- “Dậy thì thành công” là trào lưu hot nhất trên mạng xã hội trong những tháng đầu năm 2017. Nhiều bạn trẻ đã thi nhau đăng tải những bức ảnh của chính mình trong khoảng thời gian cách biệt từ 5 đến 10, thậm chí 15, 20 năm. Dĩ nhiên bức ảnh trong hiện tại hoàn toàn xa lạ với bức ảnh trong quá khứ. Điều đó các bạn trẻ gọi là “dậy thì thành công” vì từ một con vịt trở thành một con thiên nga. Trào lưu “dậy thì thành công” của các bạn trẻ khiến tôi suy nghĩ đến việc “hoán cải thành công” mà Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi chúng ta.
- Trong phần dẫn nhập sách Giêrêmia của nhóm Phụng vụ Giờ Kinh đã viết về ông như sau: “Hơn mọi ngôn sứ khác, Giêrêmia phải gồng mình để chấp nhận lời Chúa và chấp nhận chính mình trong tương quan với lời ấy”. Những lời tâm sự của ông trong bài đọc thứ nhất cho chúng ta thấy sự dằn vặt trong chính nội tâm đã làm nên nét đẹp của riêng ông so với các ngôn sứ khác: “Lạy Chúa, Ngài quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ”. Chính sự quyến rũ đó đã khiến ông “trở nên trò cười cho thiên hạ”, “bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày”… Giêrêmia là một con người đa sầu đa cảm nhưng đã được Chúa hoán cải để trở thành một con người mạnh mẽ sống triệt để cho Lời Chúa. Từ lời rao giảng và việc đón nhận những đau khổ trong sứ mạng, ông cũng đã hoán cải được biết bao nhiêu con người khi họ đọc Lời Chúa trong sách tiên tri Giêrêmia.
Trong bài đọc II, thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Rôma hoán cải: “Anh em đừng có rập heo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mơi tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12, 2).
Sau khi loan báo cuộc khổ nạn, Đức Giêsu đã được sự khôn ngoan, tính toán theo kiểu thế gian của Phêrô bao bọc bằng cách: “Kéo riêng người ra và bắt đầu trách móc người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 16, 22). Đức Giêsu bảo ông phải lui ra đàng sau, để Ngài tiến lên phía trước. Đây đích thực là sự hoán cải. Hoán cải nghĩa là chấp nhận lùi bước với những chương trình riêng tư của con người, để ý định của Thiên Chúa được thực hiện. Đức Giêsu đã triển khai ý tưởng đó một cách rõ nét hơn: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lời gì?” (Mt 16, 26).
- Từ câu nói của Đức Giêsu đã hoán cải được nhiều vị thánh như Phanxicô Xaviê, Alphongsô hay Augustinô… Điểm chung của tất cả những vị thánh này là đã có hoặc đang tìm kiếm những sự thuộc về thế gian này, nhưng họ thấy một giá trị cao cả hơn nên đã mạnh dạn từ bỏ tất cả những gì đang có hoặc đang tìm, để bước theo một Đấng cho mình giá trị cao cả, sâu thẳm đó. Chắc chắn khi bước theo Đấng ấy để tìm kiếm một thứ hạnh phúc không thuộc về thế gian này thì họ phải đánh đổi tất cả, kể cả mạng sống mình. Và đó là đòi hỏi của Đức Giêsu: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24).Điểm chung cuối cùng của những vị thánh này là họ đã tìm kiếm được hạnh phúc đích thực cho riêng mình, và từ đó trở thành tấm gương cho thế hệ mai sau. Hay nói cách khác, họ đã hoán cải thành công.
- Giêrêmia đã thấy được sự thối nát của giới lãnh đạo cũng như sự hư hỏng của người dân Giuđa nên ông đã mạnh mẽ lên tiếng mời gọi một sự hoán cải, nhưng lời mời gọi của ông không được đón nhận, vì vậy Giuđa rơi vào cảnh mất nước và người dân phải chịu cảnh lưu đày. Thế cho nên, thời nào cũng vậy, từ xã hội cho đến Giáo hội; từ tập thể cho đến cá nhân đều cần phải có sự hoán cải vì những sai lầm của mình, nhất là khi những sai lầm đó đã được người khác phát hiện và chỉ cho thấy. Nếu họ đón nhận rồi khắc phục bằng những việc tốt và đem lại lợi ích cho người khác thì đó là hoán cải thành công. Nếu họ không đón nhận mà còn cố tình đi sâu vào những sai lầm của mình thì họ phải gánh lấy hậu quả.
- Một xã hội cần hoán cải để mưu cầu lợi ích cho người dân, để những quyền lợi chính đáng của họ được tôn trọng. Một Giáo hội cần hoán cải để tình thương của Thiên Chúa được dễ dàng loan báo đến “tận cùng trái đất”… Tuy nhiên những điều đó không nằm trong khả năng của chúng ta, nhưng chúng ta có thể góp phần bằng việc hoán cải chính mình. Lời của Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay sẽ là khuôn vàng thước ngọc để mỗi người chúng ta hoán cải.
- Trước hết là hoán cải trong tư tưởng. Đức Giêsu đã nói với Phêrô sau khi ông ngăn cản không cho Ngài lên Giêrusalem (cụm từ nói về việc Ngài sẽ bước vào cuộc khổ nạn): “Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16, 23b). Tư tưởng của Phêrô cũng là tư tưởng chung của nhiều người. Tư tưởng đó là việc muốn có một cuộc sống an nhàn, ngại khó, ngại khổ, chỉ nghĩ đến bản thân mình chứ không nghĩ đến người khác, chỉ thấy những cái trước mắt mà không thấy những chuyện sâu xa… Đức Giêsu đã chỉnh đốn tư tưởng của Phêrô bằng việc nói lên sự thật: Đừng tưởng theo Thầy là chuyện dễ dàng, hoặc theo Thầy chỉ để được hưởng thụ, sung sướng… “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24).
Như vậy hoán cải trong tư tưởng là luôn luôn ý thức con đường thập giá mình phải đi. Theo đạo, tin Chúa không phải để Chúa hóa giải những khó khăn trong cuộc sống (cũng có khi Chúa làm điều đó), nhưng quan trọng là để đủ sức mạnh vác lấy thập giá mỗi ngày. Nhiều người đổ thừa vì nghèo quá nên không đi lễ, đợi khi nào cuộc sống ổn định sẽ đi; đi lễ hoài mà không khá hơn, có lẽ Chúa không thương nên bỏ Chúa; cầu nguyện hết sức chân thành mà Chúa không nhậm lời nên nghi ngờ không biết có Chúa không… Đó là những tư tưởng cần được hoán cải. Hoán cải cho đến khi nào nhận thức được tình yêu của Chúa đã ban nhưng không nên tôi bước theo tình yêu đó như một cuộc dấn thân cho lý tưởng đời mình, chấp nhận tất cả, miễn là được sống cho tình yêu, thì đó là hoán cải thành công trong tư tưởng.
- Kế đến là hoán cải trong việc làm. Việc tuyên xưng Thiên Chúa ngoài môi miệng không quan trọng, như Phêrô mới vừa mạnh mẽ tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống”, thì liền sau đó đã ngăn cản Thầy mình lên Giêrusalem… Chính hành động quay trở lại Giêrusalem để chịu chết vì danh Đức Giêsu mới làm nên giá trị con người của Phêrô, và đó là sự hoán cải thành công.
Cũng vậy, lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta một sự hoán cải để can đảm bước đi theo Đức Kitô trên con đường thập giá, thì mỗi người hãy nhìn xem chúng ta đã làm gì cụ thể trong đời sống đức tin của mình. Nếu bấy lâu nay tôi đi lễ chỉ vì ép buộc, vì người này người kia lôi kéo, thì từ hôm nay tôi quyết tâm tham dự Thánh lễ Chúa Nhật với tất cả sự ý thức để thờ phượng Chúa. Nếu trong đời sống gia đình, tôi vẫn còn những đam mê sai trái cho một thứ tình cảm riêng tư nào đó, mặc dù chưa ai biết, nhưng chắc chắn sẽ làm đổ vỡ gia đình tôi, thì hôm nay tôi quyết tâm từ bỏ để giữ lời thề trung thành với người bạn đời của tôi. Nếu đang có những việc làm sai trái như gian lận, lường gạt, cờ bạc, chứa chấp… thì hôm nay tôi quyết tâm từ bỏ để sống ngay chính, hành nghề lương thiện… Chắc chắn chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải từ bỏ những điều đó, nhưng vì sự sống đời sau mà tôi sẽ sẵn sàng vác thập giá theo Chúa.
Các bạn trẻ theo trào lưu “dậy thì thành công” để chứng tỏ hiện tại tôi đẹp hơn trong quá khứ. Thì sau khi được lời Chúa hôm nay soi dẫn, tôi phải thực sự trở thành con người mới. Vì vậy hãy cùng nhau quyết tâm hoán cải từ trong tư tưởng việc làm của mình. Quyết tâm của chúng ta chắc chắn sẽ được Chúa thánh hóa trong thánh lễ này, bằng việc một lát nữa đây, khi dâng lễ vật, chúng ta hãy hiệp với chủ tế để dâng quyết tâm cụ thể cua mình.
Xin Mẹ Maria, Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp cầu bầu cùng Chúa cho chúng con “Hoán Cải Thành Công”.
Lm. Giuse Nguyễn