HÔN NHÂN, GIAO ƯỚC TÌNH YÊU- Suy niệm Chúa Nhật 27 Thường Niên-B

0
79

tải xuống

Người ta kể một mẩu chuyện về tính hài hước của nhà văn nổi tiếng người Anh là ông Bernard Shaw như sau :

Một hôm có người phụ nữ bạn của vợ nhà văn Bernard Shaw đến thăm bà Bernard Shaw. Nhưng khi người phụ nữ này đến thì bà Bernard Shaw không ở nhà. Bà ta chỉ nhìn thấy một ông già quần áo cũ kỹ đang làm vườn.

Bà khách hỏi :

– Ông làm việc cho gia đình ông bà Bernard Shaw bao lâu rồi ?

Ông già đáp :

– Thấm thoát đã 20 năm rồi !

Bà khách hỏi tiếp :

– Họ trả lương có khá không ?

Ông già trả lời :

– Thưa bà chỉ đủ ăn đủ mặc thôi !

Người phụ nữ kêu lên :

– Thế thì bất công quá ! Ông hãy tới làm việc cho tôi. Tôi sẽ trả lương cho ông hậu hĩ !

– Thưa bà, không thể được. Tôi đã cam kết làm việc suốt đời với bà Bernard Shaw.

– Vậy là ông sống trong chế độ nô lệ rồi !

– Thưa bà không, chỉ là chế độ hôn nhân thôi. Tôi chính là Bernard Shaw, chồng bà ấy !

Thì ra, vì không biết mặt ông Bernard Shaw nên người phụ nữ kia tưởng ông là người làm vườn.

Qua câu trả lời dí dỏm của nhà văn Bernard Shaw, chúng ta thấy được điều cốt lõi trong hôn nhân và gia đình : giao ước hôn nhân chính là sự cam kết chung sống suốt đời với nhau. Tuy nhiên, hôn nhân không phải là một chế độ nô lệ, nhưng là một giao ước tình yêu. Ngoài ra, hôn nhân Công Giáo lại còn là Bí tích do Chúa thiết lập và sợi dây hôn phối là sợi dây thiêng liêng bền chặt như lời Chúa phán : “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

Hôn nhân, giao ước tình yêu

Trong bài Tin Mừng theo thánh Marcô hôm nay, các biệt phái đã chất vấn Chúa Giêsu về vấn đề ly dị trong hôn nhân :“Người ta có được phép ly dị vợ mình không ?”. Nhân dịp này, Chúa Giêsu đã định hướng lại cái nhìn và sự suy nghĩ chưa đúng đắn của những người biệt phái về vấn đề hôn nhân và gia đình. Đối với những người biệt phái và cả dân chúng thời bấy giờ, họ vẫn quan niệm hôn nhân như một định chế của pháp lý. Nhưng Chúa Giêsu muốn nâng cái nhìn của họ lên cao hơn : hôn nhân chính là “giao ước tình yêu”.

Trong Cựu Ước, theo luật Môisen, người ta có thể ly dị trong cuộc sống hôn nhân (x. Đnl 24, 1). Điều đó cho thấy hệ thống luật lệ thời ấy đề cao quyền lợi của người đàn ông hơn quyền lợi của người phụ nữ. Và hệ thống luật lệ ấy đặt người vợ vào một vị trí rất thấp trong gia đình cũng như ngoài xã hội : các bà phải lệ thuộc vào quyền bính của người chồng.

Vì thế, các biệt phái đã trưng dẫn lề luật cho thấy Môisen cho phép người ta “rẫy vợ”. Chúa Giêsu đã nói rõ : sở dĩ có định chế pháp lý đó là vì sự “cứng lòng” của họ. Điều đó còn cho thấy “luật cũ” trong Cựu Ước có nhiều khuyết điểm cần phải được hoàn thiện với “luật mới” trong Tân Ước.

Chúa Giêsu đã dẫn đưa những người biệt phái trở về với Kinh Thánh và với ý định nguyên thủy của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình: đó chính là một chương trình xuất phát từ Thiên Chúa chứ không phải do con người định liệu : “Lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó, người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

Như thế, hôn nhân chính là một giao ước tình yêu xuất phát từ một người nam và một người nữ, bị thu hút đến với nhau, để nên “một huyết nhục” hay “một xương một thịt”. Giao ước đó còn xuất phát từ Thiên Chúa, Đấng đã kết hợp hai người nam nữ nên một, không được phân rẽ.

