Có ông phú hộ giàu có kia đến thăm người tá điền nghèo khó của mình. Khi đến nhà người tá điền, ông phú hộ thấy người tá điền cũng vừa ngồi vào bàn ăn và đang cầu nguyện tạ ơn Chúa vì những ơn lành Ngài ban. Ông phú hộ nói một cách mỉa mai : “Nếu Chúa ban cho tôi một bữa ăn tồi tệ như thế này thì tôi chẳng tạ ơn Ngài làm gì !”.
Nghe thế, người tá điền nói : “Tôi thật mừng vì còn gặp được ông hôm nay, bởi vì đêm qua tôi nằm mơ thấy người giàu có nhất làng này sẽ qua đời nội trong đêm nay”. Nghe điều đó, ông phú hộ rất lo lắng vì ngoài ông ra, còn ai là người giàu có nhất làng này nữa ?
Lập tức, ông phú hộ cho mời thầy thuốc đến khám bệnh cho ông. Nhưng thầy thuốc cho biết : ông hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy thế, đêm hôm đó, ông phú hộ vẫn trằn trọc không ngủ được vì lo âu và sợ hãi. Đến nửa đêm, có tiếng gõ cửa phòng ông phú hộ. Ông ra mở cửa thì gặp một gia nhân báo tin : “Thưa ông, người tá điền của chúng ta vừa qua đời đột ngột vì bệnh tim”. Nghe thế, ông phú hộ thở phào nhẹ nhõm vì thần chết chưa gõ cửa nhà ông.
Tuy nhiên, ngay lúc ấy, ông phú hộ chợt nghĩ ra : người giàu có nhất làng này không phải là ông ta, mà chính là người tá điền của ông ta.
Câu truyện trên nêu ra cho chúng ta câu hỏi : trên đời này, ai là người giầu có đích thực và ai là người nghèo khó thật sự ? Ông phú hộ nhiều tiền lắm bạc, nhưng lại là người nghèo khó vì những gì ông đang chiếm hữu sẽ tàn lụi và qua đi. Trái lại, người tá điền kia mới chính là người giàu có vì ông sở hữu được “kho báu trên trời” như nội dung Tin Mừng theo thánh Marcô vừa cho chúng ta biết.
Hôm nay, chúng ta được mời gọi để biết khôn ngoan phân biệt đâu là sự giàu có đích thực, đâu là sự nghèo khó thật sự để chúng ta chọn lựa và quyết tâm tìm kiếm.
Có một điều còn thiếu
Bài Tin Mừng hôm nay kể câu truyện người thanh niên tốt lành tìm đến với Chúa Giêsu để xin Ngài chỉ dạy cho biết làm thế nào để đạt được sự sống đời đời. Đó là một người thanh niên “tốt lành”, nhưng chưa phải là “trọn lành”. Anh “tốt lành” vì anh đã tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa ngay từ thuở nhỏ. Tuy nhiên, anh chưa “trọn lành” vì anh còn thiếu một điều, một điều thật đơn giản, nhưng cũng thật khó thực hiện. Chúa Giêsu phán với người thanh niên : “Ngươi chỉ còn thiếu một điều là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Trước thách đố gay go đó, người thanh niên đành thua cuộc : “Anh sụ nét mặt, buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều của cải”.
Người thanh niên kia là người giàu có, nhưng anh đã không đủ khôn ngoan để nhận ra được sự giàu có của anh ta chỉ là hư ảo và mau qua. Chúa Giêsu đã chỉ cho anh thấy con đường khôn ngoan để tìm thấy kho báu vĩnh cửu trên trời. Đó mới là sự giàu có đích thực. Nhưng con đường để đến với kho tàng vĩnh cửu đó chính là con đường từ bỏ. Nghĩa là muốn “mua” được kho báu vĩnh cửu, phải “bán” tất cả gia tài trần thế và chia sẻ cho kẻ nghèo khó. Quả thật, đó là một thách thức lớn lao cho những ai muốn đi theo Chúa. Cái“điều còn thiếu” tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là một thử thách khó vượt qua nếu người ta không có một sự chọn lựa can đảm và dứt khoát.
Trong mầu nhiệm cứu chuộc, Chúa Giêsu là vị Thiên Chúa vô cùng giàu có đã trở thành nghèo khó để cho con người vốn nghèo khó lại trở nên giàu có. Ngài trở thành nghèo khó khi đi vào con đường từ bỏ và nhất là, trở thành nghèo khó đến tận cùng khi từ bỏ cả mạng sống để cứu chuộc muôn người.
Con đường từ bỏ đó cũng đang mở ra để mời gọi chúng ta tiếp bước. Dĩ nhiên, Chúa không đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ của cải, tiền bạc hay những vật chất thiết thân trong cuộc sống. Nhưng Ngài muốn chúng ta hãy từ bỏ những gì đang làm cản trở bước chân chúng ta theo Chúa, những gì đang trói buộc chúng ta khiến chúng ta không thể vươn lên đến sự sống đời đời.
Hãy “bán” đi những tư tưởng xấu, hãy “bán” đi những đam mê nhục dục, hãy “bán” đi những tham vọng điên cuồng, để “mua” lấy kho báu vĩnh cửu trên trời. Nhất là chúng ta hãy biết “bán” đi sự tham lam ích kỷ để quảng đại chia sẻ cho những anh chị em nghèo khó. Lúc ấy, chúng ta mới thực sự là người giàu có đúng nghĩa nhất.
Nghèo khó theo tinh thần Phúc Âm
Khi người thanh niên giàu có quay lưng bỏ đi, Chúa Giêsu đã đưa ra một nhận định : “Những người giàu có vào Nước Thiên Chúa khó biết bao”. Và Chúa giải thích rõ hơn :“Những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó vào Nước Thiên Chúa”. Điều đó cho thấy Chúa không cổ võ cho sự nghèo đói, nhưng Ngài chỉ cảnh giác mọi người : đừng coi tiền bạc của cải như là mục tiêu tối hậu của cuộc đời. Nhưng thật ra“tiền bạc là người đầy tớ tốt, nhưng là ông chủ xấu”. Chúng ta hãy coi tiền bạc của cải như phương tiện giúp chúng ta nên thánh và chia sẻ cho tha nhân. Chúng ta hãy sống tinh thần nghèo khó như lời Chúa Giêsu đã chúc phúc : “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3).
Hôm nay, trong bài đọc I, tác giả sách Khôn Ngoan đề cao sự khôn ngoan trổi vượt và đáng quý trọng hơn ngọc ngà châu báu, hơn cả sức khỏe và sắc đẹp. Vậy, sự khôn ngoan đó là gì, nếu không phải là lòng mến Chúa yêu người, là sự thánh thiện và các nhân đức, nhất là tinh thần chia sẻ bác ái ?
Sự khôn ngoan đó thể hiện qua việc chúng ta thay vì thu tích những đồng tiền vật chất, chúng ta hãy thu lượm lấy nhữngđồng tiền nhân nghĩa ở đời này.
Ngày xưa, tại vương quốc kia, đức vua mở phiên tòa xét xử một tên tội phạm nguy hiểm. Tên tội phạm phải lãnh án tử hình : bị treo cổ. Nhưng tại vương quốc ấy có một luật lệ đặc biệt : nếu người tử tội nộp đủ 1000 đồng tiền vàng, hắn sẽ được tha bổng.
Khi người ta sắp treo cổ hắn, thì bà hoàng hậu cùng đoàn tùy tùng đi săn bắn về ngang qua đó. Bà hoàng hậu thương tình muốn bỏ tiền ra để chuộc lại mạng sống cho tên tử tội.
Nhưng gom góp tất cả tiền của bà hoàng hậu và đoàn tùy tùng, người ta cũng chỉ đếm được 997 đồng. Còn thiếu ba đồng. Luật là luật ! Nhà vua ra lệnh : “Treo cổ nó lên !”. Sợi dây thừng được tròng vào cổ tên tử tội. Nhưng đúng lúc ấy, có tiếng người la lên ở giữa đám đông : “Thử lục túi hắn xem, biết đâu đấy !”.
Người ta liền lục soát túi hắn và quả thật, họ đã tìm được 3 đồng tiền chẳng ai ngờ đến ! Thế là tên tử tội được tha bổng.
Ba đồng tiền nhỏ nhoi không ai ngờ chính là những đồng tiền thiện chí, là phần góp nhỏ bé của mỗi người vào ân sủng Chúa ban. Tuy nhiên, đó cũng còn là những đồng tiền nhân nghĩa, những đồng tiền biết cho đi, biết chia sẻ cho tha nhân. Những đồng tiền ta trao tặng có thể thật nhỏ bé đến nỗi ta không quan tâm, những đồng tiền ta cho đi đôi khi ta đã quên mất, nhưng đó lại là những đồng tiền quý giá nhất, những đồng tiền mua được cả “kho báu trên trời”.
Logos Năm B