ông ta được biết, người con trai của ông lại còn quyết định đi tu làm Linh Mục nữa. Như thế là gia đình ông không còn người nối dõi tông đường.

Nhưng chưa hết. Sau khi người anh của chị quyết định đi tu, thì lại đến lần chị, chị cũng trở lại Công Giáo và cũng xin đi tu.

Những điều này đã làm cho người cha của chị buồn phiền đến nỗi ông muốn từ hai đứa con của ông và ông đã căm thù đạo Công Giáo đến độ ông gọi Thiên Chúa của đạo Công Giáo là một ông thần xấu, vì đã cướp đi của ông hai người con.

Trước cảnh chia rẽ của gia đình như thế, chị và anh của chị, chỉ biết cầu nguyện để cho người cha của họ hiểu được lý do mà chị và anh chị trở lại Công Giáo. Và lời cầu xin của họ đã được Chúa nhận lời, vì  vào giờ phút chót của cuộc sống tại thế, chính người cha của họ đã xin trở lại.

Suy niệm:

Sự bình an mà Chúa đem đến cho chúng ta không phải là sự bình an của thế gian: sống trong sự an nhàn, thảnh thơi, không lo lắng… nhưng sự bình an của Chúa là sự chiến đấu cho một chọn lựa. Chúng ta chọn Chúa thì phải từ bỏ những gì không thuộc về Chúa. Và khi chúng ta chiến thắng, chính là lúc chúng ta được bình an vì một giá trị chúng ta đạt được trong sự chọn lựa ấy.

Chúa Giêsu là Vua bình an nhưng cuộc đời trần thế của Ngài đầy những sóng gió, và kết thúc cuộc đời bằng cái chết thê thảm trên thập giá. Vậy, chúng ta là môn đệ của Chúa, chúng ta chọn sự bình an theo cách của Chúa như thế nào? Chúng ta có tìm sự an nhàn, ẩn mình, tránh né những thử thách không, hay chúng ta phải trả cái giá đắc cho niềm tin của mình để rồi đạt được sự bình an vĩnh cửu nơi Thiên Chúa?

Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con luôn phó thác và tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa, để dù giữa cảnh đời đầy cam go thử thách, chúng con luôn cảm nhận được sự bình an vì có Chúa ở cùng.

21.10.2022

THỨ SÁU TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

Lc 12,54-59

Lời Chúa:

“…thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét.” (Lc 12,56)

Câu chuyện minh họa:

Tác giả nổi tiếng về giáo dục nhân cách là ông Norman Vincent Pearle, người Mỹ, có kể lại kinh nghiệm sau:

Một hôm, có một người đàn ông tìm đến với ông, vẻ mặt thiểu não, chán chường; người đàn ông cho biết ông ta không còn muốn sống nữa. Tác giả Norman Vincent Pearle mới đề nghị với kẻ chán đời một liều thuốc:

– Sáng mai, khi thức giấc, ông hãy tự nhủ đây là ngày cuối cùng, trong đời ông, ông hãy vươn vai và tự nhủ: đây là lần cuối cùng ta bước ra khỏi chăn êm nệm ấm; ông hãy đi chuẩn bị thức ăn sáng và nhớ rằng, đây là bữa điểm tâm cuối cùng. Ông hãy xin vợ ông chuẩn bị cho ông những món mà ông thích nhất; đừng đọc báo, như ông vẫn có thói quen khi ăn điểm tâm, nhưng ông hãy nói chuyện với vợ ông cứ như đó là lần cuối cùng trong đời; trên đường đi đến ga xe lửa, ông hãy đi chậm rãi và nhìn kỹ đến ngôi nhà của ông cũng như thành phố, hãy nhìn đến những người hàng xóm của ông lần cuối cùng. Ngồi trên xe lửa, ông hãy nghĩ đây là chuyến đi cuối cùng của ông, hãy nhìn những gì ông không ưa thích, bởi không bao lâu nữa, ông sẽ chẳng còn thấy lại những thứ ấy.

Người đàn ông lắng nghe những lời khuyên của tác giả Norman Vincent Pearle, ông hứa sẽ làm theo lời khuyên của tác giả và sẽ kể lại kết quả. Thế nhưng, ông không chờ đến ngày mai, ngay tức khắc ngồi trên chuyến xe lửa trở về nhà, thay vì đọc báo như thường lệ, ông ta nhìn qua cửa sổ, ánh sáng ban đêm của đô thị và cảnh vật ban đêm chung quanh tự nhiên thu hút ông, ông ta cảm thấy chuyến đi vô cùng lý thú. Ra khỏi xe lửa, ông đi chậm rãi để ngắm trăng và bầu trời trong sáng. Về đến nhà, thay vì dùng chìa khóa để mở cửa ra, người vợ đã từng sống với ông bao nhiêu năm qua xuất hiện trong một ánh sáng kỳ diệu và với một nụ cười khó tả; và kẻ đã từng chán đời kết luận: từ lúc đó, tôi quyết định phải sống và sống cho tới ngày Chúa còn cho tôi được sống.

Suy niệm:

Qua những dấu chỉ thiên nhiên, Chúa cho con người nhận biết những gì sắp xảy đến trong thiên nhiên. Cũng vậy, trong đời sống siêu nhiên, chúng ta cũng phải biết nhận ra thánh ý Chúa qua những biến cố trong đời sống hằng ngày, để qua đó chúng ta sống đức tin vững mạnh hơn. Muốn được như thế, chúng ta cần nuôi dưỡng đời sống đức tin, tập nhận ra thánh ý Chúa trong từng việc nhỏ hằng ngày để chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết canh tân đời sống tâm linh của chúng con theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để mọi việc chúng con làm đều đẹp ý Chúa.

22.10.2022

THỨ BẢY TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

Lc 13,1-9

Lời Chúa:

“nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” (Lc 13,5)

Câu chuyện minh họa:

Sau khi đánh tan một cuộc nổi loạn, nhà vua bắt những kẻ phản loạn về. Ông ra lệnh thắp lên một cây nến, rồi nói với họ: “Ai chịu đầu hàng và thề trung thành với ta thì sẽ được tha, bằng không sẽ bị giết Các ngươi hãy suy nghĩ. Khi cây nến tắt thì cuộc hành quyết sẽ bắt đầu”. Thiên Chúa cũng đối xử với tội nhân như vậy: Ngài cho họ một thời gian gia hạn. Tuy nhiên có một khác biệt quan trọng: không ai biết cây nến của đời mình còn dài hay ngắn.

Suy niệm:

Sám hối là việc làm mỗi ngày của mỗi Kitô hữu chúng ta, bởi chúng ta là những con người tội lỗi, cần ăn năn sám hối để được Chúa thứ tha. Việc sám hối luôn lấy Lời Chúa làm chuẩn mực chứ không phải dựa trên một người nào, đó là nền tảng của tình yêu, không loại trừ, không đố kỵ, không ghen ghét…

Chúng ta không dựa trên một sự kiện nào để kết tội một ai hay một tổ chức nào, nhưng chúng ta cần nhận ra tội lỗi của mình để sửa chữa và cầu xin Chúa thứ tha, đó là điều đẹp lòng Chúa nhất. Chúng ta ý thức rằng, sám hối thật lòng là hành động cụ thể, dứt khoát với tội lỗi chứ không phải là một lời kinh hay một lời cầu xin rồi sau đó trở về con đường cũ.

Chúng ta có thái độ nào trước những biến cố, những sự việc xấu đang xảy ra cho người khác cũng như cho bản thân mình?

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra những lỗi lầm của mình và mau mắn trở về với Chúa để được ơn tha thứ.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho