KHỔ HẠNH MÙA CHAY, HÀNH TRÌNH ĐỒNG NGHỊ
SUY NIỆM THỨ TƯ LỄ TRO
(Mt 6, 1-6. 16-18)
Lễ Tro, khai mạc Mùa Chay Thánh, mùa hồng ân, như Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Mùa Chay là thời gian ân sủng khi chúng ta lắng nghe Chúa Giêsu, Đấng nói với chúng ta bằng Lời Chúa và qua anh em, nhất là qua những khuôn mặt và qua câu chuyện của những người cần ‘trợ giúp’ (x.PHANXICÔ, Sứ điệp Mùa Chay, 2023).
Khi mỗi người chúng ta lên nhận tro, cùng lúc đó sẽ nghe được một trong hai câu Lời Chúa : Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng, hoặc: Ta là thân cát bụi sẽ trở về cát bụi (SLRM). Đây là Lời Chúa nói với chúng ta qua Giáo hội.
Vẫn biết rằng: Ăn chay, Cầu nguyện và bố thí là ba việc cần phải làm trong Mùa Chay, vì nó diễn tả ba chiều kích, ba mối tương quan giữa đương sự với Thiên Chúa và với anh em. Tương quan với Thiên Chúa là cầu nguyện, với tha nhân là bố thí và với chính mình là ăn chay. Ba tương quan này đồng hành với nhau và thể hiện cùng một lúc trong đời sống thường nhật của người kitô hữu.
Với tựa đề “Khổ hạnh Mùa Chay, hành trình đồng nghị”. Đức Thánh Cha muốn gửi đến cộng đoàn dân Chúa nội dung của Sứ điệp Mùa Chay năm 2023 hàm chứa “một yếu tố bác ái”, nghĩa là, hướng việc cầu nguyện và ăn chay của các tín hữu theo hướng tốt đẹp hơn của thế giới”. Hay nói theo kiểu Thánh Phaolô VI, giáo hoàng là “theo chiều hướng phát triển con người toàn diện”.
Lấy cảm hứng từ các tường thuật của Tin Mừng Nhất Lãm về “Sự Biến Hình của Chúa Giêsu”, Đức Thánh Cha khai triển một suy tư về “mối quan hệ tồn tại giữa sự khổ hạnh của Mùa Chay và kinh nghiệm đồng nghị”. Nghĩa là con đường khổ hạnh của Mùa Chay, cũng như con đường đồng nghị, cả hai đều có mục tiêu là sự biến hình, cá nhân và giáo hội. Một sự biến đổi, trong cả hai trường hợp, tìm thấy khuôn mẫu của nó nơi Chúa Giêsu và được thực hiện nhờ ân sủng của mầu nhiệm vượt qua của Người”, đó là tâm điểm của Sứ điệp Mùa Chay năm 2023.
Để chứng kiến cảnh Chúa Biến Hình, các môn đệ phải lên núi. Chúng ta cũng thế, bước vào Mùa Chay Thánh, hãy bắt đầu một cuộc hành trình vươn lên hay lên núi, mà cuộc hành trình nào cũng đòi hỏi nỗ lực, hy sinh. Đức Thánh Cha giải thích: “Tiến trình đồng nghị cũng có vẻ ‘thường gian khổ’ và người ta có thể ‘nản lòng’ khi bước đi với những người mà Chúa đã đặt bên cạnh chúng ta như những người bạn đồng hành” (x. PHANXICÔ, Sứ điệp Mùa Chay, 2023). Lên tới đỉnh núi, Ba Tông Đồ chứng kiến sự Biến hình của Chúa Kitô, bức tranh toàn cảnh này sẽ giúp chúng ta “hiểu rõ hơn về ý muốn của Thiên Chúa và sứ mệnh của chúng ta là phục vụ Vương quốc của Người”. Đức Phanxicô khuyến khích: “Đối với Mùa Chay năm nay và hành trình đồng nghị này, để “đi lên với Chúa Giêsu và cùng với Người đến đích”, chúng ta hãy lắng nghe “Người nói trong phụng vụ” và “anh chị em trong Giáo hội “.
Bằng các bài tập tâm linh mà Thánh Inhaxiô thành Loyola gọi là “sự sắp xếp của địa điểm”. Đức Thánh Cha khuyên chúng ta: “Đối với bất kỳ chuyến du ngoạn khó khăn nào trên núi, điều cần thiết là trong khi đi lên phải giữ cái nhìn chăm chú vào con đường; nhưng bức tranh toàn cảnh mở ra ở phần cuối gây bất ngờ và phần thưởng cho điều kỳ diệu của nó” . Cảnh ba môn đệ theo Chúa lên núi chứng kiến Chúa hiển dung. Vẻ đẹp thần linh của thị kiến này khiến các môn đệ quên đi cả mệt mỏi khi leo lên núi Tabor(x. PHANXICÔ, Sứ điệp Mùa Chay, 2023). Tình tiết này khiến chúng ta nghĩ đến công sức lao động của tất cả những người đau khổ và sống cuộc đời của họ như một quá trình đi lên cực kỳ khó khăn. Và chúng ta có thể tự hỏi phải chăng chính sự thờ ơ của chúng ta đã khiến cuộc hành trình của họ trở nên khó khăn hơn.
Tính đồng nghị là nỗ lực để trở thành một: nó giống như một chặng đường dài đi lên. Đức Thánh Cha viết: “Tiến trình thượng hội đồng cũng thường có vẻ khó khăn và đôi khi chúng ta có thể nản lòng. Nhưng điều chờ đợi chúng ta ở cuối chắc chắn là một điều kỳ diệu và đáng ngạc nhiên, điều này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ý muốn của Thiên Chúa và sứ mệnh của chúng ta trong việc phụng sự Nước của Ngài”. (x. PHANXICÔ, Sứ điệp Mùa Chay, 2023).
Sự thay đổi não trạng, hoán cải và đặc tính cộng đồng của đời sống con người là cần thiết. Truyền giáo là bác ái, đặt ra câu hỏi về một tổ chức của thế giới và của Giáo hội dường như bất biến, nhưng đang thay đổi, bởi vì nó xuất phát từ các quyết định, từ tự do. Lời Chúa vẫn văng vẳng bên tai chúng ta : “Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van” (Joel 2,12).
Xin Chúa Thánh Thần nâng đỡ những quyết tâm của chúng ta trong suốt hành trình của Mùa Chay Thánh này cho nên. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