Phút lắng đọng Lời Chúa từ ngày 16.08 đến ngày 21.08.2021

0
15

Phút lắng đọng Lời Chúa từ ngày 16.08 đến ngày 21.08.2021

16.08.2021

THỨ HAI TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

Mt 19,16-22

Lời Chúa:

“Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không?” (Mt 19,20)

Câu chuyện minh họa:

Một trong những tác phẩm nổi tiếng của Leonardo da Vinci phải là bức tranh bữa Tiệc ly của Chúa Giêsu. Trong đó nhân vật chính là Chúa Giêsu được vây quanh bởi 12 Tông đồ.

Khi đem bức tranh ra triển lãm, Leonardo da Vinci đã kín đáo đứng trong góc phòng, để quan sát cách thưởng thức tranh của quan khách. Ông ngạc nhiên vô cùng khi thấy điểm thu hút trong bức tranh không phải là gương mặt Chúa Giêsu, mà là một cánh hoa nhỏ mà ông đã vẽ trong góc của bức tranh theo thói quen của thời đại đó. Leonardo nhận thức được tức khắc rằng: mình đã phạm một lỗi lầm rất lớn, đó là đã thêm vào một cánh hoa đẹp, để lôi kéo sự chú ý ra khỏi trọng tâm của bức tranh.

Ý thức được như thế, cho nên khi quan khách đã ra về, Leonardo da Vinci dùng cọ để bôi cánh hoa trong góc của bức tranh. Ngày hôm sau, ông cảm thấy sung sướng vô cùng, khi tất cả mọi con mắt quan khách đều gắn chặt vào gương mặt của Đấng Cứu Thế.

Suy niệm:

Đôi khi trong cuộc sống chúng ta chú tâm đến cái phụ còn cái trọng tâm thì chúng ta đã bỏ qua nó. Bức tranh mà Leonardo da Vinci đã vẽ, đáng lẽ ra mọi người phải chú ý đến điểm chính là gương mặt của Chúa Giêsu, còn đây người ta chỉ nhìn vào bông hoa nhỏ bên góc hình. Cũng vậy, chúng ta muốn tìm kiếm chân lý, nhưng khi gặp chân lý rồi chúng ta lại không chấp nhận nó mà lại đi tìm những gì phàm trần mà chúng ta cho là chân lý.

Người thanh niên trong câu chuyện Tin mừng hôm nay là một người tốt, anh nhận thấy sự khôn ngoan nơi Đức Giêsu nên muốn gặp Ngài. Nhưng khi gặp Ngài, của cải đã chiếm hết tâm hồn anh, anh không thể tìm kiếm điều quý giá. Anh ta thiết nghĩ chỉ tuân giữ những gì cha ông truyền lại là đủ rồi. Nhưng Đức Giêsu muốn anh đi xa hơn nữa, là đón nhận sự sống đời đời, đó là nghe và thi hành Lời Chúa. Thật ra, của cải tự nó không là tội, nhưng khi người ta quá bám víu vào nó, thì nó trở thành vật cản ta đến với Chúa. Chúa không đòi hỏi chúng ta sống không có của cải, nhưng không bám víu vào nó, biết chia sẻ với anh chị em mình, mở rộng tương giao với anh chị em mình… thì Nước Trời sẽ gần chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho con biết nhận ra nơi Chúa là chân lý mà con tìm kiếm, để không có gì ngăn cản và xâm chiếm được. Có như thế, con mới có được kho tàng mà Chúa dành sẵn cho con trên trời.

17.08.2021

THỨ BA TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

Mt 19,23-30

Lời Chúa:

Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Người giàu có khó vào Nước Trời… con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. (Mt 19,23-24)

Câu chuyện minh họa:

Người ta kể một câu truyện có tính cách ngụ ngôn như thế này:

Ngày kia có một bác nhà quê nghèo, nhưng rất đạo đức qua đời. Người này được dẫn đến trước cửa vào Thiên Đàng cùng với một người giầu có. Cả hai đứng chờ để được Thánh Phêrô ra mở cửa cho vào Thiên đàng. Chờ một lúc thì họ thấy Thánh Phêro cầm chùm chìa khóa đi ra. Mở cửa, Thánh Phêrô thấy có hai người. Không hỏi han một lời nào, Ngài dơ tay mời người giầu có vào rồi đóng cửa lại, còn người nghèo thì ở lại bên ngoài vì hình như là Thánh Phêrô không thấy.

Từ bên ngoài cửa, bác nhà quê kia nghe thấy tiếng đàn tiếng hát và muôn âm thanh kỳ diệu nổi lên. Lúc đó bác nhà quê kia nghĩ, thì ra Thiên Đàng đang hân hoan đón tiếp người giầu.

Khi tiếng đàn, tiếng hát chấm dứt, Thánh Phêrô lại đi ra cửa, tay cầm chùm chìa khóa. Lần này Ngài mở cửa mời bác nhà quê vào. Bác nhà quê vẫn cứ mẩm bụng rằng, chắc đến lần mình, Thiên Đàng cũng sẽ nhộn nhịp lắm. Thế nhưng ngạc nhiên thay, bác không nghe thấy tiếng đàn tiếng hát chi cả, mặc dù các Thiên Thần đón tiếp bác rất nồng hậu. Lúc bấy giờ bác nhà quê mới khiếu nại với Thánh Phêrô là taị sao ở trên Thiên Đàng mà còn có sự phân biệt giầu nghèo như thế ? Thánh Phêrô mói giải thích như sau :

– Con ơi, không phải như con nghĩ đâu. Ở đây ai cũng quí mến con, qua việc đón tiếp con thì con đã biết đó. Con sẽ đựơc hưởng mọi sự giầu sang như người giầu có đã vào trước con. Kìa con hãy nhìn xem, những người nghèo như con là bao nhiêu, trong khi đó họa hiếm lắm mới có một người giầu. Người giầu hồi nãy là người mà Thiên Đàng đã đợi chờ bao nhiêu năm rồi đó. Chính vì thế mà vừa rồi con mới thấy cả Thiên Đàng đã mở tiệc mừng.

Suy niệm:

Lời Chúa Giêsu nói: “Người giàu có khó vào Nước Trời”, vậy thì trong Nước Trời lại không có người giàu sao? Chúa không chê trách người giàu, không chê trách của cải nhưng Ngài chỉ chê trách thái độ không biết cho đi, ích kỷ đối với người đồng loại, và tìm mọi cách để chiếm cho được của cải mà quên đi người khác… Nói như thế, không phải Nước Trời chỉ gồm những người nghèo khó. Nếu nghèo mà chúng ta làm điều sai trái, để cái nghèo làm khỏa lấp tiếng nói lương tâm, chà đạp lẫn nhau thì cái nghèo này không phải là cái nghèo Chúa muốn nói đến. Người nghèo mà Chúa muốn nói ở đây là lòng trong sạch, quảng đại, khiêm tốn, và hướng đến Thiên Chúa. Vì thế, đừng để cho lòng chúng ta ham mê tiền bạc, của cải vật chất, để chúng ta không bị kéo trì và bị những ràng buộc của cải vật chất lôi kéo chúng ta đến chỗ nguy hiểm.

Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức rằng những của cải, tiền tài, danh vọng, và những sự gì con có đều là do Chúa ban, để con biết trao ban cho anh chị em con; và xin cho con biết ý thức mình nghèo để khiêm tốn nhận lãnh, và dù nghèo chúng con vẫn giữ được lòng trong sạch.

18.08.2021

THỨ TƯ TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

Mt 20,1-16a

Lời Chúa:

“Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn…”. (Mt 20,13).

Câu chuyện minh họa:

Tại các thành phố hiện nay, cơn sốt về nhà đất mỗi ngày một gia tăng. Một mảnh đất hôm qua chẳng có giá trị gì, thế mà hôm nay có thể trở thành tài sản lớn.

Có một bác nông dân sống ở ven đô, bác nhẩm tính trong đầu rằng: Theo thời giá, miếng đất của bác có thể bán được hai mươi cây vàng. Nhưng rồi có người đến trả cho bác những hai mươi lăm cây. Bác mừng rỡ bán vội.

Liền sau đó, người bên cạnh bán miếng đất chỉ bằng nửa miếng đất của bác mà cũng được hai mươi lăm cây. Bác tiếc ngẩn tiếc ngơ và lên tiếng cự lại người mua hai miếng đất ấy. Và người mua đã trả lời bác:

– Này bác, bộ tôi phỉnh gạt bác à. Bác đã chẳng thỏa thuận với tôi hai mươi lăm cây sao? Hay là bác ganh tị vì tôi đã rộng lượng.

Suy niệm:

Thường khi chúng ta hay so đo với những người có phúc, may mắn, giàu có… hơn mình. Khi chúng ta làm như thế là chúng ta phạm phải sai lầm là xét đoán người khác theo kiểu thế gian. Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta biết chấp nhận cuộc sống của mình. Chúa không xét chúng ta theo một tiêu chuẩn nào hết, Ngài chỉ xét nơi mỗi người chúng ta về hành vi chúng ta thuộc về Chúa đến đâu, tình yêu của Chúa đối với chúng ta tới mức độ nào.

Thiên Chúa luôn đối xử công bằng với mỗi chúng ta, và mong muốn mỗi người được ơn cứu độ. Hình ảnh ông chủ ra chợ tìm người làm vườn là hình ảnh Thiên Chúa luôn đi tìm kiếm chúng ta mỗi ngày, mỗi giờ…, đó là một Thiên Chúa luôn yêu thương con người. Vì thế, không ai có quyền ganh tị hay so đo với người khác, vì mỗi người đều được Chúa mời gọi, kẻ trước người sau.

Lạy Chúa, xin cho con thấy hạnh phúc với những gì con đang có, và biết mở rộng vòng tay đón nhận những anh chị em kém may mắn hơn con, để họ cũng được hạnh phúc.

19.08.2021

THỨ NĂM TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

Mt 22,1-14

Lời Chúa:

“Này bạn, làm sao bạn vào đây mà không có y phục lễ cưới?”. (Mt 22,12).

Câu chuyện minh họa:

          Có người đã tưởng tượng ra thiêng đàng và hỏa ngục như hai bàn tiệc. Bàn tiệc dưới hỏa ngục cũng mâm cỗ đầy, thế nhưng khách dự tiệc thì ngồi ủ rũ buồn thiu, bởi vì mỗi người cầm một đôi đũa dài đến độ thức ăn gắp được nhưng không thể đưa vào miệng. Bàn tiệc trên thiêng đàng thì cũng y hệt, nhưng khác một điều: thay vì gắp thức ăn cho vào miệng mình, thì người ta lại gắp thức ăn đưa vào miệng cho người đối diện. Thế là vui vẻ cả vì ai cũng được ăn no nê.

Suy niệm:

Thiên Đàng và hỏa ngục khác nhau ở chỗ tình yêu thương mà chúng ta đối xử với nhau. Chiếc áo cưới mà Chúa muốn nói đến ở đây là chiếc áo của tình yêu thương, sự tốt lành, thánh thiện. Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được lãnh nhận chiếc áo trắng và chủ tế nhắc nhở chúng ta hãy giữ chiếc áo ấy cho tới khi ra trước tòa Chúa. Nghĩa là chúng ta luôn luôn hoán cải, làm mới lại con người chúng ta để chiếc áo ấy được tinh tuyền. Chiếc áo cưới mà Chúa muốn chúng ta mặc trong ngày phán xét là chiếc áo của sự thánh thiện, vì trong cuộc sống trần gian này Chúa luôn cho chúng ta có cơ hội để thay đổi, và trở nên tốt hơn. Nên khi được hỏi: “này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới? Người ấy câm miệng không nói được gì”.

Mỗi ngày Chúa dọn cho chúng ta bàn tiệc Thánh Thể và Lời Chúa, Ngài mời gọi chúng ta đến với bàn tiệc ấy để được dưỡng nuôi, nhưng chúng ta đã tìm lý do để chối từ. Kẻ thì đi thăm trại: mải lo làm ăn, tìm kiếm của cải vật chất mà quên đi sự sống đời đời; Người thì đi buôn: tìm kiếm lợi lộc trần gian, danh vọng, thú vui mà không lo bổn phận làm con Chúa; còn kẻ khác thì bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết: là những người bách hại Giáo hội.

Tuy những người được mời không đến dự nhưng Chúa vẫn kêu gọi những người lương dân, không phân biệt tốt xấu đến dự. Như thế, Chúa luôn bày tỏ lòng thương xót và nhân từ của Ngài đối với tất cả mọi người. Chúa vẫn kiên trì muốn mọi người hoán cải và được hưởng ơn cứu độ.

Lạy Chúa, xin làm mới lại trong con mỗi ngày, để ngày phán xét con không phải câm miệng vì không mặc y phục lễ cưới mà Chúa đã trao cho con trong ngày con lãnh nhận Bí tích Rửa Tội.

20.08.2021

THỨ SÁU TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

Thánh Bernarđô, viện phụ, TSHT

Mt 22,34-40

Lời Chúa:

“Thưa Thầy, trong sách luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”. (Mt 22,36).

Câu chuyện minh họa:

Trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo, nhiều người đã bỏ thế gian, trở thành những thầy dòng khổ tu, sống hãm mình khắc khổ trong sa mạc. Một dịp mùa chay nọ, một nhóm thầy dòng cùng với Đức Viện phụ Maisen quyết định ăn chay tuần lễ thánh. Tuy nhiên, vào khoảng giữa tuần, một vài thầy dòng ở một tu viện khác đến thăm chòi của Đức Viện phụ Maisen. Thấy họ đói, Đức Viện phụ thương hại và nấu cho họ chút đồ ăn, và để cho họ khỏi nghĩ ngợi, Đức Viện phụ cũng dùng chút ít.

Trong khi đó, các thầy dòng khác thấy khói bốc lên từ chòi của Đức Viện phụ. Điều đó chỉ có nghĩa là Đức Viện phụ đã nấu đồ ăn. Nói một cách khác, ngài đã vi phạm luật giữ chay. Họ sửng sốt và thương hại cho sự yếu đuối của Đức Viện phụ.

Họ đến chất vấn ngài. Đức Viện phụ bước ra khỏi chòi và hỏi: “Tôi đã phạm tội gì mà các thầy nhìn tôi một cách khủng khiếp quá như vậy?”. Họ trả lời: “Đức Viện phụ đã vi phạm luật chay mà chúng ta tình nguyện giữ vì yêu Chúa Kitô tử giá”. Đức Viện phụ đáp: “Phải, tôi đã vi phạm luật giữ chay. Tôi đã không giữ luật của con người, nhưng trong khi chia sẻ đồ ăn với những thầy dòng nầy, tôi đã giữ luật của Thiên Chúa. Các thầy không nghĩ là Chúa Giêsu cũng làm như vậy sao? Các thầy ạ, các thầy đã xé tin mừng của Chúa ra làm hai. Có hai giới răn trọng, chứ không phải chỉ có một. Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, và yêu tha nhân như chính mình. Chúng ta không vào sa mạc để xa tránh nhân loại và để sống một mình với Chúa. Chúng ta đến đây để tìm kiếm tha nhân và yêu thương họ trong Thiên Chúa”. Các thầy dòng ra về khiêm nhường và khôn ngoan hơn.

Suy niệm:

Thói thường chúng ta giữ đạo vì yêu mến Chúa mà quên đi những người xung quanh chúng ta. Và ngược lại, chúng ta chỉ chú trọng đến con người mà không lo bổn phận với Chúa.

Mến Chúa xem ra dễ thực hành, còn yêu người có vẻ hơi khó. Vì thể hiện lòng mến Chúa bằng việc đọc kinh, cầu nguyện, dự lễ… Còn yêu người thì làm sao được khi họ là người làm phiền lòng ta, gây phiền phức cho ta, thù nghịch với ta… Đó chỉ là những suy nghĩ theo lẽ thường tình, nhưng Chúa muốn chúng ta vượt lên trên những lẽ thường tình đó, để đạt đến mức độ yêu thương đúng mực. Nghĩa là chúng ta phải yêu người thân cận như chính bản thân mình, yêu thương kẻ thù và những người xúc phạm đến ta. Điều này thật khó khi chúng ta không yêu mến Chúa thật sự.

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi tha nhân, để cùng với anh chị em con nắm tay nhau, làm thành một vòng tròn yêu thương và Chúa là tâm điểm.

21.08.2021

THỨ BẢY TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

Thánh Piô X, giáo hoàng

Mt 23,1-12

Lời Chúa:

“Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.” (Mt 23,11).

Câu chuyện minh họa:

Bác Sĩ Loyar, một y sĩ trẻ làm việc tại bệnh viện Gemelli đã kể lại việc ra đời của nhóm tự nguyện phục vụ, một nhóm đã cộng tác với công việc của Mẹ Têrêsa Calcutta như sau:

Tất cả đều bắt đầu từ lúc Mẹ Têrêsa Calcutta bước vào bệnh viện Gemelli để nhận văn bằng danh dự y khoa mà bệnh viện đã quyết định trao cho Mẹ.

 Hôm đó Mẹ Têrêsa hướng về chúng tôi và nói: “Xin quí vị phục vụ sự sống luôn. Nếu có khi nào gặp một phụ nữ phân vân lưỡng lự, không biết chọn việc giữ lấy đứa con mình hay là phá thai, thì xin  quí vị đừng bỏ người ấy trong niềm cô đơn, nhưng hãy nhớ rằng, dòng Thừa Sai Bác Ái có một nhà dành riêng cho các bà Mẹ độc thân. Nhà này luôn sẵn sàng đón nhận những bà mẹ gặp những hoàn cảnh khó khăn.”

Câu nói đơn sơ của Mẹ Têrêsa đã đánh động tâm hồn tôi. Tôi suy nghĩ nhiều về những lời này. Vài ngày sau, tôi gặp một nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái đưa hai phụ nữ da đen đến xin khám nghiệm tại bệnh viện Gemelli. Thế là tôi tự nguyện lãnh nhận công việc ấy.

Kể từ hôm đó, tôi trở thành một trong những nhân viên của nhóm tự nguyện phục vụ, cộng tác với công việc của Mẹ Têrêsa. Ngày nay nhóm tự nguyện phục vụ này gồm một ê-kíp chuyên viên, có các bác sĩ sản khoa, các trợ tá xã hội. Ngoài ra còn có một số các cặp vợ chồng đến để phụ giúp các chị em nữ tu, trong công việc phục vụ mỗi ngày.

Một nhà sinh vật học trong nhóm đã nói rằng: “Lúc đầu, tôi tưởng tôi đến đây để phục vụ, để cho đi một cái gì đó. Nhưng bây giờ thì tôi nhận thức rõ ràng được rằng, những gì mà tôi cho đi khi phục vu, chỉ là một giọt nước trong đại dương mênh mông của những gì mà tôi lãnh nhận được. Mỗi khi ra về, tôi có cảm tưởng như con tim tôi tràn đầy tình thương hơn. Tâm hồn tôi trở nên thênh thang hơn là khi tôi mới bước vào phục vụ”.

Suy niệm:

Chính trong việc phục vụ, chúng ta nhận được niềm vui và hạnh phúc, nơi đó chúng ta khám phá ra điều này, không phải khi chúng ta phục vụ là chúng ta cho đi nhưng là lúc chúng ta nhận lãnh.

Khi xuống thế làm người Chúa đã đến trong thái độ phục vụ chứ không đến như một vị vua ngự trên ngai tòa. Ngài đã đến sống với con người, với nỗi khổ cực của một gia đình thiếu thốn, cảm thông với những bệnh hoạn tật nguyền của con người, và đem người tội lỗi trở về với Cha… Chính trong đời sống gương mẫu ấy, Ngài dạy mỗi người chúng ta đừng dùng những lời nói suông như những kinh sư “họ nói mà không làm”. Vì những lời nói dù có hay mấy đi nữa, mà người giảng dạy không sống được như vậy, thì chẳng mang lại kết quả gì.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn mang nơi mình tinh thần phục vụ, để mỗi ngày con trở nên giống Chúa và trở nên hoàn thiện bản thân mình hơn.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho