Phút lắng đọng Lời Chúa từ ngày 17.08 đến ngày 22.08.2020
17.08.2020
THỨ HAI TUẦN XX THƯỜNG NIÊN
Mt 19,16-22
Lời Chúa:
“Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. (Mt 19,21)
Câu chuyện minh hoạ:
Sapaco Hara là một cô gái công giáo người Nhật. Gia đình cô rất giầu có. Một ngày nọ, tình cờ cô đến thăm một làng ở ngoại ô thành phố Tokyo. Làng này đuợc gọi là LÀNG KIẾN. Sở dĩ có tên này là vì dân làng này là dân lao động nghèo, sống chen chúc nhau như bầy kiến. Trẻ em trong làng thì bẩn thỉu, lem luốc, ăn mặc rách rưới. Chúng lê la suốt ngày ở đầu làng cuối xóm mà không được ai săn sóc dạy dỗ cả.
Trước cảnh sống bần cùng của dân LÀNG KIẾN. Sapaco Hara nhận ra một tiếng gọi vang vọng tận đáy lòng cô. Mặc dù cha mẹ và bà con họ hàng hết sức khuyên nhủ, cản ngăn, nhưng Sapaco Hara cứ nhất định dọn đến sống trong một xóm của LÀNG KIẾN, để phục vụ dân làng trong công tác bác ái.
Sau 8 năm sống đời phục vụ và hy sinh tận tình, chịu đựng mọi đau khổ vì bị hiểu lầm, Sapaco mắc bệnh lao phổi và qua đời năm mới 28 tuổi.
Người ta cứ tưởng cuộc đời phục vụ ngắn ngủi của Sapaco là uổng công vô ích, thế nhưng sau cái chết của Sapaco, dân LÀNG KIẾN đã xin theo đạo hết.
Ông “xếp” của LÀNG KIẾN, người đã chống đối và gây nhiều khó khăn, làm cho Sapaco đau khổ nhất, sau đã sáng tác thơ và viết sách kể lại cuộc đời Sapaco. Một nhà đạo diễn Nhật, đã dựa vào những tài liệu này để dựng thành một cuốn phim về Sapaco. Phim có tựa đề là “Maria của LÀNG KIẾN”
Suy niệm:
Sapaco đã từ bỏ những gì mình có để phục vụ người dân lao động nghèo, có lẽ Sapaco đã sống điều Chúa nói với anh thanh niên: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Khi nói như thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta là những người theo Chúa, muốn nên trọn lành phải có thái độ tin yêu phó thác vào Chúa.
Chúa bảo người thanh niên bán tài sản đi không phải Ngài khinh thường của cải vật chất, nhưng Ngài muốn chúng ta không bám víu vật chất, không để vật chất trở nên chướng ngại cho chúng ta. Của cải tự bản chất nó không xấu, nhưng có xấu chăng là do cách mà chúng ta sử dụng nó. Nó trở nên xấu khi chúng ta sử dụng tiền của trong sự ích kỷ, nhưng nó tốt khi chúng ta quảng đại trao ban.
Lạy Chúa, bước theo Chúa thật là điều khó, thuộc về Chúa quả là thách đố cho chúng con, xin Chúa giúp chúng con không bám víu vào của cải vật chất để những gì chúng con trao ban trở nên bước tiến giúp chúng con đến gần Chúa hơn.
18.08.2020
THỨ BA TUẦN XX THƯỜNG NIÊN
Mt 19,23-30
Lời Chúa:
“….người giàu có khó vào Nước Trời” (Mt 19,23)
Câu chuyện minh hoạ:
Có một thuyền trưởng ghé tàu qua đảo hoang, bắt gặp một khối lượng nam châm rất lớn. Ông đem hết lên tàu để về làm giàu. Nhưng tàu bị lạc giữa biển không sao định hướng được, kim nam châm hải bàn lúc nào cũng chỉ về phía khoan tàu chứa khối nam châm. Cuối cùng lương thực thiếu, nhiên liệu cạn dần, người thuyền trưởng quyết định vứt bỏ khối nam châm để hải bàn có thể định hướng đúng mà cứu sống cả con tàu.
Suy niệm:
Sống trên đời ai cũng mong muốn mình được giàu có để cuộc sống được đầy đủ và nâng cao. Thế nhưng, tại sao Chúa Giêsu lại nói: “…người giàu khó vào Nước Trời”.
Người giàu ở đây không chỉ nói giàu về của cải vật chất mà còn là giàu về địa vị, tài năng, kiến thức…vv. Thật ra, tất cả những thứ ấy không phải là điều xấu, nhưng nó trở nên xấu khi con người biến những thứ ấy thành cứu cánh của đời mình và không còn xem trọng các giá trị của Nước Trời. Khi đó, họ luôn sống trong tình trạng đầy đủ, không cần đến ai giúp, cũng như không muốn giúp ai. Do đó, họ chỉ biết sống cho riêng mình và làm theo ý riêng dù nó đi ngược với Thánh ý của Chúa. Và như vậy, họ khó có thể vào Nước Trời.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dùng những của cải hay khả năng Chúa ban để làm sáng danh Chúa. Đồng thời, giúp chúng con ý thức rằng tất cả những gì con đang có đều do bởi Chúa, để đời con luôn nói lên lời tạ ơn Chúa và khiêm tốn trước Chúa. Amen.
19.08.2020
THỨ TƯ TUẦN XX THƯỜNG NIÊN
Mt 20,1-16a
Lời Chúa:
“Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người…” (Mt 20,1)
Câu chuyện minh hoạ:
Một hôm, trong khi Sêđôn đi xe lửa thì có người đến hỏi ông rằng: “Nếu Đức Chúa Trời là Đấng nhân từ, tại sao lại có thể cho người ta vào địa ngục?”
Ông Sêđôn nói:
“Tôi cũng xin hỏi ông điều này: Nếu Đức Chúa Trời là Đấng công bằng, tại sao lại có thể cho tội nhân vào thiên đàng?”
Suy niệm:
Theo ý nghĩa Kinh Thánh, vườn nho là nơi hạnh phúc, nơi mà Thiên Chúa không ngừng mời gọi chúng ta bước vào, như Chúa Giêsu mời gọi: “Hãy đi làm vườn nho của tôi…”
Chúa Giêsu chính là ông chủ vườn nho, Ngài mời gọi mọi người đi làm vườn nho cho Ngài vào các giờ: thứ 3, thứ 6, thứ 9 và thứ 11. Thế nhưng, tất cả đều được trả công bằng nhau là một đồng. Thấy thế, những người đi làm những giờ đầu cảm thấy ghen tỵ vì những người đến sau cũng được ông chủ trả công giống như họ, phải chăng ông chủ trả công không công bằng?
Thế nhưng, qua dụ ngôn “làm vườn nho” chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không chỉ công bình, vì Ngài đã trả công đúng như đã thoả thuận nhưng còn rất giàu lòng yêu thương (1Ga 4,16). Ngài yêu thương và quan tâm đến con người, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn. Hay nói đúng hơn, Thiên Chúa mong muốn tất cả mọi người đều làm việc trong vườn nho của Chúa, đều được hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Phần chúng ta, chúng ta theo Chúa không phải vì sự thoả thuận hay vì được trả công nhiều hay ít. Nhưng theo Chúa là vào làm vườn nho cho Chúa, là tin tưởng vào sự công bình và tình thương của Ngài. Để rồi trong đời sống chúng ta biết cố gắng hằng ngày làm việc cho vườn nho của Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con có cái nhìn yêu thương anh em như Chúa đã yêu thương con. Nhờ đó, con không có sự ghen tỵ vì sự thành công của người anh em mà cùng với anh em sống sự tín thác vào tình yêu của Chúa. Amen.
20.08.2020
THỨ NĂM TUẦN XX THƯỜNG NIÊN
Thánh Bernađô, viện phụ, TsHT
Mt 22,1-14
Lời Chúa:
“Gặp ai, anh em cũng mời hết vào tiệc cưới” (Mt 22,9)
Câu chuyện minh hoạ:
Ông Edward Douglass White, cựu chánh án tối cao pháp viện Hoa Kỳ từ năm 1910 đến 1921, là người Công giáo tốt. Mỗi sáng, ông đi dự lễ. Ông đi lễ chính xác đều đặn và đúng giờ đến nỗi những nhà hàng xóm đều biết chính xác giờ ông đi ngang nhà họ. Trong những ngày phải có những quyết định khó khăn nghiêm trọng, ông rước lễ và suy gẫm Lời Chúa. Ông nghĩ rằng ông cần Chúa giúp ông sự khôn ngoan phán đoán hơn là nghiên cứu qua sách vở và luận lý của con người. Ông cầu nguyện và xin ơn Chúa.
