Lòng Biết Ơn- Suy niệm Chúa Nhật XXVIII Thường niên C

0
62

Lòng Biết Ơn

Đọc Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, tôi cảm thấy thật buồn về thái độ vô ơn của chín người được ơn. Trong số mười người phong hủi được Chúa Giêsu chữa lành, chỉ có một người quay trở lại để tạ ơn. Mười người được ơn, chỉ có một người biết ơn. Tỷ lệ một phần mười. Một tỷ lệ quá thấp. Như vậy, kẻ vô ơn thì thật nhiều, còn người biết ơn có lẽ thật ít. Người biết ơn ấy lại là người ngoại đạo!

Chúa Giêsu hỏi người ngoại giáo: “Không phải tất cả mười người đều được lành sạch cả sao ? còn chín người kia đâu ? không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này ?”. Chúa Giêsu buồn không phải vì bị phụ ơn mà vì trong số mười người chỉ có một người hiểu biết tình trạng thiêng liêng của mình trước mặt Thiên Chúa.

Trong cuốn sách “Nói với chính mình”, Đức Cha Bùi Tuần có viết: Tôi rất thích chó vì chó biết ơn. Dầu chỉ nhận được một cục xương, chó cũng tỏ vẻ biết ơn. Chủ đi đâu về, chó cũng vẫy đuôi mừng rỡ. Trong khi đó, con người vô ơn lại là chuyện bình thường.

Ở đời, người vô ơn, bạc nghĩa và phản phúc được ví von như kẻ “Ăn cháo đái bát” hay nói cách chua chát “Cứu vật, vật trả ân. Cứu nhân, nhân trả oán”. Vô ơn chẳng làm cho người ban ơn thiệt thòi mà chỉ làm cho tâm hồn kẻ chịu ơn thêm chật hẹp. Đúng như John Hery Jowett đã viết: “Sống vô ơn là một cuộc đời trống vắng tình yêu và không cảm xúc. Có hy vọng mà không có tri ân là sự thiếu hụt của một nhận thức tinh tế. Lòng tin mà thiếu niềm tri ân là một lòng tin không có nghị lực. Tất cả những nhân đức bị tách biệt khỏi lòng biết ơn đều trở nên tàn tật khập khiễng trên con đường thiêng liêng”.

Báo “Kiến Thức Ngày Nay” kể câu chuyện. Có hai người cùng đi gặp Thượng đế để xin vào thiên đàng. Thấy họ đói lả, Thượng đế cho mỗi người một suất cơm. Một người nhận suất cơm, cảm động lắm, cứ cám ơn rối rít. Còn người kia nhận phần ăn mà không hề động lòng, cứ làm như Thượng đế có bổn phận phải cho anh ta. Sau đó, Thượng đế chỉ cho người nói “cám ơn” lên thiên đàng. Còn người kia bị từ chối. Kẻ bị từ chối đứng ngoài cổng tỏ vẻ bực tức:  Chẳng lẽ chỉ vì tôi quên nói hai chữ “cám ơn” sao?

Thượng đế trả lời: Không phải ngươi quên đâu, mà chỉ vì ngươi không có lòng biết ơn, nên chẳng nói ra được hai chữ cám ơn. Kẻ không biết cám ơn, thì chẳng biết yêu thương người khác, và cũng chẳng được người khác yêu thương.

Anh ta vẫn một mực cãi lại: Chỉ vì hai chữ “cám ơn” mà số phận chênh lệch đến thế ư?

Thượng đế lại đáp :Biết làm sao được. Bởi vì đường lên thiên đàng được trải bằng lòng biết ơn và cửa vào thiên đàng chỉ có chìa khóa cám ơn mới mở được mà thôi. Còn xuống địa ngục thì khỏi cần.

Nhân gian cần cám ơn. Thiên đàng cũng cần cám ơn. Khi nghèo túng cần cám ơn. Giàu có rồi cũng cần cám ơn. Trong cảnh khó khăn cần cám ơn. Và ngay cả Thượng đế cũng cần cám ơn. Mất nước, đất đai sẽ biến thành sa mạc. Trần gian nếu không có tâm tình và hai tiếng “cám ơn” sẽ trở nên khô cằn sỏi đá, còn đáng sợ hơn cả sa mạc cát nóng nữa.

  • Lời cám ơn, hoa tươi đẹp điểm tô cuộc sống.

Ngạn ngữ Pháp nói: “Lòng biết ơn là trí nhớ của trái tim”. Lời cám ơn là bông hoa tươi đẹp tô điểm cho cuộc đời. Ngạn ngữ Anh nói: “Cho người có lòng biết ơn là cho vay”. Mỗi cử chỉ yêu thương được ghi dấu bằng lời cám ơn càng làm phong phú tình người.

Người biết nói tiếng cám ơn được đánh giá là người văn hoá, văn minh.Văn hóa cám ơn được thể hiện trong xã hội văn minh. Mọi người luôn nói cám ơn mỗi khi được người khác giúp đỡ. Hai tiếng cám ơn làm ấm lòng người nghe. Hai tiếng cám ơn làm tăng thêm giá trị của người nói.

Chúa Giêsu xem trọng lòng biết ơn cũng là vì ích lợi của kẻ được ơn mà thôi. Người Samari trở lại tạ ơn Chúa đã ban cho anh ơn phần xác. Chúa lại ban thêm cho anh ơn phần hồn nữa: “Ðứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh“. Như thế, cám ơn lại là cơ hội để nhận được thêm ơn. Bài đọc 1 kể chuyện, sau khi được tiên tri Êlisê chữa khỏi bệnh cùi, tướng Naaman người xứ Syria đã trở lại để tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa. Từ đó, ông nhận được niềm tin vào Ngài.

Sống trên đời này mọi người cần biết ơn nhau. Biết ơn là thái độ cần thiết cần phải có đối với người ban ơn. Trong cuộc sống, tiếng “cám ơn”, “xin lỗi” luôn có sẵn trên môi miệng những người có giáo dục, lịch sự, lễ độ. Lòng biết ơn, tiếng cám ơn phát xuất từ tấm lòng chân thành luôn làm vui lòng mọi người. Chính lòng biết ơn Thiên Chúa, biết ơn cha mẹ là nền tảng cho mọi thứ biết ơn khác.

– Có hai thứ chịu ơn: vật chất và tinh thần.

Vật chất thì có thể tính bằng con số, đo lường bằng mức độ như một cây vàng, một ngàn đồng, một sào đất… Tất cả những thứ ấy đều có thể trả được.

Chịu ơn về tinh thần thì khó định nghĩa rõ ràng để trả ơn. Khi một người thất vọng, chán chường, cô đơn, đau khổ, bệnh tật… nếu có được một chút lửa ấm tình thương nâng đỡ sẻ chia, giúp cho người đó ra khỏi đêm tối, tìm lại ánh sáng, niềm vui, bình an, hy vọng, thì lòng biết ơn đó là mãi mãi.Kẻ nghĩ rằng trả ơn là xong, không cần biết ơn nữa, đó là một tâm hồn nghèo nàn.

Thật là dễ nếu cảm ơn những điều tốt đẹp. Nhưng cuộc sống bao giờ cũng tạo cơ hội mới cho mọi người cảm ơn cả những thứ chưa hoàn hảo nữa. Trong Bài đọc II, Thánh Phaolô cho chúng ta thấy, mặc dầu bị thử thách giam cầm tù tội, nhưng thánh nhân vẫn ca tụng Thiên Chúa và trung kiên với Ngài.

Suốt cuộc đời, mỗi con người đều mang ơn nhiều vô kể. Bắt đầu mầm sống trong lòng mẹ, nơi ngôi nhà ấm cúng, thầm kín đầu tiên đó, tôi được mẹ lấy máu thịt nuôi dưỡng lớn lên từng ngày. Tôi vào đời với tiếng khóc như biểu tượng sự bé bỏng yếu đuối và cần đến mọi người. Rồi tôi lớn lên nhờ dòng sữa mẹ, công dưỡng dục của cha, nhờ bao người giáo dục hướng dẫn. Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy. Vào đời, tôi cần tình yêu, cần tình bạn, cần thông cảm. Cuộc đời được dệt nên bằng những ơn nghĩa nối tiếp nhau. Sự sống là ân ban cao cả nhất, thiêng liêng nhất mà tôi được đón nhận từ Thiên Chúa. Ngài tạo thành tôi và còn ban Con Một của Ngài chịu chết thập giá để cứu chuộc và ban cho tôi Sự Sống Mới.

– Tạ ơn Thiên Chúa

Nói đến trả ơn, chỉ có thể trả ơn người, chứ không bao giờ trả ơn Chúa được. Hôm nay tôi nghèo, có người giúp tôi. Thời gian sau, có thể khá hơn tôi có dịp trả ơn. Nhưng với Chúa thì bao giờ tôi cũng nghèo, cũng túng thiếu. Chúa chẳng cần gì để tôi có thể trả ơn, vì mọi sự đều đến từ Chúa. Tôi chỉ có thể biết ơn Ngài bằng thái độ yêu quý những gì Ngài ban tặng. Tặng vật lớn nhất là sự sống và ơn gọi làm con của Ngài. Bởi đó phải yêu quý sự sống của mình, yêu bản thân mình, yêu con người và yêu cuộc đời. Ghét bỏ chính mình, không yêu người là sự vô ơn đối với người ban tặng. Mọi sự đều đến từ Thiên Chúa. Ngài sắp xếp hoà điệu để con người tham gia vào chương trình đón nhận ân sủng Ngài trao tặng. Những gì tôi đón nhận từ tha nhân cũng là ơn Chúa, nên lòng biết ơn đối với tha nhân cũng chính là lòng biết ơn đối với Chúa. Thánh Phaolô khẳng định rằng: “Tôi có là gì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1Cr 15,10), và Thánh nhân nhắc nhở rằng:“Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh” (1Cr 4,7) và ngài mời gọi: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” (1Tx 5,18). Bản thân ngài luôn nêu gương: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Ðức Giêsu Kitô” (1Cr 1,4). Đức Maria được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ đã tạ ơn bằng cuộc viếng thăm bà Êlizabeth, rồi Mẹ cất cao bài ca Magnificat để cảm tạ Chúa Cha đã đoái thương nhìn tới phận hèn tớ nữ: “Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều kỳ diệu” (Lc 1,49).

Mỗi sáng khi vừa thứa dậy, tâm tình đầu tiên là tôi Cám Ơn Chúa, dâng một ngày mới cho Chúa. Cùng cộng đoàn hiệp dâng Thánh Lễ chung lời Tạ Ơn Chúa, một ngày mới tràn đầy bình an và ơn thánh.

Tạ ơn để đón nhận thêm ơn lành cho cuộc sống, lời Kinh Tiền Tụng số IV trong Sách Lễ Rôma: “Thật ra, Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Chúa lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời“.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn sống tâm tình biết ơn, biết ơn Chúa, biết ơn mọi người để cuộc đời chúng con là bài ca tri ân tình thương của Chúa.Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An