Vậy, trong bí tích hôn nhân, Thiên Chúa đã dùng “sợi tơ hồng” thiêng liêng để liên kết người chồng và người vợ lại với nhau và đó là sợi dây bền chặt khiến hai người “bất khả phân ly” và không được phép ly dị hay lìa bỏ nhau.

Hoa trái tình yêu trong hôn nhân và gia đình

Ngoài ra, hôm nay, Chúa Giêsu còn dạy các môn đệ và dân chúng một điều khác : hãy đón nhận nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ. Nghĩa là hãy mang lấy tâm hồn trẻ thơ để đến với Chúa và đến với nhau. Tâm hồn trẻ thơ là tâm hồn đơn sơ, trong trắng và chân thật. Quả thật, chỉ có những ai có tâm hồn thơ trẻ mới xứng đáng vào hưởng Nước Trời.

Tuy nhiên, một cách gián tiếp, Chúa Giêsu còn muốn dạy người ta luôn biết đón nhận các trẻ nhỏ là những con cái trong gia đình. Đó chính là hoa trái tình yêu của cuộc sống hôn nhân, là kết quả tình yêu giữa hai vợ chồng với nhau. Con cái còn là món quà ân sủng của Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Ngài muốn chúng ta hãy đón nhận những món quà đó với lòng yêu thương, với sự trân trọng và hãy hết sức bảo vệ cũng như làm phát triển chúng.

Đón nhận con cái Chúa ban tặng để giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Giáo Hội chính là nghĩa vụ của các bậc cha mẹ. Ngoài ra, làn sóng các đôi vợ chồng ly dị nhau tràn lan trên thế giới, đang làm cho những người con cái bị ném ra khỏi tổ ấm gia đình để đi vào con đường tội lỗi, hư hỏng. Đó chính là những vết thương sâu rộng và nhức nhối trong đời sống hôn nhân gia đình, khiến chúng ta phải suy nghĩ để phòng tránh.

Nguy hiểm hơn nữa, có nhiều người đã từ chối ân sủng của Thiên Chúa ban, đang tâm giết chết các mầm sống đang hình thành trong lòng mẹ. Họ đã từ chối tiếp nhận hoa trái tình yêu của hôn nhân và gia đình. Họ đã phũ phàng từ chối sự ra đời của con cái, cũng có nghĩa là từ khước tình yêu của nhau.

Hôm nay, giữa lúc những giá trị nền tảng của hôn nhân gia đình đang bị lung lay tận gốc rễ, những bậc cha mẹ đang được mời gọi hãy biết yêu thương và trung thành với nhau hơn. Vì cha mẹ có yêu thương và chung thủy với nhau thì họ mới biết yêu thương chăm sóc con cái một cách tâm tình và sẽ bảo vệ được hạnh phúc gia đình một cách trọn vẹn.

Bài đọc I, trích sách Sáng Thế thuật lại việc Thiên Chúa tạo dựng người nữ. Đó chính là người trợ tá bất khả phân ly của người nam, là người vừa thân thiết vừa bình đẳng với người nam. Qua đó, tác giả sách Sáng Thế muốn nhắc nhở chúng ta : vợ chồng hãy gắn bó với nhau thành “một thân thể”.

Chúa nhật 21/10/2001, ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong Á thánh cho hai vợ chồng người Ý tên là Luigi và Maria Quattrocchi. Điều đặc biệt là trong buổi lễ có sự tham dự của 3 trong 4 người con của 2 Á thánh hiện là 2 linh mục và 1 nữ tu. Quả thật, đó là một gia đình rất đạo đức thánh thiện và sống gương mẫu về mọi mặt.

Đây là lần đầu tiên Giáo Hội tôn phong Á thánh cho cả hai vợ chồng cùng một lúc. Giáo Hội muốn đề cao đời sống thánh thiện và giá trị tuyệt vời của hôn nhân Công Giáo.

Chúng ta hãy dâng lên Chúa tất cả các gia đình trên thế giới, để xin Chúa thánh hóa và ban tràn đầy ơn phúc trên các gia đình. Đặc biệt chúng ta hãy cầu nguyện cho các đôi vợ chồng luôn biết trung thành với nhau, cho gia đình của mỗi người chúng ta luôn biết sống gương mẫu, thánh thiện và tận tình yêu thương nhau.

Logos năm B