Suy niệm:
Ông Edward Douglass White đã sống lời mời gọi của Chúa: dự tiệc cưới mà Người đã dành sẵn cho những ai yêu mến Người. Ông khiêm tốn đến với Chúa để nhận sự khôn ngoan của Chúa trong công việc hơn là nghiên cứu sách vở.
Trong dụ ngôn “vua làm tiệc cưới cho hoàng tử”, những kẻ được mời thì viện đủ lý do để từ chối không đến dự tiệc: kẻ thì thăm trại, người thì đi buôn, thậm chí có kẻ lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. Khi biết thế, nhà vua rất tức giận, tru diệt bọn sát nhân và thiêu huỷ thành phố của chúng.
Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh này để nói lên thái độ của người Do Thái khước từ lời rao giảng về ơn cứu độ và mầu nhiệm Nước Trời.
Qua Lời Chúa ngày hôm nay, cũng là lời cảnh báo cho thái độ sống của mỗi người chúng ta. Trong Thánh lễ, Chúa đã dọn sẵn cho chúng ta bàn tiệc là Lời Chúa và Thánh Thể. Ngài đã mời gọi mỗi người chúng ta hãy đến để nhận ơn lành của Chúa, để được hưởng ơn cứu độ của Ngài. Thế mà nhiều lúc chúng ta lại khước từ.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con có lòng yêu mến Chúa thật sự, giúp con năng đến với bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Để có Chúa luôn hiện diện trong đời con, mang lại sức mạnh giúp con vượt thắng được mọi thử thách của cuộc sống. Nhờ đó, con mới có thể đem Chúa đến với những ai con gặp gỡ. Amen.
21.08.2020
THỨ SÁU TUẦN XX THƯỜNG NIÊN
Thánh Piô X, giáo hoàng
Mt 22,34-40
Lời Chúa:
“Thưa Thầy, trong sách luật Môsê, điều nào là điều răn trọng nhất?” (Mt 22,36)
Câu chuyện minh hoạ:
Ngày xưa có một hoàng tử trẻ sống trong lâu đài tráng lệ. Vào một đêm mùa đông, một bà lão ăn xin lỡ đường, muốn trọ qua đêm, đã bị hoàng tử từ chối. Chẳng may, bà lão lại là một bà phù thủy. Để phạt tội hoàng tử không có lòng thương người, bà đã biến chàng thành một con mãnh thú, hình tượng xấu xí và hung dữ. Trước khi ra đi, bà cho con mãnh thú một lời hứa sẽ biến trở lại thành hoàng tử nếu có ai thực sự yêu thương mãnh thú.
Trong ngôi làng gần chỗ con mãnh thú ở, có một thiếu nữ xinh đẹp tên là Belle. Cô mồ côi mẹ, sống với cha già. Cha già con mọn bị đám thợ săn thường xuyên quấy phá. Một ngày nọ, cha cô vào rừng săn thú, đi lạc vào lâu đài, bị mãnh thú bắt giữ. Nhờ con ngựa khôn ngoan đã dẫn cô tìm được cha. Vì thương cha, cô chấp nhận đổi mạng, ở lại sống với con mãnh thú để người cha được tự do ra về.
Về đến nhà, người cha đã kết hợp với bọn thợ săn tìm cách giết con mãnh thú để cứu con gái. Trong khi đó cô gái bắt đầu quen thân, trò chuyện và đem lòng yêu mến mãnh thú, tuy rất đau khổ phải xa cách người cha. Còn mãnh thú vì yêu thương cô gái, không nỡ để cô sống trong đau khổ, nên đã đồng ý thả cô về nhà với cha. Chiến trận ác liệt đã xảy ra giữa bọn thợ săn và con mãnh thú. Đang khi giao chiến với bọn thợ săn, mãnh thú bị thương nặng. Sau khi về thăm cha già, cô gái thương nhớ con mãnh thú và quyết định trở lại tiếp cứu. Cô đến đúng khi mãnh thú bị thương, đang quằn quại trong đau đớn. Cô năn nỉ: “Không! Xin đừng chết! Mãnh thú ơi ta yêu mi!” Rồi cô ôm hôn lên mặt mãnh thú. Nhờ nụ hôn yêu thương đó, mãnh thú biến trở lại thành một hoàng tử khôi ngô tuấn tú như trước. Đó là câu chuyện tình đẹp đẽ được tóm lược trong cuốn phim hoạt hình “The Beauty and the Beast”, “Mãnh Thú và Giai Nhân”
Suy niệm:
Sống trên đời con người rất cần tình thương, tình thương có sức biến đổi con người và có thể giúp con người giải quyết những khó khăn. Vì con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa là tình yêu, nên con người luôn khao khát và tìm kiếm tình yêu. Có nhiều cách để thể hiện tình yêu, có khi là cả một sự từ bỏ, hy sinh, cho đi chính bản thân mình… Đó là tình yêu mà Chúa Giêsu muốn nói đến. Ngài đã thực hiện điều đó khi từ bỏ ngai vàng mà xuống thế đến với con người, sống trong một gia đình nghèo khó. Ngài đến để giải thoát con người khỏi vũng lầy tội lỗi, khỏi những trói buộc của lề luật, giúp con người nhận ra lòng thương xót của Chúa Cha…
Lạy Chúa, xin cho con biết làm vinh danh Chúa bằng cách sống triệt để điều răn quan trọng mà Chúa đòi hỏi nơi mỗi người chúng con là mến Chúa và yêu thương anh em mình.
22.08.2020
THỨ BẢY TUẦN XX THƯỜNG NIÊN
Đức Maria Nữ Vương
Lc 1,26-38
Lời Chúa:
Đức Maria nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”. (Lc 1,28)
Câu chuyện minh hoạ:
Đọc Tam Quốc Chí, ai cũng mến mộ Trương Lương, một trong những vị tướng tài ba của Lưu Bang. Thuở nhỏ, Trương Lương đi dạo chơi ngoài bờ sông. Thấy một ông lão ăn mặc rách rưới nằm ngủ trên cầu. Ông lão ngủ say làm rơi một chiếc dép xuống sông. Thấy Trương Lương, ông sai bảo: Thằng bé, nhặt chiếc dép cho ta. Trương Lương vui vẻ xuống sông nhặt chiếc dép kính cẩn đưa lại cho cụ già. Cụ cầm lấy. không một lời cám ơn. Loay hoay xỏ mãi không vào, cụ đánh rơi chiếc dép một lần nữa. Cụ lại quát bảo Trương Lương: Thằng bé, xuống nhặt dép cho ta. Trương Lương vẫn vui vẻ giúp cụ. Lần thứ ba cũng thế. Thấy vậy, ông lão khen: Thằng bé này dạy được đây. Thì ra cụ là một cao nhân lỗi lạc. Và cụ nhận Trương Lương làm học trò, truyền dạy binh pháp cho ông. Nhờ thế, Trương Lương trở nên một danh tướng văn võ song toàn, đã giúp cho Lưu Bang dựng nên nghiệp đế vương.
Suy niệm:
Trương Lương trở nên một danh tướng văn võ song toàn chắc hẳn một phần là nhờ sự khiêm nhường phục vụ của ông.
Mừng kính tước hiệu Đức Maria Nữ Vương hôm nay, chúng ta thấy nơi Mẹ toát lên một sự khiêm hạ. Vào thời Đức Mẹ, ai cũng mong được làm mẹ Đấng Cứu thế, nhưng chỉ có Mẹ là người phụ nữ được chọn, dẫu biết rằng đó là ơn nhưng không của Chúa và cũng do lòng khiêm tốn của Mẹ. Mẹ khiêm nhường xưng mình là tỳ nữ thấp hèn của Chúa khi sứ thần báo tin Mẹ là Mẹ Đấng Cứu thế. Và vì khiêm nhường nên Mẹ để cho Chúa thực hiện chương trình riêng của Chúa nơi Mẹ dù rằng Mẹ chưa hiểu hết thánh ý Người, và hoàn toàn vâng phục ý Chúa. Khi Mẹ được sứ thần loan tin, Mẹ đã từ bỏ chương trình của riêng mình để Chúa hành động theo ý Chúa vì Mẹ biết rằng chương trình của Chúa vô cùng tốt đẹp, và thánh ý Chúa là tuyệt đối. Và nhờ sự khiêm nhường, nên Mẹ đã đón nhận ân sủng Chúa cách dồi dào, nhất là đón nhận chính Ngôi Hai Thiên Chúa.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy chúng con biết khiêm nhường như Mẹ để được đón nhận dồi sào ân sủng Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho